Nền kinh tế thêm một tín hiệu tích cực khi lần đầu tiên, kể từ nhiều tháng nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã giảm 0,19%, theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê.

So với tháng 9, giá tiêu dùng của ba trong số 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ được thống kê có mức giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,08%; nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 0,94%. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng dưới 1%.

Theo các chuyên gia kinh tế, sức giảm của chỉ số giá tháng này được “bắt đà” từ những tháng trước, khi các mặt hàng thiết yếu là xăng dầu, lương thực, thực phẩm đi vào xu hướng giảm giá.

Đây là kết quả của những nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng trong việc triển khai những giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, xu hướng giảm giá này cũng được tác động từ mặt bằng giá thế giới đang hạ nhiệt do tác động của khủng hoảng tài chính.

Ngay trong tháng 10 này, một đợt giảm giá dầu và ba đợt giảm giá xăng liên tiếp đã tác động tích cực lên diễn biến của CPI.

Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại - Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) cho biết, nhiều mặt hàng bắt đầu tiêu thụ chậm lại trong khi đó nguồn cung lại dồi dào, đặc biệt là lương thực, thực phẩm – nhóm hàng vốn chiếm trên 40% rổ hàng hóa để tính CPI.

Xét trên phạm vi vùng miền, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên kể từ 18 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng đã ở mức âm, giảm 0,24% so với tháng trước, cao hơn mức giảm chung của cả nước. Trong khi đó, CPI của Hà Nội cũng chỉ tăng ở mức thấp nhất từ đầu năm tới này là 0,16%.

Tổ Điều hành thị trường trong nước thuộc Bộ Tài chính nhận định thị trường hàng hóa những tháng cuối năm sẽ không tăng đột biến, mặc dù thông lệ đây là thời gian giá cả tăng cao nhất trong năm. Bởi vậy, chỉ số tăng giá tiêu dùng cả năm được dự báo sẽ đạt mục tiêu khống chế dưới mức 25%.

Tuy nhiên, nếu so với tháng 10-2007, chỉ số giá tiêu dùng hiện nay đã tăng tới 26,72% và so với tháng 12-2007 tăng 21,64%.

Bởi vậy, Chính phủ đã khẳng định trước Quốc hội về việc tiếp tục coi kiềm chế lạm phát là một trong những ưu tiên hàng đầu, cùng với việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo đó, mục tiêu cụ thể là đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010./.