Vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp là những chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) sẽ tổ chức tại thành phố biển Đơ-bần (Durban), Nam Phi vào cuối năm nay.

Tại Hội nghị trù bị COP 17 khai mạc ngày 14-9-2011 tại thành phố Giô-ha-ne-xbớc (Johannesburg), Nam Phi, Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm và Thủy sản Nam Phi, bà Ti-na Giô-mát Pê-tơ-xơn (Tina Joemat Pettersson) cho biết, hiện nay, hàng chục triệu người đang có nguy cơ chết đói, nhất là khu vực Sừng châu Phi, là những thách thức lớn nhất đối với châu Phi. Thế giới và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đẩy nhanh phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực, cũng như thực hiện các biện pháp cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đối với châu Phi do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Ngoài ra, Hội nghị COP 17 cũng cần hỗ trợ các quốc gia nghèo, nhất là châu Phi, để đạt được mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu, khả năng phục hồi khí hậu và vấn đề xử lý "hiệu ứng nhà kính". Bà Ti-na Giô-mát Pê-tơ-xơn cho biết, COP 17 cũng sẽ đề ra mục tiêu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung tăng năng suất sản xuất nông nghiệp, cải thiện đất trồng trọt, xen canh tăng vụ....

Tại Hội nghị trù bị lần này, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Nông - Lương của Liên hợp quốc, ông A-lếch-xan-đơ Mu-lơ (Alexander Muller) nêu rõ chủ đề của Hội nghị COP 17 cũng sẽ tập trung thảo luận vấn đề phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực tại châu Phi, trong đó vấn đề ngăn chặn nạn phá rừng, vấn đề đất hoang hóa và hạn hán, nhất là bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên tại lục địa này.

Hiện nay, thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn như vấn đề an ninh lương thực, tác động xấu của hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng, tình trạng khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt mục tiêu chính của COP 17 vẫn là việc cắt giảm khí thải, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.

Theo Ban Tổ chức nước chủ nhà Nam Phi, Hội nghị COP 17 dự kiến khai mạc vào trung tuần tháng 11 năm nay với sự tham dự của hơn 15.000 đại biểu, đến từ 194 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)./.