Phong trào hợp tác xã được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XIX ở châu Âu và từ đó, phát triển mạnh mẽ sang các châu lục khác trên toàn thế giới, từng bước trở thành một trào lưu rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.

Trải qua 4 lần Diễn đàn tại các nước: Xin-ga-po (năm 2000) với chủ đề “Các hợp tác xã trong thế kỷ XXI: chúng ta đang thay đổi”; Phi-líp-pin (năm 2002) về “Các hợp tác xã: 10 năm qua và 10 năm tới”; Thái Lan (năm 2004) về “Đổi mới hợp tác xã trong nền kinh tế toàn cầu hóa”; Sri Lan-ca (năm 2006) về “Nâng cao năng lực ưu tiên hàng đầu đối với hợp tác xã”, năm nay, với chủ đề “Phát huy lợi thế hợp tác xã trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, Diễn đàn hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 đã diễn ra ngày 4-12-2008 tại Việt Nam. Đông đảo đại biểu quốc tế đến từ các tổ chức hợp tác xã, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo của các nước thành viên trong Liên minh hợp tác xã quốc tế và khu vực, cùng các diễn giả tới từ các Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc đã tới dự và trình bày báo cáo.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào ba vấn đề chính:

- Những lợi thế của hợp tác xã trong việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế;

- Tăng cường năng lực quản lý trong các hợp tác xã;

- Thiết lập mạng lưới kinh doanh để nâng cao vị trí hợp tác xã, đưa tên tuổi hợp tác xã đến với người dân như một nhãn hiệu được ưa chuộng.

Diễn đàn lần này cũng là dịp để các thành viên Liên minh hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp gỡ, bàn thảo, đánh giá lại vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã đối với nền kinh tế của một đất nước. Đa số các đại biểu đều nhất trí với ý kiến, phong trào hợp tác xã có thể làm được nhiều hơn nữa cho những người đang cần sự giúp đỡ nếu nó được hoạt động trong một môi trường thuận lợi, đồng thời, cũng bày tỏ mối lo ngại về sự phát triển của các hợp tác xã trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên quy mô toàn cầu, tác động lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống và đến tất cả các quốc gia, các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.
 
Chia sẻ băn khoăn của các đại biểu, ông Ai-van-no Bác-bơ-rin-ni (Ivano Barberini), Chủ tịch Liên minh hợp tác xã quốc tế, đồng thời cũng khẳng định khả năng thích ứng của các tổ chức hợp tác xã. Khác với doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường chỉ kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận, hợp tác xã là một tổ chức của những người tự nguyện liên kết lại với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng về kinh tế - xã hội - văn hóa, thông qua một tổ chức kinh tế được sở hữu chung và quản lý một cách dân chủ. Ở nhiều quốc gia, một người trong suốt cuộc đời có thể làm việc trong một hợp tác xã của những người lao động ngành nghề; sống trong một căn hộ của một hợp tác xã nhà ở; mua hàng hóa, thực phẩm, quần áo tại một hợp tác xã tiêu dùng; gửi con đến ở hợp tác xã giữ trẻ; thực hiện các dịch vụ gửi tiền, tiết kiệm, vay vốn với một hợp tác xã ngân hàng... Và tại thời điểm này, mô hình hợp tác xã đang phát huy khả năng phục vụ lợi ích cho hàng triệu người nghèo khó trong cộng đồng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới./.