Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-12-2017)
Khai mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 11-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 19 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ năm của Quốc hội; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung: Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020; việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016; việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa-Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; việc sử dụng số vốn kết dư sau khi hoàn thành các dự án đóng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2017; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020 tại một số nước; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm.
Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI
Sáng 13-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2011 tiến hành phiên làm việc thứ sáu - phiên bế mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Trong phiên bế mạc, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã ra mắt Đại hội. Trước đó, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI vào tối 12-12 đã bầu ra Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI gồm 31 ủy viên; bầu 4 đồng chí vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI.
Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X, nhiệm kỳ 2012 - 2017 tái đắc cử chức vụ Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Các đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lương, Bùi Quang Huy tái đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI. Hội nghị cũng đã tiến hành bầu Ủy Ban kiểm tra Trung ương Đoàn gồm 19 đồng chí. Đồng chí Bùi Quang Huy đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn.
Nội dung Nghị quyết nêu rõ 11 chỉ tiêu trọng tâm; 7 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản và 10 đề án trọng điểm. Giai đoạn 2017 - 2022, các cấp bộ Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù.
Sau khi thông qua Nghị quyết Đại hội, Đoàn viên Chu Thị Ngọc Hảo đã thay mặt Đại hội đọc Thư của Đại hội gửi tuổi trẻ Việt Nam.
Khẳng định Đại hội đã hoàn thành các nội dung theo kế hoạch sau hơn 3 ngày làm việc tích cực, sôi nổi, trách nhiệm, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cảm ơn Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI.
Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI đã biểu thị quyết tâm của toàn Đoàn sẵn sàng đi đầu trong mọi khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu: “Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Bộ đội Biên phòng cần phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo
Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22-12-1944 - 22-12-2017) và 28 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2017), sáng 13-12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tại Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 28 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Dự lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; đại diện lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Lễ kỷ niệm được nối cầu truyền hình trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ, đại diện cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương có mặt tại Đồn Biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Đồn Biên phòng Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Đảo Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Phát biểu trước các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương Bộ đội Biên phòng đã làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu về các chủ trương, chính sách xây dựng và ổn định biên giới một cách cơ bản, toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng và bảo vệ biên giới. Bộ đội Biên phòng đã chủ động đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại…; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo, góp phần làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định trên các khu vực biên giới.
Nhiệt liệt khen ngợi, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc mà Bộ đội Biên phòng đã giành được trong suốt chặng đường vẻ vang những năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý, nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra rất toàn diện và nặng nề; bối cảnh phức tạp hơn, yêu cầu đặt ra cao hơn, đòi hỏi lực lượng Quân đội nhân dân nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trước bối cảnh này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ: Bộ đội Biên phòng phải chủ động nắm chắc, phân tích, đánh giá và dự báo chính xác tình hình, nhất là những diễn biến trên khu vực biên giới, biển đảo để chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp xử lý đúng đắn, phù hợp, không để phức tạp tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bộ đội Biên phòng phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thủ lĩnh thanh niên phải dấn thân đi đầu
Sáng 13-12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI bước vào phiên làm việc thứ 6, ra mắt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đây cũng là phiên làm việc cuối cùng của Đại hội. Đại hội vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Trước đó, Đại hội đã bầu ra 151 đại biểu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất bầu ra Ban Thường vụ với 31 ủy viên, bầu Ban Bí thư với 4 thành viên. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá X Lê Quốc Phong tái đắc cử Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI. Ba Bí thư Trung ương Đoàn khóa X gồm: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lương và Bùi Quang Huy cũng tái đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI.
Phát biểu trước các đoàn viên thanh niên ưu tú về dự Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi đến dự phiên bế mạc Đại hội và chứng kiến việc ký Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Thanh niên.
Kỳ vọng thanh niên phải là người đi tiên phong, dấn thân trong mọi lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng nhiều bạn trẻ sẽ là “chiến binh khởi nghiệp, chiến binh công nghệ, chiến binh thương mại toàn cầu và chiến binh kiên cường giữ gìn bờ cõi quốc gia”. Hàng nghìn năm lịch sử giữ nước đã chứng minh hoàn toàn có thể đặt niềm tin giới trẻ có thể lập chiến công trong thể kỷ 21, Thủ tướng bày tỏ.
Từ niềm tin vững chắc đó, Thủ tướng đề nghị đoàn viên, thanh niên cần bám sát nhiệm vụ chính trị, thu hút, động viên thanh niên tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy vai trò xung kích “việc cần thanh niên có, việc khó có thanh niên”.
Nói về sự sôi động của phong trào khởi nghiệp cả nước với ước tính có đến trên 120.000 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017 mà phần lớn là người trẻ, Thủ tướng mong đợi thanh niên đóng góp quan trọng hơn nữa vào hoạt động này, hiện thực hóa mục tiêu thành lập thêm nửa triệu doanh nghiệp đến năm 2020 để Việt Nam có trên 1 triệu doanh nghiệp.
Khẳng định, Chính phủ xác định phát triển nền kinh tế số, thông minh là vấn đề chiến lược để nâng cao năng suất, chất lượng lao động của quốc gia và thu nhập của người dân, Thủ tướng đề nghị tổ chức Đoàn hỗ trợ mạnh mẽ để thanh niên, học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, chuẩn bị hành trang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cũng lưu ý đến tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thanh niên và cho rằng đây tuy là phương pháp “cổ điển nhưng rất có ý nghĩa, vì nếu tuyên truyền không đúng, chệnh hướng sẽ rất nguy hiểm”.
Gửi gắm niềm tin sâu sắc vào một thế hệ cán bộ Đoàn sau Đại hội lần thứ XI sẽ luôn nhiệt huyết, sáng tạo, dám đột phá, Thủ tướng nêu rõ: “Thanh niên nói chung và thủ lĩnh thanh niên nói riêng không thể là những người cơ hội, năng lực yếu, đề cao lợi ích cá nhân, mà phải là người dám dấn thân đi đầu”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được tái đắc cử Chủ tịch Hội Cựu chiến binh
Chiều 14-12-2017, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022 tiếp tục chương trình làm việc với nội dung về công tác nhân sự; thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa V tại Đại hội.
Để đáp ứng yêu cầu đại diện cho tiếng nói của hơn 3 triệu hội viên cựu chiến binh Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI phải là một tập thể đoàn kết, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam để định hướng đúng đắn sự phát triển của Hội trong từng giai đoạn; xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, lãnh đạo Hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2017 - 2022; góp phần tiếp tục khẳng định Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội uy tín, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân; đóng góp lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Trên cơ sở đó, Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI gồm 98 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI đã tiến hành bầu ra cơ quan lãnh đạo và giúp việc của Ban Chấp hành.
Theo đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội khóa VI gồm 22 đồng chí. Thượng tướng Nguyễn Văn Được tiếp tục được tín nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022.
Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Chiều 15-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ Tư. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp cuối năm 2017, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018 và Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018; báo cáo “Kết quả hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc về khảo sát chỉ số công lý và phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp”, việc đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.
Phát biểu kết luận phiên họp, tổng kết những kết quả triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp” do Đại hội lần thứ XII của Đảng thông qua và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tương trợ tư pháp...; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án về vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị.
Về chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện chế độ họp định kỳ 3 tháng/lần theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Cùng đó, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...” do Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thông qua; các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018 trên từng lĩnh vực cụ thể...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng đồng bào Công giáo, tín đồ Tin lành
Nhân dịp lễ Chúa Giáng sinh năm 2017, sáng 15-12, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm Tòa Tổng Giám mục Hà Nội; Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Đến thăm Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Phó Thủ tướng chúc Hồng y, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn cùng các chức sắc, linh mục, giáo dân một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc.
Phó Thủ tướng mong muốn, dưới sự lãnh đạo của Hồng y, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giáo phận Hà Nội tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thay mặt các linh mục, tu sỹ và giáo dân giáo phận thành phố Hà Nội, Hồng y, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn bày tỏ lòng cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, đồng hành với giáo dân thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời khẳng định, đồng bào Công giáo sẽ tiếp tục sống tốt đời, đẹp đạo, “kính Chúa, yêu nước” vì sự phát triển lớn mạnh của đất nước.
* Thăm Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), thông qua Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lời chúc sức khỏe, Giáng sinh an lành, hạnh phúc tới toàn thể các vị mục sư, tu sỹ và tín hữu Tin lành trong cả nước.
Phó Thủ tướng tin tưởng, các tín hữu Tin lành sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia cùng chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc phấn khởi báo cáo về kết quả hoạt động của Hội thánh trong năm 2017, đặc biệt việc tổ chức thành công Đại hội đồng Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) lần thứ 35. Mục sư Nguyễn Hữu Mạc cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa, tâm linh cho bà con tín hữu.
* Cũng trong sáng 15-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm, chúc mừng Giáng sinh Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Linh mục Trần Xuân Mạnh, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Phó Thủ tướng mong muốn Ủy ban sẽ động viên đồng bào Công giáo đoàn kết, lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên cuối năm
Ngày 15-12, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2017 và xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Năm 2017, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Đảng bộ Quân đội, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu thị đồng tình cao với báo cáo của Quân ủy Trung ương và các ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Quân ủy Trung ương, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tổng Bí thư đánh giá, nhìn lại năm 2017, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội, bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Ở trong nước, thiên tai bão lũ xảy ra nhiều. Trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới.
Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt đối với cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có quyết tâm, khí thế mới, cả hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, ăn khớp, các bộ, ngành, địa phương phối hợp nhịp nhàng.
Cụ thể là đã thực hiện công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về quân sự quốc phòng một cách căn cơ, bài bản, nắm chắc tình hình và đề xuất các đối sách cụ thể, đúng hướng, không để bị động bất ngờ, tiếp tục giữ vững ổn định trên các vùng, miền, các địa bàn chiến lược, góp phần giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Tổng Bí thư lưu ý, cần quan tâm hơn nữa đến công nghiệp quốc phòng; tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, có kế hoạch.
Tổng Bí thư chỉ rõ, phải hết sức quan tâm cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ cái đúng, lẽ phải, bảo vệ Đảng, chế độ, cương quyết bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quân đội phải đi tiên phong và làm quyết liệt hơn nữa trên lĩnh vực này.
Tổng Bí thư mong muốn, Đảng bộ quân đội tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng tâm nhất trí cao, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong năm 2018, tạo đà vững chắc thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X Đảng bộ quân đội và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Khánh thành Cột cờ cao 31,43m tại vùng biên giới Lũng Pô
Chiều 16-12-2017, tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức Lễ khánh thành công trình thanh niên Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đây là công trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Công trình cột cờ Lũng Pô được khởi công xây dựng vào ngày 26-3-2016 do Tỉnh đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư.
Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2 và chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I thi công xây dựng phần cột cờ chính có chiều cao 31,43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m. Lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai.
Giai đoạn II hoàn thiện phần ngoại cảnh gồm các hạng mục sân cỏ, bãi đỗ xe và kè đá hộc, tường rào bao quanh cột cờ.
Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 17 tỷ đồng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng tất cả các đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh.
Công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” được xây dựng đã trở thành biểu tượng của ý chí, tinh thần xung kích tình nguyện và sự quyết tâm của tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng quê hương, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không thể phát triển nông nghiệp hữu cơ theo phong trào mà phải hết sức bài bản, khoa học
Sáng 16-12-2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam- Phát triển và hội nhập. Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Tập đoàn TH true milk tổ chức, với sự tham dự của hơn 400 chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương.
Với nhu cầu thị trường ngày càng lớn, Thủ tướng cho rằng, đây là cơ hội vàng cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. “Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ vui mừng vì diễn đàn có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, trong phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam phải thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công.
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là những vấn đề rất nóng bỏng hiện nay trong phát triển đất nước; trong đó phải tập trung nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm có một nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Khẳng định rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu hình thành một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới.
Cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 Phạm Văn Vọng
Ngày 17-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 86-TTr/UBKTTW, ngày 16-12-2017, về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016; Tờ trình số 87-TTr/UBKTTW, ngày 16-12-2017 về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, Ban Bí thư nhận thấy:
I- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Phạm Văn Vọng có các vi phạm sau:
1- Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: (a) Vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và Quy chế làm việc; (b) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức - cán bộ, đã Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử nhiều cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, có biểu hiện cục bộ, ưu ái, không bình thường; (c) Vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng một số dự án, công trình trọng điểm.
2- Đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016, có các vi phạm sau: Với cương vị người đứng đầu, đồng chí chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn.
Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Phạm Văn Vọng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. Ban Bí thư quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 bằng hình thức cảnh cáo; thi hành kỷ luật đồng chí Phạm Văn Vọng bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
II- Thi hành kỷ luật đảng đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa
Đồng chí Ngô Văn Tuấn có các vi phạm sau: Từ tháng 10-2010 - 11-2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ, cụ thể: - Cố ý làm trái các quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng không đúng thẩm quyền nhằm ưu ái, nâng đỡ trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn; - Ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh; - Quyết định thành lập mới một số đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng trái thẩm quyền, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế.
Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Ngô Văn Tuấn là rất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm xử lý kỷ luật. Quá trình kiểm điểm, đồng chí chưa nghiêm túc tự phê bình, thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ ảnh hưởng và hậu quả vi phạm, căn cứ Quyết định 102 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các đơn vị Hải quân
Ngày 17-12, tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác của Quốc hội đến thăm và làm việc với các đơn vị Hải quân đóng quân trong Căn cứ quân sự Cam Ranh.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đi với đoàn.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Hải quân tiếp đón Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác.
Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân; thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Cảng Quốc tế Cam Ranh, Lữ đoàn 162, Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 và một số gia đình ở Khu đô thị Căn cứ quân sự Cam Ranh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã dành thời gian nói chuyện, động viên quân và dân Thị trấn Trường Sa, 2 xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến./.
Một số giải pháp lãnh đạo sản xuất kinh doanh hiệu quả: Kinh nghiệm từ Đảng bộ Công ty Điện lực Tuyên Quang  (20/12/2017)
Một số giải pháp lãnh đạo sản xuất kinh doanh hiệu quả: Kinh nghiệm từ Đảng bộ Công ty Điện lực Tuyên Quang  (20/12/2017)
Cái sự... chọn người  (20/12/2017)
Đồng chí Phạm Gia Túc làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương  (20/12/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Đan Mạch chào từ biệt  (20/12/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào  (20/12/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên