Vận dụng tư tưởng cơ bản của V. I. Lê-nin về cán bộ vào việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp
TCCS - Sau khi đã giành được chính quyền, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền; hầu hết các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, nhất là trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đều do đảng viên của Đảng đảm nhiệm. Vì vậy, V.I. Lê-nin luôn nhấn mạnh tới một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội đảng các cấp là vấn đề nhân sự nhằm kiện toàn một đội ngũ cấp ủy viên có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng đề ra.
Tư tưởng cơ bản của V.I. Lê-nin về tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên cộng sản
Theo V.I. Lê-nin, “người lãnh đạo cơ quan nhà nước cần phải có ở mức độ cao, khả năng lôi cuốn mọi người và có đủ trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật vững vàng để kiểm tra công tác của họ. Đó là điều cơ bản... Mặt khác, một điều rất quan trọng là người lãnh đạo ấy phải biết quản lý về mặt hành chính và có được người giúp việc hoặc những người giúp việc xứng đáng trong công việc đó”(1). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và những thành tựu đạt được từ thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô-viết trong mấy năm sau đó đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, Đảng Bôn-sê-vích (Nga) đã lựa chọn, bồi dưỡng được “những lãnh tụ, tinh hoa của giai cấp vô sản” tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân. V.I. Lê-nin đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo. Theo đó, khi xem xét, đánh giá cán bộ cần làm rõ những vấn đề: “... a) về mặt trung thực, b) về lập trường chính trị, c) về mặt hiểu biết công việc, d) về năng lực quản lý”(2). Còn khi lựa chọn, bố trí cán bộ nhất thiết phải căn cứ “theo những tiêu chuẩn mới, đáp ứng với những nhiệm vụ mới”, cụ thể là:
Thứ nhất, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị.
Trong lựa chọn nhân sự, điều đầu tiên cần phải tìm là những người có bản lĩnh kiên cường, tấm lòng sắt son với lý tưởng cộng sản để có thể đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. V.I. Lê-nin yêu cầu: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay, đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”(3). V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ nguồn để tuyển chọn chính là những người trong quần chúng nhân dân, “nhiệm vụ tổ chức của chúng ta chính là ở chỗ tìm ra những nhà lãnh đạo và những nhà tổ chức trong quần chúng nhân dân. Công tác to lớn, vĩ đại ấy, ngày nay trở nên cấp thiết”(4). Đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, V.I. Lê-nin yêu cầu có cơ chế thích hợp để nhân dân có điều kiện giới thiệu cán bộ cho Đảng, kiểm tra hoạt động của cán bộ và nếu cán bộ nào không đủ tư cách thì quần chúng có quyền bãi miễn. Người nói: “... Quần chúng phải có quyền được tự mình cử ra những người lãnh đạo có trách nhiệm. Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi một bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó. Quần chúng phải có quyền được đề bạt trong nội bộ của họ bất kỳ một công nhân nào lên phụ trách chức vụ lãnh đạo”(5). V.I. Lê-nin chỉ rõ: Phải tìm hiểu kỹ càng những cán bộ ấy về nhiều mặt, chứ không xem xét một cách phiến diện, chủ quan. Bằng chứng sống động về việc đánh giá cán bộ một cách khách quan, khoa học là trường hợp V.I. Lê-nin xét bổ nhiệm V.G. Ia-cô-ven-cô, một nông dân ở Xi-bi-ri làm Ủy viên nhân dân Bộ Dân ủy nông nghiệp vào cuối tháng 12-1921 dựa trên các tiêu chí, như kinh nghiệm, sự tôn trọng của nông dân, kiến thức kinh tế, tính kiên quyết, trí thông minh, lòng trung thành với chính quyền Xô-viết. Những người cộng sản chân chính phải không ngừng rèn luyện cho mình “một tinh thần giác ngộ cao, một tính kỷ luật cao, một lòng trung thành cao độ”(6) với sự nghiệp của Đảng, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đây là tiêu chuẩn phổ quát, còn trong mỗi giai đoạn cụ thể của cách mạng thì phải cụ thể hóa nó để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Làm một nhà cách mạng, một người tán thành chủ nghĩa xã hội, hay một người cộng sản nói chung, như thế chưa đủ. Trong mỗi thời kỳ đặc biệt, cần phải biết tìm cho ra cái mắt xích đặc biệt mà người ta phải đem toàn lực ra nắm lấy để giữ vững được toàn bộ cái xích và chuẩn bị để chuyển vững chắc sang mắt xích kế bên; hơn nữa trình tự nối tiếp, hình thức, mối liên hệ của các mắt xích, và những đặc điểm khác nhau của mắt xích này với mắt xích khác trong cái xích những sự biến lịch sử, đều không đơn giản, và cũng không phải sơ sài như trong cái xích thường do bàn tay người thợ rèn làm ra”(7). Do vậy, người cộng sản cần có năng lực đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả, như V.I. Lê-nin nhấn mạnh đó là năng lực “biến các sắc luật từ trạng thái là giấy lộn đầy bụi bặm... thành thực tiễn sống động”(8).
