TCCS - Liên tiếp những thành công qua các Festival biển, Vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, Hoa hậu thế giới người Việt,... thành phố Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách về một vùng đất hiền hòa, hiếu khách và năng động. Du lịch Khánh Hòa đã và đang từng bước đi lên theo đúng những định hướng sáng tạo từ Chương trình phát triển Du lịch của Tỉnh ủy khóa XIII.

Tỉnh Khánh Hòa thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên trên đất liền là 5.197 km2, có vùng biển đảo rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ. Thiên nhiên đã ưu đãi cho địa phương mọi điều kiện để phát triển du lịch: Trên 300km bờ biển với 3 vịnh đẹp là Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh, trong đó vịnh Nha Trang tuyệt đẹp đã được Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới kết nạp làm thành viên thứ 29; khí hậu ôn hòa quanh năm; có nhiều di tíchlịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1995 - 2000 đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2000 và định hướng phát triển đến 2015. Chương trình đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, được cán bộ nhân dân trong tỉnh đồng tình và hưởng ứng thực hiện. Các nhiệm kỳ Tỉnh ủy tiếp theo tập trung đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đồng thời điều chỉnh, phát triển thêm cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quán triệt và thực hiện chủ trương phát triển du lịch của Tỉnh ủy, theo từng giai đoạn các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động, dự án về phát triển du lịch; quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2010, có tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch đối với các khu du lịch trong tỉnh, đồng thời tiến hành đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa; thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch, gắn kết hoạt động du lịch với các hoạt động văn hóa và các lễ hội truyền thống ở địa phương như: "Du lịch lễ hội Xứ Trầm Hương", "Nối kết con đường Di sản miền Trung - Du lịch hè Nha Trang", định kỳ 2 năm tổ chức Festival biển Nha Trang điểm hẹn, lễ hội Am Chúa và Tháp Bà Ponagar; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường du lịch trên địa bàn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch...

Đến nay, tình hình đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật phát triển du lịch diễn ra khá sôi động, nhiều dự án lớn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia, quốc tế được đầu tư xây dựng với quy mô lớn đã và đang đi vào hoạt động như khu du lịch Vinpearl Land 5 sao, khu du lịch Diamond Bay, khu du lịch sinh thái Evason Hideaway at Mandara, khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Tháp Bà,... Cả tỉnh hiện có 387 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách với hơn 8.800 phòng và 927 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch. Riêng thành phố Nha Trang có 366 cơ sở kinh doanh lưu trú với 8.728 phòng và 14.178 giường, thu hút 7.770 lao động trực tiếp; du khách trong và ngoài nước ngày càng hiểu biết nhiều về mảnh đất và con người Khánh Hòa thông qua Website http//www.vietnamtourism.com/khanhhoa bằng 3 thứ tiếng, các ấn phẩm như sách ảnh, cẩm nang, đĩa DVD, tập gấp, các chương trình phát thanh, truyền hình... giới thiệu và quảng bá về du lịch Khánh Hòa; các hoạt động văn hóa - du lịch chuyển biến tích cực, thái độ ứng xử văn minh, lịch sự với du khách từng bước đi vào cuộc sống; trật tự, an ninh và vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch ngày càng được bảo đảm, nạn cướp giật, ăn xin, cò mồi giảm khá nhiều so với trước; lao động du lịch tăng dần cả về số lượng và chất lượng chuyên môn, ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của địa phương.

Không dừng lại ở khai thác, phát huy các giá trị của thiên nhiên, những năm qua Khánh Hòa còn chú trọng xây dựng những sự kiện, sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc tế và quốc gia. Cho đến nay, du lịch Khánh Hòa thực sự mang một bản sắc riêng, thông qua thành công của Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008, cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, Hoa hậu Trái đất, các kỳ nhạc hội Duyên dáng Việt Nam, Festival biển... Đáng chú ý là toàn bộ những hoạt động trên đều được xã hội hóa. Festival biển 2009 tổ chức vào tháng 6-2009 với tổng kinh phí 25 tỉ đồng, hầu hết đều dựa vào nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Những nỗ lực trên đã đem lại hiệu quả tích cực cho ngành du lịch địa phương. Lượng khách du lịch đến Nha Trang tăng hằng năm từ 13% đến 25% (năm 2005 đạt 992 nghìn lượt, năm 2006 đạt 1,086 triệu lượt, năm 2007 đạt 1,36 triệu lượt, năm 2008 đạt 1,6 triệu lượt). Theo đó, tổng doanh thu hoạt động du lịch và dịch vụ cũng tăng bình quân trong các năm trên 25,26%. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng du lịch Khánh Hòa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ: Doanh thu ước đạt 1.567 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2005 và tăng 15,8% so với năm 2008. Đến nay, Khánh Hòa đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về du lịch do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh đã đề ra: Đến năm 2010 thu hút từ 1,4 triệu - 1,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 500.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 1.300 tỉ đồng. Qua đánh giá chung, Chương phát triển du lịch là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh đạt hiệu quả cao nhất, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế, du lịch lớn của khu vực miền Trung và cả nước.

Thực tiễn phát triển du lịch trong những năm qua cho thấy: Không thể phát triển du lịch nếu chỉ trông chờ vào điều kiện tự nhiên, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên. Để du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền có những định hướng đúng đắn, sáng tạo làm chỗ dựa tin cậy cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Thời gian tới, Khánh Hòa xác định phát triển 3 khu vực tập trung các dịch vụ du lịch dọc bờ biển gồm:

- Cụm thành phố Nha Trang và phụ cận, dọc theo tuyến đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng là trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm tiếp nhận và điều phối du lịch toàn tỉnh. Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh (tháng 7-2008) xác định mục tiêu xây dựng Nha Trang trở thành thành phố chuyên tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế, trọng tâm là tổ chức các hoạt động nghệ thuật, các kỳ Festival biển, các kỳ thi Hoa hậu trong nước và thế giới... Các dự án phát triển du lịch trọng điểm dự kiến triển khai đến năm 2015 tại đây bao gồm: Xây dựng công trình dịch vụ du lịch và đô thị gắn với dịch vụ du lịch dọc theo đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng; xây dựng cảng Nha Trang thành cảng du lịch quốc tế kết hợp với trung tâm dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế; bảo tồn các giá trị di sản cảnh quan thiên nhiên vịnh Nha Trang kết hợp với đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ trên vịnh phù hợp với quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Nha Trang; xây dựng các khu dịch vụ du lịch và đô thị gắn với dịch vụ du lịch dọc sông cái Nha Trang...

- Cụm thị xã Cam Ranh và khu đô thị Cam Lâm cùng các vùng phụ cận sẽ tập trung khai thác du lịch biển, đầm vịnh, cảnh quan biển, vịnh, núi, cồn cát,... Xúc tiến nhanh thủ tục đầu tư để sớm khởi công một số dự án lớn, như các dự án thuộc khu du lịch Bãi Dài, Dự án khu du lịch Cam Lập.

- Cụm khu vực Dốc Lết, vịnh Vân Phong chú trọng phát triển đô thị, dịch vụ - du lịch, trong đó tập trung đẩy nhanh thủ tục các dự án đầu tư lớn: Khu đô thị du lịch ven biển Tu Bông, khu du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm, khu du lịch Hồ Na - Cột Buồm, khu du lịch Đại Lãnh...

- Đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang về phía tây nối với Diên Khánh trở thành một trong những trung tâm hành chính, du lịch, dịch vụ, thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ của miền Trung.

Trên cơ sở định hướng đó, đồng thời phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa tập trung trí tuệ, năng động, sáng tạo khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Phấn đấu đến cuối năm 2010 thu hút 1,76 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu đạt trên 1.750 tỉ đồng và đến năm 2015 đạt 2,3 triệu lượt khách, trong đó có 880.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 3.000 tỉ đồng... Để đạt được chỉ tiêu đó, năm 2010 và những năm tiếp theo, Khánh Hòa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1 - Chuẩn bị các điều kiện và tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, chú trọng phát huy kinh nghiệm về đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hội thi.

2 - Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các bãi đỗ xe, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các điểm vui chơi, giải trí... tạo điểm đến cho khách du lịch. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khu Bãi Dương và các khu đất khác đã được quy hoạch để triển khai xây dựng và kinh doanh phát triển du lịch trong thời gian tới.

3 - Tập trung giải quyết vướng mắc, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch tại Nha Trang, Vân Phong, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và các khu vực khác trên địa bàn theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng.

4 - Triển khai nhanh các dự án trên địa bàn thành phố Nha Trang, trọng điểm là Dự án xây dựng kè và đường dọc sông cái Nha Trang, Dự án cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang. Lập đề án xây dựng Nha Trang trở thành thành phố chuyên tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế như tổ chức các hội nghị, hội thảo, festival, triển lãm, hội chợ, các hoạt động thể thao, văn hóa, các cuộc thi hoa hậu,... Xóa tình trạng ăn xin, quy hoạch hàng rong theo các tuyến phố, giảm các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức cộng đồng... để Nha Trang thực sự là đô thị xanh - sạch - đẹp - văn minh, an toàn và thân thiện"./.