Thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được Đảng ta xác định vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng. Thực hiện dân chủ ở cơ sở rõ ràng đã tạo ra động lực mới, động viên nguồn sức mạnh nội tại từ mỗi thành viên và của cả cộng đồng hướng tới phát triển một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Cách đây mười năm, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Việc ra đời Chỉ thị này là một quá trình nghiên cứu lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, trăn trở suy nghĩ, tìm tòi công phu của Đảng. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ, Chính phủ ban hành các nghị định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp nhà nước. Việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị có ý nghĩa nhiều mặt trong đời sống xã hội. Vì vậy, Chỉ thị đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đông đảo nhân dân đồng tình và triển khai rộng rãi. Mười năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 30 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, thiếu sót và đặt ra nhiều vấn đề cần khắc phục.

Về nhận thức, chúng ta đã ngày một thấy rõ hơn dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền lợi đều của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Dân chủ là cái quý nhất của nhân dân, thực hành dân chủ là cái “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết mọi khó khăn...

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng ta khẳng định: Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị nêu rõ: Khâu quan trọng nhất và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Từ khi Đảng ta cầm quyền và bước vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng sớm xác định cơ chế tổng thể của chế độ ta là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Phương châm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là: Dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Theo tinh thần đổi mới là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và nhận rõ những việc cần làm ngay..., Đảng khẳng định các giá trị của dân chủ. Đó là nền dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dân chủ gắn với dân sinh, dân trí, dân quyền, đem lại hạnh phúc đích thực cho nhân dân.

Ngày nay, phát huy dân chủ là yêu cầu khách quan gắn với thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là điều kiện để đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở là khâu đột phá trong toàn bộ quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Muốn thực hiện tốt dân chủ không thể không thực thi tốt công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát một cách rộng rãi và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Nói cách khác, làm tốt những vấn đề đó chính là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để tiến tới dân chủ cho mỗi người, cho tất cả mọi người...

Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này không dễ dàng thống nhất, mà là một quá trình cùng với những hoạt động thực tiễn đẩy lùi các hành vi mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, lãng phí, trù úm, ức hiếp dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nhiều người chưa thấy hết những giá trị của thực hiện dân chủ, coi nhẹ, không quan tâm dẫn đến việc thực hiện Quy chế một cách hình thức, qua loa, hời hợt. Nhiều người còn hoài nghi, thiếu tin tưởng vào những giá trị thực thi của Quy chế. Có không ít người lợi dụng Quy chế, cố tình hiểu sai, làm sai theo nhận thức chủ quan và lợi ích của riêng mình. Lại có người đồng nhất dân chủ với tự do vô tổ chức, vô kỷ luật, bất chấp kỷ cương pháp luật dẫn đến, cán bộ thì lạm quyền, dân thì khiếu kiện lung tung, phát ngôn, hành động tùy tiện. Không ít người do thiếu hiểu biết, không nhận rõ quyền hạn, trách nhiệm làm chủ nên đã không quan tâm tìm hiểu, học tập, thực hiện Quy chế, coi đây là việc của Đảng, của Nhà nước, xa vời đối với mình. Nhiều người lại đòi hỏi dân chủ vượt quá những nguyên tắc, các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, không thấy tính lịch sử, tính khách quan của vấn đề nên đã quan niệm sai về dân chủ.

Những biểu hiện hạn chế nhận thức về dân chủ trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hiện nay rất đa dạng, nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Thực tế cho thấy, đây là cản trở đầu tiên, trước hết, lâu dài và có tính quyết định tới kết quả thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Về hoạt động thực thi các nội dung Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã có những kết quả cụ thể, thiết thực góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong sự nghiệp đổi mới.

Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã tạo ra những chuyển biến bước đầu trong lề lối làm việc của các cơ quan đảng, chính quyền cơ sở cũng như cán bộ, công chức nhà nước theo hướng dân chủ, công khai, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhiều vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân như: chuyển đổi hợp tác xã, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch giãn dân, kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, cổ phần hóa doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy, công tác cán bộ... được đưa ra thảo luận công khai, dân chủ, rộng rãi trong nhân dân.
 
Trong huy động dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người gặp tai nạn, rủi ro, thiên tai, nạn nhân chất độc da cam, khuyến học, khuyến tài... đã xuất hiện nhiều tấm gương, nhiều hình thức, thu hút nhân dân tự nguyện tham gia có hiệu quả. Nhờ đó nhiều công trình được hoàn thiện, nhiều đối tượng được giúp đỡ kịp thời, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng chặt chẽ hơn. Nhiều văn bản của Nhà nước liên quan đến dân, các hồ sơ, thủ tục hành chính, các lệ phí, thời gian quy định giải quyết công việc... được thông báo công khai dưới nhiều hình thức để dân biết. Coi trọng cải cách hành chính, rà soát bãi bỏ những văn bản, quy định trái với pháp luật, đơn giản thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu kiện của dân. Nhiều nơi công khai về thu chi ngân sách, sử dụng các khoản dân đóng góp, mức thuế của các hộ sản xuất, kinh doanh, quy hoạch xây dựng, phương án đền bù, di dân, giải phóng mặt bằng. Nhân dân công khai bình xét các hộ được vay vốn xóa đói, giảm nghèo. Thông báo công khai các công trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho cơ sở...

Kết quả thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ cở góp phần nâng cao phẩm chất, tác phong của cán bộ công chức nhà nước, giảm bớt quan liêu, hách dịch, sách nhiễu, phiền hà, cửa quyền với dân, gần dân, tôn trọng dân lắng nghe ý kiến của dân, tự khép mình vào kỷ luật hơn. Nhiều nơi cán bộ chủ chốt có lịch tiếp dân, đối thoại, trả lời chất vấn với dân. Nhiều nơi xây dựng cộng đồng dân cư, thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố văn minh tiến bộ, khắc phục thói quen bao cấp ỷ lại trông chờ vào Nhà nước. Nhiều nơi xây dựng hương ước, quy ước giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn trật tự an ninh, phát huy thuần phong mỹ tục, dân bầu trực tiếp trưởng thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố làm tăng quyền làm chủ trực tiếp của dân và trách nhiệm của cán bộ. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt Quy chế Dân chủ, nơi đó hệ thống chính trị vững mạnh, nhân dân tin tưởng phấn khởi, đời sống được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, những kết quả mới chỉ là bước đầu, không đồng đều ở các địa phương, các loại hình cơ sở và thiếu vững chắc. Nhiều cơ sở triển khai chưa tốt, còn hình thức, “đầu voi đuôi chuột“, một số cơ sở tình hình phức tạp, cán bộ có sai phạm đã triển khai chậm, qua loa. Vẫn còn không ít cán bộ hách dịch, xa dân, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Trình độ của cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương, lợi dụng dân chủ để gây rối vẫn còn ở một số nơi. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được cụ thể, thể chế hóa thành pháp luật nên việc thực hiện còn hình thức, không đi vào cuộc sống.
 
Tình trạng mất dân chủ, thiếu công khai minh bạch trong nhiều sự việc, hiện tượng làm giảm lòng tin của nhân dân. Những tiêu cực, tệ nạn xã hội không giải quyết kịp thời, minh bạch, công khai, để tồn đọng, mập mờ, đã làm tăng thêm sự nghi ngờ, thiếu tin cậy của dân. Tình trạng quan liêu, quản lý lỏng lẻo, lãng phí, thất thoát lớn ở nhiều công trình, nhiều cơ quan... kéo dài, xử lý không nghiêm, thiếu khách quan chẳng những làm giảm lòng tin mà còn triệt tiêu nguồn động lực của nhân dân.
 
Tình trạng tích tụ ruộng đất, đô thị hóa, công nghiệp hóa thiếu quy hoạch khoa học gây thiệt hại, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp làm cho nhân dân buồn chán, lo lắng, mất tin tưởng. Đặc biệt, chính sách thu hồi, đền bù đất, tái định cư với nông dân cũng như những người trong diện giải phóng mặt bằng thiếu dân chủ, không công bằng, không bảo đảm cuộc sống lâu dài của họ... đã gây tâm lý bất bình, bức xúc, mất lòng tin nghiêm trọng. Tình trạng một bộ phận cán bộ cơ hội chạy chọt, bè cánh, lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính, trong khi số đông nhân dân, cán bộ làm ăn nghiêm chỉnh thì khó khăn, thiếu thốn dẫn đến thực tế chênh lệch quá lớn trong đời sống xã hội...

Những nghịch lý nêu trên vẫn xảy ra ở nhiều nơi, kéo dài, chậm được ngăn chặn đã vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Để khắc phục những hạn chế đó, tiếp tục thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở có nhiều việc phải làm, song cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết và cơ bản lâu dài đang đặt ra hiện nay.

Một là, làm thông suốt nhận thức trong cán bộ đảng viên, nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề dân chủ và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Khắc phục nhận thức lệch lạc, thiếu khoa học, thiếu khách quan, thiếu trách nhiệm của nhiều người đối với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Họ coi nhẹ vấn đề này chỉ chăm lo làm ăn kinh tế thuần túy trước mắt, không thấy được thực hiện dân chủ thực sự sẽ phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, động viên sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng... làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Hai là, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc những quan điểm của Đảng về Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Thực hiện tốt cả hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân và quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Công khai minh bạch, công bằng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội có liên quan tới dân. Gắn dân chủ với phát triển dân sinh, dân trí, kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, cơ hội, bè cánh một cách thực sự có hiệu quả để gây lòng tin với nhân dân.

Ba là, các cấp bộ đảng nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình phát huy dân chủ xã hội.

Phải chủ động chống quan liêu, gia trưởng, tham nhũng, lãng phí với sự tham gia đông đảo nhất của nhân dân,... Đó là một trong những biện pháp thực thi dân chủ hiệu quả nhất, đúng đắn nhất.

Trong Đảng phải thật sự dân chủ, cởi mở, tự do tư tưởng không lợi dụng chức quyền áp đặt. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, đấu tranh với các hành vi độc đoán chuyên quyền cũng như các hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật... Cán bộ đảng viên phải thật sự vì dân, hy sinh quyền lợi cá nhân, lo trước nhân dân, hưởng sau nhân dân như Bác Hồ dạy, tránh tình trạng lợi dụng chức quyền vơ vét, thu vén để giàu có, sung sướng, hưởng lạc ở mức quá cao so với nhân dân.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, sửa đổi những quy định không phù hợp, bổ sung những quy định cần thiết làm cho Quy chế có giá trị pháp lệnh cao nhưng lại dễ đi vào cuộc sống. Thể chế hóa các quy định bảo đảm thực hiện tốt cả hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực tổ chức thực hiện Quy chế.

Một mặt, Đảng, Nhà nước đổi mới các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và có chính sách đúng với cán bộ cơ sở. Mặt khác nhân dân sáng suốt lựa chọn, thẳng thắn nhận xét, đánh giá, có trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Sáu là, tạo ra những yếu tố bảo đảm thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của chính quyền, hoạt động của các đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ở địa phương. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Thực hiện công khai, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, cơ hội, tiêu cực... gây lòng tin thực sự, vững chắc trong nhân dân./.