Xây dựng con người Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm với vị thế Thủ đô

Đỗ Đức Long
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
09:06, ngày 16-09-2024

TCCS - Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, mỗi người dân Hà Nội đã và đang không ngừng bồi đắp những phẩm chất quý báu để xây dựng nên “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc xây dựng con người Hà Nội phát triển toàn diện, vừa kế thừa truyền thống thanh lịch và vừa mang nét văn minh, hiện đại là nhiệm vụ quan trọng để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã nhấn mạnh mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, 3 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều hành động tích cực nhằm xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người. Thành phố đã ban hành các hướng dẫn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, tích cực tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện phân cấp công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ lớn, trọng điểm của thành phố, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao lối sống tiết kiệm và văn minh trong giới trẻ, góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thủ đô đã xây dựng, triển khai và phát huy hiệu quả giá trị của quy ước, hương ước trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp”, qua đó tạo nên không khí thi đua sôi nổi và hiệu quả ở cơ sở, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo được duy trì, nhân rộng, tạo thành nét văn hóa tích cực của người dân Thủ đô.

Nhằm nâng cao văn hóa ứng xử của các tầng lớp nhân dân, thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai tích cực kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng tuyên truyền về văn hóa người Hà Nội. Các chuyên đề, chuyên mục trên hệ thống truyền thanh, truyền hình Hà Nội góp phần đưa 2 quy tắc đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức cán bộ, người dân trong văn hóa ứng xử nơi công sở và các điểm công cộng. Cùng với đó, thành phố cũng tổ chức các hội nghị, tọa đàm về những các làm hay trong phong trào cán bộ, công chức, viên chức trong công tác thực hiện văn hóa công sở, qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong thực thi công vụ; cuộc thi tuyên truyền giỏi trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; hội thi gia đình văn hóa Thủ đô... Thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô tham gia nghiên cứu, biên soạn sách, báo, xuất bản và dàn dựng tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị để tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến và người Hà Nội thanh lịch, văn minh; hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.

Về phát triển văn hóa đọc, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Các thư viện công cộng trên địa bàn thành phố đã chú trọng đổi mới tổ chức và hoạt động, triển khai nhiều mô hình phù hợp, thực hiện tốt vai trò khơi dậy đam mê, hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, góp phần xây dựng người dân Thủ đô phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Thành phố cũng đều đặn tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, Hội sách Hà Nội, triển khai và xây dựng công trình Phố sách Hà Nội tại phố 19/12 (quận Hoàn Kiếm). Phố Sách Hà Nội quy tụ 16 đơn vị xuất bản uy tín, góp phần tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của mảnh đất kinh kỳ.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến nay, trên địa bàn Thủ đô có 692 mô hình cấp thành phố, cấp quận, huyện, thị xã và tương đương là 5.787 mô hình; cấp xã, phường, thị trấn là 14.705 mô hình. Mô hình “Dân vận khéo” hướng tới bồi dưỡng tinh thần yêu nước; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp; cán bộ đảng viên, đoàn viên xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa… Thành phố cũng tổ chức đều đặn “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tại các khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phong phú, xây dựng các sân chơi bổ ích, lành mạnh, tạo không khí vui tươi phấn khởi, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong công nhân lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch””, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Phát huy tinh thần “Hà Nội nghĩa tình”, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, “Tôi yêu Hà Nội”, Thành đoàn Hà Nội đã phát động, triển khai trong toàn Đoàn chiến dịch “Xuân tình nguyện - Tết sẻ chia” với nhiều chuỗi hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa, vận động ủng hộ Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam, phát huy tinh thần xung kích trong mọi hoạt động chính trị, xã hội, tổ chức các hoạt động, như tuyên dương khủ khoa xuất sắc, Festival Thanh niên quốc tế Hà Nội, Hành trình tuổi trẻ tiếp lửa truyền thống - cống hiến tương lai…

Đặc biệt, thành phố Hà Nội chú trọng phát triển giáo dục và đạo tạo để xây dựng con người Thủ đô hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, hệ thống trường học ngoài công lập ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội. Thành phố Hà Nội đã triển khai kế hoạch giảng dạy đại trà tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho cấp học mầm non, kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học”; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường, xây dựng nội dung giáo dục của địa phương theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của các nhà trường tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương. Thành phố Hà Nội thực hiện tốt phong trào “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội” tại các trường phổ thông...

Triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030, thành phố luôn coi trọng phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao quần chúng nhằm phát triển toàn diện con người Thủ đô. Phong trào thể dục, thể thao diễn ra rộng khắp trên toàn thành phố với nhiều hoạt động, như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng - Vì hòa bình năm 2023... Đại hội thể dục, thể thao Thủ đô được tổ chức định kỳ 4 năm/lần với 100 % quận, huyện, thị xã tham dự. Hằng năm, thành phố tổ chức gần 50 giải thể thao quần chúng với hàng chục vạn lượt vận động viên tham dự, tổ chức lớp bơi phòng, chống tai nạn sông nước tại 30 quận, huyện, thị xã thu hút đông trẻ em tham gia, góp phần phòng ngừa đuối nước cho trẻ em. Thể thao trong học đường được quan tâm, góp phần nâng cao thể chất, tầm vóc của học sinh; hằng năm tổ chức 12 đến 16 giải thể thao cho học sinh. Hội khỏe Phù đổng được tổ chức 4 năm/1 lần, thu hút 100% trường học tham dự. Ngày 15-3-2024, Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ X đã diễn ra trong không khí sôi nổi, háo hức của đông đảo học sinh Thủ đô. Hội khỏe đã thu hút gần 7.700 vận động viên đại diện khoảng 1.700.000 học sinh phổ thông Thủ đô của 30 quận, huyện, thị xã tham gia thi đấu tham gia tranh tài ở 16 môn thi đấu. Các hoạt động thể dục, thể thao đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân Thủ đô, góp phần phát triển toàn diện con người cả về đức, trí, thể, mỹ.

Phát huy truyền thống trong thời kỳ mới

Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và phát triển con người Hà Nội toàn diện, thanh lịch, văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, trước tiên, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy và chính quyền về vị trí, vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nội trong sự phát triển bền vững của Thủ đô. Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao vai trò gương mẫu (nhất là người đứng đầu) trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết số Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái “Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Tiếp theo, đẩy mạnh hoạt động thông tin và tuyên truyền, kết hợp hiệu quả giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng, phát triển toàn diện con người Thủ đô trong thời đại mới, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị hiện đại, văn minh, như lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh, trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự sáng tạo, ý thức tự học, thực học và học tập suốt đời, khát vọng phát triển bền vững Thủ đô. 

Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhằm nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, quản lý các hoạt động xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục quan tâm, bổ sung chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức. Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút tài năng trẻ; tạo môi trường, điều kiện tốt để trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân và toàn thể nhân dân Thủ đô phát huy tài năng, sức sáng tạo trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần, góp phần phát triển toàn diện con người Hà Nội.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tôn vinh, khen thưởng theo hướng đi vào thực chất, thông tin kịp thời những tấm gương “người tốt, việc tốt”, tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả có giá trị như những biểu tượng văn hóa Thủ đô để tạo sức lan tỏa, tạo thành các phong trào thi đua tích cực trong trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển xứng tầm Thủ đô trong bối cảnh mới./.