Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại
TCCS - Ngày 9-12-2022, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.
Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, cả thế giới chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” của không quân chiến lược Mỹ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long vốn giàu truyền thống anh hùng lại ghi thêm chiến công hiển hách: “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá, chiến công trên bầu trời Hà Nội là “Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”; là minh chứng hùng hồn cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho dự đoán thiên tài của Bác Hồ từ năm 1967: “Sớm muộn gì B-52 cũng đưa ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Dự đoán chính xác ấy đã giúp bộ đội phòng không - không quân và dân, quân Hà Nội sớm có quyết tâm chuẩn bị mọi tình huống và kế hoạch tác chiến, để đối phó khi B-52 đánh phá Thủ đô.
Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, bị giáng những đòn nặng nề trong cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam và thất bại trong Chiến dịch Linebacker đánh phá quy mô lớn miền Bắc (từ đầu tháng 4-1972 đến cuối tháng 10-1972), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đồng thời tạo áp lực buộc ta phải ký kết Hiệp định Paris với những điều kiện có lợi cho Mỹ, Tổng thống Mỹ R. Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12-1972, mang mật danh Linebacker II. Chính quyền Mỹ huy động gần 50% số máy bay chiến lược B-52 mà Mỹ có, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã, mục tiêu quan trọng ở miền Bắc; đồng thời tiếp tục thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến năm 1971.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sớm đón bắt được âm mưu của Mỹ, ngày 24-11-1972, kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 được Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn, trong đó xác định, tập trung cao nhất lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, với đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ. Các trung đoàn tên lửa sử dụng 2 đến 3 tiểu đoàn bố trí đội hình đánh máy bay địch bao gồm vòng trong và vòng ngoài, tập trung hỏa lực tiêu diệt B-52; các tiểu đoàn, trung đoàn pháo phòng không tập trung đánh máy bay cường kích bổ nhào và bay thấp bảo vệ các mục tiêu trọng điểm và trận địa tên lửa...; không quân sử dụng lực lượng nhỏ, bí mật, bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn và chặn đánh máy bay B-52 ngoài vùng hỏa lực của tên lửa và pháo phòng không; các đơn vị ra-đa sử dụng hỗn hợp các loại máy, kết hợp tuyến ngoài và tuyến trong phát hiện mục tiêu từ sớm, từ xa, thông báo nhanh, chuẩn xác, bảo đảm dẫn đường cho không quân ta cất cánh đánh B-52; các đơn vị dân quân, tự vệ tập trung đánh máy bay bay thấp, theo dõi bắt phi công Mỹ nhảy dù khi máy bay bị bắn rơi.
Khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng phòng quân - không quân, Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, thế trận đánh B-52 của lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ khu vực mục tiêu chủ yếu là Hà Nội được tạo lập trên cơ sở bố trí toàn bộ lực lượng tên lửa phòng không ở vòng trong, bảo đảm tập trung lực lượng đánh B-52 từ mọi hướng, đánh địch cả khi bay vào và bay ra, gây nhiều khó khăn cho không quân Mỹ. Về sử dụng lực lượng, tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt, tập trung đánh B-52 ban đêm. Lực lượng không quân được sử dụng để đánh tiêu diệt và cản phá B-52 từ xa, ngoài khu vực hỏa lực của tên lửa, phá vỡ đội hình chiến thuật của địch, buộc chúng phải bộc lộ lực lượng trong vùng nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tên lửa đánh địch. Lực lượng không quân hiệp đồng cùng với pháo cao xạ đánh địch tại khu vực bảo vệ mục tiêu và tên lửa vào giữa các đợt đánh của B-52 và ban ngày. Lực lượng súng, pháo phòng không được bố trí đánh địch rộng khắp, trong đó, pháo phòng không 100mm được bố trí ở các khu vực trọng điểm, tăng cường hỏa lực đánh B-52. Ở khu vực mục tiêu bảo vệ chủ yếu, bố trí hỗn hợp giữa pháo phòng không và tên lửa phòng không cùng các loại súng máy phòng không để bảo vệ. Bộ đội ra-đa tăng cường các biện pháp, khắc phục nhiễu phát hiện địch từ xa và thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng tránh và đánh địch, nhất là B-52. Lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ được huy động đông đảo để trinh sát, phát hiện, đánh mục tiêu bay thấp và vây bắt giặc lái.
Trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 57, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân chia sẻ, Tiểu đoàn Tên lửa 57 bắn rơi 2 máy bay B-52, trong đó có một máy bay địch cháy to rơi tại núi Đôi, Vĩnh Phúc, vào lúc 5 giờ 19 phút, góp phần vào thành tích bắn rơi 7 máy bay B-52 của bộ đội ta trong đêm 20, rạng ngày 21-12-1972. Chiến dịch tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, 12 ngày đêm, nhưng là cuộc chiến đấu không cân sức, cam go, khốc liệt. Bộ đội tên lửa với tinh thần “quyết tử để Thủ đô quyết sinh” đã quyết đánh, biết đánh, dám đánh và tiêu diệt nhiều máy bay chiến lược của đế quốc Mỹ, góp phần vào thành công chung của chiến dịch lịch sử.
Trung tướng, PGS, TS. Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an nhận định, chiến thắng lịch sử này đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong mối quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng quân đội và công an, ghi dấu thắng lợi của sự vận dụng đường lối quần chúng, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện phương châm của Đảng “giữ dưới đất là chính, giữ nội địa là chính”, trước khi diễn ra chiến dịch phòng không, lực lượng công an đã kết hợp với các cấp chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự; phòng gian, bảo mật các hoạt động quân sự địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm. Lực lượng công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tiến hành “làm sạch” địa bàn, phát hiện, bóc gỡ tổ chức, cá nhân phản động nguy hiểm, nhất là đối tượng biệt kích, gián điệp và các phần tử nằm vùng. Điển hình là phá vụ án gián điệp Mỹ ở cảng Hải Phòng, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn một số phần tử tay sai cài cắm trong số đồng bào Quảng Trị sơ tán ra khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình. Đồng thời, phối hợp mở đợt tấn công trấn áp những phần tử có thể gây nguy hại đến an ninh chính trị, trật tự trị an; quản thúc, di lý nhiều đối tượng tội phạm ra khỏi địa bàn chiến dịch. Vì thế, địa bàn trọng điểm được xác định địch sẽ tập trung đánh phá được bảo đảm về chính trị, an toàn về an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng trên mặt trận đối không đánh bại không quân địch.
Với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18-12 đến ngày 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký kết Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, góp phần tạo bước ngoặt quyết định và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Về tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, với Hà Nội, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội những bài học kinh nghiệm quý, nhất là về lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời chiến trước vô vàn những khó khăn, gian khổ, ác liệt, mất mát, hy sinh. Những bài học kinh nghiệm quý và ý chí ấy vẫn vẹn nguyên giá trị đối với Thủ đô hôm nay, đặc biệt trong bối cảnh đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen... Đó là bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; về phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi, đảng bộ cơ sở; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vai trò làm chủ của nhân dân...; trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của mọi cấp ủy, tổ chức đảng, cần được tiến hành thường xuyên, kiên trì và lâu dài.
Đã 50 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.
Một số bài học kinh nghiệm của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không năm 1972  (26/12/2021)
Phát huy “sức mạnh mềm” trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam  (23/09/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển