TCCSĐT - 1. Tổng thống Mỹ bất ngờ thăm I-rắc

Ngày 7-4-2009, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma có chuyến thăm không báo trước tới I-rắc. Tại đây, ông tuyên bố đã đến lúc người dân I-rắc nhận trách nhiệm về việc quản lý đất nước của mình. Đến nay, tổng cộng 4.266 binh sĩ Mỹ đã tử trận ở I-rắc. Trước đó vài giờ, thủ đô Bát-đa chứng kiến một vụ đánh bom xe ở một khu vực đông người Si-ai sinh sống, dấu hiệu cho thấy bạo lực lại bắt đầu nổi lên ở đất nước này. Hàng nghìn người I-rắc đã thiệt mạng trong 6 năm chiến tranh. Chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma đánh dấu một chương mới, kết thúc cuộc chiến không được lòng dân ở I-rắc và chuyển sự tập trung quân sự của Mỹ sang Á-ga-ni-xtan.

2. G8 cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Ngày 7-4-2009, Báo cáo “Thách thức toàn cầu, giải quyết vấn đề thiếu lương thực” của Bộ trưởng nông nghiệp Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) dự báo, hậu quả của khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến ổn định xã hội của các nước và quan hệ quốc tế. Nếu các nước không nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết, thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực lâu dài, ảnh hưởng đến ổn định của nhiều nước. Báo cáo nhấn mạnh, đến trước năm 2050, sản lượng lương thực toàn cầu phải được tăng gấp đôi so với hiện nay. Đồng thời, các nước phải đối phó với ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và chi phí sản xuất lương thực tăng cao gây ra. Nếu không có biện pháp can thiệp vào hệ thống sản xuất và tiêu thụ lương thực, cuộc khủng hoảng lương thực tương tự như đã xảy ra năm 2007 sẽ trở thành thách thức mang tính toàn cầu trong vài chục năm tới.

3. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la thăm Trung Quốc

Ngày 7-4-2009, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vet bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Đây là lần thứ sáu ông Hu-gô Cha-vet thăm Trung Quốc kể từ khi lên cầm quyền từ 10 năm trước. Phát biểu với báo chí khi đến sân bay Bắc Kinh, Tổng thống Hu-gô Cha-vet nói: “Hiện đang xuất hiện một trạng thái cân bằng mới trên thế giới, một trật tự thế giới mới, một thế giới đa cực mà từ lâu chúng ta hằng mơ ước". Tổng thống Hu-gô Cha-vet gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đó, trong chuyến thăm Vê-nê-du-ê-la của ông Tập Cận Bình, hai bên đã ký 12 thỏa thuận hợp tác mới trong các lĩnh vực dầu khí; công - nông nghiệp và truyền thông. Hai bên cũng quyết định tăng gấp đôi vốn đầu tư từ 6 USD tỉ lên 12 tỉ USD, trong đó Trung Quốc sẽ đóng góp 8 tỉ USD.

4. Thâm hụt thương mại của Mỹ xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua

Ngày 9-4-2009, Bộ Thương mại Mỹ thông báo thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 2-2009 giảm tới 28,3%, còn 25,97 tỉ USD - mức thấp nhất kể từ năm 1999. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp thâm hụt thương mại Mỹ giảm, cho thấy "bão" tài chính vẫn chưa có dấu hiệu "lặng gió" tại nền kinh tế đầu tàu thế giới này. Báo cáo cho biết trong hai tháng đầu năm 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ dao động quanh mức 373 tỉ USD, bằng 1/2 mức thâm hụt dự kiến 681,1 tỉ USD trong cả năm 2009. Các chuyên gia kinh tế dự báo mức thâm hụt thương mại cả năm 2009 có thể vẫn ở mức thấp như hiện nay và Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi đà suy thoái cho đến nửa cuối năm nay.

5. Thái Lan và Cam-pu-chia nhất trí phối hợp ngăn chặn giao tranh tái diễn

Ngày 10-4-2009, tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN và các nước đối tác ở Pát-tay-a, các lãnh đạo Thái Lan và Cam-pu-chia đã nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nhằm tránh tái diễn các vụ giao tranh ở biên giới. Theo Phó Tổng thư ký của Thủ tướng Thái Lan, Pa-ni-tan Vát-ta-nay-a-con (Panitan Wattanayakorn), Thủ tướng Thái Lan A-bi-xít Vây-gia-gi-va (Abhisit Vejjajiva) và Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen (Hun Sen) đã nhất trí tổ chức tốt hơn hoạt động tuần tra an ninh biên giới trên địa phận lãnh thổ của mình nhằm tránh hiểu nhầm và ngăn chặn bùng phát giao tranh mới. Trong khi đó, phát biểu với báo giới ngày 7-4-2009, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Cam-pu-chia Phây Xi-phon (Phay Siphan) cho biết nếu hai nước không tháo gỡ được bất đồng thì Cam-pu-chia sẽ đề nghị Tòa án công lý quốc tế tham gia giải quyết.

6. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên

Ngày 11-4-2009, cả 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí về một tuyên bố dự thảo cấp tổng thống đối với vụ phóng vệ tinh vừa rồi của CHDCND Triều Tiên. Tuyên bố đã đạt được ghi nhớ giữa Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga và cả Nhật Bản về một tuyên bố dự thảo cấp tổng thống để có thể trình lên Hội đồng Bảo an. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cho biết, bản tuyên bố dự thảo cấp tổng thống gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an cộng thêm Nhật mang nội dung rất rõ ràng về vấn đề Triều Tiên. Dự thảo này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới vấn đề Triều Tiên cũng như thế giới bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

7. Thái Lan tuyên bố hủy bộ Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác

Sáng sớm ngày 11-4-2009, chính phủ Thái Lan thông báo huỷ Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các đối tác vì lí do an ninh. Tuyên bố được đưa ra sau khi những người biểu tình áo đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) đột nhập vào nơi tổ chức hội nghị và trung tâm báo chí, khiến các cuộc họp không thể diễn ra như lịch trình. Thủ tướng Thái Lan A-bị-xịt Vê-gia-i-va buộc phải phải ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Pat-tay-a và Chôn-bu-ri vào chiều 11-4-2009.

8. Nga khôi phục Ngày kỷ niệm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại 7-11

Năm năm sau khi cơ quan lập pháp Nga quyết định áp dụng Ngày Hòa giải và Hòa hợp (4-11) thay cho Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười (7-11), ngày 11-4, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ này từ đầu năm 2010. Ngày kỷ niệm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại sẽ được tiếp tục tổ chức như nhiều thập kỷ trước.

9. Giáo hoàng kêu gọi chấm dứt chiến tranh, đói nghèo

Ngày 12-4-2009, nhân ngày Lễ phục sinh, trước hàng nghìn người tập trung tại quảng trường Thánh Pê-tơ ở Va-ti-căng, Giáo hoàng Bê-ne-đích XVI phát biểu nhấn mạnh, rằng sự hòa giải là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, toàn thế giới cần tìm lại hy vọng để chấm dứt chiến tranh, đói nghèo và khủng hoảng tài chính. Hòa giải - mặc dù khó khăn nhưng là điều kiện tiên quyết để xây dựng an ninh và cùng tồn tại hòa bình trong tương lai. Vào thời điểm thiếu lương thực, khủng hoảng tài chính, đói nghèo dạng cũ và mới, biến đổi khí hậu, bạo lực và mối đe dọa khủng bố, loài người cần khẩn cấp tìm lại những lý do để hy vọng.

10. Diễn đàn Đông Bắc Á kêu gọi hợp tác để đối phó với khủng hoảng

Các chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự Diễn đàn khu vực Đông Bắc Á diễn ra ngày 12-4 tại Bu-san (Hàn Quốc) đã kêu gọi 3 nước cần hợp tác hơn nữa để đối phó với khủng hoảng tài chính và toàn cầu. Trong diễn đàn, các đại biểu cho rằng, vấn đề tài chính toàn cầu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành thử thách toàn cầu và không nước nào có thể tự mình giải quyết được. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 lực lượng chính trong việc duy trì sự ổn định tài chính thế giới và tăng cường sự phát triển toàn cầu. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là 3 nước cần phải hợp tác để cùng nhau giải quyết các thử thách toàn cầu. Diễn đàn 3 bên Đông Bắc Á là một sự kiện hàng năm. Vấn đề được đưa ra thảo luận trong năm nay là các thử thách tài chính toàn cầu, môi trường, năng lượng và văn hoá./.