TCCSĐT - Kinh tế - xã hội năm 2017 tại Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5%; thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo. Tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách vượt dự toán và 06 chỉ tiêu vượt kế hoạch… Ngành du lịch thủ đô có đóng góp quan trọng vào kết quả chung đó với những điểm nhấn ấn tượng trong năm 2017.

Ấn tượng du lịch Thủ đô

Trong những năm gần đây, du lịch Thủ đô đã thực sự chuyển mình, đạt được những kết quả ấn tượng, có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Theo khảo sát của Mastercard, năm 2017, Hà Nội được đánh giá xếp thứ 7 trong top 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Còn theo khảo sát của trang Pinterest, Hà Nội đứng thứ 3 trong top 20 điểm đến du khách muốn ghé thăm nhất thế giới trong năm 2017.

Ngành du lịch Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Năm 2017, Thủ đô Hà Nội ước đón 23,83 triệu lượt khách (tăng 9% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến ước đạt 4,95 triệu lượt khách (tăng 23% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch), khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 3,533 triệu lượt khách (tăng 22% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch). Khách du lịch nội địa ước đạt 18,88 triệu lượt khách (tăng 6% so với năm 2016). Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 70.958 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2016 và vượt 6,7% so với kế hoạch). Hiện nay, thị trường du lịch Hà Nội đang được rộng mở, ngày càng thu hút nhiều khách có khả năng chi trả cao.

Ngay trong dịp nghỉ lễ, Tết dương lịch 2018, các công ty du lịch, cơ sở lưu trú du lịch đã chủ động trong công tác chuẩn bị. Ngay từ những ngày trước dịp lễ, tết các cơ sở du lịch đã bắt đầu trang hoàng tạo không khí vui tươi chào đón lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Hầu hết các khách sạn 4, 5 sao đều tổ chức các chương trình đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh, tiệc đếm ngược chào đón năm mới cho khách lưu trú tại khách sạn và các chương trình khuyến mại giảm giá phòng. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch 2018, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 228.900 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế đến đạt 68.900 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng lưu ý, khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội ước đạt 53.000 lượt khách, tăng 39% so với cùng kỳ 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 755 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Hà Nội đang có thêm nhiều điểm đến mới với nhiều sản phẩm mang tính đặc thù và không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Chính vì vậy Hà Nội liên tục được nhiều tổ chức có uy tín về hoạt động du lịch đánh giá tốt trong thời gian qua về giá trị điểm đến nổi trội so với các địa phương khác trong nước cũng như các thành phố trong khu vực và trên thế giới.

Khai thác tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Thủ đô Hà Nội với lợi thế là trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội, nơi tập trung nhiều di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực… của cả nước, là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Các công trình văn hóa, các di tích lịch sử của thành phố có giá trị quan trọng trong phát triển du lịch của Thủ đô. Trong đó, những công trình, di tích văn hóa lịch sử trọng điểm được đưa vào công tác nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm du lịch như: Công trình con đường gốm sứ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích Hương Sơn, làng cổ Đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy và nhiều đình, đền, chùa ở Hà Nội,... Hà Nội có hai di sản văn hóa lớn, đó là: Khu di tích Hoàng thành (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới) và Văn miếu Quốc Tử Giám (hệ thống các văn bia tiến sỹ thời Lê Mạc tại đây đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức của nhân loại). Ngoài ra, toàn thành phố hiện có hàng nghìn cơ sở lưu trú, trong đó có hàng trăm khách sạn trên địa bàn được xếp hạng 3, 4, 5 sao. Tại Hà Nội, kinh doanh khách sạn là lĩnh vực thu hút nhanh và mạnh nguồn vốn đầu tư của nước ngoài.

Những năm trở lại đây, các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái của Hà Nội được tập trung khai thác, đặc biệt trong khu vực nội đô. Hà Nội là Thủ đô của đất nước, là thành phố với trên một nghìn năm văn hiến. Với lợi thế về chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm, dấu tích để lại là cả hệ thống di sản đồ sộ, các danh thắng đặc sắc cùng nếp sinh hoạt riêng có của người dân - là những tiềm năng để tạo sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Khu di sản Thăng Long gắn với quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam… đang khẳng định là chuỗi di tích quan trọng trong phát triển du lịch lịch sử văn hóa của Hà Nội. Thời gian qua, ngành du lịch đã thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long Tứ Trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận, tạo nên tua tuyến du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách. Tại nhiều tuyến điểm này, thành phố đã đầu tư, nâng cấp, tổ chức các hoạt động văn hóa tạo sức hút đối với du khách. Đáng kể nhất là việc tổ chức thành công không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận tạo hiệu ứng lớn cho du lịch Thủ đô. Triển khai từ tháng đầu tháng 9-2016, tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào các ngày cuối tuần đã dành được sự quan tâm và yêu mến của đông đảo du khách và người dân Thủ đô.

Tài nguyên văn hóa cũng được ngành du lịch quan tâm khai thác. Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát múa rối Trung ương, Nhà hát chèo, hát xẩm… với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc thường xuyên mở cửa đón du khách, tạo nên những điểm nhấn ấn tượng, khó phai cho du khách khi đến Thủ đô.
Hà Nội cũng phát triển các điểm đến đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như: “Không gian áo dài Việt Nam” Lanhuong Fashion House; “Không gian văn hóa Hà Nội” tại đình Đồng Lạc trưng bày và trình diễn các sản phẩm thủ công truyền thống. Hà Nội còn xây dựng 4 tour du lịch đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội miễn phí và tour “Cảm xúc Hà Nội” nhằm mang đến những trải nghiệm cho khách khi tham quan di sản và khám phá cuộc sống thường nhật của người dân Thủ đô.

Ngồi xích lô dạo phố cổ là một trong những nét độc đáo của du lịch Hà Nội. Rất nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội chọn phương tiện này để tham quan, khám phá những nét đẹp cổ kính trên từng con phố giữa một Hà Nội sầm uất và náo nhiệt. Bên cạnh xích lô mang nét cổ xưa, trong những năm gần đây Hà Nội đang mở rộng sử dụng xe điện như là phương tiện của “du lịch xanh” hiện đại và rất mới của du lịch Hà Nội.

Ẩm thực cũng là một nét độc đáo của Hà Nội. Nơi đây vốn nổi tiếng với truyền thống ẩm thực lâu đời có nhiều món ăn ngon nổi tiếng. Nhắc đến món ăn Hà Nội phải nhắc đến phở đầu tiên. Phở Hà Nội khác hẳn so với các nơi khác, và du khách đến Hà Nội không thể bỏ qua. Ngoài ra, đến Hà Nội du khách còn được thưởng thức những món ăn nổi tiếng khác như: phở cuốn, chả cá Lã Vọng, bún thang, kem Tràng Tiền,... Ẩm thực Hà Nội quả thực có nét đặc trưng riêng, rất đặc sắc mà không nơi nào cũng có được. Thực tế, nhiều khách du lịch đến Hà Nội đều tận hưởng những món ngon Hà Nội và dành sự thích thú đối với ẩm thực ở đây.

Hà Nội cũng là một trong những trung tâm mua sắm sầm uất của cả nước. Đó là những con đường nhỏ hẹp nhưng chật kín các gian hàng và cửa hiệu trong khu phố cổ luôn tấp nập du khách. Những con đường quanh hồ Hoàn Kiếm là những con đường thương mại quan trọng nhất và cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng nhất như Hàng Gai, Hàng Bè, Hàng Bông và Hàng Giấy. Ngoài ra, còn có rất nhiều trung tâm thương mại lớn phục vụ du khách có nhu cầu mua sắm khi đến Hà Nội du lịch.

Bên cạnh khai thác tiềm năng du lịch khu vực nội đô, ngành du lịch thành phố còn khai thác các loại hình văn hóa nghệ thuật gắn với di sản như sản phẩm: múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh), khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng hoa xã Tiền Phong (huyện Mê Linh). Tiềm năng du lịch sinh thái được đưa vào khai thác bằng việc phát triển sản phẩm du lịch ở khu vực Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng; đền thờ Bác Hồ gắn với Khu di tích K9, Đá Chông và cảnh quan thiên nhiên rừng quốc gia Ba Vì…

Kiện toàn quản lý nhà nước, tăng cường đầu tư, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch

Một trong những sự kiện quan trọng trong phát triển du lịch Hà Nội là quyết định thành lập Sở Du lịch TP. Hà Nội từ ngày 15-9-2015 với mong muốn đưa du lịch Thủ đô phát triển bền vững, trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.

Việc “tái” thành lập Sở Du lịch TP. Hà Nội trên cơ sở tách chức năng từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trước đây nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, dịch vụ công về du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, sản phẩm…; tập trung khai thác Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 - 2030, phát triển du lịch Hà Nội theo hướng mũi nhọn, chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng cao, mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong thời gian ngắn kể từ khi tái thành lập Sở Du lịch Hà Nội, thành phố có thêm nhiều điểm đến mới, có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù và hiện tiếp tục tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững.

Trước hết, Sở Du lịch Hà Nội tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Các thủ tục hành chính được cải tiến, tạo thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương, phát huy vai trò là trung tâm kết nối các tour, tuyến du lịch quốc tế và tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong vùng, đảm bảo chất lượng cao, có sức cạnh tranh để phân phối khách du lịch đến với các địa phương. Hàng năm, Sở Du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố có liên kết đã triển khai kế hoạch tổ chức cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư lớn trên địa bàn tìm hiểu cơ hội, thực hiện các dự án phát triển du lịch các địa phương bạn, tập trung vào các dự án phát triển du lịch, khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí…

Quảng bá, xúc tiến du lịch được đặc biệt quan tâm, nhất là quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành phố chỉ đạo ngành du lịch tạo đột phá trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để nâng cao quy mô và trình độ chuyên nghiệp trong thực hiện chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch; mạnh dạn đầu tư quảng bá hình ảnh Hà Nội trên mạng tin tức truyền hình cáp CNN giai đoạn 2017 - 2018 với tổng kinh phí 2 triệu USD. Từ ngày 13-3-2017 đến ngày 07-5-2017 đã hoàn thành chiến dịch phát sóng đợt 1 với 2 phim quảng cáo 30 giây, phát sóng chuyên đề "MyHanoi - Hà Nội của tôi" gồm 5 phim ngắn 60 giây, 5 phóng sự 3 - 5 phút và một chương trình đặc biệt 30 phút giới thiệu quảng bá về Hà Nội. Từ ngày 30-10 đến 08-11, kênh truyền hình CNN tiếp tục phát sóng chương trình chuyên đề "Hanoi: POV/Hanoi: Góc nhìn" tại các khu vực châu Á, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ, Nam Á. Chương trình gồm phim ngắn 3 - 5 phút và chương trình đặc biệt 30 phút chuyên về vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực và nét riêng sinh hoạt của người Hà Nội.

Bên cạnh việc tăng nguồn kinh phí chương trình xúc tiến du lịch, thành phố bố trí tập trung ngân sách ưu tiên cho các dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội như dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các tài nguyên du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách du lịch đến tham quan Hà Nội. Trong đó, thành phố xác định hai công trình trọng điểm là dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực Thành Cổ Loa (thời gian thực hiện 2018 - 2025) với tổng mức đầu tư 7.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa; dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long (thời gian thực hiện 2017 - 2022) với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng cũng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Hà Nội khuyến khích, thu hút, đa dạng hóa các loại hình đầu tư phát triển du lịch, có sự tham gia xã hội hóa của nhiều đơn vị, nhiều thành phần kinh tế. 50 dự án đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch cao cấp giai đoạn 2017 - 2020 đang được triển khai, trong đó 20 dự án xây dựng khách sạn 4, 5 sao, quy mô khoảng 20.000 buồng phòng. Các dự án này khi đi vào vận hành sẽ nâng cao chất lượng và quỹ buồng phòng lưu trú phục vụ khách du lịch, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao về lượng khách trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch. Những dự án như tổ hợp Khách sạn Metropolis tại quận Nam Từ Liêm, Khách sạn Sao Phương Đông tại quận Ba Đình, Khách sạn Mercure quận Đống Đa, Khu du lịch sinh thái sân gôn Sóc Sơn, Khu du lịch Thung Lũng Xanh, Làng sinh thái đồi Gia Nông tại huyện Sóc Sơn, sân gôn 18 lỗ tại Khu du lịch quốc tế Tản Viên huyện Ba Vì, sân gôn thuộc Khu du lịch đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức… là những công trình sẽ mang đến diện mạo mới cho du lịch Thủ đô.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Thủ đô cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như làm thế nào để giải đáp bài toán cung - cầu trong mùa cao điểm khi lượng khách gia tăng mà hệ thống cơ sở lưu trú còn thiếu, chưa đáp ứng được? Làm thế nào để biến những di sản văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch riêng biệt và mới lạ trong khi kinh phí đầu tư cho việc quảng bá xúc tiến còn quá ít ỏi? Tốc độ phát triển của du lịch Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp. Trong thời gian tới, Hà Nội vẫn cần có những giải pháp mang tính đột phá để vươn lên, xứng đáng là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực./.