Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 2-3-2009 đến 8-3-2009)
1. Nga và Tây Ban Nha tăng cường quan hệ đối tác chiến lược
Ngày 3-3-2009, tại Ma-đrít (Tây Ban Nha), Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép và Thủ tướng Hô-xê Lu-ít Rô-đri-ghết Xa-pa-tê-rô đã ký Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược song phương nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và giáo dục; phối hợp hành động cao hơn, hữu hiệu hơn trong quan hệ song phương cũng như trên trường quốc tế. Hai bên thoả thuận hoàn thiện cơ chế trao đổi ý kiến cấp nhà nước thường xuyên nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương và khẳng định quyết tâm hợp tác đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và buôn lậu ma túy, khắc phục hậu quả thiên tai; chủ trương phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế - thương mại, quốc phòng, nghiên cứu khoa học; sử dụng năng lượng hạt nhân và khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình; đẩy mạnh hoạt động trao đổi văn hoá - xã hội, giao lưu giữa công dân hai nước. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có hiệp định về vận chuyển qua Nga hàng hóa cho quân đội Tây Ban Nha đang tham gia Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Áp-ga-ni-xtan và các thoả thuận hợp tác về du lịch, năng lượng, vận tải, ngân hàng.
2. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên vượt qua cơn "bão" tài chính
Ngày 3-3-2009, trong buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng người Hàn Quốc tại Niu Di-lân, Tổng thống Li Miêng Pắc khẳng định, Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt chính sách bình ổn mới, trong đó có biện pháp tăng cường tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Mặc dù ngoại thương của Hàn Quốc bị thâm hụt trong năm 2008 (lên tới 13,2 tỉ USD), song năm qua cũng đã ghi nhận một mốc mới trong lịch sử phát triển kinh tế nước này, với kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 400 tỉ USD, mức kỳ vọng suốt 44 năm qua. Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 11 thế giới với các hàng hóa chính là tàu biển, thiết bị truyền thông, ô tô, hàng dệt may,v.v..
3. Mỹ công bố tài liệu mật về cuộc chiến chống khủng bố
Ngày 3-3-2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã công bố 9 bản ghi nhớ và quan điểm về các hoạt động chống khủng bố dưới thời cựu Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ như việc các nghị sỹ thảo luận biện pháp để nghe trộm các cuộc điện thoại mà không cần phải được cơ quan chức năng nào cho phép. Các bản ghi nhớ nêu ra các quyền ngoại lệ của quan chức Mỹ, theo đó được lục soát và bắt giữ các nghi can. Xuyên suốt các trang của văn kiện này là lời kết luận tổng thống có quyền "dẹp sang một bên" các quy định trong Hiến pháp của nước Mỹ. Phát biểu trước khi các tài liệu trên được công bố, Bộ trưởng Tư pháp Ê-rích Hâu-đơ nhấn mạnh: "Suốt thập kỷ qua, cuộc chiến chống khủng bố được xem như cuộc chiến không kết quả về quyền tự do dân sự". Bộ trưởng Hâu-đơ cam kết sẽ không sử dụng biện pháp "trấn nước" vì "công nghệ thẩm vấn" này chẳng khác gì một hình thức tra tấn. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã hủy 92 băng video thẩm vấn các nghi can khủng bố, con số cao hơn nhiều so với những công bố trước đây. Chính quyền mới cũng cam kết bắt đầu giao các tài liệu liên quan cho một thẩm phán liên bang và công bố mọi thông tin liên quan tới vụ việc này.
4. Nhóm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức (P5+1) sẵn sàng đàm phán trực tiếp với I-ran
Ngày 3-3-2009, trong khuôn khổ cuộc họp kín của Ban Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở Viên (Áo), nhóm P5+1 đã ra tuyên bố chung khẳng định sẵn sàng đàm phán trực tiếp với I-ran để giải quyết bất đồng liên quan tới chương trình hạt nhân của I-ran. Nhóm này kêu gọi Tê-hê-ran tận dụng cơ hội này để có thể tiến tới giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua thương lượng. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nhóm P5+1 ra được tuyên bố chung về vấn đề hạt nhân của I-ran tại một cuộc họp của IAEA. Tại cuộc họp của Ban Giám đốc gồm 35 nước thành viên IAEA, nhóm 6 quốc gia trên đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về những tiến triển trong chương trình hạt nhân của I-ran cũng như việc Tê-hê-ran gia tăng những hạn chế đối với hoạt động của các thanh sát viên Liên hợp quốc ở I-ran. Tuy nhiên, các nước này không đề cập tới những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để kiềm chế I-ran.
5. Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Xu-đăng
Ngày 4-3-2009, người phát ngôn Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Lô-ren-xơ Blai-rôn (Laurence Blairon) cho biết, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Xu-đăng Ô-ma an Ba-xi (Omar al-Bashir) vì các tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người tại Đa-phơ. Đây là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm và gây ra các phản ứng trái ngược nhau trong nội bộ của Xu-đăng cũng như trên thế giới. Người phát ngôn của Tổng thống Xu-đăng, ông Mu-xta-pha Ô-xman I-xma-in (Mustafa Osman Ismail) cáo buộc quyết định phát lệnh bắt Tổng thống Ba-xi của ICC là một phần trong kế hoạch của "chủ nghĩa thực dân mới". Liên minh châu Phi (AU), Trung Quốc, Liên đoàn A-rập (AL) đã cảnh báo quyết định của ICC sẽ gây mất ổn định khu vực, làm tồi tệ hơn tình hình tại Đa-phơ. Nga coi quyết định của ICC là "một tiền lệ nguy hiểm". Ngoại trưởng Ai Cập A-mét A-bun Ghê-ít (Ahmed Abul Gheit) còn đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp với nội dung yêu cầu ICC đình chỉ lệnh bắt Tổng thống Xu-đăng. Trong khi đó, các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh, Đức lại ủng hộ ICC.
6. Quan hệ Mỹ-Iran chưa có dấu hiệu tiến triển
Ngày 4-3-2009, phát biểu tại một cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề Pa-le-xtin ở Tê-hê-ran, nhà lãnh đạo tối cao I-ran Ha-mê-ni (Khamenei) đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đi theo lối mòn của người tiền nhiệm và ủng hộ I-xra-en. Ông Ha-mê-ni cho rằng, dù ông Ba-răc Ô-ba-ma đã lên nắm quyền với nhiều hứa hẹn, nhiều khẩu hiệu về sự thay đổi chính sách so với cựu Tổng thống G.W.Bu-sơ, nhưng cho đến nay, ông lại đang ủng hộ I-xra-en vô điều kiện. Trước đó, Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma từng cho biết, bộ máy của ông đang tìm kiếm các biện pháp giảm căng thẳng đang leo thang trong quan hệ Mỹ với I-ran. Tổng thống I-ran cũng hoan nghênh các cuộc đối thoại với Mỹ, nếu cả hai có sự tôn trọng lẫn nhau, nghĩa là Oa-sinh-tơn phải ngừng cáo buộc I-ran theo đuổi vũ khí hạt nhân và hỗ trợ khủng bố.
7. Nga lại cảnh báo cắt nguồn cung khí đốt cho U-crai-na và châu Âu
Ngày 4-3-2009, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) trong chuyến thăm Pháp, Thủ tướng U-crai-na Y-u-li-a Ti-mô-sen-cô (Yulia Tymoshenko) tuyên bố, châu Âu có thể coi U-crai-na là một đối tác tin cậy trong việc vận chuyển quá cảnh khí đốt của Nga tới khu vực này. Bà Ti-mô-sen-cô khẳng định, Ki-ép sẽ tuân thủ nghiêm ngặt mọi thỏa thuận đạt được giữa U-crai-na và Nga trong việc vận chuyển quá cảnh khí đốt cho châu Âu. Bà cũng cam kết rằng, U-crai-na sẽ thanh toán khoản nợ mua khí đốt cho Nga trên cơ sở một "phương thức rõ ràng" mà hai bên đã thỏa thuận nhằm tránh khả năng phát sinh xung đột. Ngay sau đó, ngày 5-3, Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin cảnh báo, Mát-xcơ-va sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho U-crai-na, và có thể cả châu Âu, nếu Ki-ép không thanh toán toàn bộ tiền mua khí đốt trong tháng 2-2009 cho Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vào ngày 7-3-2009. Cảnh báo trên của Thủ tướng Nga được đưa ra sau khi Cơ quan an ninh U-crai-na (SBU), ngày 4-3-2009, tiến hành lục soát trụ sở Tập đoàn dầu khí quốc doanh Naftogaz của U-crai-na bị cáo buộc biển thủ khoảng 920 triệu USD tiền lấy cắp khí đốt vận chuyển từ Nga sang châu Âu quá cảnh U-crai-na.
8. NATO quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga
Ngày 5-3-2009, tại cuộc gặp ở Brúc-xen, các ngoại trưởng 27 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga. Tổng Thư ký NATO Giáp đờ Hốp Sếp-phơ (Jaap de Hoop Scheffer) cho biết, NATO chủ trương nối lại các cuộc đàm phán cấp cao chính thức với Nga, hay còn gọi là các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga, cả ở cấp đại sứ và bộ trưởng. Ông chưa đưa ra thời gian hay địa điểm cụ thể cho cuộc tiếp xúc đầu tiên nhưng khẳng định, sự kiện này sẽ diễn ra ngay sau cuộc họp thượng đỉnh NATO - kỷ niệm 60 năm ngày thành lập liên minh này, dự kiến diễn ra trong các ngày 3-4 và ngày 4-4-2009.
9. Trung Quốc thâm hụt ngân sách kỷ lục 139 tỉ USD năm 2009
Ngày 5-3-2009, Trung Quốc thông báo thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2009 sẽ là 139 tỉ USD, mức cao nhất trong vòng 6 thập kỷ qua, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy chi tiêu để giảm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Trong báo cáo của Chính phủ công bố tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, tổng thâm hụt ngân sách chiếm gần 3% GDP. Trong đó, thâm hụt ngân sách của chính phủ trung ương 750 tỉ NDT, tăng 570 tỉ NDT so với năm 2008. Bên cạnh đó, chính phủ cho phép các chính quyền địa phương phát hành 200 tỉ NDT trái phiếu chính phủ thông qua Bộ Tài chính. Chính phủ Trung Quốc cam kết, năm 2009 chi khoảng 42,48 tỉ USD cho mạng lưới an sinh xã hội, tăng 17,6% so với năm 2008. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc dự kiến tăng 20% trợ cấp cho khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp lên 716, 1 tỉ NDT (104,6 tỉ USD), trong đó tăng 26% trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng ngũ cốc và tăng 25% cho các mặt hàng nông sản cao cấp. Chính phủ cũng tăng mạnh ngân sách hỗ trợ nông dân mua máy móc, công cụ và các vật dụng gia đình. Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc dự kiến tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2009 sẽ đạt gần 8%.
10. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ
Ngày 5-3-2009, nhân dịp khởi động một chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi chấm dứt hiện tượng bạo hành đối với phụ nữ, đồng thời coi đây là một tai họa khôn lường mang tầm ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng. Tổng thư ký Liên hợp quốc còn gọi bạo lực chống lại phụ nữ là một hành vi đáng ghê tởm và vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Năm 2008, Liên hợp quốc đã phát động một chiến dịch toàn cầu mang tên “Liên kết nhằm chấm dứt tình trạng bạo hành phụ nữ”. Bản báo cáo của Liên hợp quốc trong năm đó chỉ ra rằng, cứ 5 người phụ nữ trên hành tinh thì có 1 người đã từng bị cưỡng đoạt hay phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng đoạt. Trong khi đó, tình trạng tại một số quốc gia còn trở nên nghiêm trọng hơn khi cứ 3 phụ nữ thì có một người đã từng bị đánh đập hay lạm dụng.
11. Hội nghị giải trừ quân bị
Lễ phát động Chương trình “Điện Biên cất cánh”  (10/03/2009)
Lãi suất huy động tăng nhẹ  (10/03/2009)
Ðộng thái phá băng trong quan hệ Nga và phương Tây  (10/03/2009)
Việt Nam mong muốn hợp tác sâu rộng với Ca-ta  (10/03/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên