Một số bài học kinh nghiệm của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không năm 1972
TCCS - Thời gian ngày càng lùi xa, nhưng âm hưởng của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ XX. Những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết là những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được chắt lọc, vận dụng trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cuối năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, chiến thắng này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngay từ cuối năm 1967, Bác Hồ đã triệu tập đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đến báo cáo tình hình. Bác nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(1). Quán triệt sự chỉ đạo của Bác, trên cơ sở dày công nghiên cứu rút kinh nghiệm từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài, các thủ đoạn hoạt động của địch, qua một số lần bổ sung, điều chỉnh, đến tháng 9-1972, Quân chủng Phòng không - Không quân cơ bản hoàn thiện được “Phương án đánh máy bay B-52”. Ngày 31-10-1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị cán bộ để phổ biến, trao đổi kinh nghiệm cách đánh B-52; sau đó tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu; các cơ quan, đơn vị tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; đôn đốc, kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Ngày 24-11-1972, kế hoạch tác chiến đánh trả các đòn tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ đã được Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. Đầu tháng 12-1972, sau khi nghe đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không - Không quân báo cáo kế hoạch đánh B-52, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh, để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng. Ngày 3-12-1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo lên Bộ Tổng Tham mưu, nhấn mạnh, mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B-52 đã xong, quyết tâm của Quân chủng kiên quyết không để bị bất ngờ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B-52.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sớm có kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Theo đó, ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18-12-1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B.52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo. Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B-52 của Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ”(2). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, “siêu pháo đài bay B-52” thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” được ký kết.
Xét về mặt chính trị: Đây là thất bại toàn diện của đế quốc Mỹ. Vào tháng 10-1972, giữa Việt Nam và Mỹ có thể đã đi tới ký kết một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Nhằm giữ thể diện của một siêu cường quân sự và để rút lui trong danh dự, Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch ném bom lần cuối này với ý định “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, giảm bớt sự tấn công của ta tại miền Nam. Nhưng cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B-52 của Mỹ đã thất bại.
Bị tổn thất quá nhiều về máy bay chiến lược, không ép được ta bằng thế mạnh, lại bị nhân dân trong nước Mỹ và trên thế giới phản đối kịch liệt, Ních-xơn đã phải ra lệnh chấm dứt không điều kiện cuộc tập kích, phải chịu thua trên bầu trời Hà Nội, để rồi sau đó, buộc phải chấp nhận thêm cuộc thua trên bàn đàm phán ở Pa-ri. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết sẽ không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, cam kết rút hết quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ về nước. Mỹ “cút” tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhân dân ta tiến lên đánh cho Ngụy “nhào”, kết thúc trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Xét về mặt quân sự: Cuộc tấn công của Mỹ cuối tháng 12-1972 với tên gọi Lai-nơ Bếch-cơ II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam sau khi Hội nghị Pa-ri bế tắc và đổ vỡ. Trong 12 ngày đêm, với chủ công là pháo đài bay bất khả chiến bại B-52, không quân Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom xuống miền Bắc, trong khi đó lực lượng phòng không - không quân Việt Nam được trang bị không lớn (14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, 50 máy bay tiêm kích MIG và một hệ thống pháo phòng không các loại). Do vậy, chiến dịch này thất bại là đòn tâm lý nặng nề cho giới quân sự Hoa Kỳ, bởi đây là chiến dịch mà phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình để chống lại sở đoản của đối phương (trình độ khoa học - công nghệ), nhưng cuối cùng đã thất bại.
Thắng lợi của trận đánh Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không để lại cho chúng ta một số bài học kinh nghiệm quý báu.
Một là, đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu và hành động chiến tranh của địch, bảo đảm sự chủ động về mọi mặt để đối phó thắng lợi khi tình huống xảy ra.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 là thực tiễn sinh động thể hiện tư duy chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Đảng, trước hết ở khả năng nhận định, đánh giá tình hình. Bởi ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm dự báo được tình hình. Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học quy luật chiến tranh, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và những động thái mang tính thụ động của chúng; đồng thời, căn cứ vào những chuyển biến có lợi đối với ta ở chiến trường miền Nam, nhất là từ sau chiến thắng của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Đảng ta nhận định, với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, mà chúng sẽ sử dụng biện pháp quân sự, hòng tạo thế mạnh để buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ; ngược lại, còn chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả “tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao. Bài học này còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hai là, kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng.
Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972 nói riêng là đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Nhờ đường lối đó, cùng với phương châm chỉ đạo chiến lược tài tình, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước phát huy sức mạnh tổng hợp, ý chí quyết đánh, quyết thắng quân xâm lược của toàn dân tộc để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng lớn máy bay chiến lược B-52 (một trong bộ ba vũ khí răn đe chiến lược của chúng), hòng đưa “Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, đè bẹp tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân ta và giành lợi thế để ép ta trong đàm phán, song đã thất bại thảm hại. Sự thất bại đó là tất yếu, bởi chúng ta có sức mạnh do nhiều yếu tố tạo thành; trong đó, yếu tố quan trọng, quyết định nhất là sự lãnh đạo của Đảng đã đề ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời để quân và dân ta, trực tiếp là quân và dân Hà Nội, nòng cốt là lực lượng phòng không - không quân chủ động tiến hành công tác chuẩn bị và thực hành chiến dịch, nêu cao ý chí chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, “vạch nhiễu tìm thù”, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, lựa chọn cách đánh phù hợp, đánh bại “pháo đài bay B-52”, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Ba là, xây dựng tinh thần chủ động, quyết đánh và quyết thắng cho bộ đội phòng không - không quân.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(3), có như vậy mới tránh được tổn thất do địch bất ngờ gây ra, còn ta phát huy được hiệu quả chiến đấu cao. Theo đó, ngay từ tháng 5-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động Đoàn Tên lửa Hạ Long cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52 tại chiến trường Vĩnh Linh. Đây là một quyết tâm rất cao thể hiện tư tưởng tích cực, chủ động tiến công của các đơn vị quân binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau thời gian dài kiên trì bám trụ trận địa phục kích đánh B-52, đến tháng 9-1967, Đoàn Hạ Long đã bắn rơi B-52.
Từ tháng 2-1968, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng kế hoạch tác chiến đánh máy bay B-52 của Mỹ. Đến giữa năm 1972, Quân chủng liên tiếp điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MIG vào Khu 4 để chi viện cho chiến dịch Trị - Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52 và đã bắn rơi B-52. Tuy chưa bắn rơi tại chỗ và chưa bắt sống được giặc lái, nhưng kinh nghiệm được đúc kết từ những trận đánh này là cơ sở thực tiễn rất quý giá, trực tiếp giúp Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng phương án đánh B-52. Mặt khác, từ cuối năm 1972, bộ đội phòng không - không quân phải một lúc đảm đương ba nhiệm vụ nặng nề: vừa tiếp tục tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành ở chiến trường miền Nam, bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, vừa phải bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4 và trên tuyến cửa khẩu vượt Trường Sơn, đồng thời luôn phải sẵn sàng đánh trả cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.
Trước tình hình đó, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn về âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhất là thủ đoạn sử dụng máy bay B-52 đánh phá quy mô lớn ở miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng. Trên cơ sở đó, động viên tinh thần tích cực, chủ động của các đơn vị trong Quân chủng xây dựng quyết tâm, kế hoạch đánh B-52. Có thể khẳng định, sự chủ động về tinh thần, ý chí và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
Bốn là, bài học về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân.
Một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chúng ta đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, nhất là lực lượng phòng không ba thứ quân, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân để đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo, ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tham chiến ở miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng các đơn vị tên lửa, ra-đa, không quân và một số đơn vị bảo đảm kỹ thuật vững mạnh, kết hợp với củng cố lực lượng phòng không địa phương rộng khắp ở miền Bắc để sẵn sàng đối phó các bước leo thang chiến tranh của địch. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm tạo nên thế và lực để đối phó hiệu quả với “pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ; đồng thời, có đủ khả năng đánh địch rộng khắp, có chiều sâu trên mặt trận đối không. Cùng với đó, việc bố trí lực lượng phòng không ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc được coi trọng thực hiện, nên đã phát huy khả năng chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, tạo nên “lưới lửa phòng không” đánh máy bay địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, cả ngày lẫn đêm. Nét đặc sắc của bài học này còn được thể hiện rõ trong việc bố trí, tổ chức đánh rộng khắp, nhiều loại máy bay địch, nhưng tập trung vào máy bay B-52 trên khu vực tác chiến chủ yếu là địa bàn Thủ đô Hà Nội, với bộ đội phòng không - không quân làm nòng cốt, bộ đội tên lửa làm chủ công. Vì vậy, với sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt cùng nghệ thuật tác chiến phòng không đặc sắc, sử dụng lực lượng hợp lý, quân và dân ta đã đánh thắng giòn giã nhiều trận, nhất là các trận then chốt quyết định, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52, làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của địch.
Năm là, sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Nhìn chung, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi chung của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, của phong trào cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Do cuộc kháng chiến của ta sáng ngời chính nghĩa, nên chúng ta không đơn độc. Nhân dân ta đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Đặc biệt, chúng ta nhận được sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và nguồn lực vật chất, tinh thần. Cùng với đó, còn có sự đoàn kết keo sơn, chung một chiến hào, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Tất cả những nhân tố đó góp phần tạo thành động lực và sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn./.
---------------------
(1) Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203
(2) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, t. VII, tr. 355
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, t. 8, tr. 552
Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/09/2021)
Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/09/2021)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên