Thưởng từ dưới, phạt từ trên

Nhân Đăng
10:58, ngày 16-11-2007

Thủ trưởng chúng tôi rất băn khoăn khi cầm bản đề nghị khen thưởng do Hội đồng thi đua cơ quan đệ trình. Trong bản danh sách này, số người được đề nghị khen thưởng phần lớn là cán bộ lãnh đạo, trong đó, tên thủ trưởng được đặt lên hàng đầu.

Hỏi các đồng chí trong Hội đồng thi đua thì được trả lời: Đây là kết quả căn cứ sự tự chấm điểm của từng người, và sự bình chọn của các đơn vị cơ sở.

Thủ trưởng lại hỏi: Nhưng bản thân tôi có tự cho mình điểm cao đâu?

Trả lời: Tuy vậy, thủ trưởng vẫn là người gương mẫu nhất, có nhiều thành tích nhất. Phải điều chỉnh cho thích hợp.

Hỏi: Thế tại sao anh chị em bên dưới lại quá ít?

Trả lời: Bởi đồng chí nào cũng có một vài khuyết điểm, như đi muộn về sớm, phát ngôn không thận trọng, hay phê bình vô nguyên tắc,...

Hỏi: Đơn vị nào có nhiều người vi phạm khuyết điểm như thế?

Được trả lời là các đơn vị B và X, thủ trưởng lại hỏi tiếp: Thế sao cán bộ lãnh đạo các đơn vị này đều được đề nghị khen thưởng?

Trả lời: Vì các đồng chí đó vẫn là người gương mẫu và có thành tích nhất trong đơn vị.

Nghe đến đây, thủ trưởng càng băn khoăn: Phải chăng cách khen thưởng của cơ quan chúng ta có một cái gì đó bất ổn?

Theo ông, có công được thưởng, có tội bị phạt, đó là lẽ thường tình cũng là luật pháp dưới bất cứ thời nào, chế độ nào. Nhưng thời nào, chế độ nào cũng có cách đánh giá công và tội của riêng mình, và từ đó, có cách thưởng và phạt khác nhau. Thưởng từ trên xuống, phạt từ dưới lên là một cách. Còn thưởng từ dưới lên, phạt từ trên xuống là một cách khác.

Mấy năm qua, phong trào thi đua của ta ngày càng phát triển, số người được khen thưởng ngày càng tăng. Đó là điều đáng mừng. Trong số người được khen thưởng, số cán bộ lãnh đạo chiếm phần lớn; điều đó, nếu làm đúng cũng là đáng quý, bởi nó chứng tỏ cán bộ tiên phong gương mẫu. Song liên hệ với cơ quan mình, ông thấy có nghịch lý. Những đơn vị làm ăn tốt, công tác tốt, cán bộ lãnh đạo được khen thưởng là không có gì lạ. Song ở những đơn vị có nhiều khuyết điểm như đã nêu trên, cán bộ lãnh đạo lẽ ra phải bị phạt, sao lại được đề nghị khen thưởng? Bản thân ông là thủ trưởng, nếu trong cơ quan ông có nhiều đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ thì ở cương vị lãnh đạo cao nhất, sao ông lại được bình chọn là cá nhân xuất sắc?

Nhìn rộng ra một chút, ông càng lo ngại. Nếu cơ quan nào cũng làm theo cách của cơ quan ông thì e rằng ý nghĩa của thi đua khen thưởng sẽ giảm đi rất nhiều. Khen thưởng phải lấy cống hiến, thành tích và hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo, quyết không thể lấy chức vị cao hay thấp làm chuẩn.

Ông kiến nghị từ nay, trong cơ quan ông, nên thực hiện việc khen thưởng theo tinh thần như sau: Nếu thưởng thì phải từ dưới lên, nghĩa là ai có thành tích và sáng kiến thì người đó, chức vụ càng thấp càng phải được khen thưởng trước, có vậy mới động viên được phong trào từ dưới. Còn nếu phạt thì phải phạt từ trên xuống, nghĩa là người có lỗi chịu phạt đã đành, cấp trên trực tiếp cũng phải chịu phạt bởi không làm tròn trách nhiệm lãnh đạo của mình. Hơn nữa, nếu cũng có lỗi như nhau trong một vụ, việc, thì ai có cấp bậc cao hơn phải bị phạt nặng hơn chứ không phải ngược lại, nặng dưới nhẹ trên.

Có thế kỷ luật mới nghiêm minh mà khen thưởng cũng công bằng.