Tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam và Nga trong bối cảnh mới
TCCS - Trong nhiều năm qua, Việt Nam nhất quán coi Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012. Theo đó, các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng, củng cố và sâu sắc hơn cả về chính trị, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa và du lịch..., nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại với những kết quả đáng khích lệ.
Hợp tác kinh tế, thương mại hiệu quả
Trong lĩnh vực hợp tác thương mại, kể từ khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) được ký kết năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2016, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã có bước tiến mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 30%/năm(1). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga trong 7 tháng đầu năm 2018 có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012, đạt 2,67 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 1,47 tỷ USD (tăng 21%) và nhập khẩu hàng hóa Nga đạt 1,2 tỷ USD (tăng 55%)(2). Tính đến tháng 7-2018, Nga là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 24 của Việt Nam, và là nước nhập khẩu lớn thứ 15 của Việt Nam. Kết quả là, năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga tăng 28,63% so với năm 2017(3).
Tiếp nối đà phát triển trong năm 2018, ngay từ đầu năm 2019, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước cũng đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Trong tháng 1-2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt mức 230 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước(4). Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga, có một số mặt hàng đạt sự tăng trưởng ấn tượng, như hàng dệt may, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện, giày dép, hàng thủy sản, hạt điều, cà phê,...
Về nhập khẩu, số lượng hàng hóa mà các công ty Việt Nam nhập khẩu từ Nga đạt giá trị gần 193 triệu USD, tăng 23,4% so với tháng 1-2018. Việt Nam chủ yếu tăng nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô mà Nga có thế mạnh như sắt thép, thủy sản, than đá, gỗ và phân bón. Trong tháng 1-2019, số lượng nhập khẩu thủy sản từ Nga của Việt Nam tăng gần 30%. Các mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh như sắt thép đạt 49 triệu USD (tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước), than đá đạt 24 triệu USD (tăng 84%)(5)... Như vậy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga trong tháng 1-2019 đạt 422,6 triệu USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2018(6).
Về đầu tư, năm 2018, Nga đứng thứ 24 trên 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 123 dự án và tổng vốn đăng ký là 932 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD(7). Trong đó, các dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trị giá hơn 2 tỷ USD do Công ty TH True Milk đầu tư tại Moscow và Kaluga đã trở thành điểm sáng trong quan hệ đầu tư Việt Nam - Nga.
Năng lượng cũng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai bên đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định và Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trong khuôn khổ các liên doanh Rusvietpetro và Vietsovpetro nhằm tạo điều kiện cho các liên doanh này tiếp tục hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Nga cũng mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Đây được kỳ vọng là hướng đi mới giúp tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Nga vào Việt Nam. Theo ông R. Kurilo - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh - nông nghiệp sẽ trở thành một trong những xu hướng hợp tác đầu tư mới giữa Việt Nam - Nga bên cạnh những lĩnh vực truyền thống(8). Theo đó, mô hình hợp tác sẽ được triển khai là sử dụng công nghệ, kỹ thuật, giống của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Có thể thấy, đã có sự thay đổi trong quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Nga cả về lĩnh vực hợp tác, cơ cấu hàng hóa cũng như lĩnh vực đầu tư. Nếu như trước đây, dầu khí, năng lượng là các ngành cơ bản, những ngành kinh tế quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Nga, thì đến nay đã xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác kinh tế mới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực thông tin, vật liệu xây dựng mới, đặc biệt là công nghệ, trong đó có việc áp dụng công nghệ của Nga trong việc xây dựng tuyến metro số 2 (Tân Tạo - Sân bay Long Thành) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên cũng đang tích cực công tác chuẩn bị xây dựng tại Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ nguyên tử, và một số dự án điện gió ở Việt Nam sẽ sử dụng tuabin sản xuất tại Nga.
Tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam - Nga
Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Nga phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cần tập trung vào những tình huống cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại để tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều. Để làm được điều này, cần nỗ lực từ phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hai nước, cũng như các cơ quan của Ủy ban Kinh tế Á - Âu.
Một là, một trong những biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của hai nước, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, là xúc tiến thương mại thông qua tổ chức các tọa đàm, hội thảo, triển lãm để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các mặt hàng có thế mạnh của hai nước, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường của nhau. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần bảo đảm, duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã, xây dựng và đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín tại thị trường Nga.
Hai là, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần chú trọng định hướng phát triển hợp tác kinh tế với Nga nói chung và cho hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng như định hướng ngành hàng, định hướng thị trường. Trong việc định hướng lựa chọn ngành hàng, cần nghiên cứu, dự báo mở rộng ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga. Ngoài ra, Phòng Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần chủ động, tích cực vào cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam về các hướng dẫn, thông tin. Các cơ quan chức năng từ phía Nga cũng cần hợp tác và giúp đỡ tích cực hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Cục Đăng ký quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Nga trong những vấn đề liên quan đến thành lập các văn phòng đại diện thương mại. Ngoài ra, cần có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục thanh toán của các doanh nghiệp tại Nga. Về phía doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, cần tìm hiểu kỹ thị trường Nga. Các doanh nghiệp lớn cần hình thành các văn phòng đại diện thương mại tại Nga để tìm hiểu, nắm chắc nhu cầu của thị trường này, nghiên cứu kỹ các điều kiện giảm thuế mà Nga cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như những ưu đãi đối với một số nước mà Nga đã cam kết, trong đó có Việt Nam.
Ba là, hai bên cần xem xét, tháo gỡ những rào cản phi thuế quan trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, thủy hải sản, qua đó phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm cả đầu tư của Việt Nam vào Nga và của Nga vào Việt Nam. Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, cần xác định lại các ưu tiên đầu tư của hai bên. Các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là các cơ quan Việt Nam tại Nga, cần khảo sát, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư của hai bên để có sự lựa chọn đúng hướng đầu tư. Các cơ quan trong nước cần có biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư Nga để họ nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam.
Một là, tích cực thu hút các nhà đầu tư Nga vào các lĩnh vực như phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, cơ khí chế tạo, hóa dầu, hóa dược, công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm, thủy sản, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ sửa chữa máy bay, đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ khách sạn... Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng lĩnh vực đầu tư đối với các ngành như nông nghiệp (trồng rau, hoa quả, thủy sản, chăn nuôi...).
Ngoài ra, để thúc đẩy hoạt động đầu tư của Nga vào Việt Nam và ngược lại, cần tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao cũng như các diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước; tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương tại thị trường trọng điểm của Nga.
Hai là, thời gian qua, vùng Viễn Đông của Nga đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư châu Á, trong đó có Việt Nam. “Tổ Công tác chung về hợp tác giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với chủ thể của Đại khu liên bang Viễn Đông” được thành lập năm 2013 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa các tỉnh và thành phố của Việt Nam với các tỉnh Vùng Siberia và Viễn Đông của Nga trong các lĩnh vực khác nhau, trước hết là nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và du lịch. Việt Nam hiện là một trong 6 quốc gia hàng đầu về đóng tàu và sẵn sàng tham gia tích cực vào việc hiện đại hóa và phát triển ngành tàu biển tại vùng Viễn Đông của Nga. Công ty Petrovietnam hiện đang liên doanh đầu tư khai thác dầu khí có hiệu quả trên lãnh thổ Nga như ở các mỏ Visovoi, Nhenhetxky, Nagumanov và Condensate...
Việt Nam và Nga đã và đang xem xét các ưu tiên trong việc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp mới thành lập, miễn trừ thuế tài sản và thuế đất đai; điều chỉnh thuế khai khoáng, nhập khẩu các thiết bị công nghệ, sản phẩm và xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga. Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) tháng 9-2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu cho việc đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, sử dụng lao động, dầu khí và than đá. Vì thế, việc tăng cường hợp tác Việt - Nga trong việc khai thác vùng Viễn Đông của Nga cũng là cơ sở để đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới .
Ba là, nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, của Tổ Công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án đầu tư ưu tiên nhằm xây dựng và thực hiện các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng điện, khai thác và chế biến khoáng sản, nông nghiệp, thông tin và viễn thông, hạ tầng giao thông đô thị tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Bốn là, tiếp tục triển khai các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí; tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như lọc dầu và hóa dầu, xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu từ khí, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng và xây dựng hạ tầng phù hợp, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt. Việt Nam và Nga cũng đã nhất trí hợp tác mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, hỗ trợ để thực hiện các dự án khai thác khí hiện có; ủng hộ kế hoạch của Tập đoàn Gazprom tham gia xây dựng một nhà máy điện khí tại tỉnh Quảng Trị và kế hoạch của Công ty NOVATECH thực hiện dự án liên kết xây dựng cảng khí thiên nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí ở tỉnh Bình Thuận.
Năm là, Việt Nam cần tận dụng cơ hội hợp tác với Nga trong ngành năng lượng điện, đặc biệt khi các công ty Nga có lợi thế đã tham gia các dự án hiện đại hóa cơ sở năng lượng được xây dựng trước đây với sự giúp đỡ của Liên Xô và xây dựng các cơ sở năng lượng mới ở Việt Nam.
Sáu là, Việt Nam dự kiến sẽ triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đang kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hạ tầng đường sắt cũng như phương tiện bốc dỡ hàng hóa và thiết bị. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam vẫn còn yếu. Tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mấy mặn mà với ngành đường sắt do thiếu chính sách ưu đãi đặc thù và cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Hiện nay, một số tuyến đường sắt đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như tuyến Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang và Nha Trang - Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có dự án nâng cấp tuyến Yên Viên - Lào Cai, tuyến Hồ Chi Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, các dự án tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát, và tuyến đường sắt kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cũng có nhiều doanh nghiệp đường sắt nước ngoài, như Tập đoàn EVRAZ của Nga, Trung tâm Xuất khẩu Nga (REC) bày tỏ mong muốn hợp tác với VNR. Vì vậy, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để hợp tác với các nhà đầu tư.
Bảy là, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, thủy lợi, phòng tránh thiên tai; cần đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ rào cản kỹ thuật, áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để mở ra cơ hội mới cho nông sản, thủy sản, lâm sản và dược phẩm vào thị trường Việt Nam và Nga, cũng như góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nga đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Dù vậy, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nga thời gian qua được đánh giá là còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên và chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Việt Nam coi trọng việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga phát triển theo hướng thực chất, bền vững và hiệu quả, trong đó lĩnh vực kinh tế - thương mại được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng.
Chính sách đối ngoại “hướng Đông” của Nga cùng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EAEU mà Nga là đối tác chính là cơ hội để hai bên phát triển quan hệ thương mại song phương. Việt Nam coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, và ngược lại Nga xếp Việt Nam vào vị trí quan trọng bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Do vậy, nhu cầu mở rộng và tăng cường hợp tác xuất phát từ cả hai bên.
Năm 2019, Việt Nam và Nga kỷ niệm 25 năm ngày ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa hai nước và cột mốc năm 2020 đánh dấu 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Với bề dày lịch sử và những mối quan tâm chung giữa hai nước, quan hệ chiến lược Việt Nam -Nga đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, phù hợp với lợi ích của nhân dân mỗi nước trong cả hiện tại và tương lai./.
------------------------------
(1), (3), (7) Thúc đẩy giao thương, hướng tới Năm chéo Việt - Nga 2019, https://congthuong.vn/thuc-day-giao-thuong-huong-toi-nam-cheo-viet-nga-2019-116986.html, ngày 14-3-2019
(2) Cập nhật quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong 7 tháng từ đầu năm 2018, https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ Print.aspx?ID=27645, ngày 5-9-2018
(4), (5), (6) Tín hiệu vui đầu năm chéo Việt Nam - Liên bang Nga, http://www.nhandan.org.vn/kinhte/item/39343202-tin-hieu-vui-dau-nam-cheo-viet-nam-lb-nga.html, ngày 28-2-2019
(8) Nga sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, http://enternews.vn/nga-se-tang-cuong-dau-tu-vao-linh-vuc-nong-nghiep-viet-nam-127639.html, ngày 28-2-2019