Vạn sự khởi đầu nan

Hà Vi
18:07, ngày 14-04-2011

TCCSĐT - Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã chính thức tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ hai, sớm hơn 20 tháng trước khi có cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11-2012. Theo lý giải của ông B.Ô-ba-ma, chính quyền của ông và những người ủng hộ trên khắp đất nước ông “đang đấu tranh để bảo vệ những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được và sẽ đạt được trong thời gian tới”.

Khởi đầu không suôn sẻ

Theo giới phân tích, để thuyết phục được cử tri, ở trong nước, ông B.Ô-ba-ma cần phải tập trung giải quyết vấn đề việc làm, chi tiêu chính phủ và chính quyền của ông phải nỗ lực hơn nữa để vực dậy nền kinh tế vốn vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, tăng trưởng kinh tế cũng có những tín hiệu khả quan nhưng nó chưa thực sự vững chắc. Luật cải cách y tế đã được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua sau những nỗ lực lớn của Tổng thống B.Ô-ba-ma, song luật này vẫn tiếp tục gặp nhiều trở ngại do sự phản đối từ người dân đóng thuế và của những nghị sỹ Đảng Cộng hòa, hiện chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri và Đảng Cộng hòa vẫn sẽ tập trung vào vấn đề cải cách kinh tế mà ông B.Ô-ba-ma đã tiến hành thời gian qua. Bởi vậy, trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh, chính sách tài chính vẫn còn nhiều hoài nghi, vấn đề nợ công cũng đang làm chính trường Mỹ “nóng” lên từng ngày... Tất cả những vấn đề này thực sự là bài toán không hề đơn giản với chính quyền B.Ô-ba-ma.

Trên khía cạnh đối ngoại, thái độ tự tin của Trung Quốc về địa vị kinh tế cũng như những ảnh hưởng của quốc gia này trên trường quốc tế trong những năm gần đây đang là mối quan ngại thực sự đối với nước Mỹ. Bản thân Nhà Trắng cũng cảm nhận được những ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh, châu Phi, thậm chí cả châu Âu. Đây là những thách thức mà chính quyền ông B.Ô-ba-ma không hề dễ dàng vượt qua, đặc biệt, trong bối cảnh cử tri Mỹ luôn ý thức rất rõ ràng, phải duy trì địa vị siêu cường của nước Mỹ.

Cuộc chiến ở Ap-ga-ni-xtan và I-răc đã gây tốn kém tới gần 3 nghìn tỉ USD cho nước Mỹ, chắc chắn lợi ích hay tổn thất của các cuộc chiến này sẽ là chủ đề tranh luận trong các chiến lược tranh cử sắp tới. Bên cạnh đó, những bất ổn tại Y-ê-men hiện nay tiếp tục gây lo ngại cho chiến lược toàn cầu chống khủng bố của Mỹ. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn do chính phủ trung ương và các sắc dân thiểu số, một trụ cột xã hội quan trọng ở Y-ê-men vẫn tranh giành nhau về quyền lực.

Mặc dù B.Ô-ba-ma đã đi một nước cờ khá khôn ngoan, tuyên bố tái tranh cử sớm 20 tháng tính đến thời điểm bầu cử và ông coi đây là một “chiến dịch cần có thời gian để xây dựng”. Tuy nhiên, ông B.Ô-ba-ma vẫn vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía Đảng Cộng hòa. Các nhà phân tích cho rằng cái sai lớn nhất của Tổng thống là chọn thời điểm không thích hợp khi dư luận trong nước vẫn chưa "hạ nhiệt" sau quyết định tham gia chiến dịch can thiệp quân sự Li-bi của ông. Chính quyền Mỹ cũng nhận được sự đồng tình rất ít ỏi của người dân trong việc can thiệp vào các biến cố chính trị tại Trung Đông - Bắc Phi. Trong khi đó I-ran, một cường quốc khu vực Trung Đông liên tục lên tiếng cáo buộc B.Ô-ba-ma đang duy trì một sự “tiếp cận kép” tại khu vực Trung Đông nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ và phương Tây. Chẳng hạn Mỹ và phương Tây đã có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược nhau tại Ba-ranh và Li-bi; đồng thời người Mỹ lại luôn im lặng về sự tàn bạo của chế độ Do Thái (I-xra-en) chống lại người dân Pa-le-xtin vô tội.

Ở khía cạnh khác, trong chiến dịch tranh cử năm 2008, ông B.Ô-ba-ma hứa sẽ đóng cửa nhà tù Goa-ta-na-mô, nhưng đến nay lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Cử tri Mỹ dường như cũng không còn quá nhiều kỳ vọng về ông. Một cuộc thăm dò công luận do trường Đại học Quinnipiac công bố mới đây cho thấy, 48% người Mỹ không tán thưởng công việc mà ông B.Ô-ba-ma đang tiến hành, so với 42% những người tán thưởng.

Nhưng vẫn có lợi thế để hy vọng

Bên cạnh những khó khăn như trên, Tổng thống B.Ô-ba-ma vẫn có khá nhiều những lợi thế để có thể tái đắc cử. Ông B.Ô-ba-ma có mạng lưới hàng triệu người Mỹ ủng hộ trên mạng, và chiến dịch vận động trên internet của ông được coi là một trong những điểm mấu chốt cho thành công trong cuộc tranh cử hồi năm 2008. Các nhà phân tích dự đoán ông sẽ không phải đối mặt với các vòng tuyển chọn sơ bộ ứng viên. Trong khi đó, có rất nhiều ứng cử viên của Đảng Cộng hoà cũng đang chuẩn bị công bố chiến dịch tranh cử, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy một gương mặt sáng giá nào.

Nếu như trong chiến dịch năm 2008, B.Ô-ba-ma quyên góp được số tiền 750 triệu USD nhưng dự kiến trong chiến dịch tái tranh cử lần này, ông B.Ô-ba-ma có thể đạt số tiền ủng hộ tới 1 tỉ USD - một kỷ lục mới trong nền chính trị nước Mỹ. Mặt khác, trong quá trình tái tranh cử, B.Ô-ba-ma cũng sẽ có kinh nghiệm hơn và là tổng chỉ huy của một bộ máy vận động tranh cử lớn hơn, khôn khéo hơn. Với cương vị Tổng thống hiện nay, ông B.Ô-ba-ma có đủ quyền và khả năng tác động đến giới truyền thông để phục vụ cho cuộc tái tranh cử.

Bên cạnh lợi thế biết thu hút sự chú ý của đám đông, ông còn giành được phần lớn cảm tình của các cử tri độc lập, cử tri da màu, cử tri gốc Tây Ban Nha... họ không phải là những người “đặc biệt say mê” với Đảng Cộng hòa. Kết quả thăm dò hiện nay tuy không được lạc quan nhưng nó cũng không phải là quá xấu đối với ông.

Thực tế là, vấn đề kinh tế hiện nay luôn là một điểm yếu tiềm năng nhưng nó vẫn có những lý do để hy vọng. Thị trường chứng khoán Mỹ đang khởi sắc trở lại, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm xuống, mặc dù không nhiều. Có tới 40% người Mỹ tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện trong năm 2012... Nền kinh tế càng cải thiện, triển vọng tái đắc cử của B.Ô-ba-ma càng lớn.

Với những lý do như trên, hiện còn quá sớm để khẳng định B.Ô-ba-ma sẽ thắng hay thua trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống nước Mỹ năm 2012, nhưng rõ ràng, ông B.Ô-ba-ma đã có một sự khởi đầu không suôn sẻ./.