TCCSĐT - Ngày 4-10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng tập đoàn xuất bản - truyền thông ở Việt Nam hiện nay”. GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, TS Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật chủ trì Hội thảo.

Ban Tổ chức đã nhận được 21 bài tham luận. Các tham luận và báo cáo có nội dung phong phú, chất lượng, khoa học đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng về nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản và xác định mô hình các nhà xuất bản, khả năng và điều kiện hình thành tập đoàn xuất bản ở Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, hoạt động xuất bản ở nước ta đã có bước phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận, đó là các nhà xuất bản từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh với chất lượng cả nội dung và hình thức ngày một tốt hơn, đa dạng hơn. Phương thức hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới theo hướng năng động và hiệu quả, bước đầu thu được kết quả quan trọng. Công nghệ xuất bản đã và đang được hiện đại hóa, đặc biệt là phương pháp chế bản và kỹ thuật in ấn được đổi mới căn bản. Trình độ và năng lực của cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ biên tập xuất bản được đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới rõ rệt qua thực tế hoạt động trong cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế.

 Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản đã đề cập đến việc thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản: Tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch ngành xuất bản; tập trung xây dựng tiềm lực và năng lực của hoạt động xuất bản; nâng cao hiệu quả kinh tế của xuất bản, in và phát hành, xây dựng các mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại: thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản - báo chí, nghiên cứu hoàn chỉnh mô hình doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất bản”.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, hoạt động xuất bản cũng còn non yếu về tiềm lực; phát triển không đồng bộ; mô hình nhỏ lẻ, phân tán; chưa khai thác hết tiềm năng; lực lượng mỏng, thiếu chuyên nghiệp; còn chịu nhiều sức ép và tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường; việc xã hội hóa vừa lúng túng, vừa có mặt bị buông lỏng. Một số nhà xuất bản không quản lý tốt các công đoạn hoạt động, không kiểm soát được nội dung ấn phẩm...

Báo cáo đề dẫn của TS Nguyễn Duy Hùng cho thấy, để thực hiện mục tiêu đưa nền xuất bản Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, việc sớm qui hoạch ngành xuất bản, xác định đúng đắn mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị xuất bản, chuẩn bị các điều kiện để hình thành tập đoàn xuất bản có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và vươn ra quốc tế là đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Thực tiễn hoạt động xuất bản cho thấy, mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản ở nước ta trong những năm gần đây và những năm tới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải có sự phân tích, đánh giá và tổng kết trên nhiều phương diện cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, nổi lên vấn đề cơ bản là mô hình nào đối với nhà xuất bản sẽ thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế?

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn, làm rõ một số vấn đề về lý luận và thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn để tạo điều kiện cho các nhà xuất bản ở Việt Nam tìm ra được mô hình tổ chức hoạt động phù hợp và phát triển đúng hướng, có hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất bản Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.          

- Về vị trí, vai trò của sự nghiệp xuất bản và những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản trong điều kiện mới, đa số ý kiến cho rằng, xuất bản là ngành kinh tế đặc thù, phải đồng thời thực hiện chức năng văn hóa, tư tưởng và chức năng kinh tế. Trên phạm vi toàn xã hội, hoạt động xuất bản lấy mục tiêu văn hóa, tư tưởng làm đầu, hiệu quả kinh tế vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để tồn tại và phát triển. Vì thế, đối với nhà xuất bản, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu văn hóa, tư tưởng và mục tiêu kinh tế là một đòi hỏi tất yếu. Vì vậy, việc tiếp tục thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định.

- Về mô hình tập đoàn xuất bản - truyền thông, đa số ý kiến cho rằng, tập đoàn xuất bản - truyền thông là một dạng của tập đoàn kinh tế nhà nước, vì vậy, tập đoàn xuất bản - truyền thông được hiểu là một tổ hợp lớn các nhà xuất bản, công ty in ấn, công ty phát hành, công ty truyền thông và những tổ chức kinh doanh khác (các thành viên của tập đoàn) có tư cách pháp nhân, có quan hệ về vốn, tài chính, công nghệ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu và các liên kết khác xuất phát từ lợi ích của các bên tham gia; trong đó có một nhà xuất bản (công ty mẹ) nắm quyền lãnh đạo, điều phối hoạt động của các nhà xuất bản, công ty in, công ty phát hành, công ty truyền thông và các tổ chức kinh doanh khác (công ty con) về mặt tài chính và chiến lược phát triển. Tập đoàn xuất bản - truyền thông vừa có chức năng kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh ở trong nước và trên thị trường quốc tế.

- Về tiêu chí xây dựng tập đoàn xuất bản - truyền thông: Thứ nhất, cần xác định rõ vấn đề vốn và quản lý vốn trong tập đoàn xuất bản - truyền thông. Vì thực chất, tập đoàn xuất bản - truyền thông là một dạng của tập đoàn kinh tế nhà nước nên do Nhà nước thành lập, bỏ vốn và giao phó cho các ứng viên đảm nhận các chức vụ cấp cao trong quản lý và điều hành. Mặt khác, xét về quy mô vốn thì chỉ xét quy mô vốn của nhà xuất bản (công ty mẹ). Thứ hai, hình thức tích tụ, sáp nhập các nhà xuất bản, công ty in ấn, phát hành, công ty truyền thông nhưng phải cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh - như là sự “liên kết ngang” hoặc khác về ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh nhưng có thể bổ sung cho nhau trong chuỗi giá trị - như là sự “liên kết dọc”. Thứ ba, tập đoàn xuất bản - truyền thông phải điều phối vốn, tài chính trong toàn bộ tập đoàn và có sự hỗ trợ đặc biệt cho các thành viên - là các công ty con - vốn dĩ hoạt động độc lập. Thứ tư, sự hình thành tập đoàn xuất bản - truyền thông là sự phát triển cao của các mối quan hệ hợp tác và liên kết của các nhà xuất bản, công ty in ấn, phát hành, công ty truyền thông độc lập theo những phương thức khác nhau. Thứ năm, do quá trình liên kết mà có sự đa dạng hóa sở hữu trong tập đoàn xuất bản - truyền thông là một tất yếu khách quan. Điều đó biểu hiện sự phát triển một cách khách quan của các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay và qua khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài thì nên là tập đoàn xuất bản - truyền thông, có đầy đủ các khâu hoạt động trong lĩnh vực xuất bản: xuất bản - in - phát hành và truyền thông hoặc tổ hợp xuất bản - báo chí.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về phương thức xây dựng tập đoàn xuất bản ở Việt Nam hiện nay; vấn đề sở hữu trong tập đoàn xuất bản - truyền thông; chiến lược hoạt động và cơ chế quản lý trong tập đoàn xuất bản - truyền thông; vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản và tập đoàn xuất bản; các điều kiện để xây dựng tập đoàn xuất bản; xem xét, đánh giá liệu Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để ra đời tập đoàn xuất bản hay chưa?.../.