Sáng 27-9-2011 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp kín đầu tiên để thảo luận đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Pa-le-xtin. Đây mới là cuộc họp trù bị cho cuộc họp chính thức vào giữa tuần tới nhưng các nguồn tin ngoại giao cho biết 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an đang bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.

Trong số 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an, 2 nước ủy viên thường trực là Nga, Trung Quốc cùng 4 quốc gia khác là Ấn Độ, Bra-xin, Li-băng và Nam Phi đã công khai ủng hộ Pa-le-xtin. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để cản trở nỗ lực của Pa-le-xtin. Các nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Đức có thể sẽ bỏ phiếu chống. Bốn nước còn lại là Bô-xni-a Héc-xgô-vi-na, Cô-lôm-bi-a, Ga-bông và Ni-giê-ri-a chưa thể hiện rõ lập trường.

Còn tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Pa-le-xtin tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia khác. Bộ trưởng Ngoại giao In-đô-nê-xi-a Mác-ti Na-ta-lê-ga-oa (Marty Natalegawa) tuyên bố, nước này ủng hộ nỗ lực của Pa-le-xtin nhằm trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Chính khách này khẳng định, In-đô-nê-xi-a ủng hộ nguyện vọng và quyền của người dân Pa-le-xtin được sống tự do, hòa bình và hợp pháp trên quê hương mình.

Bên lề khóa họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) với chủ đề thảo luận chính là vấn đề Pa-le-xtin. Phía Nga tái khẳng định sự ủng hộ đối với Pa-le-xtin và cho biết, không thấy có sự khác biệt lớn nào giữa việc Pa-le-xtin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc và các cuộc hòa đàm Trung Đông.

Theo quy định cần có ít nhất 9 nước thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thì Hội đồng mới có thể thông qua nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu bất cứ 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm: Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ bỏ phiếu chống thì nghị quyết sẽ không được thông qua. Mỹ cho rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông cần phải được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin chứ không phải giải quyết tại Liên hợp quốc.

Trong khi đó, phát biểu trước các phiên thảo luận chung tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 66, rất nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới ủng hộ việc làm này của Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmu Abbas), đồng thời nhấn mạnh rằng Pa-le-xtin có quyền được công nhận là một nhà nước độc lập và đây là thời điểm thích hợp để Pa-le-xtin đề nghị Liên hợp quốc xem xét vấn đề này. Đại sứ Li-băng tại Liên hợp quốc Na-oáp Xa-lam (Nawaf Salam), nước đang giữ ghế Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết, quá trình xem xét đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Pa-le-xtin có thể sẽ kéo dài nhiều tuần lễ./.