V.I. Lê-nin cảnh báo về nguy cơ một bộ phận đảng viên nắm giữ chức, quyền lãnh đạo không giữ vững được bản lĩnh chính trị, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, đặc biệt là mắc bệnh “mù lý luận”,...
Người yêu cầu những người cộng sản phải luôn kiên định, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” để “tẩy sạch” ra khỏi tổ chức của mình tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước. Trong “Thư gửi đại hội”, ngày 24 - 25-12-1922, Người đặc biệt lưu ý đối với cán bộ cấp chiến lược về chủ nghĩa Tơ-rốt-kít, đồng thời cảnh báo về sự không vững vàng trong tư tưởng của Di-nô-vi-ép và Ca-me-nép... V.I. Lê-nin đã thẳng thắn chỉ rõ: “Bu-kha-rin không những là một nhà lý luận quý nhất và lớn nhất của đảng ta, mà còn đáng được coi là con người được toàn đảng yêu mến, nhưng rất khó có thể xếp những quan điểm lý luận của đồng chí ấy vào loại những quan điểm hoàn toàn mác-xít, vì ở đồng chí ấy có một cái gì kinh viện chủ nghĩa (đồng chí ấy không bao giờ học và tôi nghĩ rằng không bao giờ hiểu đầy đủ phép biện chứng)”, “Sau nữa là Pi-a-ta-cốp, một con người rõ ràng là có ý chí lỗi lạc và có khả năng xuất chúng, nhưng lại quá say mê với công tác hành chính và mặt hành chính của công việc, nên khó mà có thể dựa vào đồng chí ấy trong những vấn đề chính trị quan trọng”(9).
Thứ hai, tiêu chuẩn về năng lực.
Theo V.I. Lê-nin, người cán bộ đảng cần phải thành thạo chuyên môn, nắm vững kiến thức khoa học, đồng thời phải có trình độ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Người đã căn dặn: “Nếu chúng ta cố hết sức và biết chú ý - một cách có suy nghĩ, một cách thực sự cầu thị - thu lượm, kiểm tra, đúc kết chính cái kinh nghiệm thực tiễn, chính cái mà mỗi một chúng ta đã làm, đã hoàn thành, trông thấy những người khác ở bên cạnh đã làm và đã hoàn thành, - nếu làm được như vậy thì lúc đó và chỉ lúc đó đại hội đảng ta, và sau đó là tất cả các cơ quan xô-viết của chúng ta, mới giải quyết được nhiệm vụ thực tiễn là: làm thế nào để chiến thắng tình trạng bị tàn phá một cách thật nhanh, thật chắc”(10). Chỉ bám sát thực tiễn, chú trọng và kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, người cán bộ mới có được niềm tin từ quần chúng nhân dân. Trong bài viết “Bàn về tính chất báo chí của chúng ta”, V.I. Lê-nin yêu cầu cán bộ các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải có thái độ ân cần và tận tâm xem xét những đơn, thư của những người lao động gửi đến, biến lời nói thành hành động, bảo đảm tính đảng không chỉ ở phát ngôn mà còn ở việc làm cụ thể và phải trở thành khẩu hiệu thường trực trong mỗi cán bộ lãnh đạo.
V.I. Lê-nin đề nghị tăng số lượng những người trẻ tuổi vào Ban Chấp hành Trung ương. Sức mạnh của lực lượng cách mạng là ở chỗ biết kết hợp một cách khoa học đội ngũ cán bộ già và cán bộ trẻ. Chỉ có thực hiện được điều đó, chúng ta mới có thể phát huy tổng lực những thế mạnh của các lớp cán bộ; sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa các thế hệ sẽ giúp hạn chế những nhược điểm vì lý do tuổi tác. Cán bộ cao tuổi thường có kinh nghiệm phong phú về mặt lãnh đạo, được rèn luyện vững chắc về chủ nghĩa Mác, thấu hiểu rõ công tác của mình, có năng lực xác định phương hướng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trung; tuy nhiên, họ lại có những hạn chế nhất định về sức khỏe, không thể làm việc dưới áp lực căng thẳng trong thời gian dài, kém nhạy bén với cái mới, trì trệ, bảo thủ... Ngược lại, cán bộ trẻ thường chiếm số lượng lớn, có ưu điểm là trẻ, khỏe, nhiệt tình, ham học hỏi, nhạy cảm trong nắm bắt cái mới, tiếp thu và vận dụng những tri thức khoa học mới rất nhanh; bên cạnh những hạn chế không tránh khỏi, như thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm khi giải quyết các tình huống chính trị phức tạp,... Trong tác phẩm “Nhiệm vụ của đoàn thanh niên” - phát biểu tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga ngày 2-10-1920, V.I. Lê-nin khẳng định: “... có thể nói rằng nhiệm vụ thực sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên. Bởi vì rõ ràng là thế hệ những người lao động được đào tạo trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thì giỏi lắm chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ phá hủy nền móng của chế độ tư bản già cỗi dựa trên sự bóc lột. Giỏi lắm thì họ cũng chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ xây dựng một cơ chế xã hội có khả năng giúp cho giai cấp vô sản và các giai cấp cần lao giữ lấy chính quyền trong tay và đặt được một nền móng vững chắc, trên đó chỉ có thế hệ khởi công trong những điều kiện mới, trong một hoàn cảnh không còn quan hệ người bóc lột người nữa, mới có thể xây dựng được”(11). V.I. Lê-nin yêu cầu các tổ chức cần phải có ý thức cao về việc sử dụng cán bộ trẻ, sử dụng các đảng viên mới được kết nạp. Những người lãnh đạo, các chi bộ, đảng bộ cần xây dựng kế hoạch để giao việc cho lực lượng trẻ này và kiểm tra, giúp đỡ họ thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy, họ mới có thể trưởng thành nhanh hơn, không để cho tài năng của họ bị mai một, lãng phí,...
V.I. Lê-nin còn lưu ý rằng, cần phải thu hút phụ nữ tham gia công việc quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để bảo đảm bình đẳng giới trong xã hội mới. Để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công việc của chính trị, theo V.I. Lê-nin, cần phải đẩy mạnh công tác bầu cử, lựa chọn những cán bộ phụ nữ ưu tú, kể cả việc sẵn sàng “tăng số lượng các ủy viên Ban chấp hành trung ương lên đến 50 hoặc thậm chí 100 người”. Theo Người, việc tăng số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là cần thiết, giúp đạt được “hai hoặc thậm chí ba mục đích: số lượng ủy viên Ban chấp hành trung ương càng đông thì sẽ càng có nhiều người được đào tạo làm công tác của Ban chấp hành trung ương và nguy cơ chia rẽ do một sự không thận trọng nào đó sẽ càng ít đi. Việc thu hút nhiều công nhân vào Ban chấp hành trung ương sẽ giúp cho công nhân cải tiến bộ máy của chúng ta, một bộ máy đang còn hết sức tồi”(12).
Đối với các đồng chí lãnh đạo giữ cương vị càng cao, V.I. Lê-nin yêu cầu phải là những người “khoan dung hơn, từ tốn hơn, lịch thiệp hơn và quan tâm đến đồng chí nhiều hơn, tính tình ít thất thường hơn”(13). Theo V.I. Lê-nin, đã là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì phải có thái độ coi trọng, tin tưởng và động viên cán bộ do mình quản lý tự giác hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. V.I. Lê-nin cũng nhắc nhở khi lựa chọn người để giao việc thì cần chú trọng đến khả năng lãnh đạo công tác thực tiễn của cán bộ đó, tránh sai lầm trong việc giao nhiệm vụ.
Thứ ba, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức.
Theo V.I. Lê-nin, người cán bộ lãnh đạo phải có “uy tín tinh thần” trong tập thể được giao phụ trách; “uy tín này không một người nào phủ nhận được, và sức mạnh của nó, tất nhiên, không phải bắt nguồn từ đạo đức trừu tượng, mà từ đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, đạo đức của quần chúng cách mạng”(14). V.I. Lê-nin cho rằng, đạo đức của người cách mạng được biểu hiện ở những chuẩn mực, như trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động; tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ và lòng hy sinh phục vụ chủ nghĩa cộng sản; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, triệt để chấp hành kỷ luật đảng, kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động bè phái; khiêm tốn, cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự phụ, không tự cao tự đại; không tham ô, hối lộ, không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi; không che giấu, dũng cảm nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm; không quan liêu; tiết kiệm, tránh lãng phí.
Vận dụng tư tưởng của V.I. Lê-nin vào việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng
Mặc dù đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng cho đến nay, những chỉ dẫn nêu trên của V.I. Lê-nin vẫn còn mang tính thời sự cấp thiết. Đảng ta đã vận dụng những chỉ dẫn quý báu của V.I. Lê-nin vào việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác cán bộ, điển hình như Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;... Bộ Chính trị, Ban Bí thư quán triệt công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội phải gắn với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong công tác nhân sự phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ cơ bản để đánh giá, sàng lọc, bố trí cán bộ và đổi mới công tác nhân sự; bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử.
Đảng ta kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao, nhưng cũng không để sót những người có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân.
Thực hiện những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phát huy kết quả, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy các cấp, sự chủ động của cấp ủy cơ sở và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đại hội đảng bộ, chi bộ ở cơ sở sẽ thành công tốt đẹp, lựa chọn được những cấp ủy viên đủ đức, đủ tài để triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đã đề ra, góp phần quan trọng vào thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng./.
--------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 45, tr. 402 - 403
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 53, tr. 126 - 127
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr. 449
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 35, tr. 333
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 192
(6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 474
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 252
(8) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 54, tr. 235
(9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 45, tr. 396
(10) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 40, tr. 165
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 354
(12), (13) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 396 - 397
(14) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 38, tr. 95
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp  (31/03/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng  (20/03/2020)
Chọn vỏ, bỏ lõi  (10/03/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (08/02/2020)
Tâm tư trước đại hội  (06/02/2020)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm