Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng trong giai đoạn hiện nay

Nguyễn Chí Vịnh Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
21:02, ngày 21-12-2017

TCCS - Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng; với trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, đạt được những kết quả quan trọng, có tính đột phá. Quan hệ, hợp tác quốc phòng trở thành một trụ cột trong quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước, góp phần quan trọng tăng cường quan hệ với các định chế, tổ chức quốc tế, khu vực.

Về song phương, đến nay Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng với hơn 80 nước, phù hợp với quan hệ chính trị và nhu cầu, khả năng của đất nước, Quân đội; tập trung ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống. Về đa phương, đối ngoại và hội nhập quốc tế về quốc phòng có bước phát triển về chất; đóng góp quan trọng vào thành công của các hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN; hiện thực hóa ý tưởng và phát huy vai trò của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); tham gia ngày càng sâu hơn vào các diễn đàn, hội nghị khu vực, liên khu vực và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Với những kết quả đó, công tác đối ngoại quốc phòng đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ nhất, đóng góp trực tiếp vào bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; thực hiện “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Thứ hai, góp phần tạo vị thế, vai trò mới cho Việt Nam trong việc định hình, dẫn dắt một số vấn đề chung của khu vực, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình và ổn định của thế giới; phản ánh chân thực chính sách quốc phòng hòa bình của Việt Nam; nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ ba, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội và sức mạnh quốc phòng của đất nước. Thứ tư, cùng với hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tạo thế cân bằng chiến lược, đan xen lợi ích giữa các nước, qua đó làm giảm nguy cơ xung đột, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Những thành tựu quan trọng nêu trên khẳng định bước trưởng thành mới của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận đối ngoại, thể hiện sinh động vai trò “Đội quân công tác”, mang đậm bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu trong công tác đối ngoại quốc phòng bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thường xuyên là Bộ Chính trị; việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, quan điểm độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của toàn quân; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành ở Trung ương và địa phương. Những thành tựu đạt được tạo tiền đề rất quan trọng để Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng trong giai đoạn mới.

Những năm tới, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; sẽ diễn ra một số sự kiện quan trọng, tác động lớn đến môi trường chính trị thế giới và khu vực. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á vẫn là trung tâm phát triển năng động, đồng thời là nơi cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa một số nước lớn, tiềm ẩn các nguy cơ, nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước lớn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Chạy đua vũ trang, khủng bố, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế có xu hướng gia tăng... Bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình đất nước đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại quốc phòng.

Để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại được xác định tại Đại hội XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”(1), các cơ quan, đơn vị của Quân đội cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, trong đó tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, quân sự được xác định tại Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X vào thực tiễn, bảo đảm định hướng và triển khai mọi hoạt động đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Tất cả các hoạt động quan hệ, hợp tác về quốc phòng đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Chính phủ, trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Hai là, luôn giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ, hợp tác quốc phòng. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc: giữ vững độc lập, tự chủ; quyền dân tộc tự quyết; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chính đáng của nhân dân Việt Nam...; có đối sách khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, xử lý từng trường hợp, từng thời điểm cụ thể trên cơ sở có lý, có tình, tôn trọng lẫn nhau.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 806-NQ/TW, ngày 31-12-2013, của Quân ủy Trung ương, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có hiệu quả Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể với từng nước.

Bốn là, nhận thức đúng đắn quan điểm: Đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế về quốc phòng là phương thức bảo vệ Tổ quốc từ xa, bằng biện pháp hòa bình. Chủ động hợp tác, lấy hợp tác là chính để thúc đẩy xây dựng lòng tin, tạo sự đan xen, gắn kết, ràng buộc và cân bằng lợi ích về chính trị, quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, làm cơ sở ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Năm là, xác định rõ đối tác quan hệ, hợp tác quốc phòng, đưa các mối quan hệ, hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định; quan tâm ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống và các tổ chức quốc tế, khu vực do ASEAN làm trung tâm, giữ vai trò chủ đạo. Tập trung vào những nội dung, lĩnh vực hợp tác mà chúng ta cần, bảo đảm trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, khả năng, điều kiện của Việt Nam và của đối tác. Tìm hiểu rõ mục tiêu của đối tác, trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh; tính toán lợi ích tổng thể, tránh gây ra tình hình phức tạp, phản ứng nhạy cảm, ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ, hợp tác với nước khác.

Sáu là, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, cấu trúc, diễn đàn vì mục tiêu hòa bình, ổn định trong khu vực, liên khu vực và toàn cầu, cả trong xây dựng luật lệ, nguyên tắc và đề xuất sáng kiến tổ chức các hoạt động trên thực địa. Qua hợp tác đa phương, nâng cao vai trò, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và trình độ tổ chức các sự kiện quốc tế của Quân đội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bảy là, bám sát động thái quốc tế, khu vực, tình hình Biển Đông, biên giới Tây Nam, quan hệ giữa các nước lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và với cơ quan, tổ chức của các ban, ngành ở Trung ương và địa phương, tạo sự thống nhất cao trong đánh giá tình hình, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đối sách về quan hệ, hợp tác quốc phòng, đặc biệt là trong bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển, đảo...

Tám là, kết hợp chặt chẽ hội nhập quốc tế về quốc phòng với các lĩnh vực hội nhập quốc tế khác của đất nước. Khai thác tối đa thành quả hội nhập quốc tế của các lĩnh vực khác vào quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng; đồng thời nâng tầm đối ngoại quốc phòng, phát huy thành quả của đối ngoại quốc phòng để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực hội nhập quốc tế khác.

Chín là, nâng cao khả năng dự báo chiến lược, năng lực tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng. Tất cả các hoạt động đó phải theo một kế hoạch thống nhất, chặt chẽ.

Mười là, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng, coi đó là công cụ, cơ sở pháp lý, bảo đảm các hoạt động quan hệ, hợp tác quốc phòng được triển khai đúng với các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

Mười một là, củng cố, kiện toàn các cơ quan, đơn vị đối ngoại quốc phòng, có tổ chức biên chế phù hợp, cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin giỏi, sử dụng thành thạo các phương tiện, trang bị hiện đại; thường xuyên nắm chắc tình hình đối tác, đối tượng, có khả năng làm chủ, sáng tạo, linh hoạt trong quan hệ quốc tế; đủ khả năng tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, cả trước mắt và lâu dài.

Lý luận và thực tiễn luôn khẳng định: Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là định hướng chiến lược, là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình. Nhận thức đúng đắn quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại quốc phòng, cũng như vai trò, ý nghĩa của nó, đồng thời thực hiện tốt các nội dung, biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác này trong giai đoạn mới là thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

-------------------------------------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 433