Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22-11-2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo:

1. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 25 đến ngày 29-11-2007.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Nguyên thủ Nhà nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (21-9-1973). Chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam là một sự kiện quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển cao hơn của quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chuyến thăm sẽ là động lực mới củng cố và tăng thêm sự tin cậy giữa hai nước nhằm thực hiện mục tiêu chung: đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản "Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á"; thúc đẩy việc mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển.

Trong thời gian thăm Nhật Bản, Nhà Vua Nhật Bản A-ki-hi-tô (Akihito) và Hoàng hậu sẽ tiếp kiến và tổ chức Quốc yến long trọng tại Hoàng Cung chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản I-a-xu-ô Phu-cu-đa (Yasuo Fukuda); gặp Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản và thăm một số địa phương.

Cùng đi và tháp tùng Chủ tịch nước sang thăm Nhật Bản lần này có: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong và một số quan chức cấp cao của Văn phòng Chủ tịch nước, một số bộ, ngành, địa phương. Tháp tùng đoàn của Chủ tịch nước đi thăm Nhật Bản lần này còn có hơn 120 doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Dự kiến trong thời gian này, ở Nhật Bản, sẽ diễn ra hai cuộc Hội thảo tại thủ đô Tô-ky-ô và Ô-sa-ka; doanh nghiệp hai nước dự định sẽ ký kết những hợp đồng đầu tư cũng như hợp tác kinh tế.

2. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-sê Ma-nu-en Ba-rốt-sô (José Manuel Barroso) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 25 đến 27-11-2007

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ thăm Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 27-11-2007. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu kể từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 11-1990) và được thực hiện sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN – EU tại Xinh-ga-po.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu nói chung, và giữa Việt Nam với Ủy ban châu Âu nói riêng, đặc biệt là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Chuyến thăm sẽ góp phần giúp EU và Ủy ban châu Âu hiểu sâu sắc hơn đường lối phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO và trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-sê Ma-nu-en Ba-rốt-sô sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiếp kiến Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

3. Bộ Trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Va-nu-a-tu-a Giê-óoc-giơ Oen (Vanuatu George Wells) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24-11-2007.

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Cộng hòa Va-nu-a-tu-a Giê-óoc-giơ Oen sẽ sang thăm Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24-11-2007. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một quan chức cấp cao Va-nu-a-tu-a kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (3-3-1982). Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Giê-óoc-giơ Oen nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
 

Ủy ban châu Âu (EC) là 1 trong 6 cơ quan chính của Liên minh châu Âu (EU) có trụ sở đặt tại Brúc-xen (Bỉ), có các văn phòng ở Lúc-xăm-bua, đại diện ở các nước thành viên và phái đoàn ở nhiều thủ đô trên thế giới. Chủ tịch là ông Giô-sê Ma-nu-en Ba-rốt-sô (José Manuel Barroso), quốc tịch Bồ Đào Nha.

Ủy ban châu Âu là cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu, gồm 25 Ủy viên (trong đó có 8 Ủy viên nữ): 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch (trước đây là 2 Phó Chủ tịch) và 19 Ủy viên. Chủ tịch Ủy ban do chính phủ các nước thành viên nhất trí đề cử, còn Ủy viên là do Chủ tịch được đề cử của Ủy ban cùng với chính phủ các nước thành viên chọn ra. Cơ quan chính thức thông qua là Nghị viện châu Âu.

Ủy ban châu Âu có nhiệm kỳ 5 năm, hiện tại là khóa 2004 - 2009, bắt đầu hoạt động ngày 22-11-2004. Dưới các Ủy viên là các Tổng Vụ trưởng chuyên trách từng vấn đề, từng khu vực.

Ủy ban châu Âu có chức năng chính là đệ trình dự luật lên Nghị viện và Hội đồng châu Âu; thi hành chính sách của Liên minh châu Âu và kiểm soát ngân sách; cùng với Tòa án châu Âu thi hành luật; và, là cơ quan đại diện cho Liên minh.

Ưu tiên chính của Ủy ban là vấn đề ngân sách, thúc đẩy cải cách để tăng hiệu quả liên kết, duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế trong toàn EU, thông qua Hiến pháp châu Âu và vấn đề mở rộng thành viên.