60 năm NATO và mối quan hệ NATO - Nga
TCCSĐT - Cách đây 60 năm, năm 1949, Tổ chức Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập với mục đích ban đầu là "xây dựng hệ thống phòng thủ tập thể nhằm đối phó các nguy cơ tiến công xâm lược từ bên ngoài”[1]. Để đối trọng với NATO, ngày 14-5-1955, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cùng thống nhất thành lập Tổ chức quân sự Hiệp ước Vác-sa-va. Sáu mươi năm qua, tình hình chính trị - quân sự ở châu Âu và trên thế giới đã có những thay đổi căn bản: Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đã tan rã; Tổ chức quân sự Hiệp ước Vác-sa-va giải thể. Thế nhưng, NATO vẫn tiếp tục mở rộng không ngừng, và điều đáng nói là sự mở rộng đó không làm thế giới yên bình hơn, trong đó có quan hệ NATO - Nga.
NATO mở rộng - vì sao?
Ông Le-đơ I-xmây, Tổng thư ký đầu tiên của NATO đã tuyên bố rằng, NATO tồn tại nhằm duy trì ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu, loại bỏ ảnh hưởng của người Nga và kiềm chế sự lớn mạnh của nước Đức. Từ tuyên bố này có thể hiểu, thứ nhất, vì sao NATO lại ra đời sau khi khối đồng minh (trong đó có Mỹ, Liên Xô) cứu châu Âu khỏi thảm họa của phát-xít Đức. Thứ hai, vì sao Mỹ tiếp tục mở rộng NATO sau khi bức tường Béc-linh sụp đổ. Giới bình luận cho rằng, mục đích của việc mở rộng có nhiều, nhưng có hai mục đích chủ yếu, đó là, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trong không gian hậu Xô-viết nhằm hạn chế và thu hẹp không gian ảnh hưởng của nước Nga; đồng thời, cùng với các nước mới gia nhập NATO hình thành một "Châu Âu mới" nhằm kiềm chế các đồng minh trong "Châu Âu cũ" - những đồng minh đang bắt đầu có dấu hiệu muốn tách khỏi quỹ đạo của Mỹ. Như vậy, NATO là cơ chế quân sự và chính trị để thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ ở châu Âu, chỉ có điều, mục tiêu "kiềm chế sự lớn mạnh của nước Đức" ngày xưa, nay được thay bằng mục tiêu "kiềm chế sự lớn mạnh của EU".
Vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, chiến lược mới của Liên minh quân sự này sẽ có những thay đổi do có sự thay đổi trong cách thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma. Trước hết là vai trò của Mỹ trong NATO sẽ được điều chỉnh. Mỹ sẽ bớt đơn phương và bớt áp đặt trong NATO. Tổng thống B.Ô-ba-ma đã phải thừa nhận rằng, quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu trong thời gian qua là "ngạo mạn" và do đó, thiếu tin cậy lẫn nhau. NATO sẽ phải thiết lập quan hệ đối tác với Nga để cùng đương đầu với những thách thức có tính toàn cầu mà một mình NATO không thể kham nổi, trước hết là cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan.
Triển vọng quan hệ Nga - NATO
Năm 1997, Liên bang Nga và NATO ký kết Định ước cơ bản về các mối quan hệ hợp tác và an ninh, trong đó khẳng định: “Ngày nay, Nga và NATO không còn là kẻ thù của nhau, cùng chung mục tiêu là khắc phục những tàn dư của sự đối đầu và thù địch trước đây, đồng thời củng cố lòng tin và hợp tác", nhằm xây dựng một châu Âu ổn định, hoà bình và không thể chia cắt, vì lợi ích của tất cả các dân tộc. Tuy nhiên, mọi việc trên thực tế đã không diễn ra như vậy. điều hoàn toàn ngược lại với những gì mà hai bên đã cam kết. Trong khi Nga liên tục rút khỏi các vị trí có tính chiến lược toàn cầu, đơn phương thực hiện Hiệp ước hạn chế vũ các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, thì NATO không ngừng mở rộng sang phía Đông, kết nạp thêm các thành viên mới ở Đông Âu, và vùng Ban-tích: từ năm 1999 đến năm 2004, NATO đã kết nạp Ba Lan, Séc, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Xlô-va-ki-a, Xlô-ve-ni-a, E-xtô-ni-a, Lat-vi-a và Lit-va. Hai thành viên mới nhất của NATO là Crô-ti-a và An-ba-ni, kết nạp vào ngày 2-4-2009. Hiện nay trong số thành viên NATO đã có tới trên 10 nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây.
Trong gần 20 năm qua, quan hệ giữa Nga - NATO đã trải qua nhiều giai đoạn: từ kẻ thù không đội trời chung đến "bạn bè tốt", rồi "đối tác", tiếp đến là "đối thủ cạnh tranh". Sau cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a, Nga và NATO đứng trước nguy cơ từ "đối thủ cạnh tranh" chuyển sang "đối thủ đối kháng" [4].
Cuộc chiến ở Nam Ô-xe-ti-a bùng phát là dấu mốc quan trọng trong chiến lược của NATO nhằm kiềm chế và thu hẹp "không gian ảnh hưởng" của Nga. Gru-di-a và Ucai-na được coi là hai "điểm nóng" trong ván cờ địa - chính trị và địa - kinh tế trong thế kỷ XXI giữa Nga và NATO. Nếu Ucai-na là khâu then chốt nhằm loại trừ ảnh hưởng của Nga ra khỏi châu Âu, thì Gru-dia đóng vai trò quyết định cuối cùng trong vấn đề ai sẽ giành được quyền kiểm soát vùng biển Ca-xpi, khu vực có trữ lượng tài nguyên chiến lược lớn thứ hai trên thế giới - chỉ sau Trung Đông.
Tuy nhiên, thế giới vào thời điểm năm 2009 đã đổi khác so với khi Liên Xô sụp đổ. Nước Nga đã lấy lại được vị thế của một cường quốc kinh tế, chính trị và quân sự. Trong khi đó, Mỹ đang trong “tâm bão” khủng hoảng tài chính - kinh tế trầm trọng; còn NATO đang sa lầy ở Áp-ga-ni-xtan.
Nhiều chính khách và giới nghiên cứu ở phương Tây nhận định, Nga là yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền an ninh toàn cầu trong thế kỷ XXI [8]. Trong thế giới hiện nay, không chỉ Mỹ và NATO cần tới vai trò của Nga, mà nhiều nước khác cũng cần hợp tác với Nga, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, I-ran, các nước Mỹ La-tinh, các nước Trung Đông, châu Phi.
Triển vọng quan hệ Nga - NATO như thế nào, phụ thuộc chủ yếu vào hai mối quan hệ đan chéo nhau. Một là, quan hệ Mỹ - Nga. Quan hệ này có tính quyết định đối với mối quan hệ NATO - Nga, vì Mỹ là nước có tiếng nói quyết định trong NATO, và, Mỹ muốn dùng NATO như một cơ chế chính trị - quân sự trong chiến lược hạn chế ảnh hưởng của Nga.
Hai là, quan hệ giữa các nước đồng thời là thành viên NATO và EU với Nga. Hiện nay, trong 28 nước NATO, chỉ có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên EU. Các nước thành viên NATO đồng thời là thành viên EU cần có quan hệ đối tác chiến lược tin cậy với Nga nhằm thiết lập không gian kinh tế và an ninh ở châu Âu.
Tại hội nghị kỷ niệm 60 năm NATO, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã nhận được sự ủng hộ của các đồng minh của Mỹ trong NATO đối với chiến lược mới của Mỹ về Áp-ga-ni-xtan, với cam kết tăng thêm 5.000 quân cùng các trang thiết bị quân sự, y tế và ngân quỹ hơn 600 triệu USD cho đất nước Nam Á này. Điều cần nói ở đây là, Nga là điểm quá cảnh vận chuyển hàng hóa phi quân sự của NATO sang Áp-ga-ni-xtan.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và các thành viên khác trong NATO ở châu Âu có chung lợi ích trong việc cải thiện quan hệ với Nga. Thế nên, trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị kỷ niệm 60 năm NATO, các nhà lãnh đạo NATO khẳng định mặc dù còn một số bất đồng giữa hai bên, nhưng Nga hiện vẫn là láng giềng và đối tác quan trọng của NATO. Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep tuyên bố, Nga sẽ nối lại cuộc đối thoại với NATO trong cả gói các mối quan hệ với EU nhằm thiết lập không gian an ninh và kinh tế chung ở châu Âu. Quan điểm này được Pháp, Đức và nhiều nước NATO ở châu Âu tán đồng. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di tuyên bố, chỉ có thể mở rộng NATO sau khi đã tham vấn ý kiến của Nga.
NATO cũng khẳng định chủ trương kết nạp U-crai-na và Gru-di-a sau khi hai nước này đáp ứng các tiêu chuẩn của khối. Mỹ đã ký Hiệp ước đối tác chiến lược với hai quốc gia này. Trong khuôn khổ các ủy ban NATO - U-crai-na và NATO - Gru-di-a, lãnh đạo khối này sẽ dành cho U-crai-na và Gru-di-a "sự hỗ trợ toàn diện" nhằm tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO. Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma cũng tuyên bố rằng, NATO sẵn sàng mở cửa cho những quốc gia nào có nguyện vọng gia nhập./.
1. The North Atlantic Treaty (NATO). Washington D.C. - 4 April 1949. Văn kiện chính thức theo Thông báo của NATO. Tháng 4-2007.
2. Thiếu tướng Xéc-gây Pê-chu-rốp. Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự, Tiến sĩ khoa học quân sự. Bàn về chiến lược quân sự mới của Mỹ và NATO. Báo "Bình luận quân sự độc lập", số ra ngày 02-02-2007.
3. Định ước cơ bản về các mối quan hệ hợp tác và an ninh giữa Liên bang Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Báo "Độc lập" (Nga) số 96 (1421).
4. Nga và NATO: 50 năm đối đầu. Báo điện tử "Các phương tiện thông tin trên thế giới" (Nga). Inosmi"http://www.inosmi.ru/translation/243808.html
5. Hiệp định đối tác chiến lược Mỹ-Gru-di-a. http://regnum.ru/news/1107970.html
6. NATO đang rạn nứt. Báo Anh "The Guardian". http://www.inosmi.ru/translation/247417.html
7. Mỹ bị mất ảnh hưởng và cần thay đổi chính sách đối ngoại. http://pravda.ru/news/world/23-01-2009/299766-usa-
8. Nước Nga-yếu tố đặc biệt quan trọng trong nền an ninh quốc tế thế kỷ XXI. http://www.ng.ru/politics/2009-04-03/3_kartblansh.html
Phiên họp thứ 19 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  (13/04/2009)
Viễn cảnh kinh tế khu vực Đông Á đã sáng hơn  (13/04/2009)
Đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội  (12/04/2009)
Thái Lan tạm hoãn Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác  (11/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển