TCCSĐT - Ngày 6-6-2010, cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 40 đã khai mạc tại thủ đô Li-ma của Pê-ru nhằm bàn thảo các vấn đề khu vực và quốc tế có liên quan. Gần 4.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh hội nghị. Có 33 trên tổng số 35 nước thành viên OAS, trừ Cu-ba và Ôn-đu-rát, cử đại biểu tham dự. Tổng thống Pê-ru A-lan Gác-xi-a (Alan Garcia) và Tổng Thư ký OAS Hô-xê Mi-gu-en (Jose Miguel) đã phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ gọi tắt là OAS là tổ chức liên chính phủ khu vực Mỹ La-tinh có trụ sở đặt ở thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ). Năm 1889-1890, tại Hội nghị OAS lần thứ nhất tổ chức ở thủ đô Oa-sinh-tơn, 18 nước đã quyết định thành lập ra Liên hiệp Quốc tế các cộng hòa châu Mỹ. Từ đó, năm 1890 được xem là năm khởi điểm của OAS. Tháng 5-1948, tại Hội nghị liên Mỹ lần thứ 9, OAS được thành lập thay cho Liên hiệp Quốc tế các cộng hòa châu Mỹ được thành lập từ thế kỷ trước. OAS ra đời với mục đích là củng cố hoà bình và an ninh, ngăn ngừa những mối bất đồng và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hoà bình, hành động chung trong trường hợp bị xâm lược, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và pháp lý của các nước châu Mỹ; thống nhất sự cố gắng vì tiến bộ kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật và văn hoá.

Với chủ đề "Hòa bình, An ninh và Hợp tác," trong ba ngày họp, Hội nghị OAS lần thứ 40 đã bàn về cơ chế kiểm soát vũ khí của các nước trong khu vực, hoàn thiện hiến chương, vấn đề giảm nghèo đói, cứu trợ thảm họa...

Kêu gọi Anh ngồi vào bàn đàm phán về chủ quyền của quần đảo Man-vi-nát

Các nước thành viên OAS đã thông qua tuyên bố ủng hộ quan điểm của Ác-hen-ti-na kêu gọi Anh ngồi vào bàn đàm phán về chủ quyền của quần đảo Man-vi-nát (Malvinas), tên tiếng Anh là Falklands, mà hiện tại hai nước cùng tuyên bố chủ quyền. Trong tuyên bố của mình, OAS nhấn mạnh sự cần thiết của việc "Chính phủ Ác-hen-ti-na và Anh nối lại, một cách sớm nhất có thể, các cuộc thương lượng xoay quanh cuộc tranh cãi về chủ quyền đối với Man-vi-nát, với mục đích tìm ra một giải pháp hòa bình và lâu dài".

Tiếp tục duy trì Mỹ La-tinh là khu vực không vũ khí hạt nhân

Về vấn đề hạn chế các vũ khí thông thường, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các mục tiêu an ninh, hòa bình và hợp tác mà OAS đã đề ra, trong cuộc họp bàn về dự thảo tuyên bố của hội nghị, các nước thành viên OAS đều chia sẻ quan điểm tiếp tục duy trì Mỹ La-tinh là khu vực không vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một số nước thể hiện chưa đồng tình hoàn toàn với văn bản do nước chủ nhà soạn thảo. Theo quy định, tuyên bố chung sẽ chỉ được đưa ra khi nhận được sự ủng hộ của ngoại trưởng tất cả các nước.
 
Vấn đề tái kết nạp Ôn-đu-rát chưa đạt được sự đồng thuận

Vấn đề tái kết nạp Ôn-đu-rát được đề cập trong phiên họp chính thức nhưng không được đưa vào chương trình nghị sự, bởi đa số các nước Mỹ La-tinh không công nhận Chính phủ Ôn-đu-rát hiện nay vì cho rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại quốc gia này là không hợp hiến. Hiện tại, các nước thành viên của OAS vẫn bất đồng về việc tái kết nạp ngay lập tức Ôn-đu-rát hay đưa ra điều kiện tiên quyết cho Tê-gu-xi-gan-pa như đảm bảo sự trở về của Tổng thống bị lật đổ Ma-nu-ê Dê-lay-a (Manuel Zelaya). OAS đã thông qua nghị quyết cử một phái đoàn "cấp cao" tới Ôn-đu-rát để đánh giá tình hình chính trị và tư pháp tại nước này, yếu tố sẽ quyết định việc tái kết nạp Ôn-đu-rát vào OAS.

Hồi đầu tháng 7 năm ngoái, OAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Ôn-đu-rát sau khi các lực lượng đối lập tại quốc gia này tiến hành đảo chính và trục xuất Tổng thống lúc đó là ông Ma-nu-en Dê-lay-a.

Về vấn đề tái kết nạp Ôn-đu-rát, phát biểu tại Li-ma (Pê-ru), chặng dừng chân trong chuyến công du Mỹ La-tinh gồm Pê-ru, Ê-cu-a-đo, Cô-lôm-bi-a và Bác-ba-đốt, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã tái khẳng định, Oa-sinh-tơn ủng hộ Ôn-đu-rát gia nhập trở lại OAS. Đây là chuyến công du thứ 2 của bà Hi-la-ry tới Mỹ La-tinh trong vòng 3 tháng qua.

Phát biểu với giới truyền thông về vấn đề này, Ngoại trưởng Ôn-đu-rát Ma-ri-ô Ca-na-hoa-ti khẳng định, việc trở lại OAS hiện không còn là ưu tiên số 1 của chính phủ nước này mà thay vào đó là xúc tiến thương mại, đầu tư và tạo việc làm. Ông nhấn mạnh, Ôn-đu-rát đã đáp ứng mọi yêu cầu của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thành lập chính phủ đoàn kết, thành lập ủy ban điều tra sự thật, ân xá và bảo đảm an toàn cho Tổng thống bị lật đổ Ma-nu-ê Dê-lay-a về nước./.