Trong cuộc họp ngày 23-7 tại Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ việc gia hạn Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển từ tháng 1-2009 đến hết năm 2011.

Tuy nhiên, các ngoại trưởng EU lại rút quyền tiếp cận GSP của Việt Nam khỏi những danh mục hàng hóa, gồm giày da, mũ lưỡi trai, ô chống nắng, hoa giả. Họ cho rằng do giày da xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 15% tổng giá trị xuất khẩu giày da đến từ tất cả các nước được hưởng GSP, Việt Nam được coi là đạt được một mức độ cạnh tranh nhất định và không cần thiết được hưởng ưu đãi nữa.

Tháng trước, EU đã thông báo bãi bỏ GSP đối với giày da và một số hàng hóa khác nhập khẩu từ Việt Nam. Ra khỏi GSP, giày da và những mặt hàng này của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế cao hơn tại thị trường EU.

Các công ty sản xuất giày da Việt Nam đã phản ứng trước quyết định trên vì cho rằng nó có thể khiến họ bị thiệt hại trên 100 triệu USD, đồng thời tác động tới đời sống của ít nhất 1 triệu công nhân ngành giày da.

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu giày da của Việt Nam sang EU tăng 10,6%, đạt tổng giá trị 2,17 tỉ USD, so với 1,96 tỉ USD năm 2006.

Quy chế GSP được EU thiết lập năm 1971 nhằm tạo cho các nước đang phát triển sự ưu đãi thuế quan đơn phương để khuyến khích xuất khẩu./.