Đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật
PGS, TS, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật
Là thị trường đầy tiềm năng với số dân gần 146 triệu người, có mức sống ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng và sức mua ngày càng lớn, Liên bang Nga, một mặt, có thể cần một khối lượng rất lớn những mặt hàng của Việt Nam như thủy, hải sản, rau quả chế biến, nông sản, thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc, giày dép; mặt khác, cũng có thể đáp ứng nhu cầu của ta về sản phẩm dầu mỏ, hóa chất, phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải...
1 - Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước trong thời gian gần đây đã có những cải thiện đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2008, khối lượng lưu chuyển hàng hóa giữa hai nước đã có mức gia tăng lớn, tổng kim ngạch đạt 960 triệu USD, bằng 229% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 307 triệu USD, tăng 46% và xuất khẩu của Nga sang Việt Nam đạt 653 triệu USD, tăng 314% so với cùng kỳ năm 2007.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao về trị giá như thủy, hải sản, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, mỳ ăn liền, thủ công mỹ nghệ, giày dép. Cơ cấu hàng nhập khẩu của ta cũng có sự thay đổi đáng kể: sản phẩm dầu mỏ giảm 3 lần, trong khi đó, sắt thép tăng 7 lần, phân bón tăng 6 lần, cao su tổng hợp tăng 200 lần, máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 5 lần, linh kiện ô-tô tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2007.
Thời gian qua, hai bên đã triển khai một số dự án hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp như: dầu khí, điện năng, chế tạo máy, luyện kim, thăm dò và khai khoáng, sản xuất và lắp ráp ô-tô v.v..
Về dầu khí, hợp tác với Zarubezneft, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (VSP) trong 25 năm hoạt động đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả hai phía tham gia liên doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, VSP đang tiếp tục khai thác mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, sản lượng năm 2007 đạt 8,7 triệu tấn dầu và 1,5 tỉ m3 khí, sản lượng dự kiến năm 2008 đạt 7,1 triệu tấn dầu và 1,4 tỉ m3 khí. Thực hiện Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước về hợp tác dầu khí, ngày 11-9-2007, Chính phủ hai nước đã ký Nghị định thư về việc mở rộng phạm vi hoạt động của VSP sang các lô khác ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hiện tại, hai bên đã thỏa thuận chuyển đổi VSP từ ngày 1-1-2011 thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Vietsovpetro gồm có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty Zarubezneft với tỷ lệ tham gia tương ứng là 51% và 49%. Thời gian tới, lĩnh vực hoạt động của VSP sẽ là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Nga và nước thứ ba. PVN và Zarubezneft cũng đang tiến hành thành lập Công ty TNHH liên doanh Rusvietpetro với tỷ lệ tham gia tương ứng là 49% và 51% để triển khai các dự án tại Nga, trong đó có 4 lô dầu khí tại khu tự trị Nhen-he-xki mà Zarubezneft đã thắng thầu ngày 8-5-2008.
Trong hợp tác với Gazprom, hợp đồng dầu khí lô 112 ký năm 2000 đang được PVN và Gazprom triển khai tích cực, đã phát hiện khí tại giếng khoan Báo vàng. Tháng 5-2008, hai bên đang hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, hợp tác khoa học, công nghệ, đào tạo cán bộ, thiết kế, xây dựng các dự án dầu khí. Hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong việc nghiên cứu địa chất và thăm dò 4 lô tại thềm lục địa nước ta với tổng chi phí dự kiến khoảng 380 triệu USD; đang chuẩn bị thành lập công ty liên doanh Gazpromviet tại Nga với tỷ lệ đóng góp của Gazprom là 51%, PVN: 49% để tham gia các dự án phát triển các mỏ dầu và khí đốt tại Nga và nước thứ 3.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, tổng kim ngạch 2 chiều đạt 960 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 307 triệu USD, tăng 46% và xuất khẩu của Nga sang Việt Nam đạt 653 triệu USD, tăng 314% so với cùng kỳ năm 2007.
Về hợp tác năng lượng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang hợp tác với Nga trong các lĩnh vực cải tạo, nâng cấp các nhà máy điện hiện có do Liên Xô giúp đỡ xây dựng trước đây và xây dựng mới các công trình thủy điện, nhiệt điện. EVN hợp tác với Công ty Cổ phần Power Machine của Nga lắp đặt thiết bị tua-bin, khu nồi hơi và buồng máy cho nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (1x300MW), cung cấp thiết bị cơ điện cho các nhà máy thủy điện Plei Krông, A Vương và Buôn Kuốp. Từ tháng 3-2006, dự án thủy điện Se San 3 sử dụng thiết bị cơ điện do Power Machine cung cấp, đã chính thức phát điện ổn định lên hệ thống đạt đủ công suất 274 MW. Trong tháng 9-2007, Power Machine đã thỏa thuận với Agrimexco Hưng Yên thành lập công ty liên doanh sản xuất thiết bị năng lượng có tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 70 triệu USD để sản xuất các loại tua-bin thủy lực và máy phát thủy lực có công suất 150MW-200 MW.
Thời gian tới, EVN mong muốn hợp tác với các công ty Nga trong các lĩnh vực xây dựng các công trình năng lượng ở Việt Nam; cải tạo, nâng cấp, phục hồi các công trình điện do Liên Xô giúp đỡ xây dựng trước đây; chuyển giao công nghệ sản xuất các cấu kiện, thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án điện, nhằm nâng cao năng lực chế tạo cơ khí và tư vấn, thiết kế của Việt Nam; lập các báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sau năm 2015.
Về hợp tác trong lĩnh vực than và khoáng sản, thời gian qua Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã hợp tác với các đối tác của bạn trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, nhập khẩu phụ tùng, thiết bị hầm lò và khai thác. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Vinacomin đã nhập khẩu từ Nga gần 11 triệu USD thiết bị, phụ tùng, vật tư phục vụ khai thác mỏ. Hiện hai bên đang xúc tiến hợp tác trong việc lắp ráp máy xúc điện tại Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ của Tập đoàn EVN dự kiến hợp tác với Công ty Ekoteknhika của Nga nghiên cứu sản xuất nhiên liệu huyền phù từ than anthracite nhằm nâng cao hiệu quả và tính thân thiện với môi trường trong sử dụng than; với Liên hiệp OMT trong việc chế tạo dàn chống tự hành để khai thác các vỉa than dốc.
Vinacomin mong muốn hợp tác với Nga trong các lĩnh vực, như đầu tư vốn vào các công ty khai thác than hiện đang cổ phần hóa, các công ty cổ phần đang khai thác than sắp thành lập thông qua mua cổ phiếu; tư vấn thiết kế, xây dựng các mỏ than, đặc biệt dùng công nghệ tự động hóa thiết kế mỏ, nhà máy điện và các công trình khác do Tập đoàn làm chủ đầu tư; chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến than; nghiên cứu áp dụng công nghệ khí hóa than dưới lòng đất tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ; thăm dò địa chất tại khu vực Quảng Ninh ở độ sâu từ 300m đến 1.000m, khu vực đồng bằng sông Hồng, thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ tới độ sâu từ 1.000m đến 1.700m bằng các công nghệ khoan sâu, khoan nghiêng và khoan theo vỉa; đấu thầu cung cấp thiết bị vật tư cho khai thác, sàng tuyển, chế biến than; hợp tác lắp ráp thiết bị mỏ tại các nhà máy của Vinacomin; Tập đoàn Vinacomin mong muốn hợp tác với các đối tác Nga đầu tư khai thác than tại Xi-bi-ri, Viễn Đông và nhập khẩu than từ Nga.
Viện Thiết kế các xí nghiệp khai thác mỏ quặng sắt GIP-RORUDA đã hoàn thành hợp đồng tư vấn với Tổng công ty thép Việt Nam (VSC) về lập báo cáo tiền khả thi cho dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê. OAO "Rusal" của Nga đề nghị được hợp tác với Vinacomin trong việc khai thác các mỏ bô-xít, than và các nguồn thủy điện và xây dựng tại Việt Nam một tổ hợp sản xuất, chế biến nhôm.
Về cơ khí chế tạo, Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp (MIE) đã tiếp xúc với một số hãng của Nga trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị thủy điện phục vụ các dự án thủy điện. Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) đã đàm phán với nhà máy ô-tô Zil và Gaz của Nga về việc cung cấp các bộ linh kiện xe tải nhỏ có trọng tải dưới 5 tấn và chuyển giao công nghệ lắp ráp để tiến hành lắp ráp các loại xe trên tại Việt Nam. Tổng Công ty ô-tô Việt Nam đã có trao đổi với Kamaz để nhập khẩu một số khung xe buýt phục vụ sản xuất xe buýt tại Việt Nam. Vinacomin đang hợp tác với hãng Kamaz để sản xuất lắp ráp xe ô-tô tải nặng, xe chuyên dụng cho mỏ. Từ năm 2004 đến nay đã lắp ráp được hơn 1.700 xe Kamaz các loại, riêng 6 tháng đầu năm 2008, lắp ráp khoảng 350 xe, dự kiến cả năm 2008 sẽ lắp ráp và tiêu thụ 600 xe - 700 xe. Hiện nay, Kamaz và Tập đoàn Vinacomin đang xem xét thành lập xí nghiệp liên doanh sản xuất, lắp ráp và trung tâm bảo dưỡng kỹ thuật cho các loại xe Kamaz tại Việt Nam.
Có thể nói kể từ năm 1991 đến nay, quan hệ hợp tác về kinh tế - thương mại giữa hai bên mới chủ yếu ở lĩnh vực dầu khí, năng lượng và trao đổi thương mại trong bối cảnh hai nước đã chuyển sang giai đoạn hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; Nhà nước Nga không hỗ trợ cho các tổ chức và doanh nghiệp Nga trong xuất khẩu thiết bị đồng bộ; các công ty Nga tại thị trường Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các hãng của Nhật Bản, Pháp, Đức, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhìn chung quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp thời gian qua chưa xứng với tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước.
Phía Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên doanh và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực Nga có thế mạnh như: chế tạo máy, thiết bị vận chuyển, thiết bị năng lượng; luyện kim; khai thác mỏ, nhưng cho tới nay hợp tác Việt Nam - Nga về cơ bản vẫn chỉ kế thừa các dự án, những định hướng và hình thức đã có từ thời Liên Xô trước đây.
Về nguyên nhân khách quan, cả hai nước đang chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhưng ở nhiều nơi, nhiều lúc cơ chế quản lý và điều hành vĩ mô vẫn còn lúng túng và nhiều bất cập, hệ thống luật pháp chưa được điều chỉnh một cách đồng bộ và chưa bảo đảm sự minh bạch, bộ máy hành chính công chậm đổi mới và hoạt động kém hiệu quả.
Về nguyên nhân chủ quan, chưa có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong chiến lược hợp tác Việt Nam - Nga. Các doanh nghiệp hai nước vẫn chưa vượt qua rào cản về tâm lý trong hợp tác (như rủi ro về hợp tác, an ninh, khoảng cách về địa lý, cơ chế thanh toán v.v..).
Các thiết bị cơ, điện của Nga thường có chất lượng tốt, nhưng các thiết bị điều khiển, điện tử, tự động hóa... vẫn phải nhập của các nước G7. Việc sử dụng nguồn thanh toán nợ trả chậm cho các công trình điện chưa hiệu quả. Công ty Power Machine đóng vai trò chủ chốt trong hợp tác năng lượng điện chưa tận dụng hết các khả năng, cơ hội để hợp tác trong các dự án nhiệt điện, thủy điện; việc giao hàng thường xuyên bị chậm (như dự án Sê San 3, Plei Krông ...).
Tính đến năm 2006, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật đã tổ chức được 11 khóa họp, ngoài ra giữa 2 kỳ họp của Ủy ban còn có các cuộc gặp, làm việc của hai đồng Chủ tịch ủy ban. Trong khuôn khổ Ủy ban còn có 11 tiểu ban, tổ công tác khác nhau. Khóa họp lần thứ 12 đang được hai bên tích cực chuẩn bị nội dung để có thể tổ chức tại Mát-xcơ-va trong quí III năm 2008.
Theo chỉ đạo và phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phân ban Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì, đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và phía Nga thống nhất nội dung, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác chiến lược giữa hai nước theo đề xuất của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Phân ban Việt Nam trong năm 2008 đã và đang triển khai các hoạt động: họp với các tập đoàn, doanh nghiệp, các bộ, ngành phía Việt Nam để thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác giữa hai nước; họp Tiểu ban dầu khí để xem xét triển vọng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trên cơ sở Vietsovpetro. Theo thỏa thuận của hai đồng Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Nga, khóa họp lần thứ 12 của Ủy ban sẽ được tổ chức tại Mát-xcơ-va vào cuối năm 2008; cuối năm 2008 dự kiến 2 bên sẽ tiến hành ký kết Hợp đồng liên doanh đầu tư phát triển mỏ Nhen-he-xki ở Nga giữa PVN và Zarubezneft; ký thỏa thuận liên doanh giữa PVN và Gazprom. Phân ban Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy việc triển khai hợp tác, chuẩn bị cho chuyến thăm Nga sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
2 - Về việc triển khai Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác Việt Nam - Nga năm 2007 theo sáng kiến của Tổng thống Nga nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược.
Danh mục này bao gồm 27 nội dung, nhiệm vụ mang tính chất định hướng được hai bên thống nhất vào tháng 6-2007 để các cơ quan liên quan của hai nước chủ động phối hợp thực hiện. Danh mục đã nêu ra 3 nhóm nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong năm 2007 trên các lĩnh vực: đối thoại chính trị do Bộ Ngoại giao chủ trì tổng hợp; hợp tác về kỹ thuật quân sự do Bộ Quốc Phòng chủ trì; hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật do Bộ Công Thương chủ trì tổng hợp.
Qua báo cáo của các bộ, ngành liên quan, các nhiệm vụ nêu trong Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác Việt Nam - Nga 2007 đã được các bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Về kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, hầu hết các nhiệm vụ đều đã được triển khai, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết của ủy ban Liên Chính phủ, việc ký kết Hiệp định bổ sung về hợp tác dầu khí trong khuôn khổ VSP, chuyển đổi xí nghiệp liên doanh VSP, đẩy mạnh hợp tác với Gazprom, phối hợp xử lý việc nhập khẩu của Nga đối với gạo, thủy sản, tổ chức thành công những ngày văn hóa Nga ở Việt Nam...
Về phần mình, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan nêu trong Danh mục năm 2007 do Nga đề xuất như sau:
- Tháng 11-2007 hai bên đã xây dựng “Kế hoạch phối hợp hành động trung hạn Việt Nam - Nga về thương mại và đầu tư đến năm 2012”, đề ra các giải pháp đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa hai nước trình khóa họp lần thứ 12 của Ủy ban.
Theo Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác Việt Nam - Nga 2007, về kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, hầu hết các nhiệm vụ đều đã được triển khai thực hiện.
- Thực hiện Tuyên bố chung ngày 20-11-2006 của lãnh đạo hai nước về tiếp tục hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí, ngày 11-9-2007, Chính phủ hai nước đã ký Nghị định thư bổ sung tạo điều kiện pháp lý cho VSP mở rộng phạm vi hoạt động sang Nga và các nước thứ ba, chuyển đổi có hiệu quả hình thức hoạt động của VSP sau năm 2010.
- Mở rộng hợp tác với Tập đoàn Gazprom trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, hợp tác khoa học, công nghệ, đào tạo cán bộ, thiết kế, xây dựng các dự án dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
- Thỏa thuận khung về hợp tác thành lập công ty liên doanh sản xuất các thiết bị năng lượng tại Việt Nam.
- Đẩy mạnh hợp tác về năng lượng nguyên tử và hạt nhân, tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy sản xuất và lắp ráp ô-tô, khai thác khoáng sản.
Danh mục chỉ mang tính định hướng chứ không phải là văn bản pháp lý bắt buộc thực hiện, nên việc thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả cao. Việc nhiều dự án đầu tư và cung cấp thiết bị theo pháp luật của Việt Nam phải qua thủ tục đấu thầu quốc tế, nhiều dự án đầu tư phải gắn với phương án cung cấp vốn v.v.. là những trở ngại cho việc triển khai các nhiệm vụ ưu tiên. Ngoài ra, kết quả hạn chế một phần cũng do các bộ, ngành chưa thực sự tích cực trong chỉ đạo, đôn đốc, tập trung triển khai thực hiện.
Về việc triển khai các nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2008, trong tháng 9-2007, Lãnh đạo hai bên đã nhất trí tiếp tục duy trì và thực hiện Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên năm 2008, xem xét bổ sung, hiệu chỉnh trong từng năm sau 2007 nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga.
Trên cơ sở Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác hai bên được phía Nga trao cho ta tháng 5-2008, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan thảo luận, góp ý một số bổ sung cho Dự thảo. Tháng 7-2008, hai bên đã thống nhất Danh mục để triển khai thực hiện năm 2008. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tích cực đôn đốc các cơ quan nỗ lực nghiên cứu, lập kế hoạch, triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời xử lý, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của Danh mục năm 2008.
3 - Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Việt Nam coi trọng mối quan hệ giữa 2 nước đã được xây dựng trên cơ sở tình cảm hữu nghị truyền thống và được tôi luyện, thử thách trong nhiều năm qua. Việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện đối với Nga trong thời gian tới trên tinh thần đối tác chiến lược là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, vừa tạo đà để Việt Nam đẩy nhanh phát triển kinh tế vừa góp phần củng cố an ninh chính trị của đất nước.
Trong 5 - 10 năm tới cần tập trung thúc đẩy hợp tác ở những lĩnh vực trọng tâm, chiến lược như dầu khí, năng lượng, thương mại và đầu tư.
a) Hợp tác về Dầu khí
- Liên bang Nga là cường quốc về dầu khí với trữ lượng dồi dào, có sản lượng khai thác và thị phần quan trọng trên thị trường dầu khí thế giới. Đẩy mạnh hợp tác về dầu khí sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, lợi ích đất nước.
- Tiếp tục hợp tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên cơ sở Vietsovpetro sau năm 2010 tại các khu vực mỏ Bạch Hổ, Rồng và các lô khác ở Việt Nam, Nga và nước thứ ba.
- Mở rộng hợp tác với Tập đoàn Gazprom trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, hợp tác khoa học, công nghệ, đào tạo cán bộ, thiết kế, xây dựng các dự án dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, ở Liên bang Nga và nước thứ ba.
- Hợp tác với Rosneft để tham gia các dự án dầu khí tại Nga và A-déc-bai-gian, thành lập liên doanh sản xuất phân đạm tại Viễn Đông bằng nguồn khí của Rosneft để cung cấp cho thị trường của Việt Nam.
b) Hợp tác về năng lượng, điện
- Đầu tư, xây dựng các công trình năng lượng mới của Việt Nam, bao gồm cả việc Liên bang Nga tham gia đầu tư một số công trình điện theo hình thức BOT.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện đối với Nga trong thời gian tới trên tinh thần đối tác chiến lược, là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
- Cải tạo, nâng cấp, phục hồi các công trình điện do Nga giúp đỡ xây dựng trước đây bằng nguồn vốn ODA mà Nga có thể dành cho Việt Nam.
- Chuyển giao công nghệ sản xuất các cấu kiện, thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án điện, nhằm nâng cao năng lực chế tạo cơ khí và tư vấn, thiết kế của Việt Nam.
- Đào tạo chuyên gia, giúp Việt Nam lập các báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sau năm 2015.
c) Hợp tác về thương mại
- Sớm ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch phối hợp hành động trung hạn Việt Nam - Nga về thương mại và đầu tư đến năm 2012” đã được hai bên thống nhất về nội dung.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nga; thành lập các trung tâm thương mại Việt Nam tại các thành phố của Nga; tham gia triển lãm quốc gia và quốc tế tại Nga;
- Nghiên cứu, triển khai các biện pháp thích hợp khác để khuyến khích, thúc đẩy trao đổi thương mại với Nga, nâng cao kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước.
d) Hợp tác về đầu tư
Những năm gần đây do Liên bang Nga đã dần phục hồi lại tiềm lực kinh tế, ta cần tranh thủ thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng của Nga trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, khai khoáng, viễn thông, chế tạo máy, xây dựng hạ tầng, giao thông vận tải, đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp...
Nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hợp tác Việt Nam - Nga về kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, xin có một số kiến nghị như sau:
- Coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga không chỉ về mặt chính trị mà cả trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật. Quan hệ kinh tế - thương mại phải trở thành nền tảng quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược.
- Phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống sẵn có, làm cơ sở vững chắc để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và tin cậy giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị.
- Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, nội dung liên quan trong Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên 2008; chú trọng đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, tạo đà thuận lợi để duy trì, phát triển sự hợp tác chiến lược giữa hai nước.
- Tập trung phát triển hợp tác có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm (dầu khí, năng lượng điện, khai thác khoáng sản, luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất hóa chất, công nghệ môi trường) mà Nga có thế mạnh, xây dựng cơ chế, chính sách hố trợ, thúc đẩy từ phía Nhà nước.
- Đề nghị phía Cục Kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Nga tiếp tục tháo dỡ và tháo dỡ hoàn toàn lệnh cấm nhập thủy, hải sản của các doanh nghiệp Việt Nam, tăng thêm các cảng nhập khẩu mặt hàng trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhập khẩu Nga nhập thủy, hải sản của Việt Nam.
- Đề nghị phía Nga tạo điều kiện cho EVN và Vinacomin có thể mua than theo hợp đồng dài hạn với các công ty khai thác, sản xuất than vùng Xi-bi-ri hoặc liên doanh với doanh nghiệp Nga khai thác mỏ than tại Nga và xuất khẩu sang Việt Nam./.
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc  (26/10/2008)
Việt Nam và Trung Quốc đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về các biện pháp cụ thể hoá quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện  (26/10/2008)
Hội nghị cấp cao ASEM 7 và những đóng góp của Đoàn Việt Nam  (26/10/2008)
Hội nghị cấp cao ASEM 7: “Tăng cường đối thoại giữa các nền văn minh”  (26/10/2008)
Bun-ga-ri đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng  (26/10/2008)
Thông cáo số 8 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII  (25/10/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên