Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển bền vững
Về lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”(1) và tiếp tục: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công...”(2). Kế thừa và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc là: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định việc chăm sóc những người và gia đình có công với cách mạng là lĩnh vực rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đó không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội và nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài.
Thành tựu chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc người có công thời gian qua
Trước hết là, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ưu đãi, chăm sóc người có công được ban hành thành một hệ thống, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và được các ngành, các cấp, các địa phương nỗ lực thực hiện ngày càng tiến bộ, phù hợp, kịp thời và đạt được những kết quả quan trọng. Ngày 27-7-1947 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chọn là ngày Thương binh - Liệt sĩ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ đó, trong đời sống văn hóa dân tộc hình thành nền nếp một ngày lễ để mọi người cùng có dịp tri ân những người có công. Nó trở thành một nét đẹp văn hóa của cả dân tộc, một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc của các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng và các cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị.
Bằng trách nhiệm và tình cảm, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thường xuyên dành sự ưu đãi cả vật chất và tinh thần với đối tượng người có công, tạo điều kiện để cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn. Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống chính sách trong lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng của Việt Nam. Hệ thống chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công ngày càng được xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thì đối tượng hưởng chế độ ưu đãi cũng thường xuyên được xem xét mở rộng, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công cũng thường xuyên được rà soát, đổi mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính và gắn với lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội tương ứng mức tiêu dùng bình quân ngày càng tăng của toàn xã hội. Từ Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được ban hành năm 1994 đến các pháp lệnh sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi Điều 22 và Điều 23 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 2002; đặc biệt, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11) của ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26; Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28-4-2006 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21-6-2007 của ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 26 và Nghị định số 89/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 35... đã thể hiện tính hệ thống và sự hoàn thiện liên tục của chính sách ngày càng sâu sát thực tế, mức độ quan tâm và các đối tượng được ghi công, được ưu đãi ngày càng mở rộng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và tăng trưởng kinh tế gắn kết với bảo đảm an sinh xã hội trong sự nghiệp đổi mới đất nước 25 năm qua.
Thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong thực tiễn đời sống xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền cũng như cùng với các bộ, ngành chức năng ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh về quy trình, thủ tục giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công, thường xuyên điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, chăm sóc sức khỏe... đối với người có công, cùng các chính sách ưu đãi khác trong giáo dục đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, việc làm, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động...
Có thể khẳng định rằng, hệ thống chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công được ban hành và thực hiện khá toàn diện, bao trùm hầu hết các đối tượng chính sách, không chỉ góp phần ổn định đời sống người có công mà còn hỗ trợ cho thân nhân của người có công cũng được hưởng ưu đãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hiện nay hơn 95% đối tượng chính sách có công với cách mạng đã có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội. Nhiều người nhờ những cơ hội ưu đãi mà vươn lên làm giàu chính đáng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước.
Cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, để bảo đảm người có công được hưởng các chính sách do Nhà nước ban hành một cách đầy đủ, kịp thời, thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động toàn xã hội chăm sóc người có công đã trở thành phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên và mang tính xã hội hóa cao với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và nhiều cá nhân, nhà doanh nghiệp tham gia ủng hộ. ở cả hai phương diện huy động nguồn lực là nguồn lực đầu tư cho ưu đãi xã hội và sự đầu tư của Nhà nước đều được tăng cường, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Bằng những chương trình cụ thể, như ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng học bổng cho con thương binh, liệt sĩ vượt khó học giỏi, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết, ngày 27-7 hằng năm ở địa phương, đơn vị sản xuất, cơ quan, hỗ trợ đối tượng và gia đình chính sách lúc khó khăn, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vốn, giúp đối tượng chính sách cải tạo vườn tạp thành vườn cây cho giá trị kinh tế cao, miễn giảm thuế hoặc ưu tiên cho thuê, mua, mượn đất làm kinh tế đối với cá nhân, tập thể người có công... Nhiều xã, phường duy trì phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên, thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của cả cộng đồng dân tộc với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Sự chung tay của các lực lượng xã hội và Nhà nước đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công. Năm 2010, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Quỹ đền ơn đáp nghĩa Trung ương đã nhận được sự ủng hộ 290 tỉ đồng, chúng ta đã xây mới 11.202 nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp 7.317 nhà cho đối tượng người có công với tổng số tiền hơn 401 tỉ đồng. Hơn 94% số xã, phường trong toàn quốc làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, trên 95% đối tượng chính sách đạt được mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội, 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng và chăm sóc chu đáo, tặng 16.282 sổ tình nghĩa với tổng số tiền trên 13 tỉ đồng. Hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ quy mô quốc gia và địa phương, các khu tưởng niệm danh nhân, anh hùng liệt sĩ và những “địa chỉ Đỏ” được nhân dân và các tổ chức xã hội góp công, góp của trị giá hàng trăm tỉ đồng để xây dựng và tu bổ.
Chúng ta rất cảm động và trân trọng nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng người có công khác bên cạnh sự ưu đãi hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và xã hội, đã nỗ lực vươn lên để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhiều tấm gương tiêu biểu của bản thân các đối tượng chính sách và con cháu họ đang tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, trong cộng đồng đã có sức lan tỏa, cổ vũ niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng, bồi đắp lối sống văn hóa của dân tộc. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lớp người có công vượt khó vươn lên trong sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành nhân tố điển hình mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn tạo điều kiện hỗ trợ những đối tượng chính sách, những “đồng đội” khác cũng có cơ hội phát triển. Họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bản thân đối tượng chính sách vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của lĩnh vực công tác chăm sóc người có công. Tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người có công kết hợp với vai trò của Đảng, Nhà nước và xã hội khuyến khích bản thân họ có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, không trông chờ ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu xây dựng và cải thiện cuộc sống của mình và gia đình mình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là minh chứng thuyết phục nhất tính ưu việt của chế độ chính trị ở nước ta. Thế “kiềng ba chân” (Đảng, Nhà nước; cộng đồng xã hội và bản thân người có công) phối hợp đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội tốt trong hiện thực đời sống, tiếp tục góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, đẩy lùi tiêu cực và đóng góp vào tiến trình đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, thực hiện tốt chính sách chăm sóc, ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn mới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, mọi chính sách và sự biến động về an ninh - chính trị, kinh tế, xã hội ở mỗi nước, mỗi khu vực và trên thế giới đều có những tác động sâu sắc mang tính toàn cầu đến từng quốc gia, vùng, miền, địa phương, đến từng cộng đồng dân cư, từng gia đình, thậm chí đến mỗi con người và ngược lại. Vì vậy, vấn đề an sinh xã hội nói chung, đặc biệt ưu đãi, chăm sóc người có công để không ngừng nâng cao mức sống của họ nói riêng, có ý nghĩa và tác động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn bị tác động không nhỏ bởi sự ảnh hưởng có tính quốc tế.
Những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới thời gian qua, như xu hướng giảm phát của kinh tế Nhật Bản, việc chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, những khó khăn về nợ công ở nhiều nước châu Âu, cuộc khủng hoảng chính trị tại 11 nước Bắc Phi, Trung Đông, thảm họa thiên tai ở Nhật Bản (ước tính lấy đi 0,5% tăng trưởng kinh tế toàn cầu), lạm phát,... đang là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia. Những biến động tiêu cực trên đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân, trong đó có một bộ phận là người có công với cách mạng và gia đình họ. Mặc dù trong năm 2010 chúng ta đã đạt được tới 17/21 chỉ tiêu đặt ra, tạo đà cho tăng trưởng những tháng đầu năm 2011, nhưng lạm phát cũng đang trở thành nguy cơ lớn đối với nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 6,12%; giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục; cán cân thương mại thâm hụt ở mức cao... Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương cùng nỗ lực vượt khó khăn. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ đã đề ra một số các chính sách, giải pháp bước đầu ổn định nền kinh tế vĩ mô, phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng tiềm lực và quy mô nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có bảo đảm mức sống cho người có công và thân nhân của họ.
Với mục tiêu chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng tự vươn lên, công tác chăm sóc người có công, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trong phát triển bền vững đòi hỏi cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công, trong đó xem xét hướng dẫn cụ thể hơn một số điểm trong các văn bản hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận để giải quyết chính sách cho người có công hiện còn tồn đọng; bổ sung và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ, thủ tục và mức hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...; thường xuyên xem xét điều chỉnh, bổ sung các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công phù hợp với thực tế và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Hai là, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng, giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn bảo đảm chính xác, đầy đủ và minh bạch về chế độ thụ hưởng của người có công. Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý trong lĩnh vực người có công từ khâu nghiên cứu, quản lý chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu công việc; đồng thời rà soát, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ cả về đạo đức và năng lực trong lĩnh vực công tác người có công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công. Phát hiện và giải quyết dứt điểm các vi phạm chính sách ưu đãi người có công để tạo sự đồng thuận xã hội cao, tập trung trọng tâm giải quyết những trường hợp đối tượng người thực sự có công còn tồn đọng vì nhiều lý do, nhất là những người do chiến tranh, thiên tai hay vì những lý do đặc biệt mà thất lạc, mất mát hồ sơ, chứng nhận cần thiết nên vẫn chịu sự thiệt thòi.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, huy động tổng hợp các nguồn lực để dành sự ưu đãi chăm sóc tốt nhất cho đối tượng người có công. Phấn đấu để trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội đang có nhiều tác động bất lợi đến an sinh xã hội như hiện nay, để người có công và gia đình họ vẫn được bảo đảm ổn định đời sống.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, nhằm nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Luôn coi việc chăm sóc người có công vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cao quý, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công, từng bước nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách phải vượt qua nhiều rào cản và thách thức. Chúng ta phải coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân vì sự phát triển một xã hội lành mạnh, an sinh xã hội bền vững. Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng cũng là góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện công bằng xã hội. Các cấp ủy và chính quyền, các ngành, các cấp, các địa phương phải luôn coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra./.
-------------------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật Hà Nội, 2011, tr.79, 126
Xây dựng, phát triển giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới  (01/11/2011)
Liên hợp quốc bàn biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân  (01/11/2011)
Việt Nam dự Đại hội Đảng Những người cộng sản Italy  (01/11/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-xu-ê-la  (31/10/2011)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan  (31/10/2011)
Ủng hộ Thái Lan 100.000 USD để khắc phục lũ lụt  (31/10/2011)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm