Phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững

Phương Ngọc Thạch PGS, TS. Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh
16:11, ngày 01-09-2011
TCCSĐT - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm sản xuất và chế biến nông, thủy sản, lương thực, thực phẩm lớn nhất của Việt Nam, hiện đóng góp 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây của cả nước. Sản xuất thủy sản chiếm hơn 70% sản lượng của cả nước và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu, hằng năm cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng thủy sản nuôi trồng, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đến 2010, vùng ĐBSCL đã đạt và vượt chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Có thể khẳng định ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng nhất tại Việt Nam, nơi bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia.

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một châu thổ lớn và phì nhiêu vào bậc nhất của cả khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng đó được khai thác thành công là kết quả bước đầu của việc liên kết hợp tác, trong đó hợp tác “bốn nhà” đóng vai trò quan trọng.

Nhiều đơn vị, địa phương ở ĐBSCL đã áp dụng thành công nhiều chương trình xã hội hóa như: công tác giống, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa... để sản xuất hàng hóa sạch và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế phát triển kinh tế ở ĐBSCL đến nay vẫn có xu hướng là khai thác tiềm năng tự nhiên nông nghiệp. Việc trồng lúa, cây ăn trái hay nuôi tôm, cá xuất khẩu ở ĐBSCL gần như đều tự phát. Hai thế mạnh là gạo và thủy sản vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để thúc đẩy, đưa kinh tế các tỉnh trong khu vực phát triển nhanh như yêu cầu đặt ra.

Kết quả đạt được trong những năm qua của ngành nông nghiệp, thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, manh mún; chất lượng thấp, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, gây hao hụt lớn và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô chưa có những thương hiệu mạnh.

Đời sống của nông dân luôn bị đe dọa bởi điệp khúc “được mùa rớt giá”, “được giá, hết hàng”. Nông dân hiện vẫn nghèo và còn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu tăng nhanh, thu nhập hộ nông dân không tăng theo tương xứng, thậm chí còn bị giảm ở những vùng sản xuất khó khăn vì nhiễm phèn và ngập mặn. Trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản người nông dân trực tiếp sản xuất ra nông, thủy sản có lợi nhuận rất thấp. Nếu không có giải pháp nâng cao lợi nhuận cho nông dân, ngành nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững.

Có thể nói nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở ĐBSCL đã có những bước tiến rõ nét và có đóng góp gần 20% GDP của đất nước nhưng vẫn còn khá nhiều thách thức. Thực tế cho thấy sự phát triển vùng ĐBSCL kém bền vững mặc dù sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu tăng nhanh. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng.

Để ĐBSCL phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chú trọng tăng cường liên kết, hợp tác. Cho đến nay, phát triển kinh tế vùng chưa khai thác được những lợi thế cạnh tranh thông qua việc khai thác chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm. Chủ trương liên kết “bốn nhà” được đánh giá sẽ tạo ra hướng phát triển bền vững cho phát triển kinh tế, nông nghiệp ĐBSCL. Bởi sự liên kết này khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thực hiện tập trung nguồn nguyên liệu, lôi kéo doanh nghiệp đầu tư và nối kết sản xuất của nông dân với thị trường, thu hút nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào nông thôn hiệu quả hơn. Sự liên kết các cơ quan, đơn vị khoa học, doanh nghiệp, nông dân và sự liên kết giữa các địa phương là cơ hội rất lớn để khắc phục những yếu kém trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời, xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế so sánh vùng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Sự phát triển nông nghiệp, thủy sản vùng kéo theo sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp liên quan (công nghiệp cơ khí, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu thuyền, công nghiệp hóa chất phân bón, công nghiệp vật liệu xây dựng…) cùng sự phát triển các ngành dịch vụ (thương mại, ngân hàng tín dụng, vận tải, kho bãi, viễn thông, khoa học công nghệ…).

Trong thời gian tới, nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở ĐBSCL sẽ bị áp lực lớn trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hậu WTO và biến đổi khí hậu toàn cầu. Song cơ hội lớn đến với nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở ĐBSCL, là nhu cầu lương thực và giá cả nông, thủy sản trên thế giới tăng mạnh. Sự xuất hiện của các thương nhân nước ngoài vào khu vực ĐBSCL thu mua lúa gạo sẽ có lợi cho nông dân, việc này đã được cảnh báo cho các doanh nghiệp nước ta từ mấy năm trước. Vì vậy, sự đồng thuận liên kết các cơ quan, đơn vị khoa học, doanh nghiệp, nông dân và Nhà nước là cơ hội lớn để khắc phục những yếu kém; đồng thời, xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế so sánh vùng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Để nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, cần xác định rõ mục tiêu, phương thức từ sản xuất đến kinh doanh vừa bảo đảm sản lượng vừa nâng cao chất lượng. Muốn vậy, cần có cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả. Cụ thể:

Về phía Nhà nước, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt” về chính sách, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tạo sức bật mới trong thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn để phát triển kinh tế - xã hội vùng. Cần thực thi các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia với những chủ trương, chính sách quan trọng như: chính sách khuyến khích nông dân giữ đất lúa, bảo đảm người sản xuất có lãi trên 30%...; các hướng dẫn để nông dân và các doanh nghiệp tiếp cận Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại Trung ương thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để nông dân và các thành phần kinh tế khác chưa tiếp cận được nguồn tín dụng phát triển sản xuất...

Nhà nước cần có biện pháp, chính sách tổ chức hợp tác xã để có khả năng quy tụ, tích tụ ruộng đất theo quy mô lớn hơn nhằm tạo ra được vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được chất lượng, sản lượng và tiến độ hợp đồng khi khách hàng yêu cầu.

Hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật để có sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giá thành thấp; tổ chức kiểm tra nông dược tồn đọng trên sản phẩm thu hoạch, quản lý công nghệ và tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hỗ trợ tín dụng giúp nông dân tiếp cận, thực hiện được các chương trình vay vốn sản xuất.

Nhà nước tạo điều kiện, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế và có uy tín trên thị trường thế giới.

Giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tham gia các hội chợ quốc tế, xúc tiến thương mại, tạo nhiều cơ hội gặp gỡ, ký kết các hợp đồng thương mại với các đối tác nước ngoài. Hỗ trợ nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cần đầu tư kết cấu hạ tầng, điện, thủy lợi, giao thông, xây cơ sở bảo quản nông sản. Việc hình thành vùng kinh tế trọng điểm  ĐBSCL sẽ đóng góp tốt cho việc liên kết “bốn nhà”, tạo những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng cứng và mềm cho việc gắn bó và cùng có lợi trong quá trình hợp tác.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp coi trọng xây dựng và phát triển thương hiệu của mình theo định hướng cạnh tranh lành mạnh, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng tiêu thụ.

Đặt hàng ký hợp đồng với nông dân bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm sản xuất với điều kiện sản phẩm đúng chất lượng, đúng hạn, đúng giá. Các doanh nghiệp cần chú trọng hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cho chính mình, nếu không vùng nguyên liệu nông sản có nguy cơ bị mất về tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía nhà khoa học, cần nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân; nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân máy móc, công cụ phù hợp với từng đối tượng cây trồng và điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; chuyển giao công nghệ chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch cho nông dân nhằm nâng cao giá trị hàng hoá của sản phẩm. Huấn luyện đào tạo nhà nông tiếp thu các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật.

Về phía nhà nông, không thể sản xuất nông hộ nhỏ mà phải hợp tác sản xuất để tạo vùng nguyên liệu chuyên canh có định hướng theo hợp đồng. Nông dân phải làm ăn theo hợp đồng, theo liên kết “bốn nhà”, tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời gian cung ứng./.