TCCSĐT - Ngày 9-9-2011, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg, ngày 30-6-2011, của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015”. Đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, đến dự và chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành, các sở giáo dục và đào tạo, sở lao động - thương binh và xã hội, sở kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề vùng ĐBSCL.

Theo Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ, “mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 nhằm tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng ĐBSCL và cả nước”.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015 được xác định:

- Giáo dục mầm non: huy động từ 10-12% trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ, 70-75% số trẻ từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo, 100% số tỉnh, thành trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Giáo dục phổ thông: tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tối thiểu 99% ở tiểu học, 85% ở trung học cơ sở và 60% ở trung học phổ thông.

- Giáo dục dân tộc: đối với các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên phải thành lập được trường phổ thông dân tộc nội trú, thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú ở những nơi có điều kiện.

- Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp: tăng quy mô tuyển sinh hàng năm từ 10-12%; huy động từ 10-15% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào trung cấp chuyên nghiệp.

- Dạy nghề: tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, bình quân đào tạo 445.000 lượt người/năm, toàn vùng có 22 trường cao đẳng nghề, 35 trường trung cấp nghề, mỗi quận, huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề.

- Giáo dục đại học: đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đến năm 2015 bình quân đạt 190 sinh viên/1 vạn dân;  bảo đảm cơ cấu hợp lý theo các ngành kinh tế, xã hội có thế mạnh của vùng.

- Giáo dục thường xuyên: tất cả các huyện đều có trung tâm giáo dục thường xuyên; mỗi tỉnh, thành phố có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 100% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Trên cơ sở đó, tại Hội nghị, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015. Đó là:

Nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trong vùng cần cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề giai đoạn 2011-2015 vào kế hoạch 5 năm, hằng năm và quán triệt đến các cấp, các ngành, các đơn vị giáo dục, đào tạo, dạy nghề để triển khai thực hiện.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo và dạy nghề để tích cực tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1033.

Đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường học

- Giáo dục mầm non: đầu tư xây dựng 215 trường mầm non cho các xã chưa có trường mầm non độc lập; chú trọng tổ chức các hình thức học tập theo nhóm lớp cộng đồng để tăng quy mô huy động trẻ ra lớp; phấn đấu đến năm 2015 có 55% số trường mầm non được chuẩn hóa về cơ sở vật chất…

- Giáo dục phổ thông: đầu tư xây dựng trường ở 21 xã chưa có trường tiểu học, 88 xã chưa có trường trung học cơ sở; xây thêm phòng học để học 2 buổi/ngày; phấn đấu đến năm 2015 có 60% số trường phổ thông được chuẩn hóa về cơ sở vật chất; hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ giáo viên…

- Giáo dục dân tộc: xây mới 9 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, 2 trường cấp tỉnh, bảo đảm các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; tăng cường cơ sở vật chất cho 20 trường phổ thông dân tộc nội trú để mở rộng quy mô học sinh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nuôi và dạy học…

- Giáo dục thường xuyên: đầu tư xây dựng 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và 26 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề cho các trung tâm giáo dục thường xuyên ở những huyện chưa có trung tâm dạy nghề để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn…

- Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp: đầu tư thành lập mới 6 trường trung cấp chuyên nghiệp ở những tỉnh có nhu cầu cao về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và có đủ điều kiện thành lập…

- Dạy nghề: nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thành trường đại học sư phạm kỹ thuật; tăng cường đầu tư cho 3 trường trung cấp nghề dân tộc nội trú ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm dạy nghề công lập ở các huyện mới thành lập, các huyện có đông hộ nghèo, hộ cận nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số…

- Giáo dục đại học, cao đẳng: dự kiến đến năm 2015 nâng cấp và thành lập mới 10-12 trường đại học và 11 trường cao đẳng ở các tỉnh, thành trong vùng. Ưu tiên đầu tư, tạo cơ chế phù hợp cho Trường Đại học Cần Thơ và một số trường đại học khác hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng ĐBSCL. Ưu tiên đầu tư phân hiệu Trường Đại học Nha Trang tại Kiên Giang, hỗ trợ Trường Đại học Trà Vinh xây dựng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ; hình thành khoa văn hóa dân tộc tại một số trường đại học, cao đẳng trong vùng…

Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề

 Tăng cường đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên theo nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương và của từng cơ sở giáo dục; mở khoa dạy tiếng dân tộc tại các trường cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên cho vùng dân tộc ít người; thực hiện mạnh phương thức đào tạo cán bộ giảng dạy đại học tại chỗ, gửi giảng viên đào tạo ở nước ngoài; khuyến khích mời giảng viên có trình độ cao người nước ngoài tham gia giảng dạy đại học. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề cho giáo viên các trung tâm dạy nghề. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản có đủ giáo viên, giảng viên theo quy định ở tất cả các cấp học, ngành học, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên ở các cơ sở đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp…

Ngoài ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng triển khai các nhiệm vụ về đổi mới phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá chất lượng; đổi mới công tác quản lý; xây dựng bổ sung, điều chỉnh các chính sách đặc thù về giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với vùng ĐBSCL; huy động các nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện thành công Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ là tiền đề rất quan trọng, tạo ra bước đột phá giúp ĐBSCL vượt thoát khỏi “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong 5 năm tới. Vì thế, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lãnh đạo các trường và nhân dân vùng ĐBSCL cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng để quyết tâm triển khai thực hiện tốt quyết định này trong thời gian tới. Bộ trưởng yêu cầu: Sau Hội nghị, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để có thể sớm triển khai thực hiện. Các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cần khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đề xuất với Bộ Giáo dục - Đào tạo những cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cần tăng cường vai trò giám sát, phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, kịp thời đề xuất các giải pháp để  bảo đảm thực hiện thành công Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ./.