Chiều 4-11-2007, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản Chủ trì cuộc họp, cùng tham gia cuộc họp có các ông: Nguyễn Quốc Triệu Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đức Hoà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ba nhóm vấn đề chính được thông báo trong cuộc họp là:

1. Tình hình dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã thông báo về tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và các biện pháp xử lý. Kể từ khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào ngày 23-10-2007, đến nay có nhiều trường hợp tiêu chảy cấp ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hoá, Thái Bình, Hải Dương, vào viện. Trong số bệnh nhân này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xác định có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm có phản ứng dương tính với phảy khuẩn Tả. Qua điều tra nguyên nhân, phần lớn các trường hợp bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đều liên quan đến việc sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh như mắm tôm sống, rau sống, thực phẩm tươi sống, hải sản... Bộ Y tế đã cảnh báo: nếu không thực hiện các biện pháp mạnh và triệt để, tình hình dịch sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, phân tán trên địa bàn rộng, đặc biệt, ở các khu vực vừa trải qua lụt bão.

Ngày 30-10-2007, Văn phòng Chính phủ đã có công văn khẩn gửi Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp để dập dịch. Cùng ngày, do tình hình diễn biến khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh xung quanh Hà Nội để triển khai các biện pháp dập dịch khẩn cấp. Ngày 02-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1638/CĐ-TTg chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Bộ, ngành triển khai các biện pháp dập dịch.

Các giải pháp về chuyên môn và hậu cần đã được triển khai: môi trường tại các ổ dịch được xử lý bằng Cloramin; xét nghiệm Clo dư trong nước tại các nguồn cấp nước sinh hoạt cho hộ gia đình, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm (Hà Nội đã cấm sử dụng, kinh doanh mắm tôm sống tại các cửa hàng thực phẩm và tại các hộ gia đình), triển khai các hoạt động truyền thông qua các hệ thống thông tin đại chúng, in các băng truyền thông gửi cho tất cả các tỉnh trong cả nước; Bộ Y tế nhanh chóng ban hành các quy trình giám sát xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Huy động tất cả các nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để thiếu thuốc, hoá chất, dịch truyền... phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Chính phủ đã quyết định miễn phí cho các bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm vào điều trị tại cơ sở y tế. Có phương án giải quyết các chế độ đối với cán bộ đi vào ổ dịch.

Trước tình hình nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm còn có khả năng lan rộng và kéo dài, căn cứ vào sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng chống dịch tập trung vào các 8 biện pháp khẩn cấp sau:

- Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các Bộ, ngành nghiêm chỉnh thực hiện công điện số 1638/CĐ-TTg ngày 02-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch.

- Phát hiện sớm, thu dung điều trị bệnh nhân kịp thời, không để tử vong và dich lây lan rộng do phát hiện muộn. Đặc biệt cần chú ý bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nặng. Mở rộng khu vực điều trị không để bệnh nhân tập trung ở tuyến trung ương, tránh hiện tượng quá tải và lây lan dịch bệnh

- Triển khai mạnh các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: ban hành các hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, phạt các cơ sở không đảm bảo vệ sinh trong đó chú ý tới vệ sinh thực phẩm tươi sống, hải sản, vệ sinh thức ăn đường phố, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt.

- Triển khai mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt thông tin tới từng hộ gia đình. Nội dung tuyên truyền cần căn cứ vào 4 khuyến cáo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại cộng đồng. Trong đó, tập trung vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng nguồn nước sạch.

- Tổ chức giám sát một cách tích cực, xác định ổ dịch, điều tra làm rõ nguồn lây, xử lý triệt để vệ sinh môi trường và các nguồn dịch bệnh.

- Có phương án đáp ứng hậu cần thuốc, vật tư, hoá chất, kinh phí phục vụ cho công tác điều trị, phòng chống dịch.

- Tiếp tục cử các đoàn đi phối hợp và chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch. Đặc biệt tổ chức các đội lưu động sẵn sàng lên đường giúp đỡ địa phương khi cần thiết.

- Chỉ đạo các địa phương nghiêm túc báo cáo dịch kịp thời theo quy định.

2. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2007

Ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng trong năm 2007. Trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển theo hướng tích cực: thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao; sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; lĩnh vực dịch vụ diễn ra sôi động; kim ngạch xuất khẩu đạt khá, các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.

Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu trong 10 tháng năm 2007

Một số chỉ tiêu chủ yếu

10 tháng 2006

10 tháng 2007

1

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)

16,9

17,0

2

Giá trị xuất khẩu (triệu USD)

32.872

39.059

Tốc độ tăng xuất khẩu (%)

24,2

18,6

3

Giá trị nhập khẩu (triệu USD)

36.869

47.980

Tốc độ tăng nhập khẩu (%)

20,7

30,5

4

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (%)

20,5

22,7

5

Thực hiện vốn đầu tư tập trung (tỉ đồng)

50,2

72,1

So với kế hoạch (%)

79,7

72,5

6

Vốn FDI cấp mới và tăng thêm (triệu USD)

8.257

11,265

Tốc độ tăng (%)

41,4

36,4

7

Vốn FDI thực hiện (triệu USD)

3.125

3.710

8

Thu Ngân sách Nhà nước (nghìn tỉ đồng)

197,9

229,3

% so với dự toán

83,2

81,4

9

Chi ngân sách nhà nước (nghìn tỉ đồng)

237,5

280,7

% so với dự toán

80,7

78,5

10

Chỉ số giá tiêu dùng(%)

5,4

8,1

Trong đó: Thực phẩm

7,4

13,5

Lương thực

4,9

9,1

11

Giải quyết việc làm (triệu lượt người)

1,42

1,34

Bên cạnh những các kết quả đạt được trong tháng 10 năm 2007, nền kinh tế còn một số khó khăn cần tập trung giải quyết: Chỉ số giá 10 tháng năm 2007 tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây (8,12%); nguy cơ bão lụt ở các tỉnh miền Trung vẫn còn tiềm ẩn trong những tháng cuối năm; riêng trong tháng 10, miền Trung chịu 3 trận lũ liên tiếp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản...; dịch cúm gia cầm, dịch bệnh tai xanh ở lợn chưa khống chế được triệt để và đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Giải ngân vốn đầu tư (kể cả vốn tín dụng, vốn trái phiếu Chính phủ) đạt thấp. Nhập siêu tiếp tục ở mức cao...

3. Công tác quản lý nhà nước về báo chí và những nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền tháng 11 đến hết năm 2007. Đánh giá những ưu điểm và tồn tại trong công tác tuyên truyền thời gian qua, Ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: Thời gian qua, báo chí đã phản ánh tốt những Hoạt động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác đối nội, đối ngoại; đặc biệt là tuyên truyền cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII cũng như thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của đất nước. Hầu hết các báo đã đề cập tới các điểm nóng: dịch bệnh, thiên tai, tai nạn giao thông, biến động giá cả, tạo được hiệu qủa cao trong xã hội....Tuy nhiên, báo chí cần khắc phục ngay những tồn tại: một số tờ báo thông tin sai sự thật, không phù hợp với yêu cầu nội dung tuyên truyền, vi phạm bản quyền thông tin, vi phạm quy định quảng cáo.

Trong phần trao đổi, trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Nguyễn Quốc Triệu làm rõ thêm một số thông tin về nguyên nhân và biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và nhấn mạnh đến việc tuyên truyền để người dân có ý thức về vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống. Ông Triệu cũng nói rõ thêm về chủ trương của Chính phủ hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn cho người bệnh từ lúc nhập viện đến khi khỏi bệnh (sau 3 lần xét nghiệm có kết quả âm tính với vi khuẩn, người bệnh mới được ra viện). Ông Nguyễn Đức Hòa, nói rõ thêm chỉ tiêu tăng trưởng hiện tại (8,5% đã loại trừ yếu tố tăng giá. Nếu tính cả yếu tố tăng giá GDP sẽ đạt vào khoảng trên 16%), Tuy nhiên, khi so sánh tốc độ tăng trưởng và chỉ số tăng giá là muốn nhấn mạnh khả năng tăng trưởng tạo sức sống lớn trong nền kinh tế. Tốc độ tăng giá thấp hơn tăng trưởng sẽ bảo đảm sự phát triển thực sự của tăng trưởng...

Cuối buổi họp báo, ông Trần Quốc Toản đã truyền đạt những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề cần thực hiện quyết liệt trong thời gian tới:

Một là, phòng chống tham nhũng.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính tập trung vào các vấn đề: cải cách hành chính liên quan đến doanh nghiệp; giảm tối đa phiền hà cho dân; các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; các thủ tục hành chính cấp đất, thu hồi đất, sở hữu nhà đất; cải cách hành chính trong nội bộ nền hành chính, thực sự nâng cao hiệu quả nền hành chính.

Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo xem xét lại các nghị định của các Bộ, ngành. Bộ chủ trì phải chịu trách nhiệm trước dân. Phải có sự phối hợp liên ngành với các Bộ, ngành để điều chỉnh cơ bản làm rõ chức trách của các ngành.

Ba là, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng.

Bốn là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Năm là, đẩy mạnh phòng chống thiên tai.

Sáu là, phòng chống tai nạn giao thông, quyết liệt hơn, nâng cao ý thức của dân.