Bảo đảm an ninh lương thực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh

Hoàng Thị Hồng Hạnh - Đỗ Thu Thảo
Học viện Tài chính
23:10, ngày 18-11-2024

TCCS - Bảo đảm an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc bảo đảm lương thực cho người dân, nhờ đó đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị địa phương.

Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quốc gia

An ninh lương thực được hiểu là sự bảo đảm của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO): an ninh lương thực là trạng thái mà mọi người có quyền tiếp cận thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động. An ninh lương thực còn được tiếp cận theo cấp độ: 1- An ninh lương thực cá nhân, gia đình; 2- Vùng (địa phương); 3- Quốc gia; 4- Khu vực và toàn cầu. An ninh lương thực không chỉ đề cập từ phía cung lương thực mà còn đề cập đến khả năng tiếp cận, khâu phân phối, bởi thực tế cho thấy, nhiều khi có đủ lương thực nhưng nạn đói vẫn có thể xảy ra.

Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất lương thực, thực phẩm góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh lương thực, như: Kết luận số 53-KL/TW, ngày 5-8-2009, của Bộ Chính trị về “Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”; Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29-7-2009, của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Mặc dù việc thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật, tuy nhiên cho đến nay, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm nước ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Có lúc, có nơi, việc sản xuất chưa theo quy hoạch, dẫn đến còn dư thừa cục bộ về lương thực, thực phẩm ảnh hưởng đến người sản xuất. Thu nhập của người trồng lúa còn thấp, đời sống của một bộ phận còn khó khăn. Tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập.

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay, bảo đảm an ninh lương thực vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Đặc biệt, khi sản xuất nông nghiệp đang tiếp tục chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW, của Bộ Chính trị, ngày 25-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP “Về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Hiện nay, an ninh lương thực quốc gia được nhìn nhận là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. An ninh lương thực quốc gia phải gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, mà còn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm, bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân.

Với các quan điểm trên, Nghị quyết số 34/NQ-CP đặt ra mục tiêu chung là bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là bảo đảm nguồn cung lương thực; bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân; bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở các mục tiêu trên, Nghị quyết số 34/NQ-CP đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030: Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực, gắn với thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực; đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi; phát triển hệ thống thông tin, truyền thông về an ninh lương thực quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.

Chính phủ đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó định hướng phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, phát huy lợi thế địa phương; tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân bảo đảm trong mọi tình huống; quản lý chặt chẽ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất lúa hai vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách của địa phương khuyến khích phát triển sản xuất góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong phạm vi cả nước và của địa phương trong mọi tình huống.

Bảo đảm an ninh lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay

Tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng trên 1,4 triệu dân, tổng nhu cầu lương thực mỗi năm ước khoảng trên 165.000 tấn (theo cách tính của Tổng cục Dự trữ quốc gia 0,5kg gạo/người/ngày). Cùng với đó, hằng năm, tỉnh Quảng Ninh đón hàng triệu lượt du khách, kéo theo rất nhiều nhu cầu về lương thực. Trong bối cảnh diện tích canh tác cây hằng năm của tỉnh không cao, khoảng trên 60.000ha, sản lượng lương thực sản xuất tại chỗ của tỉnh Quảng Ninh có thể nói chỉ đáp ứng tối đa không quá 70% nhu cầu thực tế.

Để bảo đảm an ninh lương thực bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt các những hoạt động quan trọng có tính chất nền tảng, bản lề. Với quan điểm hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang các mục đích khác, thay vào đó là việc tăng cường cải tạo đất lúa, nâng cao giá trị dinh dưỡng trong đất, đẩy mạnh phong trào dồn điền, đổi thửa, tạo ra những cánh đồng mẫu - nơi có thể áp dụng giống mới, quy trình, công nghệ, thiết bị canh tác hiện đại. Từ sự tham mưu của ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng thông qua hàng loạt các chương trình, như: Đề án 196 (cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình 135 bằng đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020), phát triển sản phẩm OCOP… qua đó đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, vận chuyển, giao thương vật tư nông nghiệp và nông sản sau thu hoạch. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng giống cây trồng mới của tỉnh Quảng Ninh cũng được quan tâm, kết quả là hàng loạt các giống lúa ĐT100, ĐT120, QJ4, J02, Bắc Thơm, Đài Thơm, Hương Thơm, Thiên Ưu, ST, VRT, VRN… được nhân rộng trên thực địa đã thay thế các giống lúa canh tác nhiều năm, có dấu hiệu thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng không cao…

Xác định bảo đảm an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng nhằm xóa đói, giảm nghèo, trong quá trình định hướng phát triển tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện phát triển rừng bền vững; tăng cường quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Ninh hiện có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước với gần 423.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 68,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, có hơn 370.000ha đất có rừng. Để chỉ đạo, điều hành các hoạt động về lâm nghiệp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản. Trong đó, ngày 28-11-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU “Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tạo tiền đề cho lâm nghiệp phát triển bền vững. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững. Nhờ đó đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 39.413ha. Diện tích trồng Lim, Lát, Giổi đạt hơn 2.242ha, bằng 112,1% so với kế hoạch. Tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%; chất lượng rừng được nâng cao. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, khai thác các sản phẩm từ rừng hằng năm đều tăng. Đặc biệt, từ năm 2021 khi Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, của Hội đồng nhân dân tỉnh được triển khai thí điểm tại thành phố Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đến nay đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích cây gỗ lớn, cây bản địa hơn 1.656ha. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách là trên 34 tỷ đồng.

Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, để tổ chức lại sản xuất, tỉnh Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh lựa chọn hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tập trung củng cố, phát triển hợp tác xã gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhất là Chương trình OCOP, vừa bảo đảm đầu ra, vừa tăng chất lượng, giá trị sản phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 221 hợp tác xã được thành lập mới, trong đó địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là 69 hợp tác xã, chiếm 31,2%; 119 tổ hợp tác và 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, tổng hợp; 232 trang trại. Hiện nay, hầu hết các trang trại hoạt động có hiệu quả cao, trung bình doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng/trang trại.

Tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp tại đây đã thực hiện liên kết với nhóm hộ phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo đầu ra ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3 - 5 sao, tăng 181 sản phẩm so với cuối năm 2020, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia với 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. 100% các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ chú trọng vào trồng trọt, tỉnh còn vận động người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng khoa học, công nghệ; chăn nuôi hữu cơ gắn với các giống đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi mở rộng quy mô đàn và phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Các dịch bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm, như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh dại trên động vật, viêm da nổi cục... được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có đàn trâu là 30.000 con, đàn bò là 34.000 con, đàn lợn là 320.000 con (tăng 16,3% so với năm 2022), đàn gia cầm đạt 4,3 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 101.600 tấn, tăng 1,9% so với năm 2022.

Từ sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, các địa phương cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi không chỉ nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh mà còn góp phần bảo đảm ổn định an ninh lương thực trên địa bàn./.