Cơ sở pháp lý xây dựng đường biên giới đất liền Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển
TCCS - Tiếp theo Tuyên bố chung ngày 31-12-2008 về hoàn thành Phân giới cắm mốc (PGCM) Việt Nam - Trung Quốc, ngày 19-11-2009, được sự ủy quyền của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vỹ đã ký 3 văn kiện pháp lý quan trọng: Nghị định thư về Phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, kết thúc quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Các văn bản này sẽ có hiệu lực sau khi hai bên thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước và ngày văn bản thông báo cuối cùng được gửi đi sẽ là ngày bắt đầu tính hiệu lực nếu không có quy định khác. Ngày 11-03-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt các văn kiện này. Phía Trung Quốc cũng đang xúc tiến các thủ tục trong nước để sớm phê duyệt và đưa các văn kiện vào cuộc sống. Nghị định thư PGCM, bản đồ và các phụ lục đính kèm sẽ được đăng ký và nộp lưu chiểu lên Liên hợp quốc. Một đường biên giới hoàn chỉnh từ Đông sang Tây được đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại, được xác định chính xác bằng các biện pháp kỹ thuật cao (hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống thông tin địa lý GIS, giao cảm RS), ghi nhận bằng các bản đồ và mô tả chi tiết hướng đi.
1 - Biên giới Việt - Trung: từ lịch sử đến hiện thực
Đường biên giới Việt - Trung từ thế kỷ X là đường biên giới vùng, mang tính tập quán, chưa được xác định bằng các văn bản pháp lý quốc tế. Với Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, Pháp và nhà Thanh đã xác định biên giới, đánh dấu bằng 314 cột mốc, ghi nhận trên bản đồ tỷ lệ 1: 100.000. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khu vực còn để trắng, chưa cắm mốc, chưa được giải quyết triệt để như thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân, nhiều mốc qua thời gian và chiến tranh đã bị hư hại, dịch chuyển, địa hình tại thực địa nhiều nơi không phù hợp với bản đồ gây khó khăn cho quản lý. Đường biên giới được thể hiện trong Nghị định thư PGCM và các bản đồ, phụ lục kèm theo ký trong tháng 11-2009 là thành quả của sự quan tâm giải quyết của Đảng và Chính phủ hai nước hơn nửa thế kỷ qua (tính từ ngày 2-11-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên giải quyết vấn đề biên giới trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại và mọi tranh chấp có thể bằng đàm phán, và thư tháng 4-1958 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý), là 35 năm với 4 đợt đàm phán lớn (từ năm 1974 đến 2009), trong đó đợt đàm phán cuối cùng dài nhất với 18 năm nỗ lực liên tục trên đàm phán và thực địa nhằm hoạch định và PGCM biên giới Việt Nam - Trung Quốc (1991 - 1999: đàm phán, ký Hiệp ước biên giới trên đất liền; 2000 - 2008: đàm phán, phân giới, cắm mốc trên thực địa; 2008 -2009: đàm phán xây dựng Nghị định thư PGCM). Toàn bộ đường biên giới dài 1.449,566 km, (trong đó đường biên giới trên đất liền là 1.065,652km, đường biên giới nước là 383,914 km) được đánh dấu bằng 1971 cột mốc cho 1378 vị trí mốc chính và 402 vị trí mốc phụ (một vị trí trên thực địa có thể được đánh dấu bằng 1, 2 hoặc 3 mốc tùy theo quy định và thực địa). Mốc số 0 là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc là mốc lớn được làm bằng đá hoa cương, có ba mặt, gắn quốc huy của ba nước, đặt trên đỉnh núi Khoan La San (Shi Ceng Da Shan), có độ cao là 1.866,23m, tọa độ địa lý 22o 24' 02,295" vĩ độ Bắc, 102o 08' 38,109" kinh độ Đông, theo Hiệp định về ngã ba biên giới năm 2007 ký giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mốc cuối cùng 1378 là mốc đơn, loại trung, làm bằng đá hoa cương, đặt trên phía đông nam bãi Dậu Gót (Heng Shi Sha Zhou), có độ cao 1,01m, tọa độ địa lý 21o 30' 15,244'' vĩ độ Bắc, 108o 04' 08,974'' kinh độ Đông. Mốc được thiết kế đặt trên đế mốc bằng bê tông hình tròn, cao gần 10m bảo đảm khi thủy triều lên (4 - 5m), mốc vẫn nổi trên mặt nước. Từ mốc cuối cùng này, biên giới theo trung tuyến sông kéo đến giới điểm 62 và cũng là điểm bắt đầu của biên giới biển trong Vịnh Bắc Bộ.
2 - Nội dung của Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc
Nghị định thư phân giới cắm mốc gồm 5 phần, 13 điều khoản:
- Phần I: Các quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6), phần này nêu cơ sở pháp lý và triển khai công tác PGCM, quy định cách thức mô tả đường biên giới; chất liệu mốc giới, phân công cắm mốc, các loại mốc giới và cách đánh số mốc giới...
- Phần II: Mô tả hướng đi của đường biên giới và vị trí mốc giới (Điều 7) từ mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc đến điểm cuối cùng của đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (giới điểm 62). Phần này mô tả chi tiết hướng đi của từng đoạn đường biên giới lần lượt từ mốc tới mốc; tọa độ, độ cao, vị trí cụ thể của từng mốc; chất liệu và kích cỡ các loại mốc; quy định đường biên giới được thể hiện trên "Bản đồ biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", tỷ lệ 1: 50.000 do hai bên cùng thành lập. Đây là phần quan trọng nhất của Nghị định thư phân giới, cắm mốc.
- Phần III: Kiểm tra, bảo vệ hướng đi của đường biên giới, mốc giới, đường thông tầm nhìn biên giới (từ Điều 8 đến Điều 10), phần này nêu các quy định cụ thể đối với công tác kiểm tra, bảo vệ hướng đi của đường biên giới, mốc giới, đường thông tầm nhìn biên giới...
- Phần IV: Khu vực tàu thuyền đi lại tự do (Điều 11), phần này quy định rõ phạm vi, điều kiện đi lại tự do của tàu thuyền tại khu vực cửa sông Bắc Luân theo đúng thỏa thuận của hai Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ; đồng thời, nêu rõ các hoạt động đi lại này được thực hiện theo Hiệp định do hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc thống nhất.
- Phần V: Các điều khoản cuối cùng (Điều 12, Điều 13), quy định về hiệu lực, trình tự và thủ tục để Nghị định thư có hiệu lực...
Nghị định thư PGCM lần đầu tiên quy định rõ ràng các cồn bãi trên sông suối quy thuộc giữa hai nước. Phù hợp với luật pháp quốc tế, sau khi Nghị định thư này có hiệu lực, bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông suối thực địa đều không làm thay đổi vị trí của đường biên giới đã phân giới, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Đường biên giới sẽ được tiến hành kiểm tra liên hợp 10 năm một lần để bảo dưỡng duy trì, sửa chữa mốc giới. Hai khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân sẽ có quy chế pháp lý đặc thù. Nhằm tạo sự thuận lợi cho tàu thuyền hai bên qua lại khu vực cửa sông Bắc Luân và hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc, hai bên tiến hành đàm phán và sẽ ký kết Hiệp định về quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc trong năm 2010.
Nghị định thư và các văn kiện đính kèm gồm bộ bản đồ địa hình khu vực biên giới Việt - Trung, có thể hiện đường biên giới và vị trí các mốc giới (35 mảnh); tập "Bảng đăng ký mốc giới"; tập "Bảng tọa độ, độ cao mốc giới" và tập "Bảng quy thuộc các cồn, bãi trên sông suối biên giới" có khối lượng khoảng hơn 2.200 trang văn bản. Đây là Hiệp định biên giới đầy đủ nhất, lớn nhất mà Việt Nam ký với một nước láng giềng trong lịch sử của mình.
3 - Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc
Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt - Trung gồm Lời nói đầu, 11 chương, 54 điều khoản:
- Lời nói đầu: Thể hiện nguyên tắc, căn cứ và mục tiêu của hai bên trong việc xây dựng Hiệp định...
- Chương I: Giải thích các thuật ngữ sử dụng trong Hiệp định.
- Chương II: Cơ sở pháp lý và các nội dung cơ bản về hình thức, biện pháp quản lý, duy trì và bảo vệ hướng đi đường biên giới, mốc giới và đường thông tầm nhìn biên giới (từ Điều 2 đến Điều 7).
- Chương III: Kiểm tra liên hợp biên giới (Điều 8) quy định về việc thành lập, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra liên hợp cũng như thời hạn tiến hành kiểm tra đường biên, mốc giới...
- Chương IV: Vùng nước biên giới (từ Điều 9 đến Điều 13) quy định chi tiết về việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng các vùng nước biên giới cũng như quy định về xây dựng các công trình gần và trên vùng nước biên giới...
- Chương V: Hoạt động và sản xuất tại vùng biên giới (từ Điều 9 đến Điều 13) quy định về các hoạt động sản xuất, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản, bay chụp ảnh...
- Chương VI: Qua lại biên giới và quản lý, duy trì trật tự vùng biên giới (từ Điều 14 đến Điều 21) quy định về thủ tục, địa điểm qua lại biên giới, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự biên giới...
- Chương VII: Quy chế liên hệ và hợp tác kinh tế tại vùng biên giới (từ Điều 22 đến Điều 27) quy định về quy chế liên hệ đối đẳng giữa các địa phương hai bên đường biên giới (tỉnh, huyện, khu); quy chế hợp tác phát triển mậu dịch hai bên biên giới (mở các khu thương mại, điểm chợ biên giới...); phối hợp bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm...
- Chương VIII: Xử lý sự kiện biên giới (từ Điều 28 đến Điều 30) quy định về các sự kiện biên giới và thủ tục, biện pháp phối hợp xử lý các sự kiện này của các cơ quan hữu quan hai bên biên giới...
- Chương IX: Đại diện biên giới và chức năng, quyền hạn của đại diện biên giới (từ Điều 31 đến Điều 49) quy định về thủ tục, cơ cấu của đại diện biên giới cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện biên giới hai bên...
- Chương X: Cơ chế thực hiện (Điều 50) quy định về việc thành lập ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc để triển khai thực hiện các quy định của Hiệp định sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
- Chương XI: Các điều khoản cuối cùng (từ Điều 51 đến Điều 54) quy định về hiệu lực, trình tự và thủ tục để Hiệp định có hiệu lực; thủ tục gia hạn, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung của Hiệp định...
Hiệp định có 18 phụ lục quy định về mẫu một số giấy tờ trao đổi giữa hai bên trong quá trình xử lý các công việc trên vùng biên giới (mẫu Công hàm trao đổi giữa Đại diện biên giới; mẫu thẻ qua lại biên giới của nhân viên dưới quyền Đại diện biên giới... và Điều lệ của ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc).
4 - Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc
Hiệp định gồm Lời nói đầu, 12 điều và 01 phụ lục:
- Lời nói đầu: Căn cứ và mục tiêu của hai bên trong việc xây dựng Hiệp định...
- Điều 1: Giải thích các thuật ngữ sử dụng trong Hiệp định.
- Điều 2: Quy định thống nhất danh mục của các cửa khẩu đã mở và sẽ mở; thủ tục mở cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc...
- Điều 3: Quy định về việc qua lại của người, hàng hóa, phương tiện giao thông vận tải tại các cửa khẩu.
- Điều 4: Quy định về hoạt động nghiệp vụ, trao đổi nghiệp vụ của các cơ quan kiểm tra, kiểm nghiệm của hai bên tại các cửa khẩu...
- Điều 5: Quy định về thời gian làm việc của các cửa khẩu đã mở; quy định về nghĩa vụ thông báo cho nhau trong trường hợp đóng cửa, thay đổi vị trí, loại hình cửa khẩu...
- Từ Điều 6 đến Điều 12: Quy định về một số nội dung khác và quy định về hiệu lực, trình tự và thủ tục để Hiệp định có hiệu lực; thủ tục gia hạn, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung của Hiệp định...
Tiếp theo Nghị định thư phân giới cắm mốc, việc ký chính thức Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu mở đầu thời kỳ mới trong quản lý biên giới hai nước. Hai văn kiện này sau khi có hiệu lực sẽ thay thế "Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" ký ngày 7-11-1991. Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu quy định rõ hệ thống cửa khẩu song phương và cửa khẩu quốc tế cùng chế độ pháp lý của chúng. Hai bên xác nhận 9 cặp cửa khẩu quốc tế đã được mở trên vùng biên giới gồm Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, Lào Cai- Hà Khẩu (đường bộ), Lào Cai - Hà Khẩu (đường sắt), Thanh Thủy - Thiên Bảo, Trà Lĩnh- Long Bang, Tà Lùng - Thủy Khẩu, Đồng Đăng - Bằng Tường (đường sắt), Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng và tên 13 cửa khẩu khác sẽ được mở khi có đủ điều kiện, thời gian và thể thức mở cụ thể sẽ do hai bên thỏa thuận qua đường ngoại giao. Hiệp định quy chế quản lý biên giới với quy định cụ thể nội dung các hoạt động trên biên giới, các công trình biên giới, chế độ qua lại biên giới, chế độ kiểm tra, hợp tác giải quyết các vụ việc biên giới. Hiệp định đã tiếp thu các kinh nghiệm quản lý biên giới giữa hai nước trong thời gian qua, các hiệp định quy chế quản lý biên giới hai nước đã ký với các nước láng giềng như Hiệp định quy chế quản lý biên giới Việt - Lào (năm 1977), Hiệp định quy chế quản lý biên giới Trung - Nga (năm 2008). Nội dung của Hiệp định mang tính hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu mới, đặc biệt các quy định mới về cơ chế tổ chức quản lý thông qua các Đại diện biên giới.
5 - Ý nghĩa của việc ký kết ba văn kiện về quản lý biên giới Việt - Trung
Đã 35 năm trôi qua kể từ khi hai nước chính thức tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Ngoài ý nghĩa lần đầu tiên xác định rõ ràng một đường biên giới ổn định giữa hai nước nêu trên, việc ký kết 3 văn kiện lần này đã góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Việt Nam - Trung Quốc. Như đánh giá của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong Tạp chí Thế giới đương đại số 4-2009: "Trong thế kỷ XX, quan hệ này đã một thời xấu đi, trong đó tranh chấp lãnh thổ và xung đột biên giới là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ song phương. Vì thế việc giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới, kết thúc lịch sử "có biên không có giới", xây dựng biên giới Trung - Việt thành biên giới hòa bình ổn định lâu dài không những là nguyện vọng tha thiết của nhân dân hai nước, mà còn là vấn đề lớn trong quá trình hai nước giải quyết đầu tiên và có được bước đột phá triệt để kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay".
Hoàn thành PGCM và ký kết các văn bản pháp lý quản lý biên giới đất liền có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; mối quan hệ láng giềng đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã tiến thêm một bước vững chắc trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai và trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Hai trong ba vấn đề biên giới do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới đất liền và Vịnh Bắc Bộ đã được giải quyết. Các bài học trong giải quyết phân định Vịnh Bắc Bộ và biên giới đất liền sẽ là kinh nghiệm quý đối với hai nước cũng như các nước có liên quan hợp tác tìm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.
Các hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng của cả hai bên tiến hành quản lý biên giới một cách khoa học, hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, và các vi phạm khác do thiếu hiểu biết về đường biên giới. Việc thực hiện 3 văn kiện sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của mỗi nước, tạo điều kiện cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị. Năm 1991 kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt 30 triệu USD. Năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế, kim ngạch hai nước đạt gần 20 tỉ USD, tăng 600 lần trong 17 năm. Một đường biên giới ổn định sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện các kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế lớn hơn như Dự án đường cao tốc Vân Nam - Lào Cai - Xuyên Á, chương trình một trục hai cánh, Vịnh Bắc Bộ mở rộng...
Việc ký kết các Hiệp định phân định biển Việt Nam - Thái Lan (1997), Hiệp định về khai thác chung Việt Nam - Ma-lai-xi-a (1992), phân định thềm lục địa Việt Nam - In-đô-nê-xi-a (2003), Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia (1985) ký ngày 10-10-2005, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000), hoạch định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (1999), Nghị định thư về Phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (2009) cho thấy thiện chí và quyết tâm của Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp về biên giới lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Việc hoàn thành các văn kiện trên là thành quả có ý nghĩa trong năm 2010 - năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, "Năm hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc", góp phần vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới./.
Ðại hội thi đua yêu nước ngành dầu khí lần thứ hai và đón nhận Huân chương Sao Vàng  (14/06/2010)
Xóa đói, giảm nghèo ở Ninh Bình: khi “chí đã quyết, lòng đã đồng”  (14/06/2010)
Chủ thuyết cách mạng và phát triển của Việt Nam  (14/06/2010)
Hội nghị cấp cao SCO năm 2010  (14/06/2010)
Hội nghị thường niên OAS lần thứ 40 tại Pê-ru  (14/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên