Ngày 31-8-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ về chiến lược cải cách tư pháp trong ngành kiểm sát.

Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và các đồng chí lãnh đạo ngành kiểm sát, các đồng chí trong Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tình hình công tác và những kết quả, tồn tại của ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị thời gian qua.

Xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự nhân dân, Tổ quốc, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác thực hành quyền công tố; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Công tác xây dựng đề án, xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu chất lượng. Thông qua công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết các điểm nóng, khiếu kiện bức xúc về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, góp phần thực hiện tốt hơn quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp cũng bộc lộ nhiều tồn tại như: vẫn để xảy ra việc bắt giữ, khởi tố oan sai, đình chỉ điều tra. Công tác kháng nghị đã được tăng cường nhưng tỷ lệ thấp so với án sửa, án hủy.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương nỗ lực của tập thể cán bộ ngành kiểm sát nhân dân trong thực hiện chủ trương xây dựng ngành kiểm sát trong sạch vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; hoan nghênh những ý kiến đề xuất thẳng thắn tại cuộc họp, với tinh thần phê bình và tự phê bình, để cùng tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong hoạt động của ngành. Chủ tịch nước cho rằng: nhìn chung trong thực hiện chức năng công tố và tư pháp, viện kiểm sát các cấp đã kháng nghị vi phạm, kiến nghị biện pháp khắc phục vi phạm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân. Nhiều đề án xây dựng pháp luật do tập thể cán bộ ngành kiểm sát chủ trì đã cung cấp những luận cứ quan trọng giúp Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương ban hành những kết luận, văn bản chỉ đạo quan trọng, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng dành thời gian trao đổi cùng các lãnh đạo ngành kiểm sát về những kiến nghị liên quan đến vị trí, chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chú trọng công tác bồi dưỡng phẩm chất, nâng cao trình độ kiểm sát viên. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, ngành kiểm sát nhân dân cần đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong đào tạo cán bộ, hoàn thiện tổ chức bộ máy và mô hình hoạt động, để phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Những vướng mắc, tồn tại cần được xử lý thấu đáo, không để cản trở đến quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan Nhà nước khác và giữa các cơ quan tư pháp với nhau.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần phát huy trí tuệ tập thể, truyền thống đoàn kết, chủ động sáng tạo, đẩy mạnh việc thực hiện, phấn đấu để ngay trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI, phải tạo được bước chuyển biến quan trọng trong nhiệm vụ cải cách tư pháp tương xứng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.