Để góp phần thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Chiều 18-11, ngay sau khi đến Xinh-ga-po,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã dự phiên họp Cấp cao ASEAN về kinh doanh và Đầu tư (ABIS). Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng. Tạp chí Cộng sản xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng.
Thưa các Nhà Lãnh đạo các nước ASEAN,
Thưa quý vị và các bạn,
Trước hết, tôi xin cám ơn Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN đã mời tôi dự và phát biểu tại Hội nghị quan trọng này. Tôi xin gửi lời chào trân trọng tới các Nhà Lãnh đạo, các quý vị đại biểu và các bạn có mặt hôm nay.
Thưa các quý vị,
Hội nghị lần này với chủ đề “Một ASEAN ở trung tâm của châu Á năng động” đã phản ánh khá chuẩn xác bức tranh hiện nay khi châu Á là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu và ASEAN là một trong những khu vực phát triển năng động. Có được điều đó, một phần là nhờ sự liên kết kinh tế trong nội khối ASEAN và sự hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các Đối tác bên ngoài.
Thật vậy, trong suốt 15 năm qua, một trong những nội dung hợp tác chủ yếu và đặc biệt quan trọng của ASEAN là thúc đẩy tự do hoá kinh tế - thương mại và liên kết kinh tế nội khối. Kết quả hợp tác kinh tế trong ASEAN tuy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhưng chưa thực sự tạo ra sự phát triển đột biến trong quan hệ kinh tế - thương mại. Thị phần thương mại nội khối mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng giá trị thương mại của cả khối. Mặt khác, từng nền kinh tế ASEAN chưa thực sự là những nền kinh tế lớn mạnh. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa ASEAN với đối tác bên ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn, có vị trí ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh đó, tự do hoá kinh tế - thương mại của ASEAN với các Đối tác kinh tế - thương mại lớn, quan trọng là một lựa chọn đúng đắn nhằm tạo môi trường kinh doanh rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp của ASEAN cũng như của Đối tác. Theo hướng này, từ năm 2002 trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác nội khối, ASEAN đã khởi động các tiến trình liên kết kinh tế rộng hơn, thông qua đàm phán xây dựng các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với một loạt Đối tác quan trọng.
Là thành viên ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó có việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong 12 năm qua, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN không ngừng tăng nhanh. Riêng kim ngạch thương mại năm 2006 đạt trên 20 tỉ USD, tăng gần 40% so với năm 2005, chiếm 1/4 kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Các nước ASEAN hiện nay có gần 1.000 dự án đầu tư đang triển khai ở Việt Nam, với số vốn đầu tư trên 13 tỉ USD, chiếm gần 20% vốn đầu tư các dự án nước ngoài đang triển khai ở Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng có trên 120 dự án đầu tư đang triển khai ở các nước thành viên ASEAN với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD. Đồng thời Việt Nam cũng đã và đang tích cực mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước ngoài ASEAN, trong đó có các nước Đối tác của ASEAN. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Từ tháng 1-2007, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới, từ tháng 10-2007 được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực hơn nữa trong việc phát triển liên kết kinh tế trong nội khối ASEAN và các Đối tác ngoài ASEAN.
Thưa các quý vị,
Thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tôi cho rằng ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh các liên kết kinh tế nội khối. Đồng thời ASEAN cũng cần tích cực đàm phán với các Đối tác ngoài ASEAN để hình thành các FTA rộng lớn hơn. Phấn đấu trong giai đoạn 2010-2020, các FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc + Niu Di-lân và EU sẽ dần được hình thành. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế giữa ASEAN với nhiều đối tác lớn và quan trọng khác như Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Nga, Ca-na-đa v.v.. cũng sẽ ngày càng được tăng cường, góp phần tích cực vào phát triển thương mại giữa ASEAN và các Đối tác. Trong quá trình này, để liên kết kinh tế nội khối và việc đàm phán xây dựng các FTA cùng phát triển nhanh, hỗ trợ và thúc đẩy nhau, theo tôi ASEAN và các Đối tác cần lưu ý đặc biệt đến một số vấn đề rất trọng yếu sau đây:
Một là, ASEAN cần nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết đã có và tiếp tục đề ra các sáng kiến mới nhằm đẩy nhanh tiến trình liên kết kinh tế nội khối, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ về kinh tế sẽ tạo tiền đề cho tất cả các thành viên phát huy được thế mạnh riêng của mình. Thành công trong liên kết nội khối và xây dựng Cộng đồng kinh tế sẽ góp phần hình thành sớm các FTA với Đối tác và tranh thủ được tối đa các cơ hội từ các FTA này.
Hai là, do quy mô kinh tế của từng nước thành viên ASEAN còn ở mức độ khiêm tốn, trình độ phát triển chưa đồng đều, cho nên việc xây dựng các FTA với các Đối tác cần phải được tiến hành theo một lộ trình phù hợp, cùng có lợi, cùng phát triển. Tiến trình này thật sự hỗ trợ thiết thực cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Ba là, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình khởi động, đàm phán và thực hiện liên kết nội khối cũng như các khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với các Đối tác là rất quan trọng. Do vậy, chính cộng đồng doanh nghiệp là người trực tiếp làm cho các FTA có sức sống và có ý nghĩa. Tôi cho rằng sự tham gia của các doanh nghiệp cần được thúc đẩy ở cả hai phía. Một mặt, các chính phủ cần xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp để xây dựng các khu vực mậu dịch tự do. Mặt khác, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia vào tiến trình này và khai thác triệt để các cơ hội mà các FTA mang lại.
Thưa các quý vị,
Để thực hiện thành công mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò rất quan trọng. Tôi đánh giá cao Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN đã tổ chức Hội nghị này và lựa chọn chủ đề “Một ASEAN ở trung tâm của châu Á năng động” đang thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Tôi tin rằng tại Hội nghị lần này chúng ta sẽ đề ra nhiều phương hướng và biện pháp hợp tác phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Sau đây tôi sẵn sàng lắng nghe và trao đổi ý kiến với các quí vị.
Khuynh hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu của cánh tả Mỹ La-tinh  (19/11/2007)
Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc  (16/11/2007)
WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc  (16/11/2007)
Thưởng từ dưới, phạt từ trên  (16/11/2007)
Phong trào cộng sản quốc tế trong giai đoạn hiện nay  (16/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên