TCCS - Đạo đức nghề y (y đức) luôn được xã hội coi trọng, nó là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế và có ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh nhân. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, y đức có sự sa sút nghiêm trọng. Đại hội XI của Đảng  đã chủ trương “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh”. Giải pháp cơ bản để thực hiện chủ trương này là coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức quản lý và có nguồn tài chính tốt cho ngành y tế.
Tại sao phải đề cao y đức?

Buổi ban đầu của lịch sử, lực lượng sản xuất ở trình độ phát triển thấp, sự phân công lao động giản đơn, ngành nghề trong xã hội chưa phát triển. Khi lực lượng sản xuất phát triển ngày càng cao, sự phân công lao động càng tỉ mỉ, phức tạp, ngành nghề trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi thành viên trong xã hội có thể có một nghề nhất định. Vì vậy, hoạt động nghề nghiệp trở thành phương thức kiếm sống chủ yếu của con người. Thông qua hoạt động nghề nghiệp, những lợi ích trực tiếp, thiết yếu nhất của con người được thực hiện. Trong quá trình đó, con người không thể không có quan hệ lợi ích với người khác, với xã hội. Mỗi nghề nghiệp do con người lựa chọn hoặc do xã hội phân công đều có những đặc điểm riêng. Xuất phát từ đặc điểm ấy, qua thực tiễn, xã hội đặt ra những yêu cầu cụ thể về đạo đức nghề nghiệp trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Ở Việt Nam, nghề y và đạo đức nghề y ra đời từ rất sớm và chịu ảnh hưởng lớn của đạo đức truyền thống phương Đông, thích ứng với nền sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp. Lý luận về đạo đức nghề y được xây dựng trên cơ sở đạo đức của Nho giáo và giới luật của Phật giáo. Sự tự giác rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức của đạo Nho, đạo Phật tạo nên những nét riêng trong đạo đức nghề y Việt Nam. Các tên tuổi lớn gắn với nghề y trong lịch sử có Phạm Công Bân, Nguyễn Bá Tĩnh thời nhà Trần, Nguyễn Đại Năng thời nhà Hồ, Hoàng Đôn Hòa, Đào Công Chính, Lê Hữu Trác thời nhà Lê, Nguyễn Gia Phan thời Tây Sơn. Trong các tên tuổi ấy, Lê Hữu Trác nổi lên như là một nhân vật tiêu biểu.

Từ khi đất nước giành được độc lập, đạo đức xã hội nói chung, đạo đức nghề y nói riêng, được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tinh hoa đạo đức truyền thống của dân tộc. Qua thực tiễn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới, đạo đức nghề y đã hình thành rõ nét, được các nhà khoa học bàn luận nhiều, khái quát lại, y đức có nghĩa chung là những nguyên tắc phẩm hạnh và các chuẩn mực phẩm hạnh của người thầy thuốc (đại diện cho nghề y) trong quan hệ với bệnh nhân, với công việc, với y học, với đồng nghiệp và với xã hội.

Xã hội luôn đòi hỏi nghề y phải đề cao y đức vì xuất phát từ đặc điểm của nghề y. Mối quan hệ giữa nghề y (người thầy thuốc là đại biểu) với người bệnh là mối quan hệ đặc biệt. Người bệnh đến với người thầy thuốc trong tâm trạng buồn vui, tính tình, cảm xúc vừa do bệnh và nhiều yếu tố khác của cả cuộc đời chi phối. Họ hy vọng nhiều vào sự giúp đỡ của thầy thuốc. Họ tin tưởng rằng, trí tuệ, lòng nhân đạo cao cả của người thầy thuốc sẽ cứu họ thoát khỏi sự đau đớn về thể xác, tinh thần để trở về với gia đình, đơn vị công tác và xã hội. Ngược lại, người thầy thuốc do chức năng, nhiệm vụ của nghề nghiệp mà đi sâu vào đời sống người bệnh từ thể chất - tâm sinh lý một cách nhân đạo, sâu sắc. Do tính đặc thù của đối tượng nghề y, nên một thiếu sót dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn. Xuất phát từ đặc điểm ấy, xã hội luôn yêu cầu cao đối với người thầy thuốc: phải có lòng nhân đạo, lương tâm và trách nhiệm với người bệnh; phải có trình độ trong các vấn đề khác nhau của y học, phải tận tụy với công việc; phải có các đức tính cao hơn các nghề khác là yêu nghề, yêu con người, đức độ nhân từ, khiêm tốn, đoàn kết, hoàn thiện óc quan sát khoa học, dũng cảm, lạc quan, kiên quyết  trong khi giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người bệnh... Xã hội từ trước đến nay, có nhiều người viết về nghề y và yêu cầu đối với y đức. Nhà phẫu thuật Ấn Độ cổ đại Xu-sru-ta, trong kinh Aiur Vê-đa, viết rằng: “Người thầy thuốc chỉ có kỹ năng mổ mà coi nhẹ kiến thức y học, không đáng được kính trọng. Người ấy có thể đẩy sự sống vào những nguy hiểm” (1). Nhà y học A-vi-xen thời trung cổ đã nêu một cách nên thơ đặc tính và nhân cách của người thầy thuốc rằng: “người ấy phải có đôi mắt của con chim đại bàng, đôi tay người con gái, có sự khôn ngoan của con rắn và quả tim của con sư tử” (2). Thầy thuốc người Nga P. Ga-lơ cuối thế kỷ XIX viết: “Y học là bà chúa của khoa học, bởi sức khỏe là cần thiết cho tất cả cái gì vĩ đại và đẹp đẽ trên thế gian” (3). Ở Việt Nam, vào thế kỷ XVIII, Lê Hữu Trác cho rằng “nghề y là nghề cao quý, nghề giúp nước, giúp dân, là nghề nhân thuật, nghề liên quan đến tính mệnh con người. Vì vậy, người làm nghề y không thể là người kém cỏi về tài năng cũng như đạo đức” (4). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào... Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”(5).

Thực trạng y đức ở nước ta

Trong hai cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân, đế quốc và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, người thầy thuốc - dân y và quân y - đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình một cách xuất sắc. Hàng trăm, hàng ngàn tấm gương sáng “người thầy thuốc như mẹ hiền” đã được nhân dân ta ca ngợi.  Nhiều bác sĩ như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng... đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tôn vinh vì đức hy sinh, dũng cảm trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời kỳ đất nước đổi mới, do biết kế thừa đạo đức truyền thống, biết làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết vận dụng quan điểm định hướng của Đảng về ngành y tế, biết dựa vào mặt tích cực của nền kinh tế thị trường nên đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của cá nhân, tập thể trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều cá nhân và đơn vị tiên tiến, anh hùng trong ngành y được Đảng, Nhà nước tuyên dương.

Tuy vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động nhiều đến xã hội nói chung, trong đó có ngành y tế. Chính kinh tế thị trường đã tác động làm biến đổi quan hệ giữa lợi ích và đạo đức trong ngành y. Không ít thầy thuốc, đơn vị đã nguyên tắc hóa lợi ích vật chất trong hoạt động nghề nghiệp. Điều đó dẫn đến hệ quả là, nếu trước đây y đức được coi là gốc, là cơ sở cho các phẩm chất khác của người thầy thuốc, của đơn vị, thì nay lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của đơn vị lại được xem là ưu tiên trước hết. Nếu trước đây coi nhân cách là thiện chí, thiện tâm, trách nhiệm vì lợi ích người bệnh, lợi ích xã hội, thì nay coi nhân cách là ở quy mô thu nhập, thành đạt trong việc thực hiện lợi ích. Nếu trước đây coi trọng sự hợp tác với đồng nghiệp vì mục tiêu sức khỏe người bệnh thì nay chấp nhận sự cạnh tranh trong nghề nghiệp. Nguyên tắc hóa lợi ích cá nhân trong nghề nghiệp (trái hẳn với sự hài hòa lợi ích cá nhân - tập thể - xã hội do Đảng ta định hướng) đã len lỏi, can thiệp vào các mối quan hệ của y đức, làm cho y đức suy thoái. Sự suy thoái ấy được biểu hiện rất đa dạng và có nhiều mức từ thấp đến cao:

Trong quan hệ giữa người thầy thuốc với người bệnh, sự suy thoái biểu hiện ở thái độ thiếu niềm nở, lịch sự trong giao tiếp với bệnh nhân, thiếu tôn trọng quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của con người, thờ ơ với nỗi đau của người bệnh... Sự suy thoái nặng hơn nữa là viện cớ chế độ chính sách y tế còn nhiều bất cập mà gây phiền hà, vô trách nhiệm trong thăm khám và điều trị, là lôi kéo người bệnh về chữa trị tại phòng khám tư của mình, kê đơn thuốc đắt tiền và móc nối với hiệu thuốc để hưởng hoa hồng, vòi vĩnh quà cáp và tiền của người bệnh.

Trong chuyên môn, một số thầy thuốc do không chấp hành nguyên tắc của bệnh viện, quy chế của chuyên môn đã để xảy ra những sai sót về kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh.

Trong quan hệ với đồng nghiệp, sự suy thoái của y đức biểu hiện ở tinh thần thiếu hợp tác vì mục đích chung, ở sự thiếu tôn trọng chuyên môn và sự đóng góp của đồng nghiệp trong thăm khám, điều trị, ở sự ít chia sẻ thông tin với đồng nghiệp về chuyên môn.

Trong quan hệ với xã hội, sự suy thoái của y đức biểu hiện ở sự thiếu nhiệt tình trong hỗ trợ tuyến dưới, khi tham gia chống dịch bệnh, trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, trong khám chữa bệnh miễn phí, thiếu gương mẫu trong nếp sống, trong sinh hoạt tập thể...

Trong lịch sử y học, Lê Hữu Trác đã nhìn thấy sự biểu hiện đa dạng, nhiều cấp độ khác nhau của y đức, nên ông đã cho rằng muốn trở thành người thầy thuốc có lòng nhân ái thì phải dày công rèn luyện theo tám đức (nhân, minh, trí, đức, lượng, thành, khiêm, cần) và chống tám tội (lười, keo, tham, lừa dối, bất nhân, hẹp hòi, thất đức, dốt). Trong công cuộc đổi mới, Bộ Y tế đã quy định về Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế kèm theo Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6-11-1996 gồm 12 điều y đức. Năm 1999, Bộ Y tế tiếp tục ban hành bản tiêu chuẩn cụ thể phấn đấu về y đức gồm ba phần: tiêu chuẩn y đức đối với nhân viên y tế ở các bệnh viện; tiêu chuẩn y đức đối với các khoa, phòng trong bệnh viện; tiêu chuẩn y đức đối với bệnh viện.

Nhưng hiện nay không ít thầy thuốc và cơ sở khám, chữa bệnh không thấy hết mức độ sa sút về y đức từ cách ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân, thậm chí còn có thái độ vô trách nhiệm, thờ ơ với nỗi đau của người bệnh... Hiện tượng tiêu cực trong khám, chữa bệnh đã trở thành phổ biến, kéo dài, mất lòng tin đối với xã hội. Vì vậy đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng ta “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh” (6) lúc này là vô cùng cần thiết.

Những giải pháp cấp thiết

Triển khai thực hiện quan điểm trên của Đảng, ngành y tế đang đứng trước những thử thách:

- Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn ra phức tạp... Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại (7).

- Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, những mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động vào ngành y tế, là trở ngại lớn để thực hiện các quan điểm định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng đối với ngành y tế.

- Nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tăng cao theo sự tăng trưởng GDP.

- Cơ cấu bệnh tật có sự thay đổi lớn.

- Nguồn tài chính để xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân rất eo hẹp.

- Năng lực quản lý của ngành y tế còn nhiều bất cập. Tư duy nhiệm kỳ, cục bộ, bản vị kéo dài, nhiều nơi, nhiều lúc bộc lộ ảnh hưởng xấu gay gắt, cản trở sự phát triển (8).

Trước những thử thách ấy, để nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong khám, chữa bệnh, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với các nội dung cụ thể sau:

- Giáo dục đạo đức truyền thống của ngành y tế: học tập, làm theo lời thề Hy-pô-crát, lời thề và những điều y đức của Lê Hữu Trác, tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức, đức hy sinh vì khoa học, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng,...

- Học tập, quán triệt sâu sắc và thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; học tập các quan điểm định hướng xã hội chủ nghĩa trong văn kiện Đại hội X và Đại hội XI của Đảng đối với ngành y tế.

- Xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức ngắn gọn, cụ thể cho các đối tượng trong ngành, trước hết là cho thầy thuốc để thực hiện trong toàn ngành.

- Coi môn đạo đức học và đạo đức y học trong các cơ sở đào tạo nhân viên y tế là môn học của khoa học y học, có vai trò quan trọng như các môn khoa học khác.

- Biểu dương, khen thưởng những nhân viên y tế tận tâm, có nhiều sáng kiến, cải tiến để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kịp thời phê phán và xử lý nghiêm minh những nhân viên y tế có biểu hiện tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

Thứ hai, coi trọng công tác tổ chức quản lý các cấp của ngành y tế, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất, phân phối lưu thông thuốc. Nâng cao y đức, đấu tranh chống tiêu cực trong khám, chữa bệnh đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với công tác tổ chức và quản lý. Đây là biện pháp thực tiễn quan trọng vì khi tư duy và hành động của các cấp ủy, các nhà quản lý luôn tìm mọi biện pháp chống tiêu cực về y đức thì tất yếu sẽ có nhiều thầy thuốc, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, nhiều cửa hàng thuốc được người bệnh tôn vinh, các quan điểm định hướng của Đảng đối với ngành y tế sẽ trở thành hiện thực.

Thứ ba, bảo đảm nguồn tài chính đầu tư cho ngành y tế để xây dựng cơ sở vật chất và các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân là yếu tố quan trọng để chống tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

- Những năm gần đây, ngân sách nhà nước cấp cho y tế ngày một tăng. Hiệu quả sử dụng ngân sách chi cho y tế đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn cách xa so với yêu cầu. Giải pháp cấp thiết là hằng năm Nhà nước tăng tỷ lệ ngân sách cho sự nghiệp y tế bảo đảm tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước.

- Hiện nay, số người tham gia đóng bảo hiểm y tế đã chiếm 46% dân số. Giải pháp cấp thiết là phát triển nhanh, vững chắc bảo hiểm y tế và coi đây là nguồn thu chính thay cho viện phí.

- Xây dựng một nhóm chính sách tổng thể bảo đảm cho người nghèo, người có công với nước, người thuộc nhóm đối tượng chính sách xã hội được dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng có chất lượng.

- Chính phủ đã có Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16-1-2002 về tự chủ cho bệnh viện công. Cân đối giữa việc mang lại hiệu quả và việc bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe khi đề xuất và áp dụng một số giải pháp tự chủ là vấn đề cần thiết. Nhận thức rõ rằng, hiệu quả và công bằng là hai mặt tồn tại và nương tựa vào nhau trong chăm sóc sức khỏe.

- Cần có nhóm chính sách tổng thể trong vấn đề đãi ngộ cho cán bộ y tế ở các cơ sở cung ứng dịch vụ công, tránh manh mún và giảm sự cách biệt giữa cán bộ làm việc tại các vùng khác nhau (9).

Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh là hai vấn đề liên hệ mật thiết với nhau, là việc làm vừa thường xuyên, vừa cấp bách của ngành y tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh, củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc. Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh còn có ý nghĩa thực hiện các quan điểm định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng đối với ngành y tế./.

-----------------------------------------------

 (1), (2), (3) M.E.Tê-lê-xép-xcai-a, N.I.Pô-ghip-cô: Đạo đức y học, Nxb. Y học, Hà Nội, 1986, tr. 31 - 32

(4) Trần Văn Thụy: Đại danh y Lãn Ông và cơ sở tư tưởng của nghề làm thuốc, chữa bệnh. Nxb. Y học,

Hà Nội, 2001, tr. 109

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,Hà Nội, 1996, t.7, tr. 476

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, 

Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 230

(7) Văn kiện đã dẫn, tr. 184

(8) Tạp chí Cộng sản, Số 817 (11-2010), tr. 19

(9) Tạp chí Cộng sản, Số 821 (3-2011), tr. 57 - 59