Viễn cảnh kinh tế khu vực Đông Á đã sáng hơn
Kinh tế các nước trong khu vực Đông Á đang phục hồi dần, với viễn cảnh sáng sủa hơn. Ước tính mức tăng trưởng GDP thực trong khu vực năm 2009 sẽ ở mức 5,3% (thấp hơn so với 8% của năm 2008). Tuy nhiên, một vài nước có thu nhập thấp trong khu vực sẽ phải đối mặt với mức tăng trưởng giảm nhiều nhất; ngược lại, những nước có nền kinh tế phát triển sẽ có điều kiện phục hồi nhanh hơn.
Viễn cảnh không mong muốn
Các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất từ trước đến nay. Vào đầu năm 2008, các nền kinh tế này phải đối phó với lạm phát gia tăng do giá lương thực và nhiên liệu leo thang, và một số nước thu nhập thấp thậm chí phải vật lộn với sức ép tăng trưởng quá nóng. Tuy nhiên, sau khi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ vào ngày 15-9-2008, cơn bão tài chính bắt đầu đổ sập xuống tất cả các nước này.
Các nhà đầu tư bên ngoài đua nhau bán cổ phiếu và các khoản nợ chứng khoán, việc sụt giảm của các nguồn vốn khác khiến cho lãi suất thị trường tăng giá, giá cổ phiếu xuống dốc và tỷ giá hối đoái chịu áp lực. Các khối tài sản “bốc bơi” kéo theo sự suy giảm niềm tin và nguồn tín dụng tại các nền kinh tế phát triển và do đó, dẫn tới sức tiêu thụ, năng lực sản xuất và đầu tư sa sút. Xuất khẩu giảm mạnh nhanh chóng dẫn tới cắt giảm sản xuất và đầu tư trong khu vực tư nhân và hệ lụy là tình trạng sa thải nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức tăng từ con số 1 triệu vào tháng 1-2008 lên khoảng 24 triệu trên toàn khu vực trong mấy tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số thống kê này chỉ thể hiện một phần nhỏ của bức tranh việc làm. Bên cạnh đó, tỷ lệ việc làm luôn phản ánh chậm hơn tình trạng kinh tế thực, vì vậy, theo các nhà phân tích, những con số này chỉ là sự khởi đầu của vấn nạn thất nghiệp trong toàn khu vực. Bằng chứng là, chỉ riêng Trung Quốc đã có thêm 25 triệu người lao động di cư phải nghỉ việc và trở về vùng nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm các khoản tiền gửi về các nước nghèo nhất trong khu vực, và nếu những người lao động di cư quay về quê, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ngày một tồi tệ cùng với mức tiền công bèo bọt hơn, đặc biệt là trong các nhóm ngành nghề không chính thức, tình trạng đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo.
Những tháo gỡ kịp thời
Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng, các chính phủ trong khu vực đã tiến hành các chính sách tài chính và tiên tệ khẩn cấp. Họ gấp rút tiến hành các chương trình xã hội và hỗ trợ bằng tiền mặt cho các đối tương khó khăn nhất. Các nhà hoạch định chính sách phản ứng nhanh chóng thông qua các chính sách tiền tệ và tài chính thiết thực, bao gồm cả các gói kích cầu tài chính, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, các biện pháp này chỉ giúp giảm nhẹ, chứ không phải vượt qua những lực kéo lùi nền kinh tế ở quốc gia mình. Giới chức tiền tệ ở hầu hết các nước đều đã cắt giảm lãi suất và thực thi các biện pháp nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Một vài ngân hàng trung ương đã hỗ trợ thanh khoản bằng đồng đô-la, bao gồm các gói hoán đổi tiền tệ hai chiều với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với các biện pháp khác được triển khai theo Sáng kiến Chiang Mai - một thỏa thuận trao đổi song phương, được 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra hồi năm 2000 tại Chiang Mai (Thái Lan), ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 quét qua các nước châu Á. Thỏa thuận này nhằm giúp các nước vay tiền để thanh toán ngắn hạn khi gặp khó khăn do khủng hoảng.
Le lói những gam màu sáng
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, đang có những biểu hiện phục hồi với gói kích cầu lớn nhất khu vực, bằng khoảng 12% GDP, cho năm 2009 và kéo dài đến năm 2010. Chính phủ cũng trợ cấp bằng tiền mặt (một lần) cho cả các hộ nông thôn và đẩy mạnh các chính sách thị trường lao động tích cực nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các chính sách quyết liệt giúp phần nào bù lại kim ngạch xuất khẩu sụt giảm - lần đầu tiên trong vài thập kỷ qua - và đầu tư thị trường yếu ớt nhằm kìm hãm đà chống lại của tăng trưởng còn 6,5% trong năm 2009 so với 9% năm ngoái.
Các nước trong khu vực, tiếp sau đó, đã công bố các gói kích cầu tài chính tương đương 3,6% GDP khu vực, với quy mô triển khai trong năm 2009 tương đương 1,7% GDP.
Hàn Quốc và Ma-lai-xi-a cũng đã công bố các gói tài chính trong năm 2009, dự tính quy mô ngang với Trung Quốc.
Chính phủ các nước cũng gấp rút hành động nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng, kiều hối sụt giảm và tốc độ giảm nghèo không mang lại hiệu quả đáng kể. Các nước thuộc diện thu nhập trung bình đang tăng cường các chương trình an sinh xã hội.
Ở In-đô-nê-xi-a, chương trình trợ cấp tiền mặt cho các đối tượng mục tiêu (lần đầu ban hành vào năm 2005) đã được nối lại năm 2008. Trong quý 1 năm 2009, hơn 19 triệu gia đình, tương đương với 1/3 dân số nước này đã được trợ cấp bằng tiền mặt.
Ngoài ra, năm 2009 các nước trong khu vực Đông Á cũng triển khai đồng bộ chương trình phát triển cộng đồng trên bình diện toàn quốc (bắt đầu năm 2007), và tiếp tục thử nghiệm chương trình trợ cấp tiền mặt có điều kiện. Chính phủ Phi-líp-pin đang mở rộng hệ thống trợ cập tiền mặt có điều kiện và tiến hành chương trình hỗ trợ những người đi lao động nước ngoài mất việc phải quay về nước.
Tuy nhiên, phục hồi kinh tế tại các nền kinh tế phát triển là không mấy khả quan. Mấy tháng đầu năm 2009, kim ngạch của các nước có nền kinh tế phát triển ước tính giảm 3,1%, với viễn cảnh thụt lùi, chủ yếu là do tiếp tục có các nguồn tin xấu xuất phát tử các hệ thống tài chính. Tâm lý sợ rủi ro tăng lên, kinh tế hộ gia đình đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn không ngừng giảm và sản xuất đình trệ sẽ còn hãm phanh tốc độ tăng trưởng trong một vài quý nữa. Trong khi hầu hết các cuộc suy thoái tại các nền kinh tế phát triển trong một vài thập kỷ vừa qua trung bình chỉ kéo dài hơn 1 năm, thì giờ đây, suy thoái kèm theo khủng hoảng ngân hàng, bong bóng nhà ở và chứng khoán xì hơi có xu hướng kéo dài ít nhất là 2 năm, khiến cho khả năng phục hồi kinh tế tại các nước phát triển bị chậm lại, ít nhất là đến 2010.
Xen lẫn những gam màu tối
Các nước thu nhập trung bình trong khu vực do hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính toàn cầu nên bị tác động mạnh nhất. Các nước thuộc diện thu nhập thấp lại càng phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc hỗ trợ người nghèo do tiềm lực tài chính hạn chế và thiếu vắng các tổ chức có thể hỗ trợ họ. Tại Cam-pu-chia, mức tăng trưởng 10,2% năm 2007 thật khó có thể so sánh với mức tăng trưởng ước tính là âm 1,5% của năm 2009. Mức chênh lệch (11,7%) trong vòng 2 năm là mức lớn nhất trong khu vực, bắt nguồn từ mức sụt giảm đột ngột hàng may mặc xuất khẩu và lượng khách du lịch, hệ lụy của việc suy giảm mạnh tăng trưởng tín dụng - thủ phạm chính của việc kinh tế tăng trưởng quá nóng thể hiện qua việc tăng giá chóng mặt của bất động sản. Mông Cổ, Lào, Đông Ti-mo lại do lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá hàng hóa sụt giảm mạnh.
Tăng trưởng yếu sẽ làm chậm lại tiến trình giảm nghèo trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, với 10 triệu người nữa ước tính tiếp tục sống trong nghèo đói so với dự báo của năm 2008 (30 triệu người so với dự báo năm 2007). Trong khi tỷ lệ đói nghèo trong khu vực nhìn chung sẽ tiếp tục giảm, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Đông Ti-mo dự báo sẽ tăng tỷ lệ nghèo đói do thu nhập bình quân đầu người giảm. Thậm chí, cả những nước có tăng trưởng thu nhập bình quân khả quan cũng sẽ phải trải qua những giai đoạn tồi tệ với tỷ lệ đói nghèo trồi sụt do nạn thất nghiệp tăng mạnh.
Chờ đợi một bức tranh hoàn thiện
Dù vậy, về trung hạn, chúng ta vẫn hy vọng khu vực Đông Á vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp, với điều kiện kích thích tăng trưởng thông qua sức cầu nội địa, tăng cường tính cạnh tranh, thâm nhập những thị trường mới và không ngừng cải thiện tính hấp dẫn của khu vực như là một bến đậu quan trọng của đầu tư nước ngoài. Việc trở thành các nền kinh tế phát triển sẽ còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, lấy sáng tạo làm kim chỉ nam thay cho việc bắt chước, dập khuôn. Các doanh nghiệp sáng tạo cần có các tổ chức công và chính sách đa dạng, phong phú, cởi mở hơn, giảm thiểu can thiệp của chính phủ, tăng cường tính linh hoạt, lực lượng lao động có tri thức hơn, và cơ chế tài chính tư nhân mạnh mẽ với sự điều tiết được cải thiện. Gắn kết chặt chẽ các thể chế và chính sách này là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa ngoạn mục của khu vực và trở thành động lực to lớn cho tăng trưởng và phát triển toàn cầu./.
Đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội  (12/04/2009)
Thái Lan tạm hoãn Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác  (11/04/2009)
Chủ động điều hành ngân sách năm 2009  (11/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển