Mỹ vẫn ngập chân tại I-rắc

15:42, ngày 01-04-2008

Ngày 20-3-2003, Mỹ và Anh mở cuộc tấn công quân sự vào I-rắc, một nước có chủ quyền, thành viên của Liên hợp quốc. Năm năm trôi qua nhưng đến nay, Mỹ vấn chưa tìm thấy cái gọi là”vũ khí hóa học” hay “vũ khí hủy diệt” mà Mỹ đã lấy làm cái cớ để tấn công I-rắc. Năm năm qua, máu vẫn tiếp tục đổ trên chiến truờng I-rắc và lính Mỹ cũng như những đồng minh vẫn phải đối mặt với cuộc chiến tranh du kích không rõ đối thủ.

I-rắc - 5 năm sau cuộc chiến “sa lầy”

Khi Mỹ và đồng minh tiến hành cuộc chiến tranh chống I-rắc. Mỹ đã hy vọng răng, chỉ sau một năm, sẽ hoàn toàn khống chế được quốc gia này, nhằm kiểm soát nguồn dầu lửa chiến lược lớn thứ 2 trên thế giới đồng thời răn đe các nước khác trong khu vực. Và sau 2 năm dưới sự bảo trợ của Mỹ, một nước I-rắc tự do, dân chủ sẽ ra đời, để tác động tới các nước khác trong khu vực cũng xây dựng một hình mẫu dân chủ theo kiểu Mỹ, phục vụ các lợi ích chính trị kinh tế của Oa-sinh-tơn.

Kết quả là ngày 30-12-2006, Tổng thống Sa-đam Hút-xen bị treo cổ, khi bị cáo buộc đã giết hại 148 người Si-ai hồi những năm 1980. Đất nước I-rắc trở nên hỗn loạn, xung đột sắc tộc găy gắt, tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố được mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda hậu thuẫn tiến hành các hoạt động bạo lực nhằm vào liên quân Mỹ và chính đồng bào mình. Gần 1 triệu dân thường I-rắc đã thiệt mạng, 4 triệu người dân khác phải rời bỏ nhà cửa. Đất nước bị chiến tranh tàn phá khiến hàng triệu người phải sống thiếu điện. Người dân đất nước có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ này vẫn phải xếp hàng nhiều giờ tại các trạm xăng.

Sự trả giá của nước Mỹ

Hơn 4.000 quân Mỹ thiệt mạng. Một khoản ngân sách khổng lồ để chi cho cuộc chiến. Sự xa lánh của cộng đồng quốc tế. Một nội bộ bị chia rẽ trong sự hoài nghi của người dân. Uy tín của người đứng đầu Nhà Trắng bị giảm sút và sự sa sút của nền kinh tế là hậu quả của 5 năm Mỹ tiến hành chiến tranh tại I-rắc. Các chuyên gia tài chính Mỹ đã ví von rằng, cứ 100 tỉ USD chi cho cuộc chiến I-rắc trong 1 năm có thế gây thiệt hại 14 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ sau này.

Tháng 9-2004, lần đầu tiên Tổng thư ký Liên hợp quốc Cô-phi A-nan thừa nhận quyết định đi tới chiến tranh mà không có nghị quyết thứ hai của Liên hợp quốc là bất hợp pháp. Và trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị lãnh đạo Liên hợp quốc, cuối năm 2006, ông A-nan lại một lần nữa chỉ trích hành động đơn phương của Mỹ. Ông tuyên bố: “Không quốc gia nào có thể làm mình an toàn bằng cách áp đặt uy quyền lên những nước khác”.

Lãnh đạo nhóm thanh sát vũ khí của Liên hợp quốc tại I-rắc, ông Han-xơ Blíc - một người điềm tĩnh và thực tế đã vô số lần kêu gọi trong vô vọng rằng, cần thêm thời gian để kiểm tra xem I-rắc có loại vũ khí hóa học hay không? Ông cũng buộc tội Mỹ và Anh hoạch định chiến tranh kỹ càng đề cường điệu hóa mối đe dọa từ vũ khí hóa học để nhằm hợp pháp hóa cuộc chiến tại I-rắc từ trước khi kết quả của ông được công bố.

Cựu thủ tướng Tây Ban Nha Hô-xê Ma-ri-a A-xna, người đã ủng hộ Mỹ và Anh trong cuộc chiến tranh I-rắc đã thừa nhận rằng, ông đã đánh giá quá mức mối đe dọa mà Sa-đam Hút-xen đặt ra. Ông nói, cả thế giới nghĩ rằng I-rắc có vũ khí

5 năm qua, bạo lực và bất ốn đã khiến cuộc sống của người dân I-rắc trở thành địa ngục. Những vụ đánh bom liều chết đã trở thành “cơm bữa”, là một phần tất yếu của cuộc sống nơi đây; khoảng 1 triệu người dân thường I-rắc thiệt mạng; 4 triệu người I-rắc phải rời bỏ nhà cửa; gần 4.000 lính Mỹ bị giết chết có phải là những gì mà Nhà Trắng mong đợi!