Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử

Vũ Dũng
15:09, ngày 11-08-2019

TCCSĐT - Ngày 23-7, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.

Lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử giúp việc tra cứu tất cả dữ liệu bệnh sử một cách dễ dàng_Ảnh_ Vũ Dũng

Theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT, từ ngày 1-3-2019, Bộ Y tế quy định các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm hai giai đoạn 2019 - 2023 và 2024 - 2028. Hiện đang triển khai giai đoạn 1, với yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Cụ thể, 135 bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt phải triển khai bệnh án điện tử xong trước ngày 31-12-2023.

Nhằm triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc, Bộ Y tế đã giao Cục Công nghệ thông tin tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về bệnh án điện tử, thu hút các đơn vị, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia, góp ý, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, trong việc triển khai bệnh án điện tử, tại một vài cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên còn chưa có kinh nghiệm; có lãnh đạo bệnh viện còn chưa quyết liệt, bị động; việc xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chưa rõ ràng.

Việc triển khai bệnh án điện tử rất có ích cho người dân, người bệnh sẽ được lợi vì có mã số định danh khi khám chữa bệnh, nhân viên y tế chỉ quét mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế để tìm phòng khám, bệnh lý của bệnh nhân vì tất cả hồ sơ của bệnh nhân, bệnh viện đã được lưu trữ trên hệ thống máy tính, bác sĩ có thể kiểm tra tất cả dữ liệu bệnh sử từ những lần điều trị trước....

Khi áp dụng bệnh án điện tử, nội dung sẽ chính xác, tránh tình trạng chữ viết không rõ ràng, khó đọc; người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi, giảm được thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian, chi phí; bác sĩ và nhân viên y tế không phải di chuyển từ khoa này qua khoa khác để lấy kết quả xét nghiệm...

Ngoài ra, việc triển khai bệnh án điện tử giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề; tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y bác sĩ; hướng đến việc điều trị hiệu quả, chất lượng.

Đối với ngành Y tế, việc triển khai hồ sơ điện tử giúp ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Với cơ sở dữ liệu này, việc tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp ngành Y tế có những chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và dự báo, hoạch định chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách khoa học hơn.

Nếu hoàn thành, đó là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành Y tế.

Hiện nay, 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm…

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin khi triển khai bệnh án điện tử và vấn đề cơ sở dữ liệu của các bệnh viện chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các bệnh viện nên việc kết nối liên thông dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn phải chờ đến khi triển khai đồng bộ trong toàn ngành thì vấn đề này mới có thể giải quyết được./.