TCCS - Quảng Trị là một trong những tỉnh ở khu vực duyên hải miền Trung làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt cho người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Từ năm 2008, năm bắt đầu thực hiện nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến nay, với việc thực hiện tốt các nghị quyết, chính sách của Trung ương và địa phương, toàn tỉnh đã có hàng nghìn gia đình thoát nghèo bằng các cách thức khác nhau.

Với sự đầu tư có hiệu quả của các chính sách khuyến nông, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh không ngừng được duy trì, bình quân đạt 3,3%/năm, sản lượng lương thực cây có hạt đạt 24,61 vạn tấn/năm, cao hơn kế hoạch 2,54%/năm, đời sống của người nông dân trên khắp các vùng quê của tỉnh không ngừng được nâng lên. Năm 2018, mức sống bình quân theo GRDP/đầu người trong tỉnh đạt trên 42 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Giải pháp đồng bộ

Việc triển khai đồng bộ và kịp thời các chủ trương của Đảng, sự thống nhất nhận thức trong cán bộ và người dân là một trong những tiền đề quan trọng để tỉnh tạo ra sự thay đổi căn bản trong các vùng quê hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời, tiếp đến là Quyết định số 800/QĐ-TTg, Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ Tiêu chí nông thôn mới được ban hành, tỉnh tổ chức tốt việc học tập, quán triệt cho hơn 6.000 lượt cán bộ, đảng viên ở các cấp. Để nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện tốt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động số 72-CTHĐ/TU ngày 31-12-2008, tiếp đó là Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 17-8-2011 và các văn bản khác để cụ thể hóa những vấn đề thực tế đang đòi hỏi cần tập trung giải quyết và cũng là nhằm tổ chức, huy động đúng các nguồn lực tại chỗ, chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, từng bước thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, hiệu quả.

Qua điều tra, khảo sát, tỉnh xác định, muốn cơ cấu lại sản xuất, xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ngoài các yếu tố kỹ thuật, như cơ giới hóa, cải tạo cây, con giống, đưa các giống mới có năng suất cao vào gieo trồng thì yếu tố lao động, việc làm, giải quyết việc làm thường xuyên cho người nông dân là rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết tạo tiền đề cho người nông dân có thể an tâm xây dựng cuộc sống mới, khá giả trên chính quê hương mình. Để đáp ứng yêu cầu này, tỉnh tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp rà soát lại toàn bộ các chỉ số về lao động, việc làm của tất cả các khu vực dân cư. Qua đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan, như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn… điều chỉnh lại quy hoạch ngành, vùng và địa bàn sản xuất, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với các vùng dân cư, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để Chương trình, Kế hoạch hành động số 72-CTHĐ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cán bộ, đảng viên và người dân quán triệt tốt, tỉnh giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan truyền thông trong tỉnh, như Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị… làm lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, cổ động, vận động toàn dân triển khai kế hoạch theo từng bước cụ thể. Nhằm duy trì phong trào chung, hằng năm, ngoài tổ chức tốt lực lượng báo cáo viên báo cáo trực tiếp với dân, tỉnh đã phát đến cơ sở hàng trăm nghìn bản tài liệu, tờ rơi, pa- nô, áp phích… có nội dung thiết thực, nêu rõ các mục tiêu cần phải được thực hiện. Ở tất cả các địa phương, trên cơ sở tinh thần tự quản, tỉnh lấy Mặt trận Tổ quốc làm nòng cốt tổ chức thực hiện tốt phong trào hành động cách mạng của toàn dân theo phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mọi ách tắc ở cơ sở đều được giải quyết trên tinh thần “lấy ý kiến của dân giải quyết chính chuyện của dân”, tất cả các việc làm vì dân, cho dân, bảo đảm tính dân chủ, công khai, đồng thuận.

Là một địa phương có nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vấn đề được tỉnh quan tâm giải quyết trước hết là điện, đường, trường, trạm. Đây là những vấn đề căn cơ để thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ sở thuận tiện cho những bước đi của việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, như chủ trương của tỉnh là làm cho người dân không chỉ thoát nghèo mà còn có thể làm giàu. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh thường xuyên hướng dẫn, động viên, cán bộ, đảng viên, người dân thực hiện các việc làm thiết thực, như xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, từng bước “dồn điền, đổi thửa”, thực hiện các quy trình kỹ thuật thâm canh mới… Tính từ năm 2008 đến nay, Quảng Trị đã đầu tư trên 46.909 tỷ đồng vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 38.157 tỷ đồng là vốn vay từ hệ thống ngân hàng được vận dụng cho vay theo dự án, chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn này, đã có hàng ngàn ngôi nhà của người dân, hàng ngàn ki-lô-mét đường… được làm mới, hàng chục thôn, bản ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng có được hệ thống giao thông thuận tiện. Tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn trong tỉnh liên tục giảm qua từng năm (bình quân giảm được khoảng 3%/năm).

Nguyên nhân của những chuyển biến tích cực

Việc quy hoạch hoàn thiện, đúng hướng, phù hợp với tiềm năng và đặc thù sản xuất của từng vùng đã có tác dụng định hướng tốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các địa phương trong tỉnh xem đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nhiều địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn, như các huyện Hướng Hóa, Đăkrông…, việc phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Chính quyền các địa phương đã chủ động tạo điều kiện để cho các hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai tốt các mô hình liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp theo hướng tăng cường sử dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo quy mô lớn bảo đảm các giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Mô hình liên kết “4 nhà” trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có giá trị kinh tế cao, như gạo hữu cơ ở huyện Triệu Phong, cà phê sạch ở thị trấn Khe Sanh… Theo hình thức này, chỉ tính từ năm 2016 đến 2018, tỉnh đã huy động được trên 38.000 tỷ đồng, trong đó có trên 2.352 tỷ đồng là nguồn vốn ODA và gần 942 tỷ đồng từ nguồn vốn NGO.

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị)_Nguồn: quangtri.gov.vn


Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho nông thôn là yếu tố tiền đề để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lồng ghép cùng với nguồn vốn khác, các địa phương trong tỉnh đã phát huy tối đa nguồn lực để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ thiết thực cho đời sống của người dân. Tính đến nay, có 56 xã/117 xã đạt tiêu chí về giao thông, có 98 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 116 xã đạt tiêu chí về điện, 91 xã đạt tiêu chí về truyền thông, 57 xã đạt tiêu chí về trường học. Trong 10 năm, nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn mới với tổng giá trị là 1.919,3 tỷ đồng, có 751,5km đường huyện, 529,7km đường xã, 1420,7km đường thôn, 1036,4km đường ngõ, xóm được thảm nhựa, thảm bê tông hoặc cứng hóa.

Những kết quả nêu trên là do tỉnh thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trước tiên là phát triển các ngành, nghề sản xuất, giải quyết tốt việc làm cho người lao động đúng hướng, phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị. Với 23 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp nghề và các trung tâm đào tạo nghề ở các huyện, thị có khả năng đào tạo được hàng nghìn lao động có tay nghề/năm. Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, tùy theo nhu cầu của các địa phương, vùng sản xuất, thời gian qua, các trường đã đào tạo được khoảng 98.865 lượt lao động, trong đó có 75 % số lao động trực tiếp tham gia công việc ở nông thôn với 74.148 lượt người. Qua đào tạo, một số lao động phát huy được nghề cũ, đồng thời một số lao động có điều kiện chuyển nghề mới, giúp tỷ lệ lao động trong các ngành, nghề cho thu nhập thấp, như nông nghiệp, lâm nghiệp… ngày càng giảm. Tỷ lệ trung bình số lao động trên địa bàn tỉnh là nông dân qua đào tạo có điều kiện chuyển qua các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp để phát triển, tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình đạt trên 1%/năm.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, cũng đạt nhiều thành quả quan trọng. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà duy trì phát triển, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân từng bước được nâng cao về chất lượng... là những yếu tố quan trọng để người dân tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng tại cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 106/117 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 93,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,5%, yếu tố an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách xã hội luôn được duy trì. Năm 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 11.000 lượt lao động, trong đó phần lớn là lao động nông thôn.

Hướng đến phát triển bền vững

Từ những bước đi căn cơ đã có, mục tiêu chung của tỉnh đến năm 2020 là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, phát triển hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu trên, trước mắt từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp từ 3,5% đến 4%/ năm, với những chỉ tiêu cụ thể là sản lượng lương thực cây có hạt đạt mức ổn định từ 25 đến 26 vạn tấn/năm, tỷ trọng giá trị sản lượng ngành trồng trọt đạt từ 50% đến 55%, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bảo đảm an toàn thực phẩm, duy trì và phát triển cánh đồng lớn từ 7.000ha đến 10.000ha. Trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, sử dụng đúng tiềm năng, quy mô sản xuất đối với vùng gò đồi, như Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Đăkrông, Cam lộ… phát triển mạnh các loại cây ăn trái, dược liệu, như chuối, bơ, dứa, cà gai leo, đinh lăng, chè vằng… Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 50% đến 55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% đến 2%/năm, riêng xã Đăkrông giảm 4%/năm.

Biện pháp quan trọng đầu tiên để tỉnh thực hiện các mục tiêu trên là tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và nhân dân từ tỉnh đến cơ sở quán triệt nâng cao nhận thức về các nghị quyết, quyết định, chương trình, dự án… của Trung ương, của địa phương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại. Trên cơ sở đã quy hoạch tỉnh sử dụng tổng hợp các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển sản xuất theo vùng, ngành và liên ngành, tăng kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở này, tùy theo đặc điểm, năng lực sản xuất của từng vùng, từng ngành, tỉnh tiếp tục củng cố hoạt động của các hợp tác xã, các doanh nghiệp nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện để các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hình thành các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, có thể cạnh tranh trên thương trường trong nước và khu vực.

Biện pháp thứ hai là, thực hiện nhất quán quan điểm phát triển nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… theo hướng đa dạng hóa; phát triển thị trường lao động, việc làm, chú ý các ngành, nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập và đời sống của người lao động, nhất là người lao động ở các vùng còn khó khăn. Tỉnh chỉ đạo để các địa phương khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình hiệu quả liên kết “4 nhà”, tiếp tục thực hiện tốt chính sách “dồn điền, đổi thửa” nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất đúng hướng, đúng quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung không ngừng nâng cao giá trị, phẩm cấp sản phẩm, như cà phê, hạt tiêu, lúa chất lượng cao…

Biện pháp thứ ba là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh chỉ đạo các địa phương duy trì tốt các phong trào hành động có hiệu quả thiết thực ở cơ sở, như phong trào đoàn kết cùng giúp nhau thoát nghèo, phong trào tự quản giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường văn hóa, giữ gìn làng quê xanh - sạch - đẹp. Từ cơ sở này, tỉnh chỉ đạo xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng không dùng các chế phẩm hóa học độc hại, như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… nhằm làm cho cuộc sống mới của người nông dân ngày càng được nâng cao, phục vụ thiết thực nhu cầu sống hằng ngày của quảng đại người dân trong tỉnh./.