Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027
TCCS - Ngày 30-12-2022, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022 - 2027) khai mạc phiên chính thức. Theo chương trình, Đại hội kết thúc vào ngày 31-12-2022.
Đến dự và tham gia có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Cùng tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các tổng cục, quân khu, quân chủng, các học viện, nhà trường và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng… Tham dự Đại hội còn có các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng 506 đại biểu đại diện cho hơn 3 triệu hội viên trên cả nước.
Về phía khách quốc tế, Đoàn đại biểu Hiệp hội Cựu chiến binh quốc gia Lào, Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Campuchia đã sang dự, chúc mừng Đại hội.
Đại hội đã dành những phút đầu tiên của phiên chính thức, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và nhân dân quốc tế, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Cựu chiến binh Việt Nam nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Đại hội thành kính tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Trước đó, tại phiên trù bị ngày 29-12-2022, Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 9 đồng chí, Đoàn Thư ký gồm 3 đồng chí.
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI nhấn mạnh nhiệm kỳ vừa qua bên cạnh những thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Toàn Hội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI và đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc cả về số lượng, chất lượng; hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Tuyệt đại đa số cựu chiến binh giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội. Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; tích cực giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên; thực hiện tốt chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cựu chiến binh; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; phối hợp vận động, tập hợp, phát huy vai trò tích cực của cựu quân nhân ở cơ sở; công tác đối ngoại nhân dân đạt kết quả tốt. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội ngày càng được đổi mới. Thượng tướng Nguyễn Văn Được khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng; tiếp tục khẳng định Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội uy tín, thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội có nhiệm vụ: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ VII; xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phù hợp với tình hình mới; bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII (nhiệm kỳ 2022 - 2027), có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI tại Đại hội có chủ đề: “Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, xây dựng hội cựu chiến binh các cấp vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, với bố cục gồm hai phần: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2022; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Báo cáo thể hiện rõ những kết quả Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó nổi bật là việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nâng cao đời sống; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Toàn Hội hiện có 8.652 doanh nghiệp, 1.752 hợp tác xã, 3.677 tổ hợp tác... Hằng năm có hàng chục nghìn hội viên cựu chiến binh đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập hội doanh nhân cựu chiến binh và câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh. Bên cạnh đó, Hội đã vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào, chương trình phối hợp, cuộc vận động của địa phương và cả nước; gương mẫu tham gia xây dựng, tuyên truyền, phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện tốt chế độ, chính sách, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và cựu chiến binh. Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan quân sự làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên; động viên, tập hợp cựu quân nhân phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các hoạt động ở cơ sở.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận, tư tưởng cựu chiến binh và nhân dân có nơi chưa kịp thời, chưa sâu. Công tác vận động, phát triển hội viên mới ở một số tổ chức cơ sở hội chưa được quan tâm đúng mức...
Phát biểu tại Đại hội, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta, đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cựu chiến binh Việt Nam, luôn đồng hành và gắn bó mật thiết với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn xác định nhiệm vụ và công việc của Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng là nhiệm vụ của chính mình và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân triển khai các chương trình phối hợp hoạt động với hội cựu chiến binh các cấp với nhiều nội dung, mục tiêu, biện pháp cụ thể, nhằm đạt được hiệu quả thiết thực nhất. Qua đó, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở; thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng đất nước hùng cường, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn Hội Cựu chiến binh Việt Nam và toàn thể các bác, anh chị em cựu chiến binh, cựu quân nhân trong cả nước về những kết quả, thành tựu rất đáng trân trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội cần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy xây là chính, phòng ngừa là cơ bản, khắc phục những thói hư, tật xấu trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; đồng thời cảnh giác, không để các phần tử xấu và kẻ địch lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, hội cựu chiến binh các cấp cần khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cựu chiến binh; phối hợp lồng ghép các chương trình, các cuộc vận động trong cựu chiến binh một cách có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các cấp hội và hội viên cựu chiến binh cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ; đồng hành với thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang và là trách nhiệm, tình cảm của hội đối với thanh, thiếu niên thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, chăm lo xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động để hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm phù hợp với đối tượng, hướng mạnh về cơ sở, coi trọng chất lượng, hiệu quả; tránh phô trương, hình thức. Trong đó, chú trọng phát triển, củng cố tổ chức hội, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, doanh nghiệp; chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp, có đủ phẩm chất, năng lực và trí tuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác và tham gia tích cực các phong trào thi đua, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2019 đến năm 2021; góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 31-12-2022, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã tiến hành phiên bế mạc. Đại hội đã thông báo kết quả phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VII. Theo đó, 22 đồng chí đã được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Hội khóa VII. Thượng tướng Bế Xuân Trường được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VII. Các đồng chí Phó Chủ tịch Hội khóa VII gồm: Phạm Hồng Hương, Khuất Việt Dũng, Nguyễn Minh Hoàng, Lê Văn Kiểm.
Tại phiên họp thứ nhất cũng đã bầu 13 đồng chí vào Ban Kiểm tra Trung ương Hội khóa VII. Đồng chí Lương Hồng Phong làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Hội khóa VII. Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội, trong đó xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tiếp tục phát huy bản chất bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”; truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”; xây dựng Hội Cựu chiến binh vững mạnh toàn diện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống. Tăng cường vai trò của hội viên trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
Tỉnh Hà Giang: Chương trình xã hội hóa xây nhà ở người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo vượt xa mong đợi  (21/12/2022)
Bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: Chung sức xây dựng Giáo hội vững mạnh trong lòng dân tộc  (30/11/2022)
Ngày làm việc thứ nhất, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII  (03/10/2022)
Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31  (12/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển