Chủ thuyết cách mạng và phát triển của Việt Nam

Nguyễn Đức Bình
15:04, ngày 14-06-2010

TCCS - Chủ thuyết Cách mạng và phát triển của Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hơn 80 năm nay, và mãi từ nay về sau.

I - Sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc

Sau những biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô, cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ XX, một chiến dịch công kích, phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lê-nin dấy lên từ nhiều phía. Kẻ thù của chủ nghĩa Mác từng vu cáo, xuyên tạc, bác bỏ học thuyết cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động suốt một thế kỷ rưỡi nay, giờ đây như có được cơ hội vàng, chúng càng ra sức xuyên tạc, hòng chôn vùi nó vĩnh viễn.

Trước tình hình đó, nhiều người hoang mang, dao động về lý tưởng, có người khuyên Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, bởi theo họ, thời thế (thời đại) đã thay đổi. Cá biệt có người cho rằng sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa đã sai từ đầu, rằng giá như lúc đó (cuối những năm 20 thế kỷ XX) đi con đường khác thì biết đâu nước ta vẫn giành được độc lập, kinh tế, văn hóa vẫn phát triển, lại tránh được mấy cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hao tổn biết bao xương máu.

Vậy phải chăng lịch sử đang lặp lại: đầu thế kỷ XXI dân tộc ta phải làm lại cái việc “tìm đường”, “chọn đường” như đầu thế kỷ XX?

Không thể chấp nhận cái thuyết “chọn sai đường” và “giá như...”. Vấn đề ở đây thật ra không phụ thuộc ý tưởng chủ quan một cá nhân ai, mà suy cho cùng là quyết định khách quan của lịch sử.

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp Bắc, Trung, Nam. Đó là các phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục, các phong trào Đông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành v.v.. các phong trào kể trên đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước. Và như vậy, tất cả các phương án chính trị của các giai cấp đều đã đưa ra và được lịch sử khảo nghiệm - từ đường lối cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đến những đường lối theo lập trường nông dân, lập trường tiểu tư sản, lập trường tư sản. Đường lối của Việt Nam Quốc dân Đảng theo hệ tư tưởng tư sản tưởng chừng có cái mới, tích cực nhất lúc bấy giờ, nhưng qua khởi nghĩa Yên Bái bùng lên đã tắt ngấm vĩnh viễn chỉ còn để lại dư âm câu nói vô vọng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học “sát thân thành nhân”. Rõ ràng “tình hình đen tối như không có đường ra”(1).

Trong lúc đó, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu nổi lên như một điển hình tiêu biểu, một tấm gương phản chiếu tập trung và cô đọng con đường cứu nước mà dân tộc ta đã trải qua ở đầu thế kỷ. Cụ đi từ chủ trương cứu nước thuần túy đến quân chủ lập hiến, đến yêu cầu ngoại viện, đến ý tưởng dân chủ chung chung, cuối cùng đến cảm hứng về Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917. Phan Bội Châu đi vào lịch sử như một tiêu điểm giao thời, một nhịp cầu nối giữa hai thời đại lịch sử của dân tộc, ở chỗ Cụ là người phát ngôn cho nhu cầu lịch sử dân tộc phải chuyển sang thời đại mới của cuộc đấu tranh giải phóng. Phan Bội Châu còn xa mới hiểu thật rõ bản chất chủ nghĩa xã hội và Cách mạng Tháng Mười. Dù sao, khi nghe tiếng sấm Cách mạng Tháng Mười, Cụ đã có những cảm nghĩ thật xúc động: “May thay! Đương giữa lúc khói đục, mây mù, thình lình mà có một luồng gió xuân thổi tới; đương giữa lúc trời khuya đất ngủ, thình lình mà có một tia thái dương mọc ra, luồng gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy”(2).

Nhưng con đường mới mà Cụ Phan Bội Châu chỉ dự cảm được ở cuối đời sau khi trải qua “một trăm thất bại không một thành công” (lời Cụ than thở), khi thân đã tàn, sức đã kiệt, thì chính Nguyễn ái Quốc cùng thời không chỉ cảm thấy mà đã nhận chân một cách vững chắc, khoa học. Và, chính Nguyễn ái Quốc đã đáp ứng trúng nhu cầu lịch sử dân tộc, đưa đất nước đi vào đúng quỹ đạo thời đại mới. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(3). Người lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đường lối đã đưa sự nghiệp Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển đi lên, không thế lực nào ngăn cản nổi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta và nhân dân ta thiết tha mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước, song bọn thực dân đế quốc đã đem quân xâm lược nước ta một lần nữa. Vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhân dân ta đã phải tiến hành 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 20 năm chống đế quốc Mỹ. Chưa hết, 4 năm sau đó quân dân ta phải tiếp tục đổ máu từ chiến tranh biên giới để bảo vệ Tổ quốc. Với chiến thắng oanh liệt mùa Xuân năm 1975, cả nước độc lập, thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1975 đến 1985, sự nghiệp xây dựng đạt những thành tựu nhất định. Song cũng trong thời gian này, Đảng ta đã phạm sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm và nhất là do chủ quan duy ý chí, vi phạm những quy luật khách quan, dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã tự phê bình nghiêm túc, rút ra những bài học sâu sắc, từ đó đề ra đường lối đổi mới. Đại hội VI là mốc lịch sử rất quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Đảng ta và đất nước ta. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ X năm 2006 đánh giá công cuộc đổi mới đã giành “những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử”.

Vậy, chỉ cần thực sự cầu thị, nhìn đúng sự thật lịch sử, thì chắc không ai đặt lại vấn đề về con đường xã hội chủ nghĩa, mà dân tộc ta đang đi.

II - Thế giới đổi thay, thời đại không thay đổi

Nhận thức sâu sắc những đặc điểm lớn này của thời thế là tiền đề không thể thiếu, làm cơ sở để giữ vững niềm tin ở con đường lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn, để tiếp tục con đường Đảng ta, dân tộc ta đang đi. Làm rõ vấn đề này, điều hết sức quan trọng nữa là từ đó rút ra những bài học cần thiết cho sự nghiệp chúng ta, những bài học đầy giá trị hào hùng, cả không ít bài học cay đắng. Đây là một đại tổng kết lịch sử và lý luận, đại tổng kết thực tiễn có ý nghĩa quan trọng quyết định để đưa con đường cách mạng và phát triển của dân tộc ta tiếp tục vững chắc đi lên.

“Thế giới đổi thay” nói ở đây chủ yếu liên quan đến sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối thể kỷ XX đưa đến sự đảo lộn cả trật tự thế giới. Còn “Thời đại không thay đổi” là nói, mặc cho thế giới đã đổi thay, nhưng thời đại với tính chất là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thì không thay đổi.

1 - Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, sự kiện bi thảm nhất ở thế kỷ XX là một tổn thất lớn chưa từng có đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập tự do trên toàn thế giới. Nó làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên quy mô toàn cầu giữa cách mạng và phản cách mạng, có lợi cho chủ nghĩa đế quốc, bất lợi cho các lực lượng cách mạng. Các thế lực đế quốc phương Tây hý hửng tuyên bố “chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chết”!!!. Họ không giấu giếm ý đồ thiết lập “trật tự thế giới mới” do Mỹ đứng đầu và không còn nước nào đủ khả năng đối trọng.

Song, lịch sử trả lời rằng: hoàn toàn không có chuyện “cáo chung”. Bước tiến của cách mạng chậm lại, song không thế lực nào có thể quay ngược bánh xe lịch sử.

Khi Liên Xô sụp đổ, Đảng ta đã sớm chỉ ra hai loại nguyên nhân: nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.

Nguyên nhân sâu xa là trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thành tựu vĩ đại, đã có những khiếm khuyết, nhược điểm nghiêm trọng về mô hình xây dựng và phát triển chậm được phát hiện và khắc phục, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế - xã hội, dẫn tới khủng hoảng. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhân danh cái gọi là “tư duy chính trị mới”. Đó là đường lối xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một số nhân vật lãnh đạo cao nhất. Chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế vốn không lúc nào ngừng âm mưu, hành động chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội. Lợi dụng những khó khăn và sai lầm về đường lối của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, họ đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” cực kỳ thâm độc, can thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng trợn vào nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng chủ nghĩa đế quốc đã không đánh mà thắng. Dĩ nhiên, chúng không thể làm được điều này, nếu cải tổ có đường lối đúng đắn, nếu 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô có tinh thần cảnh giác cách mạng và sức chiến đấu cao, không để nội bộ “tự diễn biến” khiến cho bọn xét lại và phản bội thao túng cơ quan lãnh đạo của Đảng; nếu có sự cố kết chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô.

Xác định mô hình của chủ nghĩa xã hội là một trong những vấn đề khó nhất và phức tạp nhất của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã từng dự báo về điều này. Ngay trước Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin đã viết: “Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”(4).

Đánh giá mô hình đầu tiên của chủ nghĩa xã hội được áp dụng ở Liên Xô là vấn đề rất không đơn giản, đòi hỏi quan điểm lịch sử, biện chứng và thật cụ thể. Một số người thông qua phê phán “mô hình” với ý đồ xóa toẹt mọi thành tựu của chủ nghĩa xã hội và phủ nhận bản thân chủ nghĩa xã hội, cả hiện thực, lẫn lý luận.

Mô hình đầu tiên của chủ nghĩa xã hội ra đời ở Liên Xô trong bối cảnh đặc biệt. Từ sau Cách mạng Tháng Mười đến kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất. Điều kiện xây dựng chế độ mới cực kỳ khó khăn phức tạp: nền kinh tế lạc hậu bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, tiếp đến là nội chiến, rồi chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc, bị bao vây về kinh tế và về mọi mặt v.v.. Mặc dù vào đầu những năm 20, V.I. Lê-nin sáng suốt đã đề ra Chính sách kinh tế mới, nhưng sau khi Người qua đời, đường lối đúng đắn này không được quán triệt thực hiện. Hơn nữa, chưa được bao lâu thì từ cuối những năm 20 đầu những năm 30, triệu chứng cuộc chiến tranh thế giới mới ngày càng lộ rõ. Trong bối cảnh ấy, phải nhanh chóng biến nước Nga lạc hậu thành cường quốc công nghiệp, vừa để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ tình trạng lạc hậu, vừa để chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh đang đến gần. Giải quyết vấn đề này và giải quyết cho được trong một thời gian ngắn nhất trở thành mệnh lệnh sống còn đặt ra trước vận mệnh Tổ quốc Xô-viết và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong những điều kiện nghiệt ngã như vậy, Nhà nước Xô-viết không thể không áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao, một cơ chế cho phép huy động tối đa các lực lượng xây dựng, sáng tạo. Như được biết, Liên Xô đã hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, quá nửa thời gian trong đó là nội chiến, chống chiến tranh can thiệp và khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Chỉ có phát huy cao độ tinh thần anh dũng, hy sinh của hàng trăm triệu quần chúng nhân dân, chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được kỳ tích như vậy. Không thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn, vai trò không thể thay thế của mô hình chủ nghĩa xã hội đầu tiên này.

Sai lầm chủ yếu dẫn đến sự trì trệ là chậm phát hiện và chậm sửa chữa những khuyết tật của mô hình, duy trì quá lâu mô hình đó nhất là khi nền kinh tế đã cạn khả năng phát triển theo chiều rộng, đòi hỏi phải chuyển sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu, khi mà cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mới đã đạt được những thành tựu vượt bậc, khi chủ nghĩa tư bản triệt để khai thác những thành tựu ấy để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Khuyết tật lớn của mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô là tuyệt đối hóa cơ chế kế hoạch hóa tập trung, tuyệt đối hóa nguyên tắc tập thể, coi nhẹ vai trò chủ động và sáng kiến cá nhân, chối từ một cách chủ quan duy ý chí nền sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, triệt tiêu động lực lợi ích trực tiếp, do đó triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị kinh tế và cá nhân người lao động. Hậu quả của việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp là nền kinh tế Liên Xô từng đạt không ít đỉnh cao thế giới, đã lâm vào tình trạng trì trệ, tốc độ phát triển chậm dần, sức sản xuất ngày càng tụt hậu, hiệu quả kinh tế ngày càng thua kém các nước tư bản, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong khi gặp khó khăn về kinh tế, Nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nhất này phải dành một tỷ lệ ngân sách quá lớn cho quốc phòng trước sự thách thức chạy đua vũ trang của Mỹ.

Sai lầm, khuyết tật gắn với mô hình cũ biểu hiện không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn thể hiện ở hệ thống chính trị, ở phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, ở quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Một trong những khuyết điểm lớn của mô hình cũ là không phát huy được tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm nghiêm trọng. Chủ nghĩa quan liêu hoàn toàn trái ngược với bản chất chủ nghĩa xã hội, nhưng với cơ chế cũ thì không có cách gì ngăn chặn sự phát triển của nó.

Do chậm đổi mới cơ chế kinh tế, cơ chế quản lý, hệ thống chính trị và mối quan hệ gắn bó với nhân dân, nên hậu quả là Liên Xô đang trên đà rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với các nước tư bản phát triển thì từ giữa những năm 70 tình hình diễn ra theo hướng ngược lại. Sự thua kém rõ rệt của Liên Xô thể hiện trong lĩnh vực công nghệ và năng suất lao động. Mà đây lại là yếu tố, như V.I. Lê-nin nói, xét đến cùng, quyết định thắng lợi hoàn toàn của chế độ mới.

Chủ nghĩa giáo điều, sự xơ cứng trong tư duy lãnh đạo dẫn tới chậm phát hiện các sai lầm. Người ta cũng đã thi hành một vài cải cách, nhưng những cải cách đó không cơ bản, không giải quyết trúng các vấn đề, lại phạm những sai lầm mới về chính trị kinh tế, trượt từ tả sang hữu.

Những sai lầm chủ quan nói trên là nguyên nhân sâu xa làm chế độ xã hội chủ nghĩa suy yếu, cuối cùng rơi vào khủng hoảng. Đó không phải là những sai lầm, khuyết tật do bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác - Lê-nin sinh ra, trái lại do quan niệm giáo điều, chủ quan duy ý chí đi ngược lại tinh thần duy vật biện chứng, “linh hồn” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Chúng tôi cho rằng, trong tình hình chủ nghĩa xã hội trì trệ và khủng hoảng do những sai lầm, khuyết tật của mô hình cũ thì cải tổ nhằm thay đổi mô hình xã hội chủ nghĩa là tất yếu. Cải tổ là tất yếu, nhưng sụp đổ thì không là tất yếu. Vấn đề ở chỗ, cải tổ thế nào, nhằm mục đích gì, theo đường lối nào. Lịch sử không có chữ “nếu”, nhưng lịch sử cung cấp những bài học hào hùng hoặc cay đắng không thể bỏ qua. Nếu cải tổ được thực hiện theo một đường lối đúng đắn, thật sự mác-xít lê-nin-nít về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không phạm những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng như đã diễn ra thì làm sao Liên bang Xô-viết có thể sụp đổ? Mọi ý kiến khẳng định về cái gọi là “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự kết thúc thời đại lịch sử quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới, chỉ là võ đoán hoàn toàn vô căn cứ.

2 - Thảm họa sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu cho thấy rằng, sự ra đời của một chế độ mới không bao giờ là một quá trình suôn sẻ, êm thấm, trơn tru. Nó ra đời trong sự liên tục tìm tòi và thể nghiệm bản thân, trong cuộc đấu tranh phức tạp, quyết liệt và dai dẳng giữa cái mới và cái cũ, trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những thế lực thù địch bên ngoài, bên trong, những kẻ luôn tìm cách xóa bỏ nó. Trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm và đấu tranh ấy, có khi do sai lầm chủ quan, có khi do tương quan lực lượng, có khi do bối cảnh chung không thuận lợi, có khi do tác động kết hợp cả mấy nhân tố ấy mà chế độ mới tạm thời phải lùi bước hoặc thất bại. Cách mạng tư sản, điển hình là cách mạng Pháp cũng đã diễn ra như vậy. Kể từ năm 1789, trải qua bao biến cố thăng trầm, phục hồi và chống phục hồi chế độ quân chủ, khi nghiêng tả, khi ngả sang hữu (theo chuẩn tư sản lúc đó) cuối cùng phải đến tháng 2-1848, nghĩa là mất gần 60 năm, nền chuyên chính tư sản mới được xác lập tuyệt đối và hoàn toàn. Lịch sử ra đời chế độ tư bản đã vậy, thì đối với chế độ xã hội chủ nghĩa lại càng như vậy, bởi chủ nghĩa xã hội là một chế độ mới và khác về chất so với mọi chế độ bóc lột.

V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Sự xuất hiện của một giai cấp mới trên vũ đài lịch sử, với tư cách là người lãnh tụ và người lãnh đạo xã hội, không bao giờ diễn ra mà lại không có một thời kỳ “tròng trành” hết sức dữ dội, một thời kỳ chấn động, đấu tranh và bão táp, đó là một mặt; mặt khác, không bao giờ diễn ra mà không có một thời kỳ mò mẫm, thí nghiệm, do dự, ngả nghiêng trong việc lựa chọn những phương pháp mới đáp ứng đúng với tình thế khách quan mới”(5). Đối với phong trào cách mạng thế giới sau Cách mạng Tháng Mười, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta đã quen như thấy một mạch đi lên, cao trào nối tiếp cao trào, ba dòng thác cách mạng không ngừng tiến công. Một thời gian dài chúng ta chỉ thấy tình hình thuận buồm xuôi gió, do đó khi cách mạng gặp trắc trở, lại là trắc trở to lớn như sự đổ vỡ cả một mảng lớn chủ nghĩa xã hội, thì ở nhiều người, cú sốc thật kinh hoàng ghê gớm! Đây là bài học hết sức lớn về nhận thức chính trị.

Trong giai đoạn rất phức tạp hiện nay của tiến trình lịch sử thế giới, người cộng sản kiên định vẫn khẳng định thế giới đổi thay nhưng thời đại không thay đổi, nội dung cơ bản, tính chất của nó vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.

Học giả Mỹ gốc Nhật Phu-cu-y-a-ma (Fukuyama) cho rằng, Liên Xô sụp đổ có nghĩa “lịch sử đã kết thúc” với sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Quan điểm đó đã sớm bị chính giới khoa học phương Tây bác bỏ, bởi nó thể hiện sự hấp tấp vội vàng, quá ư vô căn cứ. Lịch sử xã hội loài người không ngừng vận động tiến lên thông qua những mâu thuẫn, mà xét cho cùng là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Chừng nào còn chủ nghĩa tư bản, còn những mâu thuẫn nan giải của chủ nghĩa tư bản như hiện nay và, cùng với quá trình chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn toàn cầu hóa, những mâu thuẫn ấy ngày càng trở nên sâu sắc và mở rộng hơn, thì lịch sử vẫn không ngừng vận động và, theo quy luật lịch sử - tự nhiên, chỉ có thể vận động theo hướng chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ tiêu vong và được thay thế bằng chủ nghĩa xã hội.

Lại có ý kiến cho rằng, với thực trạng thế giới hiện nay, sau khi Liên Xô tan rã, không cần nhắc lại định nghĩa thời đại nữa, vì chủ nghĩa xã hội trên thế giới còn rất xa vời, khẳng định thời đại lúc này không ích gì, trái lại dễ gây ảo tưởng chủ quan, phiêu lưu trong hành động thực tế. Quan điểm này không có sức thuyết phục. Nếu thời đại hiện nay không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thì sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta cũng mất luôn cơ sở lịch sử xã hội thế giới khách quan và những người cách mạng mất đi một cơ sở vững chắc cho niềm tin lý tưởng ở quy luật lịch sử và tiền đồ cách mạng. Quan điểm thời đại nếu không rõ ràng, chính xác thì không thể có phương hướng cách mạng rõ ràng, chính xác. Sự nghiệp cách mạng và con đường phát triển đi lên của các dân tộc sẽ không thể giành thắng lợi nếu thiếu tầm nhìn xa trông rộng và nếu không được đặt đúng quỹ đạo thời đại. Trên phương diện này, dân tộc Việt Nam ta đã có bài học lịch sử mang tính kinh điển. Thất bại nối tiếp thất bại của các phong trào giải phóng dân tộc chống Pháp, những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có nguyên nhân sâu xa ở chỗ, các sĩ phu trí thức cầm đầu các phong trào hồi bấy giờ, mặc dù nhiệt huyết yêu nước và chí khí đấu tranh có thừa, nhưng nhận thức về thế giới còn hạn hẹp, người thì vẫn tưởng như thời đại phong kiến đang còn, người thì coi thời đại tư sản vẫn đang lên, người thì chỉ biết chỗ dựa là nông dân một vùng nghèo rừng núi, không thấy thiên hạ đại cục v.v..

Trong khi đó, Nguyễn ái Quốc bôn ba khắp thế giới để quan sát và tìm đường cứu nước, qua thực tiễn thống trị tàn bạo phổ biến của chủ nghĩa đế quốc và dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga, đã nhận thức đúng thời đại mới là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, từ đó Người chủ trương đưa Cách mạng Việt Nam vào đúng dòng chảy của thời đại. Chúng tôi nghĩ rằng, cùng với luận điểm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” thì luận điểm: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(6), là luận điểm gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh; nếu ai quên điều đó, thì căn bản không thể hiểu được nguyên lý cơ bản nhất của Cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nguyên lý ấy là nền tảng của Cương lĩnh chính trị, là ngọn cờ thắng lợi của Cách mạng Việt Nam 80 năm qua.

Trái với quan điểm rằng, ngày nay không cần và không nên nhắc lại định nghĩa về thời đại, chúng tôi cho rằng trong tình hình thế giới cực kỳ rối ren, phức tạp, và đầy những biến động bất trắc hiện nay càng cần khẳng định lại một cách mạnh mẽ nội dung và tính chất căn bản của thời đại, nếu không cách mạng sẽ mất phương hướng, sẽ phải mò mẫm, vấp váp và không tránh khỏi thất bại. Tất nhiên, việc nhận thức nội dung, tính chất của thời đại cần kết hợp tính kiên định về nguyên tắc chiến lược với sự tinh tế, mềm dẻo, khôn ngoan trong sách lược thực tiễn.

Quả là đang có ý kiến cho rằng, phải có quan niệm mới về thời đại thay cho quan niệm cũ đã lạc hậu, đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua. Thời đại hiện nay, theo những đại biểu của ý kiến này, là thời đại hậu công nghiệp, cũng gọi là thời đại văn minh hậu công nghiệp, thời đại khoa học công nghệ hay thời đại kinh tế tri thức, văn minh tin học, văn minh trí tuệ v.v.. Tất nhiên, không có gì sai ở bản thân các khái niệm đó. Những khái niệm này rất có ý nghĩa và đầy nội dung bổ ích khi dùng đúng chỗ, nhất là trong các công trình nghiên cứu kinh tế cụ thể, xã hội học cụ thể. Những người mác-xít tuyệt đối không xem nhẹ cách mạng khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, ý thức rõ ràng rằng, thiếu những cái đó không thể có chủ nghĩa xã hội hiện đại.

Có điều cần phân biệt rõ: khái niệm thời đại văn minh trong các trường hợp nêu trên thực chất và chủ yếu là nói về văn minh kỹ thuật, chúng chưa đưa lại bức tranh xã hội toàn vẹn về sự vận động lịch sử xã hội loài người như một tổng thể, chưa thể xác định tính chất các chế độ xã hội. Cách tiếp cận theo nền văn minh không cho phép đi vào bản chất, nguồn gốc sâu xa, các động lực thực sự của sự chuyển biến hợp quy luật từ chế độ xã hội này lên chế độ xã hội khác, từ thời đại lịch sử này lên thời đại lịch sử khác cao hơn. Nói “tiến cùng thời đại” mà không xuất phát từ nội dung, bản chất định nghĩa thời đại cũng là một cách nói mơ hồ, không rõ tiến cùng thời đại nào!

Chỉ có chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa duy vật lịch sử mới có thể giúp nhận thức thâm nhập sâu vào bên trong quá trình lịch sử, từ đó phát hiện ra lô-gíc của lịch sử và trên cơ sở đó mới giúp nhận thức tái hiện được một cách thật sự khoa học bản chất các thời đại lịch sử xã hội thế giới. Chủ nghĩa Mác xuất phát từ chỗ, trong hoạt động sản xuất xã hội, con người không chỉ có quan hệ với tự nhiên mà còn có những quan hệ nhất định, tất yếu với những con người khác, tức quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hợp thành phương thức sản xuất, tạo nên cơ sở kinh tế trên đó mọc lên kiến trúc thượng tầng chính trị, tư tưởng, pháp luật, văn hóa v.v.. Và chính biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là động lực cơ bản của sự vận động lịch sử, là nguồn gốc sâu xa của các cuộc cách mạng xã hội, đưa đến sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn. Lý luận mác-xít về năm hình thái kinh tế - xã hội chính là kết quả khái quát quá trình vận động tiến lên của lịch sử thế giới, là lô-gíc của lịch sử xét trên quy mô toàn thế giới (tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ). Lịch sử thế giới không gì khác là lịch sử ra đời, phát triển, rồi suy vong của các hình thái kinh tế - xã hội, là lịch sử thay thế lẫn nhau hợp quy luật giữa các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao. Đó chính là cơ sở khách quan, khoa học, cơ sở thực tiễn và lý luận để nói về thời đại, để xác định các thời đại lịch sử. Bàn về thời đại lịch sử xã hội, do đó, không thể không xuất phát từ cách tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội. Phương pháp tiếp cận này không đối lập, không loại trừ phương pháp tiếp cận theo nền văn minh, trái lại chúng bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Chẳng phải Ph.Ăng-ghen đã từng đề cập tới thời đại mông muội, thời đại dã man, thời đại văn minh trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước đó sao! Tuy hai phương pháp tiếp cận hình thái và tiếp cận theo nền văn minh có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng khi bàn về thời đại lịch sử xã hội thế giới thì căn bản phải dựa vào phương pháp tiếp cận hình thái kinh tế - xã hội, dựa vào phương pháp luận duy vật lịch sử, phương pháp khoa học duy nhất, không gì có thể thay thế.

Định nghĩa thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học đó.

...

(Còn nữa)
 
_____________________________________________________________________________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 10, tr 3

(2) Trích cuốn Xã hội chủ nghĩa - Phan Bội Châu: Toàn tập, Nxb Thuận Hóa, 1990, t 4, tr 132

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9 , tr 314 và t 10, tr 128

(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, (tiếng Việt), Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t 34, tr 152 - 153

(5) V.I. Lê-nin: Sđd, t 36, tr 235

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 9, tr 314