Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán và điều trị đột quỵ
TCCSĐT - Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Bắc triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), phần mềm RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ, hiện phổ biến trên toàn thế giới với 1.200 bệnh viện tại 40 quốc gia lắp đặt. Theo số liệu công bố tại nhiều nước trên thế giới, trong 100 ca áp dụng phần mềm Rapid có thể điều trị thành công 49 ca, nhưng nếu không có phần mềm này, chỉ có 19 ca điều trị thành công.
Trên thực tế, tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) mỗi tháng tiếp nhận khoảng 250 ca bệnh đột quỵ. Trong số đó, chỉ có 5% người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, tức khoảng từ 4 - 6 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ và cũng là khoảng thời gian tối đa cho phép người bệnh đến điều trị, 95% còn lại bác sĩ không thể can thiệp được. Tuy nhiên, khi đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ vào hoạt động, người bệnh có thể kéo dài “thời gian vàng” lên đến 24 giờ, tức tăng hơn 18 giờ so với trước… Ngoài ra, kết quả hình ảnh chụp MRI não của người bệnh được đưa vào phần mềm này sẽ giúp các bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ cũng thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp…
Bác sĩ Trần Quang Lục, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện chụp CT cùng phần mềm RAPID cho biết, từ ngày 18-6-2019, hơn 60 ca bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID. Sau khi có kết quả chụp CT, MRI được các kĩ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện cùng phần mềm RAPID, bác sĩ lâm sàng sẽ đưa ra quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho người bệnh hay không. Với những trường hợp xuất huyết não, phần mềm này giúp đo thể tích khối máu tụ, bác sĩ tiên lượng được chính xác khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị.
Trước đó, theo thông tin có liên quan, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân nữ 69 tuổi bị đột quỵ tắc mạch não do ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học.
Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin: Ngày 19-6-2019, kíp trực cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị M (69 tuổi), tiền sử rung nhĩ, thay van hai lá cơ học 5 năm, đang điều trị thuốc chống đông đường uống bị đột quỵ tắc mạch não do ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học.
Trao đổi với bác sĩ, người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã theo học "giáo phái lạ" 3 tháng nay và bỏ thuốc khoảng 1 tuần vì tin rằng "tập cái này không cần dùng bất cứ loại thuốc nào".
Bệnh nhân vào viện giờ thứ 2 trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người phải, rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp. Chụp cắt lớp vi tính dựng mạch máu não, các bác sĩ phát hiện tắc động mạch não giữa bên trái. Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ chẩn đoán đây là một trường hợp nhồi máu não cấp do huyết khối từ tim trong thời gian cửa sổ 3 giờ đầu.
Bệnh nhân đã được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA), với thời gian cửa - kim (thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi hoàn tất chiếu chụp chẩn đoán và bắt đầu dùng thuốc liều Bolus) là 44 phút - trong khi thời gian tiêu chuẩn với Trung tâm Đột quỵ chất lượng vàng của Hội Đột quỵ châu Âu là 60 phút. Sau đó, bệnh nhân được tiếp tục điều trị "bắc cầu", can thiệp tái thông mạch bằng dụng cụ cơ học. Sau can thiệp, bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh dần, nói được, hiểu lời, nửa người phải vận động tốt.
Bác sĩ Phạm Văn Cường cho biết, đây là một trường hợp bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não do ngưng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học. Việc ngưng thuốc chống đông có thể dẫn đến hiện tượng kẹt van tim gây đột tử hoặc đột quỵ não tắc mạch do cục máu đông hình thành từ tim di chuyển lên não. Bệnh nhân may mắn do sau đột quỵ được đưa sớm đến cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị phương tiện cấp cứu và điều trị. Nếu không được cấp cứu sớm, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật nặng nề.
Các bác sĩ khuyến cáo, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị M. cho thấy, người dân không nên tin tưởng các phương pháp tập luyện, điều trị bệnh không có cơ sở khoa học. Rèn luyện sức khỏe là cần thiết nhưng cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn, nhân viên y tế. Khi có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sức khỏe không ổn, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời./.
Sơ cứu đúng cách đối với bệnh nhân bị chấn thương cột sống  (02/08/2019)
Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, phát triển y tế chuyên sâu  (01/08/2019)
Lan tỏa yêu thương từ “Giọt hồng miền non nước”  (18/07/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay