Kinh tế - xã hội năm 2007

13:57, ngày 31-12-2007

Sau 1 năm gia nhập WTO, sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 của đất nước đã để lại nhiều ấn tượng, cả tích cực cùng với những băn khoăn, lo lắng.

1. Khía cạnh tích cực - điểm sáng của nền kinh tế là:

Hầu hết các chỉ tiêu báo cáo Quốc hội đều đạt và vượt. Nền kinh tế duy trì được mức tăng tưởng khá, tăng 8,48%.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2007 so với tình hình đã báo cáo Quốc hội

Chỉ tiêu

Năm 2006

Năm 2007

Số báo cáo Quốc hội tháng 10-2007

Số ước cuối năm 12-2007

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) (%)

8,17

8,5

8,48

Trong đó:

Nông, lâm, ngư nghiệp

3,4

3,5

3,41

Công nghiệp, xây dựng

10,37

10,6

10,60

Dịch vụ

8,29

8,7

8,68

- GDP bình quân đầu người

720

835

833

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)

17,0

17,2

17,1

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp (%)

4,4

4,5

4,6

- Tốc độ tăng xuất khẩu (%)

22,7

20,5

21,5

- Tốc độ tăng nhập khẩu (%)

22,1

27,0

35,5

- Nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (%)

12,7

18,7

25,7

- Tỷ lệ đầu tư xã hội trên GDP (%)

40

40,6

40,5

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo vốn đăng ký (tỉ USD)

12

18

20,3

- Cam kết ODA

4,44

5,4

- Chỉ số giá tiêu dùng

6,6

< tốc độ tăng GDP

12,63

- Tạo việc làm (triệu người)

1,65

1,68

1,68

- Tỷ lệ hộ nghèo (%)

19

14,7

14,75

- Giảm tỷ lệ sinh (%)

0,3

0,25

0,25

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 574 nghìn tỉ đồng, tăng 17,1%, cao hơn mức kế hoạch; chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp được nâng cao. Khu vực ngoài quốc doanh tăng 20,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,2%, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10,3%.

Các địa phương đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là Vĩnh Phúc: 41,4%, Bình Dương 25,3%, Hà Tây 25,1%, Cần Thơ 23,4%, Đồng Nai 22,4%, Hà Nội 21,4 %, Đà Nẵng 19,7%, Hải Phòng 18,2%.

- Sản xuất nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức về thiên tai, tiếp tục phát triển. Các cây công nghiệp dài ngày có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Ngành chăn nuôi phát triển khá, ngành lâm nghiệp đang có sự đổi mới mạnh mẽ, tiếp tục thực hiện chương trình xã hội hóa lâm nghiệp. Trong năm 2007, tổng sản lượng thủy sản tăng 11,5% so với năm 2006.

- Khu vực dịch vụ phát triển khá. Thương mại nội địa phát triển mạnh. Mạng lưới chợ được nâng cấp và mở rộng hơn trước, một số chợ chuyên doanh nông sản đã được hình thành và đang dần phát huy tác dụng, mở rộng giao lưu hàng hóa giữa các vùng. Ngành du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, triển khai mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, thu hút khách, trên cơ sở nâng cấp, hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 16,4% so với năm 2006. Hầu hết các nước có mức thu nhập cao có số lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng cao như: Na-uy: tăng 54,8%, Niu Di-lân: tăng 42,4%, Hoa Kỳ tăng 39,7%, I-ta-li-a tăng 39,3%, Hà Lan tăng 38%, Phần Lan tăng 37,9%, Đức tăng 24,8%. Lượng khách du lịch nội địa tăng 8,82% so với năm 2006. Số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá lớn, đặc biệt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Mạng lưới và dịch vụ bưu chính viễn thông, Internet trong nước và quốc tế, mạng thông tin hàng hải, mạng truyền báo hoạt động ổn định và tiếp tục nâng cao năng lực, mở rộng và phát triển đến nhiều vùng sâu vùng xa. Trong năm 2007, đã phát triển mới 18,54 triệu thuê bao điện thoại, tăng 59,6% so với năm 2006, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng đến hết năm 2007 đạt hơn 46 triệu máy, đạt mật độ thuê bao 53,98 máy/100 dân. Tổng số thuê bao internet phát triển mới trong năm 2007 đạt 1,18 triệu thuê bao, tăng 2,4% so với năm trước, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng đến hết năm 2007 đạt hơn 5,2 triệu máy, đạt mật độ 6 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ internet là 18,22 triệu người, chiếm 21,4% dân số.

- Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tính chung cả năm 2007, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 48.387 triệu USD, vượt 3,4% so với kế hoạch và tăng 21,5% so với năm 2006. Năm 2007 có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD gồm: dầu thô: 8,477 tỉ USD, dệt may: 7,78 tỉ, giày dép: 3,96 tỉ; thủy sản 3,79 tỉ; sản phẩm gỗ: 2,36 tỉ; hàng điện tử vi tính, linh kiện : 2,18 tỉ; cà phê: 1,85 tỉ; gạo: 1,45 tỉ; cao su: 1,4 tỉ. Các thị trường xuất khẩu lớn có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khá cao như thị trường Mỹ tăng 24,5% so với năm 2006, chiếm tỷ trọng 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường EU tăng 28%, chiếm tỷ trọng 19%; thị trường châu Á tăng khoảng 16,3%, chiếm tỷ trọng 43%. Đạt được kết quả như trên là do: các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, chuyển hướng kịp thời sang các thị trường khác khi xuất khẩu gặp khó khăn, đặc biệt là mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản; hoạt động xuất khẩu có sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vục kinh tế ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) vào tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục gia tăng với tỷ trọng hơn 40% so với mức 37% của năm 2006.

- Đầu tư phát triển đạt khá, đặc biệt là vốn huy động từ nước ngoài và vốn của dân cư. Vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục (20,3 tỉ USD); cam kết ODA của các nhà tài trợ cao nhất từ trước tới nay (5,4 tỉ USD). Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt 462,2 tỉ đồng, bằng 40,5% GDP.

2. Những khó khăn, tồn tại

Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2007, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn, tồn tại:

- Khó khăn nổi bật nhất trong năm 2007 là thiên tai và bão lũ. Dịch bệnh xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại lớn.

- Chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã được cải thiện trong thời gian qua, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng như trong từng ngành, từng sản phẩm, từng doanh nghiệp còn thấp.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong năm 2007: tăng 12,63% so với tháng 12 năm 2006; tăng bình quân năm 2007 so với năm 2006 là 8,3 % - mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là giá dầu thô và các nguyên liệu chủ yếu trên thị trường thế giới tăng; việc điều chỉnh giá đầu vào đối với xăng dầu và một số vật tư quan trọng; điều hành tiền tệ chưa hợp lý, làm tăng nhu cầu có khả năng thanh toán trên thị trường và những tồn tại trong công tác quản lý bình ổn thị trường, giá cả.

- Tỷ lệ nhập siêu tăng khá cao trong năm 2007. Kim ngạch nhập khẩu tăng 35,5% so với năm 2006. Trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31%. Các mặt hàng nhập khẩu tăng trong năm 2007 chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất như: xăng dầu, thép, máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện điện tử…Nhập siêu năm 2007 cao là do tăng nhập khẩu thiết bị máy móc để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh về đầu tư và nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa, do nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ. Ngoài ra cũng có nguyên nhân tác động do giá thế giới tăng và giảm thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập.

- Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư chậm nhất là đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

- Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao, nhất là người dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và các vùng chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, bão lũ.

- Một số vấn đề xã hội chậm được cải thiện. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chú trọng đúng mức; tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều; các tệ nạn xã hội, trật tự trị an ở một số vùng còn phức tạp.

Năm 2008 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là năm “bản lề” của Kế hoạch 5 năm 2006-2010. Để đạt các mục tiêu mà Quốc hội khóa XII đã đề ra, chủ động thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, một số giải pháp điều hành chủ yếu được Chính phủ nhấn mạnh là: tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tập trung sức phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.