Đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước
TCCS - Ngày 28-12-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành khoa học và công nghệ đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành khoa học và công nghệ vẫn còn các vướng mắc, bất cập trong quản lý khoa học và công nghệ do khách quan và chủ quan, chưa được tháo gỡ và cần sớm có giải pháp trong thời gian tới.
Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả khoa học và công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy, với nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ hơn 12 nghìn tỷ đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các hoạt động tài trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, tạo nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm thực hiện.
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được cụ thể hoá bằng 44 chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng…
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhằm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Theo thống kê của Scimago, năm 2022, các lĩnh vực khoa học tự nhiên của Việt Nam đều tăng vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng các khoa học trên thế giới và khu vực so với năm 2016.
Trong nông nghiệp, khoa học - công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp, như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn khác, tiết kiệm lượng lớn kinh phí cho ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực khoa học y - dược, ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng từ việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt; nghiên cứu thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống... là những thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề quan trọng cho việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về phát triển các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Việt Nam có lợi thế, như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành khoa học và công nghệ đã đạt được trong năm 2023. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2023 là năm đầy khó khăn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam, song chúng ta đã vượt lên để có những kết quả đáng khích lệ; trong những thành tựu đó có sự đóng góp đáng kể của ngành khoa học và công nghệ cũng như các nhà khoa học, những người làm công tác khoa học và công nghệ. Phó Thủ tướng khẳng định, khoa học và công nghệ có ý nghĩa với tất cả mọi người, hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, muốn giàu hơn, muốn an toàn hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn đều phải nghĩ đến khoa học và công nghệ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu giai đoạn 2030 - 2045 đặt ra cho cả hệ thống chính trị rất cao, cho nên, khoa học và công nghệ là giải pháp thực hiện mục các tiêu này, với tinh thần “đi tắt, đón đầu”. Phó Thủ tướng nhắc đến “8 từ” dành cho ngành khoa học và công nghệ, đó là: 1- Thể chế: phải có chính sách phù hợp, đặc thù để phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; 2- Thúc đẩy: thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, khuyến khích để mọi người cùng làm, có chính sách động viên, tạo được cảm hứng cho những nhà khoa học; 3- Phối hợp: Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp tốt với các bộ, ngành, với các nhà khoa học, kết nối với thế giới một cách tích cực, hiệu quả; 4- Tử tế: phải tử tế, trách nhiệm với công việc, chia sẻ với đồng nghiệp, nhà khoa học, trân trọng lắng nghe tạo cảm hứng cho nhà khoa học. Có như vậy, mới có được đội ngũ đồng sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức…
Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để có những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Hội thảo khoa học “Một số định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  (05/11/2023)
Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ của Trung Quốc và một số gợi ý tham chiếu cho tỉnh Quảng Ninh  (09/10/2023)
Gắn kết giáo dục đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (05/09/2023)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm