TCCSĐT  - Cách đây đúng 10 năm, ngày 7-10-2011, Mỹ và một số đồng minh đã phát động cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan. Mục tiêu của Mỹ và đồng minh là đánh bật mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa ra khỏi Áp-ga-ni-xtan và lật đổ thể chế quyền lực của Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan.

Thủ lĩnh của An Kê-đa, tỉ phú người A rập Xê-út Ô-xa-ma Bin La-đen (Osama bin Laden), bị Mỹ coi là kẻ thù số một và đối tượng truy sát hàng đầu. Chính thể Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan bị Mỹ coi là hậu thuẫn và che chở cho Ô-xa-ma Bin La-đen và An Kê-đa. Chính thể này nhanh chóng bị đánh đổ và 10 năm sau Ô-xa-ma Bin La-đen mới bị Mỹ tiêu diệt. Cả Ta-li-ban lẫn An Kê-đa mặc dù bị suy yếu nhưng vẫn tồn tại và vẫn là thách thức về quân sự cũng như an ninh đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Sau 10 năm, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Mỹ cùng các đồng minh của mình đã và vẫn phải tiếp tục “trả giá rất đắt”.

4.000 tỉ USD và 225.000 người thiệt mạng - đó là tổng kết của nhóm nghiên cứu mang tên “Cái giá của chiến tranh” (Costs of War) của Dự án nghiên cứu Eisenhower thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Oát-sơn (Watson) của Trường Đại học Tổng hợp Brao (Brown - Mỹ) về những chi phí tài chính và thiệt hại về người và của mà cuộc chiến tranh của Mỹ và đồng minh ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc gây ra kể từ ngày 7-10-2001. Nhóm nghiên cứu này bao gồm nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị và xã hội, trong đó có cả những chính khách và nhà kinh tế nổi tiếng của nước Mỹ. Theo kết quả nghiên cứu trên, có tới 225.000 người ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc bị thiệt mạng, trong đó có hơn 31.700 người ở phía cùng chiến tuyến với Mỹ. Số người bị thương ước tính ít nhất 550.000 người.

Hãng truyền hình CNN thì đưa ra một vài số liệu thống kê để phác họa bức tranh tương tự về chi phí và thiệt hại thực sự do cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan gây ra. Theo CNN, trong 10 năm qua đã có hơn 2.700 binh lính Mỹ và ít nhất 26 đồng minh khác của Mỹ bị thiệt mạng ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó có 382 binh lính Anh và 157 binh lính Ca-na-đa. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, hơn 14.000 binh lính Mỹ bị thương ở Áp-ga-ni-xtan.

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan là cuộc chiến tranh lâu nhất và dài nhất mà Mỹ đã từng tiến hành ở nước ngoài. Nếu chỉ tính từ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đến khi Mỹ rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam thì cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam kéo dài 103 tháng, trong khi đến nay cuộc chiến tranh của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đã bước sang tháng thứ 120. Lúc đầu, Mỹ trù tính chỉ cần đưa đến Áp-ga-ni-xtan 5.000 quân, nhưng rồi Mỹ và 46 đồng minh của mình đã phải đưa tới đây gần 140.000 binh lính. Cuộc chiến tranh này cũng là cuộc chiến tranh đầu tiên Mỹ trang trải chi phí bằng "vay nợ thực sự".

Mười năm nhìn lại, nhiều mục tiêu chiến lược Mỹ và đồng minh đặt ra với cuộc chiến tranh này hiện vẫn “xa vời”. Cái giá mà họ đã phải trả cho 10 năm qua chưa phải là cái giá cuối cùng vì cuộc chiến tranh chưa biết đến khi nào mới thật sự kết thúc với Mỹ và đồng minh, cho dù họ đã đưa ra lộ trình rút khỏi đó cho tới năm 2014./.