Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại tỉnh Ninh Bình
TCCS - Từ ngày 12 - 13-9-2024, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản do PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, làm Trưởng đoàn đã đến thăm, khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại một số huyện của tỉnh Ninh Bình và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình.
* Chiều ngày 13-9-2024, Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản đã báo cáo kết quả chuyến khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại hai huyện Kim Sơn và Nho Quan với Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; các đồng chí lãnh đạo đại diện ban, sở, ngành tỉnh Ninh Bình.
Thay mặt Đoàn công tác, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc về những kết quả, truyền thống văn hóa cũng như các bước phát triển của tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, địa phương… nhằm ứng phó kịp thời, nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, giữ vững ổn định chính trị và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà gửi lời cảm ơn chân thành tới Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác có chuyến đi khảo sát thực tế đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thực hiện thành công mục đích đã đề ra.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Ninh Bình đã có nhiều bước đi đột phá mang lại kết quả tích cực trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên là người có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số và tăng cường phát huy vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới. Qua chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Ninh Bình, đoàn có thêm nhiều thông tin, tư liệu quý để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị theo các nghị quyết của Đảng.
Về phía Tỉnh ủy Ninh Bình, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã khái quát một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, trong đó nhấn mạnh đến sự quyết tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tranh thủ tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững. Đồng chí Đoàn Minh Huấn bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Ninh Bình, cụ thể là tăng thêm các tuyến bài viết về tỉnh Ninh Bình, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Bình; đồng thời, chú trọng tiến hành các nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo để góp phần làm rõ thêm những vấn đề lý luận, thực tiễn mới đang nảy sinh, tích cực tìm tòi các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả
Nhân dịp này, đồng chí Đoàn Minh Huấn đã tặng Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản bộ sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (1930 - 2020).
* Trước đó, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đã đi khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại huyện Kim Sơn và huyện Nho Quan.
Huyện ủy Kim Sơn tăng cường công tác lãnh đạo công tác phát triển đảng viên là người có đạo và phát huy vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 12-9-2024, đoàn công tác có buổi làm việc với Huyện ủy Kim Sơn. Đồng chí PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và đồng chí Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí lãnh đạo, biên tập viên các ban chuyên môn của Tạp chí Cộng sản; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Khanh khái quát đặc điểm tình hình của huyện Kim Sơn, với dân số của huyện hiện nay trên 191 nghìn người, có 23 xã, 2 thị trấn; hai tôn giáo là Phật giáo và Công giáo chiếm 52,29% dân số. Một số xã có dân số là người Công giáo chiếm tỷ lệ cao, như Xuân Chính, Kim Mỹ, Cồn Thoi, có xóm 100% nhân dân theo đạo Công giáo.
Đảng bộ huyện Kim Sơn có 72 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 29 đảng bộ (25 đảng bộ xã, thị trấn, 3 đảng bộ cơ quan, 1 đảng bộ doanh nghiệp), 43 chi bộ cơ sở, số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 479 (trong đó có 298 chi bộ ở thôn, xóm, khối, phố). Tổng số đảng viên là 8.605, trong đó có 1.012 đảng viên là người có đạo (chiếm tỷ lệ 11,8% tổng số đảng viên của Đảng bộ).
Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo huyện Kim Sơn và đoàn công tác tập trung thảo luận những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tập trung vào những nội dung chính sau:
Về công tác phát triển đảng viên là người có đạo, từ năm 2021 đến nay, Đảng bộ huyện kết nạp được 945 đảng viên mới, trong đó có 231 là người có đạo (chiếm tỷ lệ 24,4% tổng số đảng viên mới), hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Huyện ủy Kim Sơn quán triệt sâu sắc Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 334-QĐ/TU, ngày 29-6-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình. Kết quả, số quần chúng ưu tú là người có đạo của huyện được kết nạp vào Đảng năm 2021 là 41/85, đạt 48,2% chỉ tiêu của tỉnh; năm 2022 kết nạp 70/85, đạt 82,4% chỉ tiêu của tỉnh; năm 2023 kết nạp 67/85, đạt 78,8% chỉ tiêu của tỉnh; và năm 2024 kết nạp 53/85, đạt 62,4% chỉ tiêu của tỉnh. Những kết quả mà huyện Kim Sơn đạt được đã góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên là người có đạo theo đề án. Đặc biệt, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 3 quần chúng là chức việc tôn giáo vào Đảng; trong đó, năm 2022 kết nạp 1 và năm 2023 kết nạp 2 (toàn tỉnh đã kết nạp được 5 quần chúng là chức việc tôn giáo vào Đảng).
Bên cạnh việc kết nạp đảng viên ở các thôn, xóm, phố và các cơ quan, đơn vị, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn chi bộ các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện bồi dưỡng học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào của nhà trường để kết nạp đảng, trong đó quan tâm đến các em học sinh là người có đạo. Từ năm 2021 đến nay, chi bộ các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã kết nạp 191 quần chúng ưu tú là học sinh vào Đảng, trong đó có 55 học sinh là người có đạo.
Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên là người có đạo vào Đảng ở một số chi bộ cũng có sự linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng quy định của Điều lệ Đảng, vừa bảo đảm trang trọng, ý nghĩa. Trong lễ kết nạp đảng viên, nhiều chi bộ đã mời người thân trong gia đình, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đến dự; qua đó, quần chúng là người có đạo vào Đảng và người thân của họ đều cảm thấy vinh dự, tự hào, thấy được vai trò, trách nhiệm của mình và của gia đình trong việc chấp hành và vận động họ hàng, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, hương ước, quy ước của địa phương.
Về vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg, ngày 18-5-2022, “Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025”, cán bộ và nhân dân trong huyện nói chung và đồng bào các tôn giáo ở huyện Kim Sơn nói riêng đã hăng hái tham gia cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức tôn giáo đã tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; vận động các hộ gia đình tín đồ các tôn giáo vươn lên phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.
Trong 12 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp hơn 130 tỷ đồng, gần 100 nghìn ngày công lao động, hiến 89,9ha đất, cải tạo vườn, ao… để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, dồn điền, đổi thửa, cảo tạo thủy lợi nội đồng; xây dựng hàng chục ki-lô-mét đường cây xanh, hơn 250km đường hoa. Trong đó, đồng bào Công giáo trong huyện đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng và cải tạo đường giao thông nông thôn. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân chung tay xây dựng được 28 nhà đại đoàn kết với số tiền hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng, trong đó có 16 ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo, với số kinh phí hỗ trợ trên 700 triệu đồng. Phong trào lao động, sản xuất ở các tôn giáo được duy trì, nhiều tín đồ tôn giáo sản xuất, kinh doanh phát triển, chăn nuôi giỏi. Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển ổn định, người dân có điều kiện tham gia tích cực vào các phong trào, cuộc vận động và đem lại kết quả tốt đẹp đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ghi nhận và đánh giá cao.
Huyện ủy Nho Quan chủ trương phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 13-9-2024, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản có buổi làm việc với Huyện ủy Nho Quan. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đặng Xuân Nguyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nho Quan, cùng đại diện các sở, ngành của huyện.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Nguyên khái quát đặc điểm tình hình về huyện Nho Quan, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ tại một số vị trí xung yếu trên địa bàn huyện. Những ngày qua, mưa lớn kết hợp với nước thượng nguồn đổ về khiến hàng nghìn hộ dân của huyện ngập trong nước lũ. Mất điện sinh hoạt, thiếu nước sạch đang khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân vượt khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định cuộc sống. Đến nay, huyện đã di dời 10.000 người đến nơi ở an toàn; đồng thời, tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho người dân nơi sơ tán và tại chỗ; bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống.
Về phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Nho Quan xây dựng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”; nhờ đó, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân trong huyện đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt hương ước, quy ước, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín trong đời sống, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới lành mạnh, văn minh, tiến bộ.
Hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng được phát huy, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia. Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên hơn; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nhất là việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, cơ sở tín ngưỡng dân gian thu được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường… Các hoạt động thể thao quần chúng gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mở rộng tới hầu hết các đối tượng, địa bàn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa luôn được quan tâm. Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tổng kiểm kê, phân loại di sản văn hóa của địa phương; đồng thời, duy trì xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa hằng năm. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm thực hiện, huyện đã tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Hằng năm, các di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo trên cơ sở giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản theo quy định. Việc thực hiện phân cấp quản lý toàn diện di tích đã từng bước nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thực hiện xã hội hóa trong công tác quản lý và bảo vệ di tích. Bên cạnh việc phát huy tính tự giác của cộng đồng, huyện còn phát huy được sự tự nguyện, thành tâm của các tầng lớp nhân dân đóng góp công sức, tiền của vào việc tu bổ, tôn tạo, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa được coi là những tiêu chí khó thực hiện. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm chú trọng, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhất là các xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Từ năm 2020 đến nay, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, ngân sách của địa phương và sự huy động từ nguồn lực xã hội hóa, huyện Nho Quan đã đầu tư xây mới 47 nhà văn hóa với tổng mức đầu tư xây dựng mỗi nhà văn hóa thôn từ 500 - 700 triệu đồng, trong đó có 6 nhà văn hóa thôn/bản được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn tại các xã vùng đồng bào dân tộc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà cảm ơn sự tiếp đón chu đáo, tận tình của Huyện ủy Nho quan, cũng như những chia sẻ thẳng thắn, toàn diện về những nội dung theo yêu cầu của Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Ninh Bình, huyện Nho Quan cũng như nhiều địa phương phía Bắc khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt; đồng thời, đánh giá cao tinh thần, sự chủ động của tỉnh, của huyện trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ.
Trong chương trình làm việc tại huyện Nho Quan, Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản đã thăm, tặng quà các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão và các hộ dân bị ngập lụt tại xã Đức Long, xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lũ sau bão số 3./.
Tạp chí Cộng sản - cái nôi góp phần hun đúc tài năng, trí tuệ, đạo đức, phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (07/09/2024)
Tạp chí Cộng sản - cái nôi góp phần hun đúc tài năng, trí tuệ, đạo đức, phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (07/09/2024)
Tình cảm của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (07/09/2024)
Chương trình chính luận nghệ thuật “Sao Độc lập 2024” năm thứ IX với chủ đề: “Lời Bác - Lời của non sông”  (24/08/2024)
Chương trình chính luận nghệ thuật “Sao Độc lập 2024” năm thứ IX với chủ đề: “Lời Bác - Lời của non sông”  (24/08/2024)
Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Singapore  (24/08/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên