Chiều 26-11, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trong và ngoài nước công bố kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng chủ trì họp báo.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng thông báo: Sau 29 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Điểm nổi bật tại phiên họp này là thực hiện một số cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp: Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra chuẩn bị báo cáo tóm tắt, rút ngắn thời gian trình bày tại Hội trường xuống còn khoảng 15 đến 20 phút (trừ báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước).


Tại phiên họp tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận; sắp xếp hợp lý thời gian giữa thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường để có thời gian tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý… Quốc hội thảo luận những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau; bảo đảm ý kiến thảo luận tập trung, tránh trùng lặp và làm cơ sở để Quốc hội quyết định một số nội dung của dự án luật cho ý kiến lần đầu...


Tại phiên chất vấn, Quốc hội dành toàn bộ thời gian cho việc trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp. Tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề, có đối thoại, tranh luận về từng vấn đề. Người trả lời chất vấn trả lời ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi, thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa...


Về kết quả hoạt động lập pháp: Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật: Luật Lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Cơ yếu và Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị. Quốc hội cho ý kiến về 13 dự án luật.


Về kết quả hoạt động giám sát: Quốc hội tiến hành chất vấn đối với 5 bộ trưởng và trưởng ngành: Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề lớn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn. Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sau khi kết thúc các phiên họp về chất vấn; tiến hành giám sát chuyên đề và ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012….


Về hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng: Quốc hội đã thông qua: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Nghị quyết về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015; Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng toàn quốc.


Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí đã tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội, là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri cả nước.


Xung quanh câu hỏi của phóng viên về việc tiến hành điều trần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: công việc này đã từng được thực hiện, không phải là hoạt động mới. Trước đây đã có một vài ủy ban của Quốc hội đã tiến hành như Ủy ban về các vấn đề xã hội hay Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Thời gian tới công việc này sẽ tiếp tục được thực hiện xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn khách quan.


Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đề xuất của đại biểu Quốc hội về Luật Nhà văn và Luật Quyền riêng tư không được đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết do hồ sơ của hai luật này chưa được chuẩn bị đầy đủ nên tại kỳ họp này, chưa xem xét để đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội./.