Xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre

TS PHAN THỊ NGÀN - TRƯƠNG PHÚC HẢI
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
19:07, ngày 06-07-2024

TCCS - Những năm gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp đang ngày càng phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có tỉnh Bến Tre - địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển loại hình này. Đây cũng là một phương án sinh kế kép, vừa giúp cải thiện kinh tế nông thôn, vừa ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và truyền thống văn hóa cộng đồng.

1- Du lịch nông nghiệp là một hình thức du lịch dựa trên kinh tế nông nghiệp nhằm tạo ra những giá trị du lịch thông qua hệ thống nông nghiệp địa phương. Đây là loại hình du lịch mà du khách được trực tiếp trải nghiệm những sinh hoạt và quá trình lao động, sản xuất của người nông dân.

Du lịch nông nghiệp góp phần phát triển bền vững khu vực nông thôn thông qua việc phát triển những hoạt động nông nghiệp, cải thiện kết cấu hạ tầng và bảo vệ nguồn tài nguyên địa phương (tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như tư liệu sản xuất, đất đai, sông ngòi, ao hồ, con người, quy trình sản xuất, tập quán canh tác, nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp…). Việc khai thác du lịch nông nghiệp có thể thúc đẩy các hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển tại các vùng nông thôn, tạo ra thị trường tiêu dùng rộng mở với các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách trong và ngoài nước, mở ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, giúp người nông dân tiếp tục gắn bó và phát triển nghề nông, nâng cao thu nhập trên chính quê hương mình, hạn chế tình trạng di cư tới các thành thị để mưu sinh.

Du lịch nông nghiệp giúp giảm thiểu tác động đến môi trường nhờ vào việc tái sử dụng tài nguyên, tái chế các vật liệu hữu ích, sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thúc đẩy du lịch thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, tươi đẹp. Bên cạnh đó, các sinh hoạt văn hóa, như thực hành lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi, văn nghệ dân gian, ẩm thực truyền thống, hoạt động lao động, sản xuất tại các làng nghề… tạo nên những nét văn hóa đặc sắc, phong phú cho mỗi vùng nông thôn, tạo sức hấp dẫn và thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Thông qua hoạt động du lịch, chính người dân - chủ thể văn hóa, ngày càng gắn bó hơn với quê hương, có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn những di sản văn hóa mà cha ông để lại. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp còn giúp kết nối người dân nông thôn và người dân thành thị, giúp cho mỗi người mở mang hiểu biết thông qua giao lưu văn hóa, từ đó hình thành những nhận thức và kỹ năng mới.

Để thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả cần có ban quản lý du lịch (gồm đại diện thuộc chính quyền địa phương, hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình làm du lịch). Bộ phận này giúp điều phối các hoạt động du lịch, kết nối các hộ gia đình làm du lịch với các công ty du lịch, tham gia thiết kế, xây dựng, quản lý các sản phẩm du lịch, giám sát, quản lý việc kinh doanh theo quy định,  quảng bá xúc tiến du lịch…

Loại hình du lịch nông nghiệp đang ngày càng phát triển ở tỉnh Bến Tre_Nguồn: vietnamnet.vn

2- Với đường bờ biển dài 65km, nhiều cù lao, cồn bãi, cùng rừng ngập mặn và hệ động thực vật phong phú, Bến Tre là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu ôn hòa, với nhiều loại cây trái quanh năm mà nổi bật nhất là những rừng dừa xanh mênh mông, bát ngát, cùng nhiều món đặc sản vùng miệt vườn, sông nước, cửa biển. Tỉnh Bến Tre hiện còn lưu giữ và phát triển hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng, nhất là những làng nghề liên quan đến sản phẩm dừa, như làng nghề đan giỏ cọng dừa ở Hưng Phong - huyện Giồng Trôm, các làng nghề sản xuất kẹo dừa, thủ công mỹ nghệ dừa,… cùng nhiều làng nghề nổi tiếng khác, như làng nghề tráng Mỹ Lồng, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn - huyện Chợ Lách, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc - huyện Giồng Trôm, làng nghề bó chổi Mỹ An - huyện Thạnh Phú, làng nghề đan lát ở xã Phước Tuy - huyện Ba Tri, làng nghề đúc lu xã Hòa Lợi - huyện Thạnh Phú, làng nghề làm muối Bảo Thạnh - huyện Ba Tri, làng nghề cá khô An Thủy - huyện Ba Tri, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng - huyện Bình Đại… 

Gắn liền với các làng nghề là hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể, như các phong tục, tâp quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc sắc, góp phần làm nên nét văn hóa riêng biệt của miền sông nước Cửu Long. Tiêu biểu như ở làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ - huyện Ba Tri, không chỉ nổi tiếng về mây tre đan với nhiều sản phẩm sử dụng trong sinh hoạt, lao động hằng ngày và nghề sản xuất rượu nếp, mà nơi đây còn có loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo là hát sắc bùa, ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Đây là loại hình sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp, mang tính nghi lễ và thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán để cầu may, chúc phúc cho gia chủ. Các làng nghề ven biển có Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, xuất phát từ tục thờ cá voi (cá Ông) của ngư dân địa phương, để bày tỏ tấm lòng biết ơn đến vị thần biển linh thiêng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng bội thu. Đây cũng là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là niềm tự hào to lớn của người dân Bến Tre, trở thành nét đẹp văn hóa có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Lễ hội Dừa Bến Tre là một trong những sự kiện văn hóa đặc biệt của tỉnh với quy mô mang tầm quốc gia, nhằm tôn vinh giá trị to lớn của cây dừa, những sản phẩm từ dừa và các nghệ nhân, nông dân gắn bó mật thiết loại cây này qua bao thế hệ, qua đó, quảng bá về hình ảnh đất và người Bến Tre. Lễ hội gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, như vui hội làng dừa, triển lãm sản phẩm từ dừa, hội thảo về giá trị của cây dừa, hội chợ thương mại, tour du lịch trải nghiệm vùng sông nước miệt vườn xứ dừa, liên hoan ẩm thực, ngày hội áo bà ba, trình diễn thời trang dừa…

Có thể thấy, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thể hiện trong các sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống lao động, sản xuất, kết tinh trong các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ của Bến Tre cùng thiên nhiên tươi đẹp vùng nông thôn có sức hấp dẫn lớn với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng chính là lợi thế so sánh để tỉnh Bến Tre phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới Bến Tre ngày càng khang trang, tươi đẹp.

Trên cơ sở xác định những tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, như du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, vườn dừa, vùng sản xuất cây giống - hoa kiểng; tham quan các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng nông thôn tại nhà người dân, tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống… với các điểm đến an toàn, xanh, sạch, đẹp cùng nhiều sản phẩm chất lượng cao làm quà tặng du lịch phục vụ khách du lịch (hiện tỉnh có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên). Mô hình du lịch nông nghiệp được triển khai ở một số địa phương của tỉnh, như ở huyện Thạnh Phú, huyện Mỏ Cày Nam, thành phố Bến Tre, trong đó có điểm đến tiêu biểu là MOCAY Famrstay (huyện Mỏ Cày Nam). Mô hình MOCAY Famrstay hoạt động theo bốn nguyên tắc 4Fs (Farm - nông trang, Food - ẩm thực, Family - gia đình, Fun - vui vẻ) và 1E (Enjoyment - Tận hưởng). Tổng thể thiết kế xây dựng khu du lịch nông nghiệp của MOCAY Farmstay dựa trên “Tháp hạnh phúc” do Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đề xuất, trong đó có vườn hoa để du khách thưởng lãm và chụp ảnh; có không gian vườn rau, củ quả, chuồng trại để du khách có thể trải nghiệm lao động, thu hoạch, chăm sóc vườn cây, chăm sóc động vật…; có không gian để du khách tự nấu nướng từ chính những sản vật của nông trang; có không gian để du khách thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật tranh cát, tranh sơn dầu… về cuộc sống lao động của người dân Nam Bộ. Du khách có cơ hội được trải nghiệm thú vị cuộc sống gần gũi với thiên nhiên thông qua mô hình du lịch nông nghiệp, qua đó cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, phát triển năng lực học tập, sáng tạo, đồng thời thêm gắn kết gia đình, cộng đồng. Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch tỉnh Bến Tre sau đại dịch COVID-19 với việc đón trên 2,2 triệu lượt khách năm 2023 (thời điểm trước đại dịch năm 2019, tỉnh Bến Tre đón hơn 1,8 triệu lượt khách), tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.763 tỷ đồng.

Du khách tham quan vườn nho tại Nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre_Ảnh: Tư liệu

3- Xác định phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là một nội dung quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, thời gian tới, tỉnh Bến Tre chú trọng hơn việc nhân rộng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp ngày càng hiệu quả, bền vững. Một số giải pháp đồng bộ được đề xuất là:

Một là, xây dựng, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, như chính sách hỗ trợ nguồn vốn giúp người dân yên tâm tái sản xuất nông nghiệp, các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư và xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài, các chính sách về quy hoạch và sử dụng đất đai... Thực tế cho thấy, người nông dân nếu muốn tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch trên phần đất của mình thì cần phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Việc này cần một khoản kinh phí không nhỏ và nhiều thủ tục, hồ sơ khá phức tạp nên cần có cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động đào tạo lao động và quản lý, tư vấn, tiếp thị, thông tin, phát triển công nghệ, nâng cao sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp…

Hai là, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và tăng cường phối hợp liên ngành, quản lý điểm đến du lịch nông nghiệp.

Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, đồng thời nâng cấp, sửa chữa cơ bản để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bến Tre phục vụ phát triển du lịch tại các vùng nông thôn; đầu tư, nâng cấp, khắc phục những hạn chế trong hệ thống giao thông đến với các khu, điểm du lịch ở một số xã nông thôn trên địa bàn tỉnh, như cầu có tải trọng nhỏ, đường xuống cấp, thiếu bến tàu, nước sạch; phương tiện đường sông và giao thông đường thủy (sông và biển) chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tạo sự mới mẻ cho du lịch… Phân bổ kinh phí thực hiện dự án giao thông cần có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nông nghiệp, như Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; có cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng để khuyến khích, tạo động lực cho các bên liên quan cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp tốt nhất cho khách du lịch; qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ba là, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Về sản phẩm và dịch vụ du lịch, ngoài tận dụng các sản phẩm có sẵn từ nguồn tài nguyên du lịch tỉnh Bến Tre hiện nay, cần xây dựng hệ thống sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù của địa phương, như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, nghỉ dưỡng, tâm linh, văn hóa. Thúc đẩy liên kết với tỉnh, thành phố, khu vực, kết nối với du lịch lữ hành của quốc gia lân cận để mở rộng tuyến, tour, điểm du lịch cho địa phương, vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa học hỏi mô hình, kinh nghiệm lẫn nhau trong tổ chức và quản lý. Nâng cao chất lượng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mang nét đặc trưng, có tính khác biệt, tạo điểm nhấn và thương hiệu cho thị trường quà tặng du lịch Bến Tre.

Xây dựng hệ thống lưu trú đủ các tiêu chuẩn, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của du khách, thúc đẩy và nâng cao khả năng chi tiêu, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch. Xây dựng, nâng cấp và mở rộng các khu vui chơi, dịch vụ giải trí có quy mô lớn, hiện đại. Tổ chức quy hoạch các khu chợ đêm tiêu chuẩn du lịch để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí của du khách. Xây dựng và tổ chức các hoạt động nghệ thuật về đêm đa dạng hơn, như các chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại và truyền thống, nhà hàng du thuyền trên sông cho du khách quốc tế…

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối điểm đến du lịch.

Để góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Bến Tre đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, tỉnh cần tích cực hơn trong việc phối hợp, tham gia các sự kiện, hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, cũng như các sự kiện liên quan đến các tỉnh liên kết trong cụm phía đông của đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục tham gia trưng bày giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre cùng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đến với du khách tại ngày hội du lịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi, Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC…, qua đó, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh được hỗ trợ, kết nối, giới thiệu sản phẩm du lịch hiệu quả. Tiếp tục tổ chức các đoàn famtrip, presstrip báo chí, lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát các sản phẩm dịch vụ du lịch để kết nối tour, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng, trong đó có các tour, tuyến du lịch nông nghiệp. Chú trọng hơn các hoạt động truyền thông về du lịch và du lịch nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy mặt tích cực của truyền thông xã hội trong quảng bá mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh Bến Tre. Tiếp tục nâng cấp và phát huy hiệu quả ứng dụng du lịch thông minh “Ben Tre Tourism” trên cả 2 hệ thống Android và iOS của điện thoại thông minh, góp phần tạo kết nối, quản lý chung từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và các điểm du lịch, thống nhất trong phương thức quản lý cập nhật thông tin, dễ dàng thuận tiện trong việc truy xuất dữ liệu về du lịch, qua đó giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch Bến Tre nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng đến với du khách.

Năm là, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống.

Tài nguyên và môi trường là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động du lịch nông nghiệp, không những ảnh hưởng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch mà còn ảnh hưởng đến công tác xúc tiến du lịch tại chỗ và sự phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, tỉnh Bến Tre cần có quy hoạch các điểm tập kết và xử lý rác thải với quy trình và phương pháp xử lý khoa học, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường tại các điểm đến du lịch cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường (ô nhiễm nguồn nước, không khí, ô nhiễm tiếng ồn…) ở các điểm du lịch và các làng nghề.

Cùng với việc bảo vệ môi trường, việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với không gian văn hóa cộng đồng, kiến trúc, phong tục, tập quán, các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị văn hóa kết tinh trong hệ thống sản phẩm nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng nên bản sắc của du lịch nông nghiệp Bến Tre. Do đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, có ý thức tôn trọng, bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể, các làng nghề truyền thống - những tài nguyên quý giá, là nguồn lực phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp Bến Tre nói riêng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề cho phù hợp với bối cảnh mới. Xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; phân loại và đánh giá tiềm năng của các làng nghề để có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề một cách phù hợp. Tăng cường các hoạt động phát triển thương hiệu của làng nghề, hỗ trợ các loại hình sản xuất trong làng nghề đăng ký tham gia hội trợ, triển lãm, qua đó mở rộng cơ hội quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề Bến Tre với khách du lịch trong và ngoài nước. Thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách tôn vinh, khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối để gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của làng nghề trong phát triển du lịch nông nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre./.