Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu
phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị 
Tại Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) bế mạc ngày 13-10 tại Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu lần đầu tiên được toàn thể các quốc gia thành viên nhất trí bầu giữ chức Chủ tọa Hội đồng Thống đốc IMF/WB. Đây là chức vụ cao nhất để chủ trì các Hội nghị của Hội đồng Thống đốc IMF/WB và Hội nghị Thường niên năm 2009 tại I-xtam-bun, Thổ Nhĩ Kỳ.
 

Việc Việt Nam được bầu chọn lần này thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm cũng như sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội nói chung và đặc biệt là những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc củng cố, đẩy mạnh và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với IMF/WB và các quốc gia hội viên của các tổ chức này. Đồng thời, đó cũng là sự ghi nhận của cộng đồng tài chính tiền tệ quốc tế đối với kết quả tích cực vừa qua trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung của Chính phủ và công tác hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng.

Việc Việt Nam lần đầu tiên được bầu giữ chức Chủ tọa Hội nghị Hội đồng Thống đốc là một vinh dự nhưng đồng thời cũng là trọng trách lớn đối với NHNN. Do vậy, ngay từ bây giờ, NHNN sẽ xây dựng kế hoạch để phối hợp cùng Ban Thư ký Hội nghị của IMF/WB và nước chủ nhà đăng cai hội nghị triển khai các công tác chuẩn bị để đảm bảo tổ chức thành công Hội nghị năm tới.

Phát biểu phiên bế mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ như IMF, WB để xử lý những vấn đề quan trọng mà Hội nghị đưa ra.

Theo Thống đốc NHNN, Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh thế giới đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong thời đại. Do đó, các tổ chức, hiệp hội tài chính, tiền tệ quốc tế phải xây dựng những chương trình ứng phó kịp thời và linh hoạt để đảm bảo các quốc gia thành viên có thể chịu đựng được những cú sốc từ bên ngoài cũng như để giúp bảo vệ người dân nghèo tránh được những tác động của cuộc khủng hoảng này.

Đồng thời, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, WB và IMF cần tiếp tục tập trung đối phó với những thách thức cơ bản và then chốt hiện đang diễn ra, ví dụ như tăng cường vai trò của các quốc gia năng động và đang phát triển trong công tác quản trị điều hành các tổ chức này. Do vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu hoan nghênh hoạt động cải cách để tăng cường tiếng nói và cổ phần của IMF cũng như tiếp tục trao đổi về những vấn đề này của WB. Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ủng hộ những nỗ lực của WB trong việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược phát triển và tăng cường viện trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp đi kèm với hoạt động tăng cường hiệu quả viện trợ.

Hiện quan hệ Việt Nam với IMF và WB tiếp tục được duy trì tốt đẹp. IMF vẫn rất tích cực tiến hành các hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Hàng năm, IMF cử các đoàn công tác định kỳ vào Việt Nam để cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô và đưa ra các tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại, cải cách doanh nghiệp nhà nước. IMF cung cấp nhiều hỗ trợ kỹ thuật cho lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, thị trường mở, thanh tra ngân hàng, cải cách thuế, xác định mục tiêu lạm phát, tính toán lạm phát cơ bản, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Bên cạnh đó, IMF cũng cung cấp các khóa đào tạo, hội thảo ngắn hạn và xuất học bổng dài hạn theo chương trình do IMF tài trợ.

Trong năm tài khóa 2008, Chính phủ đã tiến hành đàm phán với WB 9 chương trình, dự án với tổng trị giá 1,1 tỉ USD - lớn nhất từ trước tới nay đối với một năm tài khóa, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục và cơ sở hạ tầng. Dự kiến trong năm tài chính 2009, WB sẽ tài trợ cho Việt Nam khoảng 15 chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 1,849 tỉ USD, trong đó có 1,519 tỷ USD vay IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) và 330 triệu USD vay thương mại từ nguồn IBRD.

Trong thời gian qua, nguồn vốn từ WB đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đặc biệt các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Nguồn vốn cũng đóng góp một phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam và quốc tế. Nguồn vốn của WB còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến và trang bị các kiến thức về phát triển thể chế./.