Tăng cường đồng thuận xã hội trước tác động của phân hóa giàu - nghèo ở nước ta hiện nay
TCCS - Đồng thuận xã hội là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường đồng thuận xã hội vừa là mục tiêu, vừa là phương thức để ổn định và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường đồng thuận xã hội ở nước ta đang gặp nhiều thách thức do những tác động tiêu cực của tình trạng phân hóa giàu - nghèo. Vì thế, nhận thức và giải quyết những tác động này đang là một yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường hơn nữa đồng thuận xã hội, tạo động lực phát triển đất nước.
1- Đồng thuận xã hội là sự nhất trí cao trong tư tưởng, hành động tạo nên sức mạnh thực hiện mục đích, lý tưởng chung. Đồng thuận xã hội vừa là cơ sở của đoàn kết, ổn định, phát triển xã hội, vừa là biểu hiện trực tiếp của sự phát triển xã hội. Theo đó, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích, thống nhất nhận thức về mục tiêu, lý tưởng chung và bảo đảm dân chủ, công bằng xã hội là cơ sở tạo nên đồng thuận xã hội.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, sự đồng thuận, đồng lòng chính là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh để cha ông ta chinh phục tự nhiên, mở mang bờ cõi, kiến tạo nên hình hài đất nước, xây dựng một nền văn hiến giàu bản sắc dân tộc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Tổng kết những kinh nghiệm thành công và thất bại, dân tộc ta đã rút ra bài học sâu sắc, đó là muốn trường tồn, phát triển, cả dân tộc nhất quyết phải giữ vững tinh thần đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng. Lịch sử dân tộc mãi lưu truyền câu chuyện Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến, hỏi về chủ trương “hòa” hay “đánh” khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Nhờ vào việc “trên dưới đồng lòng, nhân dân nhất trí, sự nghiệp anh hùng rạng rỡ thời ấy, thanh danh hào kiệt vẻ vang đời sau”(1). Lịch sử cũng sẽ không quên câu nói của “Thần cơ” Hồ Nguyên Trừng khi vua tôi nhà Hồ họp bàn kế sách đánh giặc Minh: “Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo”. Và cũng bởi “lòng dân không theo”, nhà Hồ dù có thành cao, hào sâu, có súng thần công đầy uy lực song vẫn thất bại, đưa đất nước vào cảnh lầm than “gây thù kết oán trải mấy mươi năm”(2). Tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành bài học sống còn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Kế thừa những giá trị truyền thống và những bài học sâu sắc mà cha ông ta để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc gìn giữ và phát huy tinh thần đồng thuận của cả dân tộc. Chữ “đồng” trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là chiến lược, vừa là sách lược cách mạng. Người nói: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”(3); “Dân ta xin nhớ chữ đồng; Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”(4). Hiểu rõ tầm quan trọng và sức mạnh đồng thuận của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải làm sao để nhân dân đồng thuận với Đảng, ý Đảng cần hợp với lòng dân. Muốn vậy, toàn Đảng nói chung, mọi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc” của cha ông, đồng thời quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ đó luôn biết trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân, biết quan tâm chăm lo lợi ích của quần chúng nhân dân. Người nhấn mạnh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể (Đảng) từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(5).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đồng thuận xã hội đã được Đảng ta cụ thể hóa trong hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối lãnh đạo xuyên suốt quá trình cách mạng. Vấn đề này được Đảng ta chính thức đề cập trong Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, trong đó nhấn mạnh: “Giáo dục ý thức chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức cộng đồng trách nhiệm”(6). Tư duy lý luận của Đảng về đồng thuận xã hội đã có sự phát triển liên tục. Văn kiện Đại hội X của Đảng khẳng định: “Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp”(7), đồng thời chỉ rõ: “Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội”(8).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đồng thuận xã hội không ngừng được củng cố, tăng cường và trở thành nhân tố quan trọng đưa nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn. Qua thực tiễn gần 40 năm đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”; “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(9), đồng thời rút ra bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(10).
2- Giữ vững và tăng cường đồng thuận xã hội là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa to lớn, song cũng rất khó khăn, phức tạp, luôn chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Ở mỗi thời kỳ, giai đoạn, thách thức đặt ra với việc tăng cường đồng thuận xã hội lại có sự khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phân hóa giàu - nghèo đang nổi lên là một trong những nhân tố có tác động mạnh mẽ, gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với tăng cường đồng thuận xã hội.
Trong những năm qua, chênh lệch thu nhập, giàu - nghèo ở nước ta đang trở thành một vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm. Khoảng cách về tài sản, thu nhập giữa nhóm giàu và nhóm nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Sự phân hóa về kinh tế đã dẫn tới sự phân tầng xã hội giữa các bộ phận dân cư có sự khác nhau cả về địa vị kinh tế, chính trị và địa vị xã hội. Đảng ta nhận định: “Chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai”(11) và “Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng”(12).
Mặc dù phân hóa giàu - nghèo có những tác động tích cực nhất định, như: Kích thích động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên phát triển kinh tế; kích thích sự năng động, sáng tạo của mỗi người dân; hình thành một tầng lớp giàu có, làm ăn chính đáng trong xã hội, trở thành “đầu tàu” làm giàu cho đất nước và giảm nghèo vùng khó khăn…, song về căn bản, đây vẫn là một vấn đề để lại nhiều tác động, hệ lụy tiêu cực đến đồng thuận xã hội ở nước ta.
Sự gia tăng của tình trạng phân hóa giàu - nghèo có thể dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong xã hội lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đồng thuận xã hội. Lý luận và thực tiễn cho thấy, sự thống nhất lợi ích - trước hết và quan trọng nhất là lợi ích kinh tế - chính là cơ sở căn bản để tạo nên đồng thuận xã hội. Ngược lại, sự khác biệt, mâu thuẫn, đối lập về lợi ích là căn nguyên của mâu thuẫn, xung đột xã hội. V. I. Lê-nin đã chỉ rõ cần phải “Tìm nguồn gốc của những hiện tượng xã hội ở trong những quan hệ sản xuất, và phải quy những hiện tượng ấy vào lợi ích của những giai cấp nhất định”(13). Theo đó, sự phân chia xã hội giữa người giàu và người nghèo đều liên quan đến vấn đề lợi ích. Phân hóa giàu - nghèo càng gia tăng thì sự khác biệt, mâu thuẫn lợi ích trong xã hội càng lớn. Sự phân hóa giàu - nghèo bên cạnh nguyên nhân chủ quan là sự khác nhau về năng lực của các chủ thể kinh tế còn có nguyên nhân khách quan là sự khác nhau về cơ hội, điều kiện tiếp cận các nguồn lực phát triển. Giữa người giàu và người nghèo có sự khác biệt rõ rệt về cơ hội và điều kiện tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tài nguyên, công nghệ…, thậm chí sự rộng mở cơ hội đối với nhóm này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thu hẹp cơ hội của nhóm kia, khiến cho người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo thì gần như không có cơ hội bắt kịp. Ở một khía cạnh khác, tốc độ gia tăng thu nhập của người lao động ở nước ta ngày càng bị bỏ lại xa so với tốc độ gia tăng thu nhập của “giới chủ”, nên về hình thức mặc dù thu nhập có sự gia tăng, song thực chất quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm đầy đủ. Không chỉ về kinh tế, trên nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường…, người giàu cũng được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo. Điều đó đang dẫn đến sự tích tụ những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, làm suy giảm đồng thuận xã hội.
Phân hóa giàu - nghèo trực tiếp cản trở việc phát huy dân chủ và bảo đảm công bằng xã hội. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, không phân biệt giàu nghèo, song trên thực tế, sự phân hóa giàu - nghèo tất yếu sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về “tiếng nói” giữa các bộ phận nhân dân. Mặt khác, với sự ưu trội về địa vị kinh tế - xã hội, một bộ phận người giàu có thể móc nối, mua chuộc những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước để trục lợi cơ chế, chính sách, làm tổn hại đến quyền làm chủ của người dân, phá vỡ công bằng xã hội. Thực tế những vụ “đại án” ở nước ta trong những năm qua đều có sự móc nối giữa doanh nghiệp vi phạm với cán bộ thoái hóa, biến chất, đã phản ánh rõ điều này.
Phân hóa giàu - nghèo cũng tác động tiêu cực đến sự thống nhất nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa. Thực tế một số hiện tượng bất bình đẳng, bất công, vi phạm dân chủ do phân hóa giàu - nghèo gây ra đã, đang và sẽ tác động rất mạnh mẽ, làm sai lệch, méo mó nhận thức của một bộ phận nhân dân về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bộ phận người nghèo, người yếu thế trong xã hội - do những thua thiệt phải hứng chịu - rất dễ nảy sinh tâm lý ấm ức, bất mãn, tiêu cực, mất niềm tin.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của tình trạng phân hóa giàu - nghèo ở nước ta hiện nay cũng đang tác động mạnh mẽ, làm suy yếu nhiều giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, như tình yêu thương, hòa thuận, lòng nhân ái, sẻ chia, tinh thần cố kết cộng đồng… Chính những giá trị này là “bệ đỡ” cho tinh thần đồng thuận, đoàn kết của dân tộc ta. Tuy nhiên, dưới tác động của phân hóa giàu - nghèo, một bộ phận người dân đã nảy sinh tư tưởng tuyệt đối hóa vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần; làm gia tăng chủ nghĩa cá nhân và lối sống cơ hội, thực dụng, coi nhẹ lợi ích của những người xung quanh và của cộng đồng xã hội; nảy sinh tư tưởng muốn làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo đức, pháp luật. Trong xã hội, lòng yêu thương, vị tha, nhân ái có nhiều dấu hiệu suy giảm, trong khi thói thờ ơ, vô cảm gia tăng; niềm tin giữa người với người có phần lỏng lẻo, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin còn xảy ra trong chính những mối quan hệ vốn bền chặt nhất, như cha mẹ - con cái, vợ - chồng, thầy - trò…
Mặt khác, tác động của phân hóa giàu - nghèo còn trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật tư, hàng, tiền, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, buôn lậu, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với bọn gian thương, tư sản để làm giàu. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, đảng viên lâu năm bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa. Có những phần tử đã hoàn toàn biến chất, sống xa hoa, trụy lạc như những tên tư sản mới, cường hào mới, không còn một chút gì là tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp của Đảng”(14).
3- Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta đang đứng trước những cơ hội, thuận lợi xen lẫn thách thức, khó khăn. Để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng được cơ hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường đồng thuận xã hội, tạo nên sự nhất trí, đồng lòng, gắn kết chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân và giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Muốn giải quyết hiệu quả những tác động của phân hóa giàu - nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đồng thuận xã hội. Cần giúp cho mọi người dân hiểu rõ đoàn kết, đồng thuận xã hội là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là kinh nghiệm và bài học lịch sử được cha ông ta đúc kết và truyền lại qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thuận xã hội ở nước ta không đơn thuần là một mục tiêu chính trị mà còn là một nét văn hóa tự nhiên được nảy sinh từ tinh thần yêu nước, truyền thống nhân nghĩa, bao dung, độ lượng trong mỗi người dân Việt Nam. Giữ vững và tăng cường đồng thuận xã hội cũng là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng ta, bởi đó không chỉ là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà còn là mục tiêu, phương thức để đạt tới các giá trị ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Đảng ta chỉ rõ: “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”(15). Trong những năm tới, cần “đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực, tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”(16).
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương xóa đói, giảm nghèo gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật; giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các bộ phận nhân dân. Đây là giải pháp có tính then chốt để khắc phục, đẩy lùi những tác động tiêu cực của phân hóa giàu - nghèo đến đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó tạo môi trường, điều kiện để khơi dậy mọi tiềm năng phát triển của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(17). Quan tâm hơn nữa việc xây dựng và thực thi các chính sách nhằm giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu theo pháp luật. Cùng với đó, cần nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề lợi ích và quan hệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp, hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích. Đảng ta nhấn mạnh: “Điều hòa hợp lý lợi ích xã hội của các tầng lớp dân cư, các vùng, miền, lĩnh vực; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là bộ phận có nhiều khó khăn trong công nhân, nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa”(18).
Ba là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đảng ta khẳng định: “Ở đâu có dân chủ, ở đó có đoàn kết, đồng thuận, ổn định và phát triển”(19). Do đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Cụ thể hóa hơn nữa cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tham gia phản biện xã hội, gắn phát huy dân chủ với nâng cao tính tích cực chính trị - xã hội của các tầng lớp nhân dân. “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(20). Cùng với đó, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm đến người nghèo, người yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình phát triển của đất nước.
Bốn là, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở cần và phải bám sát, gần gũi với nhân dân, trọng dân, hiểu dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc trong nội bộ nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời, tránh để những mâu thuẫn nhỏ nảy sinh thành các xung đột lớn, gây bất ổn xã hội. Phát huy vai trò của các đoàn thể ở khu dân cư trong công tác hòa giải, thuyết phục người dân bằng lý lẽ, bằng tình cảm, khơi dậy lòng tin và tinh thần khoan dung, độ lượng, sẻ chia trong nhân dân. Quan tâm hơn nữa việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý dứt điểm các vụ kiện tụng, tranh chấp, giảm thiểu án oan sai và các vụ án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Đảng ta nêu rõ: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế, đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(21).
Năm là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đảng ta chỉ rõ: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”(22). Vì vậy, cần khẩn trương tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị, đề xuất. Phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân và các cơ quan báo chí trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, phải chủ động tiến hành công tác đấu tranh tư tưởng - lý luận, kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng sự phân hóa giàu - nghèo để gây chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại đồng thuận xã hội và đại đoàn kết toàn dân tộc./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 323
(2) Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 279, 266
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(6) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
(7), (8) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, p. II, tr. 35
(9), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25, 26, 211 - 212
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 86
(13) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 1, tr. 670
(14) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 234-235
(15) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Sđd, p. II, tr. 332
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 191
(17), (18), (19) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Sđd, p. II, tr. 413 - 414, 256, 67
(20), (21), (22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 118, 221 - 222, 41
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nam Định trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  (12/09/2024)
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chế độ chính trị, tạo nền tảng vững chắc để phát triển đất nước nhanh, bền vững  (09/09/2024)
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới  (30/08/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm