TCCS - Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2022), quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển thực chất, hiệu quả, nhất là kể từ năm 2009 khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc”. Đặc biệt, năm 2022, hai nước nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện”, đánh dấu tầm cao mới trong sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản _Nguồn: baochinhphu.vn

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh mới

Trải qua chặng đường hơn 30 năm phát triển, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được thúc đẩy cả về số lượng và chất lượng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường.

Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng gia tăng và trở thành xu hướng chủ đạo, bất chấp sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, cực đoan. Từ năm 1990 đến nay, nền kinh tế toàn cầu đã trở thành nền kinh tế tri thức với vai trò dẫn dắt chủ đạo của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.  

Thứ hai, thế giới đã trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm, với các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997 - 1998), cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008 - 2009), cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (năm 2009), cuộc xung đột Nga - Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác ở châu Âu, như khủng bố, di cư, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), khủng hoảng mô hình phát triển, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên…

Thứ ba, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan… nổi lên làm gia tăng những biến đổi trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hình thức hợp tác đa phương trong quan hệ quốc tế. Vai trò của luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương bị suy giảm bởi sự cạnh tranh giữa các nước lớn và xu hướng chính trị hóa gia tăng tại các cơ chế đa phương.

Thứ tư, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc ở khu vực và trên toàn cầu khiến mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, dân tộc, sắc tộc, kinh tế… ngày càng gia tăng. Điều này kéo theo xu hướng tập hợp lực lượng dẫn đến sự phân tuyến, phân cực trong một số lĩnh vực và giữa các trục trong hệ thống quan hệ quốc tế, điển hình là trục Mỹ - Trung Quốc. Mặc dù sự cạnh tranh này diễn ra trong nhiều vấn đề, điểm nóng, nhưng các quốc gia luôn nỗ lực quản lý xung đột, tránh đối đầu trực diện.

Thứ năm, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, chi phối sự phát triển của các quốc gia trên thế giới hiện nay nhưng cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc

Cho đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc cơ bản đạt được hầu hết các mục tiêu mà khuôn khổ “Đối tác hợp tác chiến lược” đã nêu tại Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc năm 2009. Trong đó, hai bên đề ra một số mục tiêu, gồm: 1- Về chính trị - an ninh, nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược thường niên cấp thứ trưởng ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác quân sự, trong đó có công nghiệp quốc phòng; 2- Về hợp tác kinh tế, hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 20 tỷ USD vào năm 2015, lập Tổ công tác chung nghiên cứu khả năng thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc; 3- Về các lĩnh vực hợp tác song phương khác, phấn đấu sớm ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, tăng cường hợp tác văn hóa, thể thao…; 4- Về hợp tác đa phương, nhất trí hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác khu vực.

Trên cơ sở đó, thực tiễn phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua cho thấy những kết quả tích cực. Thứ nhất, về quan hệ chính trị, hai bên luôn duy trì, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương. Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng hiệu quả thực chất; lòng tin chính trị không ngừng được củng cố thông qua các chuyến thăm và các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao, các cấp của các bộ, ngành, địa phương hai nước bằng nhiều hình thức linh hoạt, kể cả trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hai bên tích cực phối hợp thực hiện các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc với mục tiêu thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược lên một tầm cao mới.

Việt Nam luôn là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc qua nhiều thời kỳ. Tháng 7-2021, tại cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc đều là đối tác quan trọng của nhau, trong đó Việt Nam là trọng tâm trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định cá nhân ông và Chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác trên các kênh Đảng, Quốc hội tiếp tục phát huy những hiệu quả thực chất. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác với Đảng Dân chủ Đồng hành Hàn Quốc (năm 2019) và Đảng Hàn Quốc Tự do - tiền thân của Đảng Sức mạnh Quốc dân (năm 2014). Năm 2013, Quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác mới nhằm cụ thể hóa hơn nữa các hoạt động hợp tác trên cơ sở Thỏa thuận đã ký năm 2006.

Thứ hai, về hợp tác quốc phòng, an ninh. Hai bên thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh bằng các dự án cụ thể. Hàn Quốc ưu tiên chuyển giao cho Việt Nam 5 tàu hải quân nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực chấp pháp trên biển; viện trợ không hoàn lại 20 triệu USD triển khai Dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh được duy trì thường xuyên, trong đó có cơ chế “Đối thoại an ninh Việt Nam - Hàn Quốc cấp thứ trưởng”, “Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc cấp thứ trưởng”. Hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng, nổi bật là Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng tới năm 2030 (ký kết năm 2018), Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Hanwha trong lĩnh vực công nghệ (năm 2018), thành lập Nhóm công tác về hợp tác quốc phòng Việt Nam (năm 2019).

Thứ ba, về hợp tác kinh tế - thương mại. Hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước từ trước tới nay. Hai bên đã thiết lập và tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12-2015, đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Hai nước đang tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hàn Quốc đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt mức 20 tỷ USD (sớm hơn 3 năm so với mục tiêu đặt ra). Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 78 tỷ USD, tăng 8,2 lần so với năm 2009 (đạt 9,52 tỷ USD).

Hàn Quốc luôn chiếm vị trí đối tác lớn nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam có khoảng 9.100 dự án do Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 72,3 tỷ USD; tính lũy kế đến năm 2021, tổng số vốn đăng ký đã đạt 74,7 tỷ USD, tăng 3,7 lần so với năm 2009 (đạt 20 tỷ USD). Hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đang đầu tư tại Việt Nam và tham gia nhiều dự án trọng điểm của Việt Nam, trong đó Tập đoàn Samsung coi các dự án đầu tư tại Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất toàn cầu. Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đã lên tới 17,7 tỷ USD, trong đó có 8 nhà máy tại Việt Nam và doanh thu đạt 74 tỷ USD. Hiện nay, tổng mức đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam chiếm 42,6% tổng vốn đầu tư toàn khối ASEAN.

Sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh tại Công ty TNHH Hana Micron Vina 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc _Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn thứ hai của Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hàn Quốc đã viện trợ 1,5 tỷ USD cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012 - 2015 và 1,5 tỷ vốn vay ưu đãi từ Quỹ EDCF cho giai đoạn 2016 - 2021, chiếm 44% số vốn hỗ trợ cho ASEAN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác quan trọng của Hàn Quốc trên các lĩnh vực, như nghiên cứu chính sách, tham vấn phát triển, tăng cường năng lực, nhất là công tác nghiên cứu chính sách phát triển vùng từ năm 2014.

Thứ tư, về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, lao động - việc làm, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hàn Quốc là quốc gia có số lượng lao động người Việt Nam lớn nhất thế giới. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có gần 110.000 lượt lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm với mức thu nhập bình quân 1.800 USD/tháng. Hiện nay, hai nước duy trì nhiều hình thức hợp tác về lao động, như Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài, lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp, lao động thời vụ và đang thúc đẩy triển khai lao động kỳ nghỉ. Nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hai nước triển khai nhiều dự án, như dự án Hỗ trợ phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, dự án Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, dự án Vườn ươm công nghệ Cần Thơ,… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc triển khai các dự án tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tập đoàn Samsung và SK Hynix xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D Center) tại Hà Nội. Đặc biệt, Việt Nam và Hàn Quốc luôn phối hợp chặt chẽ trong hợp tác chống biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải, thúc đẩy tăng trưởng phát triển xanh… Trong giai đoạn đại dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai nước đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu trong sản xuất thuốc và vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thứ năm, hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân được hai nước triển khai sôi động, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển ngày càng sâu rộng. “Làn sóng Hàn Quốc” với các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh, ẩm thực... ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Văn hóa Việt Nam cũng ngày càng được biết đến và ưa thích tại Hàn Quốc. Với những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các du khách Hàn Quốc với hơn 4,3 triệu lượt khách và có khoảng hơn 500.000 lượt du khách Việt Nam đến Hàn Quốc. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục duy trì được đà phát triển. Chính trong thời điểm khó khăn, tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược ngày càng được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, Hàn Quốc còn là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam trong các công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế và vaccine. Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý của Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam nhằm bảo đảm duy trì các hoạt động kinh tế, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

Thứ sáu, về hợp tác đa phương. Hai nước duy trì trao đổi chặt chẽ về lập trường và tăng cường ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế, như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Hàn Quốc nhiệm kỳ 2013 - 2015; Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 - 2025), Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (Hàn Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2018), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017 - 2021. Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc vào Ủy ban Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhiệm kỳ 2019 - 2022, Hội đồng Nhân quyền 2020 - 2022, thành viên Ủy ban Kiểm toán Liên hợp quốc 2020 - 2026. Đặc biệt, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020; phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương, song phương, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, Mekong - Hàn Quốc và ủng hộ Việt Nam hoàn thành vai trò điều phối quan hệ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021 - 2024. Bên cạnh những thành tựu đạt được, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn tồn tại một số hạn chế, sự khác biệt làm cản trở phần nào quá trình thúc đẩy phát triển quan hệ song phương.

Một là, sự khác biệt về cơ chế, chính sách và trình độ phát triển kinh tế đã tạo nên một số rào cản nhất định, gây ảnh hưởng đến quá trình hợp tác giữa hai nước. Trong thương mại, Việt Nam là nước nhập siêu lớn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp, chưa đa dạng về chủng loại. Các dự án đầu tư từ Hàn Quốc chưa thật sự mang tính bền vững. Quá trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ gặp khó khăn do trình độ của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án có nguồn vốn vay ưu đãi từ Chính phủ Hàn Quốc tại Việt Nam không cao.

Hai là, trong lĩnh vực văn hóa, vấn đề lớn nhất trong giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc là chưa có sự giao lưu cân bằng hai chiều, mà chỉ có văn hóa Hàn Quốc đang du nhập vào Việt Nam giữa dòng chảy khổng lồ của “làn sóng Hàn Quốc”. Mặc dù, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương thúc đẩy giao lưu văn hóa hai chiều, nhưng rất ít người Hàn Quốc được trực tiếp trải nghiệm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Vì vậy, cải thiện sự mất cân bằng trong giao lưu văn hóa đang được xem là nhiệm vụ cấp bách để có thể mở rộng giao lưu văn hóa một cách bền vững.

Các bạn trẻ hào hứng trải nghiệm trang phục Hàn Quốc tại Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc _Ảnh: TTXVN

Một số định hướng trong thời gian tới

Hiện nay, Hàn Quốc đang duy trì khuôn khổ quan hệ với các nước trên cơ sở cấp độ từ thấp đến cao: 1- Đối tác hợp tác; 2- Đối tác toàn diện; 3- Đối tác chiến lược; 4- Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện về phát triển xanh; 5- Đối tác hợp tác chiến lược - mức quan hệ cao nhất với các đối tác thông thường; 6- Đối tác chiến lược toàn diện; 7- Đồng minh chiến lược toàn diện - mức cao nhất hiện nay. Có thể thấy, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện ở mức cao nhất trong khuôn khổ đối tác thông thường và đã đạt được nhiều kết quả thực chất, nhất là các chỉ số về hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch cao hơn những đối tác chiến lược toàn diện khác.

Trong giai đoạn hiện nay, hai nước đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn và có tầm ảnh hưởng quan trọng ở khu vực châu Á, còn Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN và Đông Á. Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau; đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước. Trên cơ sở mối liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa. Để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đi vào thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần tập trung ưu tiên một số định hướng sau:

Về mục tiêu chung: Một là, cần tiếp tục củng cố và tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau, tạo sự đan xen lợi ích chặt chẽ, coi đó là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác và phát huy những kết quả hợp tác đã đạt được giữa hai nước; hai là, chú trọng tăng cường kết nối hai nền kinh tế, đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng và hai nước cần duy trì giữ mức đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau, tăng cường hợp tác đầu tư, phát triển và hợp tác khoa học - công nghệ đáp ứng nhu cầu của hai nước trong giai đoạn phát triển mới; ba là, mở rộng hợp tác trong các vấn đề khu vực, quốc tế, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và các vấn đề an ninh mới; bốn là, mở rộng giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa nhằm tăng cường hữu nghị, nâng cao nhận thức và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Cụ thể là:

Trong quan hệ chính trị, cần tăng cường trao đổi, giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố với các đối tác tương ứng cả về song phương và đa phương; đồng thời, xem xét xây dựng các cơ chế hợp tác song phương mới.

Về hợp tác quốc phòng, an ninh, cần tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh giữa hai nước; duy trì các cơ chế hợp tác thường kỳ, tăng cường tham vấn, phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tiếp tục triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng tới năm 2030; mở rộng hợp tác trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề chiến lược có liên quan tới lợi ích và an ninh quốc gia hai nước.

Đối với hợp tác kinh tế, cần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả và toàn diện quan hệ hợp tác kinh tế; tổ chức thường xuyên, định kỳ các cơ chế hợp tác kinh tế song phương; khai thác lợi ích và phát huy giá trị hiệp định thương mại tự do nhằm đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước, sẵn sàng nghiên cứu xem xét các hiệp định mới. Bên cạnh đó, mở cửa hơn nữa thị trường Hàn Quốc đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam để từng bước tháo gỡ tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại; đồng thời, thúc đẩy đầu tư Hàn Quốc thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Duy trì vị thế “quốc gia hợp tác trọng điểm” của Việt Nam trong chính sách hợp tác phát triển của Hàn Quốc và tăng cường giải quyết khó khăn liên quan tới việc thực hiện các dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam.

Trong quan hệ hợp tác về các vấn đề quốc tế và khu vực, cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo nhằm duy trì sự thịnh vượng chung, hòa bình, ổn định của khu vực; thúc đẩy tham khảo và phối hợp chính sách, nhất là trong các vấn đề chiến lược, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề an ninh, chính trị và tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc; phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Hàn Quốc - ASEAN, Hàn Quốc - Mekong; hợp tác ủng hộ lẫn nhau ở các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Thương mại thế giới…; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trên cơ sở nền tảng vững chắc và những thành quả đạt được trong quan hệ hai nước thời gian qua, cùng với sự gần gũi về địa lý, tương đồng về lịch sử, văn hóa, chia sẻ lợi ích trong hợp tác phát triển và sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa./.