TCCSĐT - Ngày 4-12, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 2, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có chương trình cải cách tư pháp giai đoạn 2011- 2016.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, góp ý xoay quanh các nội dung trọng tâm về định hướng phân công trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tư pháp; chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2011-2016; chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2012, thông qua quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; nghe công bố quyết định thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo và quyết định bổ nhiệm ủy viên chuyên trách.

Về quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng quy chế cần có quy định chung về Ban Chỉ đạo và đề cao trách nhiệm của từng thành viên.

Liên quan đến đào tạo các chức danh tư pháp, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần mở trường đào tạo trình độ cử nhân về kiểm sát để bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ý kiến cho rằng: Học viện Tư pháp đang tập trung đào tạo các chức danh tư pháp là phù hợp, tuy nhiên để tăng cường nhân lực hơn cho ngành kiểm sát, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hoan nghênh các ý kiến đóng góp xây dựng tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016 cần quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối nêu trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng, đồng thời bám sát nội dung Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt việc hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; nghiên cứu xác định rõ chức năng thẩm quyền tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; xây dựng cơ chế chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp.

Chủ tịch nước yêu cầu các thành viên cần sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 để trình Bộ Chính trị quyết định.

Quan tâm đến cơ chế, chính sách và phương thức đào tạo cán bộ tư pháp, Chủ tịch nước nhấn mạnh các ngành tư pháp, kiểm sát, tòa án cần tăng cường chủ động phối hợp trong tuyển dụng đào tạo, nghiên cứu cơ chế thu hút tuyển chọn người có tâm huyết, đủ đức tài, mở rộng nguồn và tổ chức thi tuyển, điều chỉnh chế độ, chính sách tiền lương phù hợp tính chất đặc thù của hoạt động tư pháp.

Chủ tịch nước cho rằng, giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn khởi đầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức chính trị của cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với các cơ quan tư pháp./.